Tin thế giới sáng Chủ Nhật: Liên minh châu Âu thông qua vòng trừng phạt thứ 10 đối với Nga

Ngoại trưởng Anh: 800 binh sĩ Nga tử vong mỗi ngày vì ‘cái tôi của Putin’

Liên Thành

Binh sĩ Nga. (Ảnh: DW).

Ngoại trưởng Anh James Cleverly cho biết hôm thứ Sáu (24/2) rằng, các binh sĩ Nga đang phải trả giá cho “cái tôi của Putin” bằng mạng sống của họ.

Khi phát biểu tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, ông Cleverly cho biết “Putin không thể, không được thắng ở Ukraina”, đồng thời  thảo luận về việc duy trì hòa bình và an ninh ở Ukraina.

Ông nói thêm rằng những gì bị đe dọa trên chiến trường chính là trật tự quốc tế.

Ông Cleverly khẳng định, “Việc chiếm đất của ông ta ở miền đông và miền nam Ukraina cho chúng ta thấy rằng trái tim của ông ta hướng đến việc bành trướng đế quốc. Nhưng 800 binh sĩ Nga mỗi ngày đang mất mạng vì lòng tham trong vô vọng của ông ta. Họ đang trả giá cho cái tôi của ông ta bằng mạng sống của họ” 

Quan chức ngoại giao Anh cho biết những người trong Hội đồng bảo an có trách nhiệm đặc biệt đối với Hiến chương Liên Hiệp Quốc và không thể cho phép các mối đe dọa của Nga thành công.

 Ông Cleverly nói, “Chúng ta không được đi chệch khỏi quyết tâm của mình”. Đồng thời, nói thêm rằng hỗ trợ quân sự và viện trợ nhân đạo cho Ukraina là không đủ.

Ông chỉ ra rằng, “Bởi vì khi cuộc chiến này kết thúc, nó sẽ kết thúc với việc Ukraina bảo vệ thành công lãnh thổ của mình, chúng ta không bao giờ được phép để Ukraina dễ bị tấn công một lần nữa.”

Liên minh châu Âu thông qua vòng trừng phạt thứ 10 đối với Nga

Liên Thành

Ảnh minh hoạ.

Liên minh châu Âu đã thông qua vòng trừng phạt thứ 10 đối với Nga, Thuỵ Điển, nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Liên minh châu Âu (EU) cho biết hôm thứ Sáu 24/2.

Trên twitter, Chủ tịch EU của Thụy Điển cho biết: “Đã một năm kể từ cuộc xâm lược tàn bạo và bất hợp pháp của Nga vào Ukraina, hôm nay, EU đã thông qua gói trừng phạt thứ 10 đối với Nga”.

Gói trừng phạt mới bao gồm:

– Các biện pháp hạn chế có mục tiêu chống lại các cá nhân và tổ chức hỗ trợ chiến tranh, truyền bá tuyên truyền hoặc vận chuyển máy bay không người lái được Nga sử dụng trong chiến tranh

– Các biện pháp chống lại thông tin sai lệch của Nga 

– Các hạn chế xuất khẩu chặt chẽ hơn liên quan đến công nghệ và sử dụng kép.

Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson trên twitter đã hoan nghênh quyết định của EU về vòng trừng phạt thứ 10.

Ông viết: “Duy trì sự đoàn kết ủng hộ Ukraina là ưu tiên số một của Chủ tịch EU Thụy Điển.”

Ngân hàng ở Bắc Kinh giới hạn mức thanh toán 5.000 nhân dân tệ gây xôn xao dư luận

Liên Thành

Ảnh minh hoạ.

Vào ngày 24 tháng 2, hashtag Ngân hàng có giới hạn giao dịch hàng ngày là 5.000 tệ đã xuất hiện trên Weibo. Tin tức đề cập đến một số ngân hàng ở Bắc Kinh đã đặt giới hạn giao dịch cho tài khoản Loại I và giới hạn giao dịch cho tất cả tài khoản là 5.000 nhân dân tệ mỗi ngày. Giới hạn áp dụng bao gồm ngân hàng trực tuyến, ngân hàng di động, thanh toán nhanh trực tuyến, máy bán hàng POS, máy ATM và thanh toán của bên thứ ba bao gồm Alipay, WeChat, v.v.

Điều này đã khiến dư luận tranh luận sôi nổi. Có người đã đặt câu hỏi: “Bây giờ tôi không thể kiểm soát được tiền của chính mình nữa ư?”

Trên thực tế, từ năm ngoái, các ngân hàng trên khắp Trung Quốc đã hạn chế số tiền chuyển và rút tiền trực tuyến của khách hàng với lý do chống gian lận và chống rửa tiền.

Hoàng Tuấn (Huang Jun 黃峻), một nhà kinh tế đến từ Hoa Kỳ, cho biết: “Sau đại dịch ở Trung Quốc, tình hình kinh tế trong những năm qua không được lý tưởng. Rủi ro chung của các khoản vay thế chấp và vay tín dụng thực sự rất cao, và sự ổn định tài chính của Trung Quốc đang phải đối mặt với những thách thức lớn. 

Hoàng Kim Thu (Huang Jinqiu黃金秋), một nhà báo quen thuộc với hoạt động của các công ty và ngân hàng Trung Quốc, cho biết các ngân hàng lo lắng về nguy cơ bị chính quyền siết chặt nếu có nhiều người rút tiền, vì vậy họ hạn chế số tiền rút và chuyển.

Thời gian gần đây, làn sóng “ngừng cho vay, cắt nguồn cung” ở các tòa nhà xây dở dang diễn ra tại nhiều nơi ở Trung Quốc cũng khiến các ngân hàng thắt chặt tiền tệ. Thế giới bên ngoài nghi ngờ rằng ngân hàng đang sử dụng “thẻ hỏng” và “giới hạn” như một cái cớ để ngăn cản người gửi tiền thực hiện các giao dịch thông thường nhằm giải quyết vấn đề thiếu dòng tiền của ngân hàng.

Thăm dò dư luận: 90% người Ukraina cho rằng cần phải tấn công vào lãnh thổ Nga

Liên Thành

Ảnh minh hoạ.

90% người Ukraina cho rằng, cần phải tấn công vào lãnh thổ của Nga. Điều này được chứng minh bằng kết quả của một cuộc thăm dò dư luận, được thực hiện bởi Viện Xã hội học Quốc tế Kyiv (KIIS) từ ngày 14 đến ngày 22 tháng 2. 

Trong cuộc khảo sát này chỉ có 7% số người được hỏi không ủng hộ nhiệm vụ tấn công vào Nga do lo ngại leo thang chiến tranh.

Trong số những người ủng hộ tấn công, 38% cho rằng, chỉ cần tấn công vào các cơ sở quân sự và cũng gần như thế (39%) nói cần nhắm vào các cơ sở quân sự và cơ sở hạ tầng năng lượng.

13% số người được hỏi cho rằng, các cuộc tấn công cần phải nhắm vào tất cả các mục tiêu, bao gồm cả dân sự, như chính Nga đang làm.

Ở khía cạnh khu vực, kết quả khảo sát chỉ ra rằng ở tất cả các khu vực của Ukraina, đa số tuyệt đối (89-92%) ủng hộ nhiệm vụ tấn công vào lãnh thổ Nga. Đáng chú ý, ngay cả trong số những người được hỏi sẵn sàng nhượng bộ để chấm dứt chiến tranh, 79% tin rằng cần phải tấn công vào lãnh thổ Liên bang Nga.

Đại sứ Nga tại Washington gọi đòn trừng phạt mới của chính quyền ông Biden là ‘mất trí’

Quang Nhật

Đại sứ Nga tại Hoa Kỳ Anatoly Antonov phát biểu trong một cuộc thảo luận về di sản của ông Anatoly Dobrynin tại Viện Woodrow Wilson vào ngày 18/11/2019 ở Washington, DC. Ông Dobrynin là Đại sứ Liên Xô tại Hoa Kỳ trong nhiệm kỳ của 6 đời tổng thống Hoa Kỳ, từ năm 1962 đến 1986. (Ảnh: Mark Wilson/Getty Images)

Vào ngày đánh dấu một năm Nga xâm lược Ukraine, 24/2/2023, chính quyền Tổng thống Joe Biden và các đồng minh phương Tây đã tuyên bố đòn trừng phạt mới dành cho cho Nga. Trước đòn trừng phạt mới này, Đại sứ của Nga tại Washington gọi đây là hành động “mất trí”, dẫn chứng “sự vững vàng của kinh tế Nga” trước mọi đòn trừng phạt của thế giới trong một năm qua.

Hôm qua, ngày 24/2/2023, Mỹ và các đồng minh tuyên bố bổ sung thêm đòn trừng phạt dành cho Nga với hy vọng làm suy yếu Nga trên chiến trường Ukraine. Trong số danh sách chính sách trừng phạt này, có lệnh cấm xuất khẩu sang Nga toàn bộ linh phụ kiện được tìm thấy trên chiến trường Ukraine mà Nga sử dụng.

Mỹ và EU tin rằng, việc không thể nhập khẩu linh phụ kiện sản xuất vũ khí, chế tài quân sự như vậy sẽ nhanh chóng làm suy yếu năng lực của Nga; góp phần giúp Ukraine xoay chiều chiến sự và kết thúc cuộc chiến tranh vỗ nghĩa này. Đòn trừng phạt cũng nhắm vào các cá nhân, giới tinh hoa của Nga, đang vận hành sản xuất, kinh doanh trực tiếp hoặc gián tiếp góp phần hỗ trợ chính phủ Nga tiến hành cuộc chiến.

Đáp trả phản ứng chính sách mới từ Mỹ và EU, Đại sứ Nga tại Mỹ, ông Anatoly Antonov cho biết các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ đưa ra là vô lý, “mất trí” và sẽ không dẫn đến việc Moscow suy yếu hay buộc phải từ bỏ chính sách của mình.

Đại sứ Nga ở Mỹ tuyên bố, “Vào ngày 24/2, thế giới lại chứng kiến thêm một đợt trừng phạt thiếu suy nghĩ nhắm vào các cá nhân và nền kinh tế [Nga]. Họ một lần nữa muốn chúng ta “chịu đựng”. Có ai thực sự tin rằng những biện pháp như vậy sẽ khiến đất nước chúng ta [Nga] phải từ bỏ con đường độc lập? [Chỉ vì đòn trừng phạt này] mà Nga phải huyển hướng khỏi con đường đã chọn, hướng tới một thế giới đa cực dựa trên nguyên tắc an ninh không thể chia cắt, [theo] luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc?”, ông Antonov nói.

Theo ông Antonov, chính quyền Washington không hiểu rằng “[trừng phạt cấm] các nguồn cung cấp [thiết bị, linh kiện] vũ khí mới, giống như tất cả các đòn trừng phạt trước đây, chỉ kéo dài xung đột, dẫn đến đổ máu tiếp tục và không giúp mang lại hòa bình trong tương lai gần”.

Nhà ngoại giao Nga lưu ý rằng quân đội Nga “tiếp tục đạt được tiến bộ mạnh mẽ trong việc hoàn thành các nhiệm vụ đặt ra trước đó là bảo vệ Tổ quốc” “được cả nước ủng hộ”.

“Washington và các đồng minh của họ không thành công trong nỗ lực “bóp nghẹt” Nga bằng các biện pháp trừng phạt. Chúng ta [nước Nga] đã học cách sống dưới áp lực kinh tế và chính trị. Nền kinh tế Nga đang được điều chỉnh lại và khả năng thay thế nhập khẩu của chúng ta đang tăng lên. Nông nghiệp của Nga đang thể hiện sức mạnh. Ngay cả các tổ chức Bretton Woods đang dự báo tăng trưởng Nga phục hồi tốt trong năm nay”, ông nói, theo TASS”.

Đại sứ của Nga không quên nhắc Mỹ và châu Âu rằng bản thân các nền kinh tế này đang chìm trong nguy cơ suy thoái, lạm phát tăng cao vì thiếu thốn năng lượng, giá lương thực tăng cao… Tất cả các biến số này đều là kết quả mà Mỹ và EU đã ra sức trừng phạt Nga trong một năm qua.

Nhà ngoại giao này gọi những tuyên bố của Mỹ về việc Nga bị “cô lập” là “hoàn toàn sai sự thật”.

“Chúng tôi đang hợp tác với cộng đồng quốc tế thậm chí còn tích cực hơn trước. Sự khác biệt duy nhất là chúng tôi hiện đang tập trung vào các quốc gia sẵn sàng làm việc trên cơ sở bình đẳng và cùng có lợi, thay vì các đối tác cũ đã đánh mất lòng tin của chúng tôi”, ông nói, theo TASS.

Bộ trưởng Quốc phòng: Nếu Trung Quốc tấn công, Đài Loan sẽ chiến đấu đến cùng

Quang Nhật

Bộ trưởng Quốc phòng: Nếu Trung Quốc tấn công, Đài Loan sẽ chiến đấu đến cùng
Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan Khâu Quốc Chính, trong một cuộc họp báo ở Đài Bắc, Đài Loan, hôm 2/8/2019. (Ảnh: Sam Yeh/AFP/Getty Images)

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Đài Loan, ông Chiu Kuo-cheng (邱國正) hôm thứ Sáu (24/2) tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn rằng nếu Trung Quốc tấn công, Đài Loan sẽ chiến đấu đến cùng.

Hơn bất kỳ lãnh thổ nào, cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine trong một năm qua là điều mà Đài Loan lo ngại nhất.

Ông, Chieh Chung (揭仲), một nhà phân tích an ninh của Tổ chức Chính sách Quốc gia tại Đài Bắc, gần đây bình luận rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang học bài học từ cuộc xâm lược Ukraine của Nga.

Không chỉ học học giả Chieh bình luận như vậy. Các nhà phân tích, bình luận địa chính trị – kinh tế toàn cầu cũng có cùng quan điểm. Việc Nga có thể xâm lược Ukraine và chiếm thế thượng phong có thể là một động lực khuyến khích Trung Quốc tấn công vũ lực Đài Loan. Trung Quốc luôn muốn nhanh chóng sáp nhập Đài Loan vào đại lục như đã làm với Hong Kong. Việc thế giới đã có “ví dụ xấu là Nga” và đang bận phân tâm tại chiến trường này có thể là một cơ hội vàng với Trung Quốc.

Sau một năm xâm lược Ukraine; chuyến thăm của ông Vương Nghị tới Nga ngày 21/2/2023 và sau đó là kế hoạch thăm Mosow của ông Tập Cận Bình đang khiến cả thế giới căng thẳng. Mỹ và phương tây lo ngại với sự hỗ trợ vũ khí sát thương từ Trung Quốc, Nga có thể san phẳng Ukraine, thế giới có thể phải đối mặt với Thế chiến thứ 3 tàn khốc.

Nhân cơ hội hỗn loạn này với sự hậu thuẫn của Nga, Trung Quốc có thể thôn tính Đài Loan bằng vũ lực.

Hôm qua, ngày 24/2/2023, ngày đánh dấu tròn một năm Nga xâm lược Ukraine, khi được giới truyền thông Đài Loan yêu cầu bình luận về khẳng định “Trung Quốc sẽ tấn công vũ lực vào Đài Loan”, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết các lực lượng vũ trang của Đài Loan sẽ “chiến đấu đến cùng”, theo Taiwan News.

Ông Chiu cũng cho biết quân đội Đài Loan đã đánh giá khả năng của kẻ thù [Trung Quốc]. Ông nói rằng dù ĐCSTQ muốn đi nhanh đến đâu thì họ cũng phải vượt qua rào cản lớn đó là eo biển Đài Loan.

Trong một cuộc phỏng vấn với Tạp chí Khối thịnh vượng chung được xuất bản vào thứ Ba (21/2), Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Đài Loan nói rằng ĐCSTQ có thể sẽ tránh sai lầm của Nga là đã đánh giá thấp kẻ thù. Trung Quốc sẽ tìm cách nhanh chóng kết thúc chiến tranh với Đài Loan nếu khai hoả. Do đó, ngay từ đầu, ông Chieh đã lý luận rằng cuộc tấn công vào Đài Loan có thể sẽ lớn hơn những gì đã thấy ở Ukraine. “Nhưng không lớn đến mức có thể chiếm Đài Loan trong một hoặc hai tuần” ông Chiu nhận định, theo Taiwan News.

Hôm thứ Sáu (24/2), khi được hỏi rằng liệu Đài Loan có thể cầm cự trong hai tuần trước sự tấn công của Trung Quốc hay không, Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan trả lời: “Không chỉ hai tuần, tôi đang nói về việc chiến đấu đến cùng”. Ông Chiu tin rằng ĐCSTQ dường như nghĩ rằng họ sẽ có thể giành chiến thắng trong cuộc chiến với Đài Loan trong một thời gian ngắn. Nhưng theo ông, “dự đoán này quá lạc quan”.

Bộ trưởng nói: “Dù có đi nhanh đến đâu, họ cũng phải vượt qua những nguy hiểm tự nhiên của eo biển Đài Loan. Đây là một trở ngại lớn”.

Sau đó, ông nhắc lại rằng: “Chúng tôi [Đài Loan] sẽ chiến đấu đến cùng, nhưng chúng tôi sẽ không bao giờ gây chiến”.

Related posts