Tác giả Anders Corr
Amazon đang lưu tâm đến một nhóm tác giả và nhà xuất bản vốn chỉ trích gay gắt Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Công ty này, có trụ sở chính tại Seattle và Arlington, giao thương rộng rãi với Trung Quốc, từ đó họ bán ra số lượng rất lớn sản phẩm nhập cảng tại các thị trường cốt lõi của họ gồm Hoa Kỳ, châu Âu, và Nhật Bản.
Theo EcomCrew, hơn 63% người bán hàng bên thứ ba trên Amazon đến từ Trung Quốc (trong đó có Hồng Kông). Amazon che đậy sự thật quan trọng này bằng cách không tự động liệt kê quốc gia xuất xứ trên các sản phẩm mà họ bán ra.
Do nguồn cung cấp của họ phụ thuộc vào Trung Quốc, nên việc kiểm duyệt mới đây của Amazon đối với một bài đánh giá sách chỉ trích lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và ĐCSTQ đã đặt ra những nghi vấn về sự thiên vị.
Hôm 06/02, ông Paul Kenchington, một nhà phê bình đến từ Anh quốc, đã tìm cách đăng tải đánh giá của mình về cuốn sách của tác giả Benedict Rogers có nhan đề “Liên Hệ với Trung Quốc: Ba Mươi Năm Trong Và Xung Quanh Chế Độ Chuyên Chế Của Đảng Cộng Sản Trung Quốc” (China Nexus: Thirty Years In and Around the Chinese Communist Party’s Tyranny). Và hôm 09/02 Amazon thông báo cho ông biết rằng họ đã từ chối bài đánh giá của ông với lý do “nội dung không phù hợp.”
Nhà phê bình này đã gửi lại bài đánh giá mà không ghi tên của ông bên dưới — mà ông nghĩ vấn đề chính là ở chỗ đó — và bài đánh giá đó lại bị từ chối, lần này kèm theo một lời đe dọa xóa các đặc quyền cộng đồng của ông.
Cả hai lần liên lạc với ông Kenchington, mà lần thứ hai được ông cho là “khá thô lỗ,” đều không nêu rõ chính xác những gì Amazon cho là không phù hợp về bài đánh giá đó.
Amazon không phúc đáp các đề nghị cung cấp thêm thông tin từ ông Kenchington cũng như từ The Epoch Times.
Bài đánh giá bị kiểm duyệt trên nói rằng: “Việc ông Tập Cận Bình tái vận dụng sự áp bức bạo lực kiểu Mao và sự kiểm soát độc tài của chủ nghĩa Stalin thực sự khiến thế giới này phải giật mình sửng sốt và là điều mà mọi người nên lưu tâm.”
Liệu Amazon có xem đây là một “cuộc tấn công vào những người mà quý vị không đồng thuận” vốn bị cấm theo nguyên tắc cộng đồng của quý vị không?
Amazon không xóa những lời chỉ trích đối với các tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hoặc Joe Biden. Tại sao lại có tiêu chuẩn kép khi nói đến ông Tập?
Do đó, hành động từ chối bài đánh giá này có phải là một hành vi vi phạm quyền tự do ngôn luận một cách thiên vị, đặc biệt là với quyền lực gần như độc quyền của Amazon đối với ngành thương mại điện tử tại các thị trường cốt lõi của họ không? Liệu có cần Quốc hội đưa người sáng lập kiêm tổng giám đốc của Amazon, ông Jeff Bezos, ra trước một ủy ban để có một câu trả lời thỏa đáng cho một câu hỏi đơn giản không?
Ông Kenchington đã viết trong bài đánh giá đó rằng, “Đối với tôi, các chương về ‘Hồng Kông,’ ‘Cơ Đốc Giáo Bị Tấn Công’, ‘Tây Tạng,’ ‘Nạn Diệt Chủng Người Duy Ngô Nhĩ’ và sự tham gia của Trung Quốc vào hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức quy mô lớn, là một tiết lộ kinh hoàng khiến tôi vô cùng phẫn nộ với các chính sách của Trung Quốc và chế độ chính trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).”
Phải chăng việc kiểm duyệt đó là do tác giả này cho rằng nạn diệt chủng đã khiến ông “phẫn nộ”?
Vậy thì phản ứng nào mới là thích đáng trước nạn diệt chủng này đây? Bi lụy à? Hay là sợ hãi? Cả hai loại cảm xúc nói trên đều không thể giúp được gì cho người Do Thái, chẳng hạn như giúp họ tự bảo vệ mình khỏi cuộc thảm sát Holocaust.
Thủ tướng Anh trong Đệ nhị Thế chiến, ông Winston Churchill, đã cố gắng duy trì tính khí ôn hòa, ông từng nói rằng “mức độ phẫn nộ của một người về một chuyện nào đó là lớn hay nhỏ, cho thấy tấm lòng độ lượng của người đó là lớn hay nhỏ.”
Tuy nhiên, cũng có lập luận cho rằng, sự phẫn nộ có một vị trí nhất định trong việc bảo vệ đất nước và nhân quyền của một người một cách rộng rãi hơn. Chẳng hạn, ngài Churchill phẫn nộ với Adolf Hitler, gọi ông ta là “ác quỷ” và so sánh ông ta với “quỷ dữ.”
Rõ ràng, nguyên tắc cộng đồng của Amazon chắc hẳn sẽ kiểm duyệt [lời nói] của ông Churchill vào thời điểm đó.
Tuy nhiên, ông Churchill đã dùng sự phẫn nộ của mình trong trường hợp đó để đạt được tác động tích cực, giải thích rằng chúng ta phải “mạnh mẽ” chống lại Đức Quốc Xã. Người ta rùng mình khi mường tượng lịch sử sẽ thay đổi theo hướng tệ hại như thế nào nếu ông Hitler không khiến ông Churchill đủ tức giận để đáp trả bằng một cuộc bảo vệ không khoan nhượng không chỉ đối với nước Anh, mà cả châu Âu.
Ông Rogers đã quy kết rằng [đây là hành động] kiểm duyệt của Amazon trong bối cảnh ĐCSTQ đang tiến hành các hoạt động gây ảnh hưởng rộng lớn trên khắp thế giới.
Ông viết, “Nếu quyết định của Amazon nhằm từ chối việc tôi bình phẩm sách không phải là ngẫu nhiên, thì điều đó sẽ cho thấy rằng đây là một đấu trường khác mà ĐCSTQ đã gieo rắc nỗi sợ hãi và giành lấy sức ảnh hưởng.”
“Thật là một ngày đáng buồn khi mà chế độ kiểm duyệt, vì sợ làm mất lòng Bắc Kinh, đã đi xa đến mức từ chối một người ở Anh được quyền đăng bài đánh giá một cuốn sách về Trung Quốc.”
Nhà xuất bản cuốn sách Canada, ông Dean Baxendale, cho biết rằng “đây không phải là lần đầu tiên các bài phê bình sách và hoặc những mô tả sách bị Amazon kiểm duyệt để tránh làm phật ý những người đang cai trị Trung Quốc.”
Ông ấy đã đề cập đến một cuốn sách khác của mình có nhan đề “Sự Mù Quáng Có Chủ Ý: Cách Mạng Lưới Ma Túy, Trùm Tài Phiệt, Và Quý Tộc ĐCSTQ Xâm Nhập Vào Phương Tây” (Wilful Blindness: How a Network of Narcos, Tycoons and CCP gents Infiltrated the West) của tác giả Sam Cooper, mà ông cho biết mô tả của cuốn sách này cũng đã bị Amazon kiểm duyệt. “Sự Mù Quáng Có Chủ Ý” đề cập đến các mối liên hệ giữa ĐCSTQ, buôn bán ma túy bất hợp pháp, cờ bạc, rửa tiền, và các chính trị gia Canada.
Tiết lộ đầy đủ: Cuốn sách mới nhất của tôi cũng được Optimum Publishing International của ông Baxendale xuất bản.
“Tại một thời điểm nào đó, ông Bezos và Amazon sẽ cần phải lựa chọn giữa kiếm thêm lợi nhuận thông qua việc ủng hộ cho nạn lao động nô lệ ở Tân Cương hoặc tìm kiếm dũng khí để tranh đấu cho tự do và dân chủ bằng cách tổ chức lại chuỗi cung ứng cho các công ty và quốc gia tuân theo khuôn khổ ESG vững chắc,” ông Baxendale nói tiếp.
Trái ngược với Amazon, Waterstones, một nhà cung cấp sách trực tuyến, đã cho phép ông Kenchington xuất bản bài đánh giá của mình. Ông ấy đã kết thúc bài đánh giá đó bằng một nhận định về cuốn “Liên Hệ với Trung Quốc” của ông Rogers, vốn là điều mà ông Bezos nên ghi nhớ.
“Cuốn sách này không dễ đọc; thực sự đó là một nhiệm vụ khó khăn nhưng là quyển sách PHẢI ĐỌC đối với bất kỳ ai muốn hiểu được mối đe dọa thực sự mà Trung Quốc gây ra.”
Khánh Ngọc biên dịch