Tin thế giới chiều thứ Ba: Chính quyền địa phương Trung Quốc lấy hơn 90% tiền gửi ngân hàng của dân để trả nợ

Khủng hoảng: Chính quyền địa phương Trung Quốc lấy hơn 90% tiền gửi ngân hàng của dân để trả nợ

Năm 2022, người gửi tiền ở ngân hàng tại Hà Nam biểu tình đòi lại số tiền mình đã gửi. (Ảnh: CNN).

Xuất khẩu lao dốc, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và tiền gửi của người dân biến mất cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang rất bấp bênh sau đại dịch.

Theo tờ Apollo News, xuất khẩu đang sụt giảm khiến các cảng lớn ở Trung Quốc bị tắc nghẽn với khoảng 5 triệu container rỗng. Nhà sản xuất container lớn hàng đầu Trung Quốc, Taicang CIMC, có ba dây chuyền sản xuất nhưng hiện chỉ còn một dây chuyền được duy trì.

Sự suy giảm xuất khẩu của Trung Quốc đã bắt đầu từ tháng 7 năm ngoái, với tốc độ tăng trưởng hai con số vào đầu năm giảm xuống một con số trong nửa cuối năm. 

Vào ngày 28 tháng 2, Cục Điều tra và Thống kê tiết lộ rằng, tháng 1 năm 2023 đã đánh dấu sự sụt giảm đáng kể nhất của ngoại thương Hồng Kông trong 70 năm qua. Trong khi đó, Hồng Kông là cửa sổ của thế giới đối với Trung Quốc. Hơn 60% vốn nước ngoài mà Trung Quốc thu hút vào Đại lục đều đến từ Hồng Kông.

Chính quyền địa phương Trung Quốc hiện cần thêm tiền để trả các khoản vay. Kết quả là, họ buộc phải vay nợ mới từ ngân hàng để trả nợ cũ. Mà tiền trong ngân hàng chủ yếu là tiền gửi của người dân.

Tổng số tiền gửi ngân hàng của người dân Trung Quốc vào cuối năm 2022 là 120 nghìn tỷ nhân dân tệ (tương đương khoảng 17,4 nghìn tỷ USD). Các chính quyền địa phương đã vay tới gần 16 nghìn tỷ USD, chiếm 91%. Vì vậy, hầu hết tiền gửi của người dân trong ngân hàng đã thực sự biến mất.

Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp đang ngày càng xấu đi sau khi Bắc Kinh đột ngột từ bỏ chính sách ‘Zero COVID’ vào cuối năm ngoái.

Theo đài RFA, một thư viện ở thành phố Nam Kinh đã đăng tuyển hai vị trí với mức lương 330 USD (tương đương khoảng 7.8 triệu VND) và không có tiền thưởng. Sau khi khấu trừ, nhân viên chỉ nhận được khoảng 260 USD (tức là gần 6.2 triệu VND) – một mức lương ít ỏi. Tuy nhiên, vẫn có tới 2000 người nộp đơn xin việc cho 2 vị trí.

Tại nhiều nơi ở Trung Quốc, người lao động muốn có việc làm phải chấp nhận mức lương dưới mức tối thiểu do chính phủ quy định.

Bên cạnh đó, nước này vẫn đang phải gánh chịu những hậu quả nặng nề của chính sách một con mà ĐCSTQ đã áp đặt trong nhiều thập kỷ. Theo Cục Thống kê Trung Quốc, thực trạng dân số già hóa nhanh chóng và dịch bệnh hoành hành đã khiến lực lượng lao động giảm 41 triệu người trong 3 năm qua.

Liên Thành

Lính Nga nói với ông Putin ‘chúng tôi không phải là thịt’, phàn nàn về vũ khí những năm 1940

Liên Thành

Trong video, lính Nga nói với ông Putin ‘chúng tôi không phải là thịt’, phàn nàn về vũ khí những năm 1940.

Truyền thông Mỹ loan báo, Quân đội Nga được huy động chiến đấu ở Ukraine đã phàn nàn trong một video về thiết bị cũ, thiếu khả năng chỉ huy hiệu quả và bị gửi đi làm bia đỡ đạn.

Kể từ khi bắt đầu chiến tranh, đã có rất nhiều video cho thấy tinh thần xuống thấp của quân đội Nga và tình trạng thiếu huấn luyện cũng như trang bị đầy đủ, đặc biệt là đối với những người đã được huy động một vào cuối tháng 9.

Nhưng đoạn clip mới nhất này, tính đến thứ Hai đã được xem hơn 100.000 lần, đã đưa ra một bức tranh tổng thể về mức độ của một số lời phàn nàn rộng rãi hơn đang nổi lên trên mạng xã hội về quân đội Nga được huy động.

Được đăng tải bởi tài khoản War Translated, đoạn clip cho thấy một nhóm binh sĩ Nga ở một địa điểm không được tiết lộ nói: “Chúng tôi kêu gọi tổng tư lệnh Vladimir Putin”. Người này cho biết họ được nhập ngũ từ các vùng Kaliningrad, Murmansk và Arkhangelsk của Nga và đang phục vụ trong Lữ đoàn cơ giới số 5.

Trong danh sách những lời phàn nàn của anh lính có việc trung đoàn của anh đã không được cung cấp bất kỳ chiến lược hay chiến thuật nào. Họ cũng đã được gửi đến các cuộc tấn công mà không có sự hợp tác với chỉ huy, thiếu hỏa lực hỗ trợ và không có cách nào để tiến hành giám sát cả ngày lẫn đêm.

Người lính này nói: “Chúng tôi đang thiếu xe bọc thép và pháo binh hỗ trợ cho các cuộc tấn công, và vũ khí từ những năm 1940 đang được sử dụng, bao gồm cả súng cối”.

Người lính ấy nói về việc không có trinh sát đường không, không có mệnh lệnh chiến đấu bằng văn bản, và nhóm được chuẩn bị để bảo vệ lãnh thổ chứ không phải với tư cách là một đơn vị tấn công. Trong cuộc tấn công đầu tiên, sáu binh sĩ của trung đoàn đã bị giết trong một chiến hào.

Anh cho biết: “Chúng tôi yêu cầu các vị thật sự chú ý đến việc chuẩn bị tấn công của lữ đoàn”, đồng thời cho biết thêm rằng các biện pháp trừng phạt đối với họ vì tội bạo loạn “đã được chuẩn bị sẵn sàng”, bao gồm cả việc nhốt trong hầm.

Anh nói: “Chúng tôi không phải những kẻ bạo loạn, tất cả chúng tôi đều từ 30 đến 40 tuổi, chúng tôi có gia đình, con cái và trình độ học vấn cao”.

Một người đàn ông khác trong nhóm phàn nàn về những phương tiện chiến đấu cũ kỹ. Anh nói: “Mọi người chết vô ích, mọi người bị đưa vào các cuộc tấn công trực diện, bị đưa vào một cánh đồng trống trong thế kỷ 21”.

“Chúng tôi không thể chiến đấu như vậy và chúng tôi sẽ không thể đạt được chiến thắng với thương vong nhỏ”. Trong khi ở các mặt trận khác, nhân lực Nga được bảo toàn bằng phương tiện và pháo binh, thì “điều hoàn toàn ngược lại đang xảy ra ở đây”, người này tố giác.

“Chúng tôi không phải là thịt, chúng tôi sẵn sàng chiến đấu với phẩm giá”, anh cho biết thêm, ý nói tới cuộc chiến khốc liệt như Thế chiến I vốn từng được gọi là “máy xay thịt”.

Máy bay không người lái Ukraina lao thẳng vào tăng Nga

Clip máy bay không người lái Ukraina lao thẳng vào tăng Nga được đăng tải trên Twitter.

Video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy một chiếc xe tăng Nga bị máy bay không người lái Ukraina nhắm mục tiêu chính xác trong bối cảnh xung đột căng thẳng ở quận Bakhmut.

Đoạn clip dài 45 giây về cái gọi là máy bay không người lái “kamikaze” đã được chia sẻ trên Twitter hôm thứ Hai ngày 6/3 bởi Nexta, một cơ quan truyền thông của Belarus hiện có trụ sở tại Ba Lan. Nexta viết trên Twitter rằng video bắt nguồn từ tiểu đoàn K-2 thuộc Lữ đoàn cơ giới số 54 của Quân đội Ukraina.

“Một người điều khiển máy bay không người lái #Ukrainia đã thể hiện một đẳng cấp bậc thầy thực sự trong việc phân phát ‘quà tặng’ cho những người chiếm đóng gần Siversk, đã chỉ đạo ‘kamikaze’  trực tiếp nhắm vào đầu một người Nga đang thò ra khỏi xe tăng”.

Đoạn clip dường như là cảnh quay trực tiếp từ góc nhìn của máy bay không người lái, với phần đầu của cảnh quay cho thấy nó đang bay. Máy bay không người lái sau đó nhanh chóng tiếp cận xe tăng, tiến gần hơn cho đến khi nó dường như đi vào một cửa trên xe. Đoạn video sau đó chuyển sang trạng thái tĩnh, dòng tweet ngụ ý rằng máy bay không người lái đã phát nổ khi xe tăng đi vào.

Video đã thu hút được xem trên Twitter hơn 40.000 lượt xem. Newsweek không thể xác minh độc lập tính xác thực của clip.

Tạ Linh

Nga đẩy mạnh việc lôi kéo các quốc gia ‘thuộc địa cũ’ chống lại phương Tây

Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev. (Ảnh: Sputnik/Ekaterina Shtukina).

Cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev tuyên bố Nga sẵn sàng giúp thế giới xóa bỏ những vết tích của một quá khứ thuộc địa do phương Tây thống trị. Quan chức này lập luận rằng với tư cách là một quốc gia “chưa bao giờ có bất kỳ thuộc địa nào”, Nga có vị trí thuận lợi để tham gia vào tiến trình này.

Trong một bài báo xuất bản hôm thứ Hai, ông Medvedev tuyên bố rằng “bất ổn địa chính trị đã mở ra một ổ áp xe cho những vấn đề cũ của thế giới chúng ta”.

Cựu tổng thống và hiện là phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, lập luận rằng “khối u ác tính của quá khứ thuộc địa” là một vấn đề đòi hỏi “cuộc phẫu thuật quốc tế”.

Ông lưu ý rằng Liên Xô đã đóng một vai trò quan trọng trong việc phá bỏ hệ thống thuộc địa của thế kỷ 20.

Medvedev tuyên bố trong bài đăng trên trang web của đảng Nước Nga Thống nhất: “Chúng tôi, cùng với các quốc gia khác, giờ đây có thể đóng chiếc đinh cuối cùng vào quan tài của những khát vọng thuộc địa mới của thế giới phương Tây” 

Lấy ví dụ, cựu tổng thống đã trích dẫn quyết định của Argentina từ bỏ thỏa thuận năm 2016 với Vương quốc Anh liên quan đến quần đảo Falkland/Malvinas đang tranh chấp ở Nam Đại Tây Dương, là trung tâm của cuộc xung đột quân sự năm 1982.

Ông Medvedev cũng lập luận rằng các quyết định hồi năm ngoái cho quân đội Pháp rút hai thuộc địa cũ của Pháp ở châu Phi, Cộng hòa Trung Phi và Mali, cũng nằm trong mô hình này.

Tuy nhiên, ông Medvedev chỉ ra rằng vẫn còn một số vùng lãnh thổ phụ thuộc trên toàn cầu do các cường quốc phương Tây như Anh và Pháp cai trị. 

Ông kết luận, khi ngày càng nhiều quốc gia “ngừng sợ hãi phương Tây” và bắt đầu khẳng định lợi ích quốc gia của mình một cách tích cực hơn, các cường quốc thực dân trước đây chắc chắn sẽ mất quyền kiểm soát các khu vực mà họ từng nghĩ là của họ.

Sau khi bắt đầu cuộc xâm lược Ukraine vào tháng 2 năm ngoái và trong bối cảnh đối đầu gay gắt với phương Tây, các quan chức hàng đầu của Nga, bao gồm cả Tổng thống Vladimir Putin, ngày càng ủng hộ việc thiết lập một “thế giới đa cực” không xoay quanh mong muốn của một siêu cường duy nhất.

Liên Thành

Related posts