Cư dân Bắc Kinh: Năm nay không được mời về quê ăn Tết mà mời về để chịu tang

Mary Hong

Cư dân Bắc Kinh: Năm nay không được mời về quê ăn Tết mà mời về để chịu tang
Một người cha ôm con gái của mình vào lòng tại sảnh đến ga quốc tế của Phi trường Thủ đô Bắc Kinh ở Bắc Kinh hôm 08/01/2023. (Ảnh: Kevin Frayer/Getty Images)

Mặc dù Tết Nguyên Đán vẫn diễn ra 15 ngày trọn vẹn, từ ngày 22/01 đến ngày 05/02 (tức mùng 1 đến hết 15 Âm lịch), nhưng người dân Trung Quốc dường như không có tâm trạng ăn mừng.

Người dân Bắc Kinh đã phải đối mặt với số ca nhiễm COVID tăng vọt sau khi chính quyền bất ngờ dỡ bỏ lệnh phong tỏa và nới lỏng các hạn chế COVID. Thay vì ăn mừng Tết Nguyên Đán, thì người dân Bắc Kinh lại phải đối mặt với số lượng người tử vong quá lớn và dịch vụ hỏa táng tồn đọng. Những ca tử vong xảy ra trong các nhà tù là một thảm kịch khác mà nhà cầm quyền sẽ không bao giờ tiết lộ cho thế giới bên ngoài.

“Chẳng có lời chúc mừng năm mới nào, mà chỉ toàn đi dự đám tang thôi,” một người họ hàng ở Bắc Kinh nói với anh Trình, một cư dân New York.

Anh Trình, có vợ là người Bắc Kinh, đã quen biết và có nhiều mối quan hệ rộng rãi sau 10 năm anh làm ăn kinh doanh ở thành phố này. Anh trở lại New York vào năm 2020.

Hôm 22/01, anh Trình nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng thân hữu của anh ở Bắc Kinh đã được quan chức ủy ban y tế Trung Quốc thông báo rằng ít nhất 10% đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc đã qua đời.

The Epoch Times không thể kiểm chứng được con số thống kê nói trên.

Theo anh Trình, ba người thân của vợ anh ở Bắc Kinh đã qua đời trong đợt bùng phát dịch bệnh hồi tháng 12/2022.

Anh Trình cho rằng đợt bùng phát dịch lần này ở Trung Quốc có thể dùng từ “càn quét” để mô tả.

Chờ ba tháng để hỏa táng

Năm người lớn tuổi mà anh quen ở quận Phòng Sơn, trong đó có một người là Cục phó Cục Công an, đã qua đời nhưng không ai trong số họ được hỏa táng.

Kể cả có quen biết trong ngành dịch vụ tang lễ, nhưng vị phó giám đốc đó cũng nằm trong danh sách chờ kéo dài ba tháng. “Rõ ràng là, một số người quá cố còn có địa vị cao hơn ông ta,” anh Trình nói.

Thời gian chờ ba tháng thì sẽ bảo quản thi hài ở đâu? Anh Trình được biết rằng hài cốt được bảo quản trong các container lạnh (tủ đông) chuyên dùng cho thịt lợn đông lạnh trong trường hợp kho lạnh của nhà tang lễ đã kín chỗ; nhưng bây giờ ngay cả các container đó cũng không còn chỗ chứa, vậy nên nhiều gia đình phải bảo quản hài cốt của người thân trong xe hơi riêng, mỗi xe chứa được năm thi thể, sau đó họ lái xe đi đậu ở một nơi nào đó khác và đợi cho đến khi có thể hỏa táng.

Anh Trình cho biết chuyện này rất phổ biến. Một quan chức từ Cục quản lý Xuất Nhập cảnh (thuộc bộ công an) nói với anh rằng có ít nhất 200,000 thi thể ở Bắc Kinh đang chờ được hỏa táng.

“Mười phần trăm đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc [ĐCSTQ] đã qua đời,” bạn của anh Trình làm việc trong Ủy ban Y tế Quốc gia đảm trách bộ phận theo dõi tình hình dân số và kế hoạch hóa gia đình nói với anh.

Trước đó, The Epoch Times đã đưa tin cho biết, kể từ cuối tháng Mười Một, hơn 330 người nổi tiếng, quan chức, và học giả Trung Quốc đã qua đời khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại trên khắp đất nước.

Một bệnh nhân thở oxy được đẩy trên băng ca vào một phòng cấp cứu đông đúc tại một bệnh viện ở Bắc Kinh, Trung Quốc, hôm 02/01/2023. (Ảnh: Getty Images)

Rất nhiều ca tử vong trong nhà tù chưa được tiết lộ

Anh Trình cho hay một người quen vừa mới ra tù nói với anh rằng dịch bệnh cũng lây lan ở trong tù trước khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ hôm 07/12/2022.

Theo lời kể của người bạn đã từng thụ án tại Nhà tù số 2 Bắc Kinh của anh Trình thì một viên công an đã bị nhiễm COVID trước, và trong vòng ba ngày, hơn 8,000 người trong nhà tù này đã bị ảnh hưởng. Chuyện này xảy ra trước Phong trào Giấy Trắng hồi tháng 12/2022 khi các sinh viên xuống đường phản đối chính sách phong tỏa nghiêm ngặt của chính quyền. Tháng Mười Một năm ngoái, hơn 10 người đã thiệt mạng trong vụ cháy khu chung cư ở Ô Lỗ Mộc Tề chỉ vì lệnh phong tỏa này.

Bạn của anh được trả tự do vào cuối tháng 12/2022. Anh Trình cho biết người bạn này cũng đã tiết lộ cho anh một phát hiện đáng ngạc nhiên trong nhà tù.

Trong số các tù nhân ở đó, có nhiều người là các học viên Pháp Luân Công, nhưng không ai trong số họ bị ốm trong đợt bùng phát dịch lần đó. “Anh ấy hỏi tôi, ‘Anh có tin được không?’” anh Trình nói.

Bạn của anh nói rằng trong tù, các học viên Pháp Luân Công vẫn kiên định vào pháp môn của họ và “tu luyện” bất kể trong hoàn cảnh nào. Anh Trình nói, “Tôi tin rằng sức đề kháng của họ chắc chắn rất tốt, tôi tin điều đó.”

Pháp Luân Công, còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện cả thân lẫn tâm dựa trên các nguyên lý phổ quát chân, thiện, và nhẫn đã mang lại lợi ích cho hàng triệu học viên trên toàn thế giới. Kể từ khi chính quyền Trung Quốc bắt đầu cuộc bức hại Pháp Luân Công vào năm 1999, hàng trăm ngàn học viên đã bị bỏ tù và hàng ngàn người đã bị ĐCSTQ sát hại.

Bạn của anh Trình nói với anh rằng có rất nhiều người tử vong vì COVID trong tù. Nhiều tù nhân đã được chuyển đến các phòng giam chật hẹp và biệt lập do cảnh sát vũ trang xây dựng. Người bạn này cho hay, các bệnh viện sẽ không tiếp nhận những tù nhân này, ở đó họ cũng rất hiếm khi được điều trị y tế, và anh nghi ngờ rằng nếu có thuốc thì các nhà tù cũng sẽ chỉ đưa thuốc giả cho tù nhân.

“Không đời nào chế độ này sẽ công khai số ca tử vong trong các nhà tù,” anh Trình nói.

Mary Hong đã đóng góp cho The Epoch Times từ năm 2020. Cô đã đưa tin về các vấn đề nhân quyền và chính trị của Trung Quốc.

Hồng Ân biên dịch

Related posts