Theo Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken, Trung Quốc có thể đang cân nhắc cung cấp viện trợ vũ khí sát thương cho Nga. Nếu được xác minh, điều này sẽ báo hiệu sự leo thang chưa từng có về vai trò của Trung Quốc trong cuộc xung đột Nga – Ukraine.
“Trung Quốc chủ yếu cung cấp sự ủng hộ về mặt ngôn từ, chính trị và ngoại giao cho Nga. Tuy nhiên, dựa trên thông tin mà chúng tôi có hiện nay, chúng tôi lo ngại rằng Trung Quốc đang cân nhắc cung cấp hỗ trợ sát thương cho Nga trong cuộc xung đột với Ukraine”, Ngoại trưởng Blinken cho biết trong chương trình “This Week” của đài ABC hôm Chủ nhật (19/2).
Ông Blinken đã trả lời đài CBS sau khi ông gặp Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị vào hôm thứ Bảy (18/2) tại Hội nghị An ninh Munich ở Đức.
Phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich hôm 18/2, ông Vương Nghị cho biết, chính quyền Trung Quốc đang thực hiện một “đề xuất hòa bình” để hòa giải hai bên xung đột.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Blinken cho biết, điều này dường như mâu thuẫn với những thông tin tình báo mà Mỹ đang nắm giữ.
“Có nhiều loại hỗ trợ sát thương khác nhau mà ít nhất họ [Trung Quốc] đang dự tính cung cấp [cho Nga], trong đó có cả vũ khí”, ông Blinken nói và cho biết thêm rằng Washington sẽ sớm công bố thêm thông tin chi tiết.
Đồng thời, ông cũng cảnh báo rằng sự hỗ trợ nói trên của Trung Quốc dành cho Nga sẽ gây ra “hậu quả nghiêm trọng” cho mối quan hệ Mỹ – Trung.
Cuộc gặp giữa hai Ngoại trưởng Mỹ – Trung là cuộc trao đổi trực tiếp đầu tiên giữa hai bên kể từ sau sự cố khinh khí cầu do thám gây ra sự phẫn nộ ở Hoa Kỳ. Sự cố này đã buộc Ngoại trưởng Blinken phải hủy chuyến thăm đã lên kế hoạch tới Bắc Kinh, đồng thời đẩy mối quan hệ giữa nhà lãnh đạo của thế giới dân chủ tự do và nhà lãnh đạo của các chính phủ độc tài đến điểm đóng băng.
Vài giờ trước cuộc họp tại Munich, Ngoại trưởng Vương Nghị đã gọi vụ Mỹ bắn hạ khinh khí cầu do thám Trung Quốc đi vào không phận Mỹ mà không được phép là hành vi “cuồng loạn”, “không thể tưởng tượng được” và vi phạm các quy tắc quốc tế.
Chính quyền Trung Quốc khẳng định rằng khinh khí cầu do thám mà Mỹ bắn hạ là một loại khí cầu thời tiết mà nước này chủ yếu dùng cho mục đích nghiên cứu. Đáp lại, Hoa Kỳ bác bỏ lập luận này và khẳng định rằng, họ đã phát hiện ra các thiết bị khác trên khí cầu, sau đó mới bắn hạ khinh khí cầu do thám bằng máy bay chiến đấu F-22.
Trong một tuyên bố sau cuộc trao đổi giữa hai Ngoại trưởng Mỹ – Trung tại Đức, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố rằng họ không “chấp nhận hành vi đổ lỗi hoặc thậm chí là ép buộc của Mỹ nhắm vào quan hệ Trung – Nga”. Thậm chí, cơ quan này còn đe dọa rằng Mỹ “nên sẵn sàng gánh chịu mọi hậu quả phát sinh từ sự leo thang” liên quan đến sự cố khí cầu. Hải quân Mỹ đang tiến hành trục vớt xác khinh khí cầu do thám tầm cao của Trung Quốc ở ngoài khơi bờ biển Myrtle Beach, Nam Carolina, hôm 5/2/2023. (Ảnh: Hải quân Hoa Kỳ)
Tấm vé ‘tử thần’ lên tàu Titanic
Sau khi Ngoại trưởng Blinken xuất hiện trên đài ABC hôm 19/2, Thượng nghị sĩ Lindsay Graham cũng xuất hiện trong chương trình này và lên tiếng cảnh báo rằng, việc Bắc Kinh cung cấp hỗ trợ quân sự cho Moscow sẽ gây ra những hậu quả “thảm khốc” cho mối quan hệ Mỹ – Trung.
“Những gì Ngoại trưởng Blinken nói khiến tôi choáng váng. Ông ấy tin rằng Trung Quốc sắp cung cấp cho Tổng thống Nga Vladimir Putin vũ khí sát thương. Đối với người Trung Quốc, nếu bây giờ bạn nhảy lên đoàn tàu của ông Putin, thì bạn thật ngu ngốc hơn bao giờ hết. Điều đó chẳng khác nào mua vé đi tàu Titanic sau khi bạn đã xem phim”.
“Theo tôi, kịch bản thảm khốc nhất có thể xảy ra với mối quan hệ [Mỹ-Trung] là Trung Quốc… bắt đầu cung cấp vũ khí sát thương cho ông Putin trong tội ác chống lại loài người này. Điều đó sẽ thay đổi mọi thứ mãi mãi”, ông Graham nói, nhắc lại những bình luận của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris hôm 18/2 về việc chỉ định các hành động của Nga ở Ukraine là “tội ác chống lại loài người”.
Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc Linda Thomas-Greenfield, cũng bày tỏ lo ngại về mọi nỗ lực của Trung Quốc nhằm trang bị vũ khí cho Nga.
Trong chương trình State of the Union của đài CNN hôm 19/2, bà Thomas-Greenfield cảnh báo rằng sự hỗ trợ sát thương từ phía Trung Quốc đối với Nga sẽ là một “lằn ranh đỏ”, đồng thời lặp lại những bình luận của ông Graham.
“Chúng tôi sẽ không thúc đẩy và công khai những gì chúng tôi chuẩn bị làm, nhưng chúng tôi đã nói rõ với người Trung Quốc rằng họ sẽ phải gánh chịu hậu quả nếu đưa ra quyết định đáng tiếc đó”.
Trung Quốc: Mỹ ‘phải gánh chịu mọi hậu quả’ vụ khinh khí cầu
Phản ứng trước những động thái trên, hôm 19/2 Trung Quốc đã nghiêm khắc cảnh cáo Hoa Kỳ rằng họ sẽ “phải gánh chịu mọi hậu quả” nếu kiên trì theo đuổi vụ việc khinh khí cầu Trung Quốc bị Quân đội Mỹ bắn rụng hồi đầu tháng này, theo tờ Reuters.
Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định Bắc Kinh sẽ “làm đến cùng” trong trường hợp “Hoa Kỳ khăng khăng lợi dụng vấn đề này”.
Quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh vốn đã xấu đi sau khi Hoa Kỳ bắn hạ một khinh khí cầu do thám của Trung Quốc vào đầu tháng Hai. Tuy nhiên, nếu Trung Quốc cung cấp vũ khí sát thương cho Nga, thì quan hệ Mỹ – Trung sẽ còn mong manh hơn nữa.
Theo The Epoch Times
Thanh Hải biên dịch