Andrew Moran
Một nhà đầu tư tỷ phú đang kêu gọi sự thận trọng khi đầu tư vào Trung Quốc, cảnh báo rằng chính ông đã bị ngăn không cho tiếp cận tiền của mình do hoạt động kiểm soát nguồn vốn nghiêm ngặt của Bắc Kinh. Trong khi đó, Trung Quốc lần đầu tiên công bố dòng tiền chảy ra ròng sau hơn 2 năm vào quý IV năm 2022.
Theo ông Mark Mobius, người sáng lập Mobius Capital Partners, chính phủ Trung Quốc đã tiến hành biện pháp “rất đáng kể” để ngăn ông rút vốn khỏi cổ phiếu Trung Quốc vì tài khoản HSBC của ông được đặt ở Thượng Hải.
Ông Mobius nói với Fox Business Network hôm thứ 5 (02/03): “Tôi không thể tìm được lời giải thích tại sao họ làm điều này. Thật kinh ngạc. Họ đang đặt đủ loại rào cản”. “Họ không nói, ‘Không, bạn không thể rút tiền ra được’, nhưng họ nói, ‘Hãy cung cấp cho chúng tôi tất cả hồ sơ trong 20 năm về cách quý vị kiếm được số tiền này’, v.v. Thật là điên rồ”.
Nhà đầu tư Mỹ cho rằng bối cảnh kinh tế đã đi theo “một hướng hoàn toàn khác” so với đường hướng của nhà lãnh đạo định hướng thị trường trước đây là ông Đặng Tiểu Bình, giải thích rằng đó không phải là một dấu hiệu tốt cho tương lai của đất nước nếu chính phủ trung ương trở nên “gia tăng định hướng kiểm soát trong nền kinh tế”.
Ông nói, “Tôi không thể lấy tiền của mình ra. Chính phủ đang hạn chế dòng tiền chảy ra khỏi đất nước”. “Vì vậy, tôi sẽ rất, rất cẩn thận khi đầu tư vào Trung Quốc”.
Do những gì được phơi bày trong nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, ông Mobius tin rằng các lựa chọn thay thế đầu tư tốt nhất với cơ hội kinh tế to lớn là Ấn Độ và Brazil.
Chính phủ ông Biden gần đây đã xác nhận rằng họ có ý định kiểm tra chặt chẽ dòng vốn của Mỹ vào Trung Quốc. Tòa Bạch Ốc và Quốc hội đang xem xét các đề xuất giám sát và cấm các khoản đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc để đối phó với các mối lo ngại về an ninh quốc gia.
Ủy ban được lựa chọn của Hạ viện về Đảng Cộng sản Trung Quốc, do Dân biểu Mike Gallagher (Cộng Hòa-Wisconsin) làm chủ tịch, có kế hoạch xem xét kỹ lưỡng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu và các vấn đề đầu tư ra nước ngoài như một phần trong quá trình đánh giá sự cạnh tranh của Mỹ với Trung Quốc.
Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo cảnh báo rằng những nỗ lực này phải đạt được sự cân bằng giữa chiến lược và việc tạo thuận lợi cho đầu tư vì nhiều quỹ hưu trí của Mỹ đầu tư tiền của khách hàng vào Trung Quốc.
“Bạn chắc chắn không muốn làm bất kỳ điều gì gây ra hậu quả không mong muốn, khiến người dân bị tổn thương. Bạn không muốn tác động quá rộng. Chúng ta muốn thương mại, chúng ta muốn buôn bán, chúng ta muốn đầu tư toàn cầu. Bất cứ thứ gì có tác động quá rộng sẽ làm tổn thương người lao động Mỹ và nền kinh tế”, bà Raimondo cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg.
Bà nói: Mặc dù đây là ưu tiên hàng đầu của chính phủ, nhưng điều quan trọng là phải làm chậm và “làm cho đúng” thay vì từ chối dòng tiền.
Bà Raimondo nói thêm: “Và vì vậy, chúng tôi chỉ đang cố gắng thận trọng để làm cho đúng”.
Thất thoát vốn
Vào quý IV năm 2022, Trung Quốc lần đầu tiên công bố dòng tiền chảy ra ròng [dòng tiền chảy ra lớn hơn chảy vào] sau hơn hai năm, do đầu tư nước ngoài và xuất khẩu sụt giảm.
Theo dữ liệu gần đây từ Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước (SAFE), Trung Quốc đã chứng kiến 11,2 tỷ USD ròng rời khỏi nước này trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 12, đây là dòng vốn chảy ra lớn nhất kể từ quý III năm 2019.
Các tính toán mới của Bloomberg sử dụng dữ liệu của China Central Depository & Clearing Co. và Shanghai Clearing House cho thấy các quỹ nước ngoài đã hồi sinh hành vi bán trái phiếu Trung Quốc vào tháng 1. Để bắt đầu năm 2023, lượng trái phiếu trong nước của Trung Quốc do nước ngoài nắm giữ đã giảm hơn 3% xuống mức thấp nhất trong ba năm là 470 tỷ USD.
Dòng tiền chảy ra đã tăng lên trong năm qua khi các Ngân hàng Trung ương thắt chặt chính sách tiền tệ, mang lại lợi suất hấp dẫn hơn.
Trong khi các Ngân hàng Trung ương ở phần còn lại của thế giới đang tăng lãi suất và giảm tài sản nắm giữ, Trung Quốc đã áp dụng các biện pháp nới lỏng. Mùa hè năm ngoái, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã hạ lãi suất cơ bản cho vay kỳ hạn 1 năm và 5 năm (LPR) xuống lần lượt là 3,65% và 4,3%. Vào tháng 11, Ngân hàng Trung ương cũng đã cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với hầu hết các tổ chức tài chính đi 25 điểm cơ bản xuống dưới 8%.
Do sự nới lỏng chính sách, lợi suất trái phiếu 10 năm của Trung Quốc là khoảng 2,94%, so với mức chuẩn của Mỹ là 4%.
Là một phần trong nỗ lực củng cố các điều kiện kinh tế, ông Zhong Zhengsheng, nhà kinh tế trưởng tại Ping An Securities Co., nói với Bloomberg vào tháng trước rằng Ngân hàng Trung ương có thể cắt giảm lãi suất trong quý II để đẩy nhanh quá trình phục hồi.
Trong khi đó, lần đầu tiên sau 25 năm, Phòng Thương mại Mỹ trong “Báo cáo Khảo sát Môi trường Kinh doanh Trung Quốc năm 2023” của Trung Quốc tiết lộ rằng Trung Quốc không còn là điểm đến đầu tư chính của hầu hết các doanh nghiệp Mỹ. Nghiên cứu được thực hiện vào mùa thu vừa qua đã phát hiện ra rằng số lượng các công ty Mỹ bắt đầu hoặc đang nghĩ đến việc chuyển nguồn cung ứng ra bên ngoài Trung Quốc đã tăng 10% so với một năm trước.
Báo cáo nêu rõ: “Sau ba năm bị chi phối bởi đại dịch COVID-19, các thành viên bày tỏ lo ngại đối với hiệu quả tài chính của công ty họ và những kỳ vọng về sự cởi mở và môi trường kinh doanh của Trung Quốc, góp phần hình thành triển vọng bi quan hơn một chút so với những năm trước”.
Các nhà kinh tế cho rằng thời điểm dòng tiền bắt đầu chảy ra khỏi Trung Quốc cũng trùng với thời điểm Nga xâm lược Ukraine.
Nhà kinh tế trưởng Robin Brooks của Viện Tài chính Quốc tế (IIF) đã viết trong một báo cáo vào tháng 03/2022: “Dòng vốn chảy ra khỏi Trung Quốc với quy mô và cường độ mà chúng ta đang chứng kiến là chưa từng có, đặc biệt là khi chúng ta không thấy dòng vốn chảy ra tương tự từ các thị trường mới nổi còn lại”. “Thời điểm của các dòng tiền chảy ra – được hình thành sau cuộc xâm lược Ukraine của Nga – cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài có thể đang nhìn Trung Quốc theo một cách mới, mặc dù còn quá sớm để đưa ra bất kỳ kết luận chắc chắn nào về vấn đề này”.
Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đang đặt cược lớn vào việc mở cửa trở lại nền kinh tế sau đại dịch của Trung Quốc – và các nhà đầu tư nước ngoài cũng vậy. Vào tháng 1, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc tăng một cách vững chắc, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Phó quản trị viên và Người phát ngôn báo chí của SAFE Wang Chunying khẳng định trong một tuyên bố rằng triển vọng phát triển kinh tế và thị trường tiêu dùng rộng lớn đang hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.
Nhà kinh tế trưởng Trung Quốc Hui Shan của Goldman Sachs cho biết trong một lưu ý, “Vào năm 2023, các nhà đầu tư đồng ý rằng tăng trưởng sẽ phục hồi sau khi dỡ bỏ chính sách Zero Covid, mặc dù có những bất đồng về sức mạnh của sự phục hồi, với niềm tin của người tiêu dùng, thị trường bất động sản và nợ của chính phủ địa phương là những mối lo ngại hàng đầu”.
Theo The Epoch Times
Cát Duyên biên dịch