Nguyễn Du và Kinh Kim Cang. Phan Đông Bích

Phan Đông Bích

Nói ra là bị kẹt
Không nói cũng không xong
Vì anh đưa một nét
Đầu núi ánh dương hồng.
(Thiền Sư Chân Nguyên, Việt Nam, thế kỷ 17)


1. Sơ lược tiểu sử

Nguyễn Du, tự là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên, quán tại làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, con thứ bảy Cụ Hoàng Giáp Xuân Quận Công Nguyễn Nghiễm. Thân phụ Ông thi đỗ tiến sĩ và làm quan đến chức Tể Tướng thời Lê-Trịnh. Nguyễn Du sinh năm Ất Dậu (1765) ở phường Bích Câu, thành Thăng Long (sau này là Hà Nội), niên hiệu Cảnh Hưng thứ 26 đời nhà Lê, khi thân phụ đang làm Tể Tướng. Nguyễn Du đỗ tam trường thi Hương khi 19 tuổi, là người học rộng, tinh thông cả Phật học và sành các môn thi họa.

Thân phụ Nguyễn Nghiễm qua đời lúc Nguyễn Du mới 10 tuổi (1775) và thân mẫu của Nguyễn Du là Bà Trần Thị Tần (1740-1778, sinh quán ở tỉnh Bắc Ninh) mất sớm lúc Nguyễn Du 13 tuổi nên Nguyễn Du về sống với người anh khác mẹ là Nguyễn Khản (hơn Nguyễn Du 31 tuổi, Hồng Lĩnh Hầu Nguyễn Khản, trấn thủ Sơn Tây-Hưng Hóa, làm quan Tả Tư Giảng cho thế tử Trịnh Tông) nuôi dưỡng và cho ăn học. (2) (‘Trích giảng Truyện Kiều của Nguyễn Du,’ Giáo Sư Hồ Đình Chữ, Việt Luận xuất bản, Sydney, 1996). Năm 1784, vì đỗ thấp, Nguyễn Du chỉ được thế chân người cha nuôi họ Hà vừa mới mất, làm một chức quan võ ở Thái Nguyên. (2) (sách đã dẫn, trang 5)

Trong suốt mười năm từ 1786-1795, Nguyễn Du lưu lạc ở quê vợ ở Thái Bình. Trong những năm 1796-1802, Nguyễn Du lui về ẩn cư ở quê nhà ở Tiên Điền, Hà Tĩnh, mặc dù sống rất nghèo nhưng an nhiên, tự tại vì Nguyễn Du đọc kinh Phật, tu học thiền để tìm đạo giải thoát. Năm Gia Long nguyên niên (1802), Nguyễn Du được triệu ra làm quan, bắt đầu là Tri Huyện Phụ Dực, Thái Bình; ít lâu sau làm Tri Phủ Thường Tín (nay thuộc Hà Đông). Năm 1805, Nguyễn Du đã được phong tước là Du Đức Hầu. Sau đó Nguyễn Du cáo bệnh xin lui về quê.

Năm Gia Long thứ 5 (1806), Nguyễn Du được triệu vào kinh đô Huế giữ chức Đông Các Học Sĩ; năm 1809, làm Bố Chính tỉnh Quảng Bình. Tháng 2 năm 1813, Nguyễn Du được thăng Cần Chánh Điện Học Sĩ, rồi có chỉ sai làm Chính Sứ tuế cống đi Trung Hoa và tháng 4 năm Giáp Tuất (1814) ông trở về Kinh được thăng Lễ Bộ Hữu Tham Tri. Năm Minh Mạng nguyên niên (1820), Nguyễn Du sắp sửa đi sứ Trung Hoa lần nữa, nhưng bị bệnh mất ngày 10 tháng 8 năm Canh Thìn, thọ 56 tuổi. Thi văn chữ Hán của Nguyễn Du để lại gồm Thanh Hiên Tiền Hậu Tập, Bắc Hành Thi Tập, Nam Trung Tạp Ngâm, Lê Quí Kỷ Sự.

Về thơ Nôm, Nguyễn Du lưu lại trong kho tàng văn học Việt Nam thiên trường thi bất hủ Đoạn Trường Tân Thanh (ĐTTT), được truyền tụng trong dân gian và được liệt vào tài liệu giáo khoa dạy ở bậc trung học. ĐTTT là áng văn chương tuyệt tác, viết theo thể thơ lục bát gồm 3254 câu, dài nhất trong các tác phẩm xưa nay. Ngoài ra, bài thơ chữ Nôm ‘Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh’ là một ngâm khúc gồm có 184 câu theo thể song thất lục bát, trong đó chứa đựng tấm lòng từ bi của người Phật tử Nguyễn Du đối với cảnh khổ của muôn vạn sinh linh, cũng là một tác phẩm giá trị được nhiều học giả nghiên cứu, trích giảng.

indexttt55

2. Hai thời kỳ lưu lạc (1786 – 1795) và ẩn cư (1795 – 1802) của Nguyễn Du

Từ trước tới nay, các nhà biên khảo văn học thường bàn luận nhiều về Nguyễn Du và tác phẩm Đoạn Trường Tân Thanh, mà ít khi nói tới hai giai đoạn quan trọng trong đời Nguyễn Du là thời kỳ sống lưu lạc ở quê vợ và việc lui về ẩn cư ở quê nhà và trong thời gian này Nguyễn Du nghiên cứu kinh điển Phật giáo, tu học thiền tông để rồi hơn mười năm sau Nguyễn Du đã chứng ngộ khi đi sứ sang Trung Hoa (1813 – 1814) (sẽ trình bày rõ thêm trong những phần sau của bài viết).

2.1 Thời kỳ lưu lạc từ 1786 – 1795

Trong suốt mười năm, Nguyễn Du lưu lạc ở quê vợ ở Thái Bình, và Ông đã viết: ‘Thập tải phong trần khứ quốc xa’ (xin tạm chuyển sang tiếng Việt: ‘Mười năm gió bụi cách xa quê’) vì hai lý do sau: (i) năm 1784,kiêu binh nổi dậy kéo đến nhà Nguyễn Khản,Ông trốn được lên Sơn Tây ‘rồi về Hà Tĩnh,nhưng dinh cơ ở Thăng Long đều bị phá sạch, (ii) người anh khác mẹ của Nguyễn Du là Nguyễn Quýnh, con của bà trắc thất Nguyễn ‘Thị Xuyên, chống lại Tây Sơn nên bị giết, và cũng vì vậy mà Tây Sơn phá hết dinh cơ ‘của họ Nguyễn ở Tiên Điền.

Trong bài thơ Quỳnh Hải Nguyên Tiêu có câu: ‘Hồng Lĩnh vô gia huynh đệ tán’ (Ở Hồng Lĩnh không có nhà, anh em tan tác) cho ta thấy được lý do Nguyễn Du phải ‘về sống ở quê vợ.’ Suốt mười năm, Nguyễn Du sống ăn nhờ ở đậu, đau ốm liên miên, nghèo khổ không có ‘tiền mua thuốc, trôi nổi nay đây mai đó, túng quẫn bi thương… Trong những bài thơ Xuân Nhật Ngẫu Hứng, Tự Thán, Bất Mị, Sơn Cư Mạn Hứng, U Cư,… ta ‘bắt gặp được rất nhiều ý tình về cảnh sống xa quê hương, sầu thời thế, nghèo khổ, lưu lạc, ‘tan tác …’ (2) (sách đã dẫn, trang 2-9).

2.2 Thời kỳ ẩn cư từ 1795 – 1802

Năm 1796, Nguyễn Du định rời Hà Tĩnh để vào Gia Định giúp Nguyễn Ánh nên bị tướng Nguyễn Thận của nhà Tây Sơn bắt giam. Nhưng Nguyễn Thận đã tha cho Nguyễn Du vì nể tình bạn với Nguyễn Nễ, anh của Nguyễn Du. Sau đó Nguyễn Du lui về ẩn cư ở quê nhà. Sách có ghi là Nguyễn Du theo gót La Sơn Phu Tử (9) đi ngao du sơn thủy, đi khắp cả vùng 99 ngọn núi Hồng Lĩnh, dãy núi vùng Nghệ An – Hà Tĩnh, cách quê của Nguyễn Du khoảng 10 cây số. Gia phả họ Nguyễn Tiên Điền chép ®g trở về, lấy cảnh núi sông làm vui, tự gọi mình là Hồng Sơn Liệp Hộ (người săn bắn núi Hồng) và Nam Hải Điếu Đồ’ (người chài lưới biển Nam).

Về nhân vật lịch sử La Sơn Phu Tử, theo Trần Trọng Kim, là: ®g Nguyễn Thiệp, tự là Khải Chuyên, hiệu là Nguyệt Úc, biệt hiệu là Hạnh Am. Ông làm nhà ở Lục Niên Thành, thuộc huyện La Sơn, tỉnh Hà Tĩnh bây giờ, cho nên người ta gọi là Lục Niên tiên sinh hay là La Sơn Phu Tử. Vua Quang Trung từ khi đem quân ra đánh Bắc Hà, biết tiếng Nguyễn Thiệp, đã mấy lần cho người đem lễ vật mời ông ra giúp, ông không nhận lễ và cũng từ chối không ra. Đến khi Ngài đã đăng cực, lại mấy lần cho người đón mời ông, ông có đến bái yết và khuyên vua nên lấy nhân nghĩa mà trị dân trị nước, rồi lại xin về. Vua Quang Trung tuy không dùng được ông, nhưng bao giờ cũng tôn kính ông như bậc thầy, và việc chính trị trong nước thường theo ý nghĩa của ông đã trình bày.’ (9) (Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược, quyển 2, Bộ Giáo Dục xuất bản, Sài Gòn 1971, trang 140-141).

2.2.1 Nguyễn Du đã cho chúng ta thấy là tiên sinh đã chán ngán việc học hành,kiến thức thế gian tầm thường ‘Suốt đời thơ phú ròng vô bổ, Đầy giá sách đàn chất mãi ngu.’ trong bài thơ sau:

Mạn Hứng

Long Vĩ châu biên đa bạch âu,
Lam Giang đường thượng hữu hàn nho.
Nhất sinh từ phú tri vô ích,
Mãn giá cầm thư đồ tự ngu.
Bách tuế vi nhân bì thuấn tức,
Mộ niên hành lạc tích tu du.
Ninh tri dị nhật tây lăng hạ,
Năng ẩm trùng dương nhất trích vô.
(Long Vĩ bờ bên một đám cò,
Sông Lam trên bến bác hàn nho.
Suốt đời thơ phú ròng vô bổ,
Đầy giá sách đàn chất mãi ngu.
Cuộc sống trăm năm coi mấy chốc,
Chuyện vui tuổi cả tiếc từng giờ.
Phiá tây bãi cỏ khi nằm xuống,
Chén rượu trùng dương ai tưới cho.)

(Nguyễn Vũ My và Trần Thanh Mại dịch) (2) (sách đã dẫn, trang 10-11)

2.2.2 Từ những chán ngán cái học tầm thường của thế gian, Nguyễn Du đã tìm đọc kinh điển Phật (nhất là kinh Kim Cương Bát-nhã Ba-la-mật) và học tu thiền nên dù sống nghèo mà lòng vẫn an nhiên tự tại để ‘Lá rơi hoa nở việc trước mắt, Tâm trạng quanh năm vẫn nhẹ nhàng,’ hay là ‘Đạt sĩ, cõi lòng trăng sáng tỏ, Cao nhân, trước cửa núi bao la’ như trong hai bài thơ sau:

Tạp Thi II

Hồng Sơn nhất sắc lâm bình cừ
Thanh tịch khả vi hàn sĩ cư.
Thiên lý bạch vân sinh kỷ tịch,
Nhất song minh nguyệt thướng cầm thư.
Tiếu đề tuẩn tục can qua tế,
Giam mặc tàng sinh lão bệnh dư.
Diệp lạc hoa khai nhãn tiền sự,
Tứ thời tâm kính tự như như.
(Trên giải non Hồng dưới làn nước
Nho nghèo ở đó cũng thanh nhàn
Nghìn tầm mây bạc quanh giường chiếu,
Một mảnh trăng trong giọi sách đàn.
Cười khóc theo đời qua buổi loạn,
Trầm tiềm giữ miệng dưỡng thân tàn.
Lá rơi hoa nở việc trước mắt,
Tâm trạng quanh năm vẫn nhẹ nhàng.)

Tạp Ngâm II

Long Vĩ giang đầu ốc nhất gian,
U cư sầu cực hốt tri hoan.
Đạt nhân tâm cảnh quang như nguyệt,
Xử sĩ môn tiền thanh giả san.
Chẩm bạn thúc thư phù bệnh cốt,
Đăng tiền đẩu tửu khởi suy nhan.
Táo đầu chung nhật vô yên hỏa
Song ngoại hoàng hoa tú khả xan.
(Đầu sông Long Vĩ một gian nhà,
Ở ẩn buồn teo bỗng thú a !
Đạt sĩ, cõi lòng trăng sáng tỏ,
Cao nhân, trước cửa núi bao la.
Sách chồng cạnh gối đỡ thân mệt,
Rượu nhắp bên đèn đổi sắc da.
Trong bếp suốt ngày không khói lửa,
Ngoài song no với khóm hoàng hoa.)

(Nguyễn Vũ My và Trần Thanh Mại dịch) (2) (sách đã dẫn, trang 10-11)

2.2.3 Nhờ thực hành sâu xa Trí Tuệ Bát-nhã của kinh Kim Cương, Nguyễn Du quán xét tất cả các pháp hữu vi đều không có tự tánh, vô thường sinh diệt. Vì buông xả các pháp và vọng tưởng nên Nguyễn Du cho chúng ta thấy tiên sinh đã ‘hàng phục vọng tâm và an trụ chân tâm’ của mình qua bài thơ ‘Đạo Ý’sau đây: (2) (bài thơ trong sách đã dẫn, trang 27-28)

Đạo Ý

Minh nguyệt chiếu cổ tỉnh,
Tỉnh thủy vô ba đào.
Bất bị nhân khiên xả
Thử tâm chung bất dao
Túng bị nhân khiên xả
Nhất dao hoàn phục chỉ.
Trạm trạm nhất phiến tâm,
Minh nguyệt cổ tỉnh thủy.
(Trăng sáng giọi giếng xưa,
Nước giếng không gợn sóng.
Không ai người khuấy lên
Lòng này không xao động.
Dù ai người khuấy lên
Động qua lặng rất chóng.
Trong vắt một tấm lòng,
Giếng xưa trăng giọi bóng.)

2.2.4 Khi tâm an trụ không dính mắc 6 trần cảnh (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) nên tâm như như chẳng động. Chúng ta hãy đọc bài thơ ‘Đề Tam Thanh Động’ của Nguyễn Du để hiểu rõ ‘tâm’ của thi hào Tố Như ‘thường định không rời cảnh thiền’ vì Nguyễn Du đã đọc và hiểu kinh Kim Cương nên không còn chấp vào ‘ngã tướng,’ ‘nhân tướng,’ ‘chúng sinh tướng’ và ‘thọ giả tướng’ nên quán sát tất cả các cảnh giới đều không có tướng (vô tướng) (‘Mãn cảnh giai không hà hữu tướng,’ Khắp cảnh giới đều trống rỗng thì làm gì còn sắc tướng):

Đề Tam Thanh Động

Vạn ban thủy thạch thiện đại xảo,
Nhất lạp kiền khôn khai tiểu thiên,
Mãn cảnh giai không hà hữu tướng,
Thử tâm thường định bất ly thiền.

Ngàn muôn thứ nào đá,nào nước, xếp đặt tự nhiên,nghệ thuật rất khéo,
Một hạt nhỏ trời đất mở ra một thế giới nhỏ nữa,
Khắp cảnh giới đều trống rỗng thì làm gì còn sắc tướng,
Lòng này thường định không rời cảnh thiền.

(Bài dịch của Giáo Sư Nguyễn Đăng Thục, Thế Giới Thi Ca Nguyễn Du, Xuân Thu, trang 173).

2.3 Sau này khi đi sứ sang Trung Hoa (1813 – 1814), Nguyễn Du đã viết trong bài thơ ‘Lương Chiêu Minh Thái Tử Phân Kinh Thạch Đài’ và cho ta thấy Nguyễn Du đã đọc kinh Kim Cương hàng ngàn lần trong những năm Nguyễn Du ở ẩn nơi quê nhà:

‘… Minh kính diệc phi đài,
Bồ đề bản vô thụ.
Ngã độc Kim Cương thiên biến linh,
Kỳ trung áo chỉ đa bất minh;
Cập đáo Phân Kinh Thạch Đài hạ,
Chung tri: vô tự thị chân kinh.’

Bài dịch của Giáo Sư Nguyễn Đăng Thục:

‘… Tấm gương trong không phải thật có đài gương,
Cây Bồ Đề cũng không phải cây thật.
Ta đọc kinh Kim Cương có hơn ngàn lần,
Ý nghĩa uyên thâm trong ấy phần nhiều không hiểu;
Tới nay đến dưới đài Phân Kinh này,
Mới biết rằng kinh không chữ mới thật là chân kinh.’

(4) (Nguyễn Đăng Thục, Thế Giới Thi Ca Nguyễn Du, Xuân Thu, trang 173)

rt4tr4tr4r3

Chúng ta ai cũng biết là kinh Kim Cương là kinh thường tụng đọc hằng ngày trong Thiền tông và những ai học và thực hành thiền đều đọc kinh này vì Đức Phật đã dạy ông Tu Bồ Đề trong kinh này:

Nếu lại có người nào đối với kinh này, lãnh thọ và hành trì được, cho chí đến bốn câu kệ, và lại đem nói cho người nghe mà làm, thì lại phúc hơn người kia. Vì cớ gì vậy? – Này ông Tu Bồ Đề, hết thảy chư Phật và pháp Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác (Anuttara Samyak Sambodhi, tiếng Hán chuyển âm là A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề) của chư Phật, cũng đều bởi kinh này mà ra. Ông Tu Bồ Đề, cái pháp ta gọi là Phật pháp đó, tức không phải là Phật pháp.’ (3) (Kinh Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật, phận thứ 8, ‘Y pháp xuất sinh’Nương theo pháp mà sinh ra, Thiều Chửu dịch và giảng giải, Trung Tâm Văn Hóa Phật Giáo Việt Nam tại Cộng Hòa Liên Bang Đức, xuất bản năm 1984, trang 47-49).

Chúng ta có thể hiểu là Nguyễn Du học Phật và tu theo Thiền tông trong thời gian ở ẩn nơi quê nhà và Nguyễn Du cũng đọc cả ‘Pháp Bảo Đàn Kinh’ của Lục Tổ Huệ Năng khi tiên sinh đã trích dẫn hai câu trong bài kệ của Lục Tổ Huệ Năng:

Minh kính diệc phi đài,
Bồ đề bản vô thụ.

(Gương sáng cũng không đài
Bồ đề chẳng có thân.)

3. Vào những năm cuối của đời mình, Cụ Vũ Khắc Khoan (sinh ngày 27 tháng 2 năm 1917 tại Hà Nội và qua đời ngày 12 tháng 9 năm 1986 tại Minnesota, Hoa Kỳ) đã đọc và nghiên cứu kinh Phật do đó trong tác phẩm ‘Đọc Kinh’ Cụ Vũ Khắc Khoan đã có viết về Nguyễn Du, tác giả của tuyệt tác Đoạn Trường Tân Thanh, như sau:

Khoảng đầu thế kỷ thứ 19, nhân một chuyến đi sứ sang Trung Quốc, Nguyễn Du có dịp đến tham Phân Kinh Thạch Đài. Bấy giờ – trên 1,000 năm đã qua – đá đài Phân Kinh đã mòn. Rêu leo xanh mái, mưa cũ đọng chân tường, cỏ dại lấp lối đi, hoang vu hun hút hành lang vắng lặng. Trời ngả vào chiều. Nắng quái lung linh vách đá. Đâu rồi những vết kinh xưa. Lăng Già, Viên Giác, Bát Nhã, Kim Cương. Kim Cương… Ngã độc Kim Cương thiên biến linh.’

Tôi nghe như vầy: Một hôm tại nước Xá Vệ, Phật và 1250 vị Đại Tỳ Kheo đều ở tịnh xá Kỳ Hoàn, trong vườn của thái tử Kỳ Đà và ông trưởng giả Cấp Cô Độc. Sắp đến giờ ngọ trai, Phật và chúng tăng đều đắp y, mang bình bát vào thành Xá Vệ, theo thứ lớp khất thực. Khất thực xong, Phật và chúng tăng đồng về tịnh xá để thọ trai. Sau khi thọ trai xong, Phật xếp y, cất bình bát và rửa chân, rồi trải tọa cụ, ngồi yên tịnh. Khi đó, ở trong đại chúng, ông trưởng lão Tu Bồ Đề đứng dậy, vén tay áo bên hữu, gối bên hữu quỳ xuống, chắp tay cung kính bạch Phật rằng: – Hy hữu thay, đức Thế Tôn! Ngài thường nhớ nghĩ và bảo hộ các vị Bồ Tát, Ngài rất hay khéo dạy bảo các vị Bồ Tát. Bạch Thế Tôn, nếu có người phát tâm Bồ Đề muốn cầu quả Phật, thì:

Làm sao hàng phục vọng tâm?
Làm sao an trụ chân tâm? …’

(Kinh Kim Cương, phận Pháp Hội Nhân Do,và phận Ngài Tu Bồ Đề (Subhuti) thỉnh cầu Phật thuyết pháp).

‘Hàng phục vọng tâm, an trụ chân tâm, hai niềm thắc mắc không riêng của ông Tu Bồ Đề, mà của toàn thể đại chúng thuở đó, của chúng ta hôm nay, của Nguyễn Du, riêng Nguyễn Du một mình.

Ngã độc Kim Cương thiên biến linh 1,000 lần, hai niềm thắc mắc đó đặt ra. Và biết bao nhiêu lần nữa, khi cuốn kinh gấp lại? Đôi khi, từ những ngôn từ tường-đồng-vách-sắt dựng lên trong kinh nghe cũng có vọng ra bên ngoài, lọt vào tâm thức Nguyễn Du một chút gì – như vậy, như vậy – tạm gọi là nghĩa của kinh. Nhưng nghĩa đó chắc đâu đã là ý của người nói kinh? Ý của đức Thế Tôn năm xưa đâu phải chỉ là như vậy, như vậy?

Ngã độc Kim Cương thiên biến linh
Lần thứ 1,000 lẻ một, không có kinh.
Chỉ có nắng chiều và đá tảng.
Nắng dợn trên đá phân kinh.
Và đá và nắng bỗng nhiên hội duyên nói pháp.

…. Thuở đó, xa rồi.
Chấm dứt.
Giờ đây nắng tắt, đá mòn.
Giờ đây chỉ còn một chút chập chờn.

Trong đêm nghe như đã bắt đầu, lời kinh âm u như vọng như chân, nghĩa kinh ẩn ẩn hiện hiện, ánh lửa chài le lói bên sông lạ, ý kinh tuyệt mù trong mộng và huyễn, là bọt nước mặt hồ trong cơn mưa ngâu, giọt sương chiều đọng lại, giọt sương mai tan đi. Vừa kịp thấy đó, chớp mắt không còn, mới nghe vang lên đã chìm vào sâu lặng, hay, rồi lại lãng đãng, nhạt nhòe, biết mà nói lên thì bất … khả thuyết. Thấy-nghe-hay-biết chỉ là chập chờn cánh con bướm trắng trên luống cải xanh. Hay chỉ là một niệm khởi lên chập chờn sương khói, Nguyễn Du đã lọt vào một khoảng mù khơi tịch mịch?

Kỳ trung áo chỉ đa bất minh

Bài Phân Kinh Thạch Đài giữa lòng đá vắng lặng không là một thú nhận nỗi bất lực của riêng Nguyễn Du trước những trang Kim Cương. Bài ký Phân Kinh là một thú nhận nỗi bất lực của ngôn từ và văn tự con người khi muốn nắm bắt cái chập chờn 鯠chỉ’ của cõi vô ngôn đó, bất khả tư nghì. Tôi gắng nhớ lại bài thơ, lõm bõm. Dừng lại ở hai câu:

Ngã độc Kim Cương thiên biến linh
Kỳ trung áo chỉ đa bất minh

Khá lâu. Bâng khuâng nghĩ đến niềm khắc khoải của người xưa tầm đạo. Làm sao hàng phục vọng tâm? Làm sao an trụ chân tâm?

Kim Cương đọc đến ngàn lần
Mà trong mờ ảo như gần như xa

Như gần như xa nhưng vẫn ở đó, câu trả lời vẫn ở đó, nơi vườn Kỳ Thọ. Và bây giờ, vượt khỏi ngôn từ và văn tự, giữa Kim Lăng, vọng ra từ kẽ đá phân kinh, mờ mờ ảo ảo, như gần như xa, có mà không, không nhưng có, như mộng như ảo, như bọt nổi trên mặt nước, như chớp biển ngoài khơi, như bóng hình lãng đãng trong gương, như giọt sương đêm đọng lại, như giọt sương mai tan đi trên đầu ngọn cỏ, câu trả lời vẫn ở đó, câu trả lời đến thẳng với Nguyễn Du, trong hoang vu Phân Kinh Thạch Đài.

Này Tu Bồ Dề. Hãy nghe lời đá, lời đá nói rằng:
Nhất thiết hữu vi pháp
Như mộng huyễn, bào, ảnh,
Như lộ, diệc như điển
Ưng tác như thị quán

Tất cả, cái gì gọi lên cũng chỉ là tạm gọi. Ngay cả hai chữ Kim Cương. Như lai nói Kim Cương tức không phải Kim Cương, thế mới gọi là Kim Cương.’ (1) (Đọc Kinh, Vũ Khắc Khoan, viết năm 1984, Bà Vũ Khắc Khoan tại Hoa Kỳ và An Tiêm xuất bản, 1988, trang 22 – 26). Khi Vũ Khắc Khoan viết quyển ‘Đọc Kinh’ thì Ông chỉ trích dẫn có hai câu gần cuối bài thơ ‘Lương Chiêu Minh Thái Tử Phân Kinh Thạch Đài’ của Nguyễn Du.

4. Bốn câu kệ dẫn ở trên là bốn câu kệ lấy từ phận thứ 32 của Kinh Kim Cương ‘ng Hóa Phi Chân’ (ng cơ hiện thân hóa độ không phải là thật) mà Cụ Thiều Chửu đã chuyển sang tiếng Việt như sau: (3) (sách đã dẫn, trang 103-104)

Nhất thiết hữu vi pháp
Như mộng huyễn, bào, ảnh,
Như lộ, diệc như điển
Ưng tác như thị quán
(Hết thảy pháp hữu vi
Như mộng huyễn, bọt, bóng
Như móc, cũng như chớp
Nên coi như thế này)

Cụ Uyên Như Thiền trong bài ‘Vài lời giới thiệu Kinh Kim Cương’ đã giới thiệu bốn câu cuối của bài thơ Lương Chiêu Minh Thái Tử Phân Kinh Thạch Đài của Nguyễn Du và đã viết: ‘Ai cũng biết tác giả truyện Kim Vân Kiều là Cụ Nguyễn Du, nhưng nào có ai ngờ chính Cụ là nhà Phật học thâm thuý về Đại Thừa cho nên Cụ đã có làm bài thơ như sau:

Ngã độc Kim Cương thiên biến linh
Kỳ trung áo chỉ đa bất minh
Cập đáo Phân Kinh Thạch Đài thị
Chung tri: vô tự thị chân kinh.

Đại ý nói rằng: Cụ đã tụng Kinh Kim Cương hơn cả nghìn lần mà chưa giác ngộ, sau đến Phẩm Thạch Đài, Cụ mới giác ngộ mà hiểu rằng Kinh thiệt là cuốn Kinh không có một chữ nào. Thảo nào thế nên Cụ đã lồng tư tưởng Phật Giáo vào truyện Kiều mà ít ai lưu ý.’ (3) (Vài lời giới thiệu Kinh Kim Cương, sách đã dẫn, trang 13). Cụ Uyên Như Thiền đã hiểu Nguyễn Du sâu sắc nhưng Cụ chỉ lầm một điểm duy nhất khi viết về ‘Phẩm Thạch Đài’ như trên vì trong Kinh Kim Cương (tất cả có 32 phận) không có phận nào tên là Phẩm Thạch Đài.

tthnn

Theo Cụ Thiều Chửu, dịch giả của quyển Kinh Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật (VAJRACCHEDIK PRAJNA PARAMITA) thì:’Kinh này nguyên không có chia ra chương mục gì cả, sau ngài Chiêu Minh Thái Tử nhà Lương chia làm 32 phận. Song, tuy chia làm 32 phận, mà nghĩa văn thì vẫn một mạch liên quán nhau, không thể cắt đứt từng đoạn được. Chia ra từng phận cho người mới học dễ nhớ mà thôi, còn người học tinh thì phải nghiên cứu cho tinh mà dung hóa cả làm một mới có thể hiểu được.’ (3) (sách đã dẫn, trang 27).

5. Cụ Hương Giang Thái Văn Kiểm trong bài khảo luận công phu ‘Lời Bạt: Đầu năm Quý Dậu 1813 Nguyễn Du đi sứ Trung Quốc’ đã viết (bài này in trong ‘Trích giảng Truyện Kiều của Nguyễn Du,’ Giáo Sư Hồ Đình Chữ, Việt Luận xuất bản, Sydney, 1996, trang 305-329) (2):

Từ trước tới nay, các nhà biên khảo văn học thường bàn luận nhiều về Nguyễn Du và Truyện Kiều, mà ít khi nói tới một trạng thái khác trong đời Cụ là việc đi Sứ sang Trung Quốc.’ (2)

Về việc Nguyễn Du đi sứ, Gia phả chép: ‘Tháng Hai năm Quý Dậu (1813), ông được thăng hàm Cần Chính Điện Học Sĩ, rồi có chỉ sai làm Chính Sứ tuế cống, cùng với các ông Phó Sứ là Đàm Ân Hầu, Thiêm Sự bộ Lại, và Phong Đăng Hầu, Thiêm Sự bộ Lễ, đi sứ Trung Quốc. Tháng tư năm Giáp Tuất (1814) ông trở về Kinh.’ (2) (sách đã dẫn, trang 315).

Nguyễn Du về Kinh để phúc trình sứ mạng lên nhà vua, đồng thời mang về nhiều quý thư dị vật. Theo Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện, ngoài bản phúc trình thường lệ, Nguyễn Du còn sáng tác Bắc Hành Thi TậpThuý Kiều Truyện. (Vưu trường ư thi, thiên quốc âm, Thanh sứ hoàn dĩ Bắc Hành Thi Tập cập Thuý Kiều Truyện hành thế). (2)

‘Nguyễn Du đã tìm cách viếng thăm hầu hết những danh lam thắng cảnh, di tích văn chương và lịch sử, đền đài, lăng tẩm, miếu điện liên hệ những danh nhân, anh hùng, liệt nữ, nữ lưu mà Cụ đặc biệt có nhiều cảm tình nhất, như hai Bà Nữ Anh và Nga Hoàng mà vua Nghiêu đã gả cho vua Thuấn.’ (2)

‘Trên đường châu du Trung Quốc, Nguyễn Du đã viếng thăm miếu điện, đền đài, lăng mộ của hầu hết những danh nhân kỳ nữ nước bạn, mỗi nơi đều có cảm tác một vài bài thơ diễn tả tâm tình, cảm giác, và phê phán công minh, khen chê đúng mức. Nguyễn Du đã nhắc tới Mã Viện, Hoàng Sào, hai bà vợ vua Thuấn, Dương Quý Phi, Triệu Vũ Đế, Thái Văn Cơ, Trương Thị, Vi Ưng Vật, Tam Tạng Trần Huyền Trang, Liễu Tôn Nguyên, Khuất Nguyên, Giả Nghị, Đỗ Phủ mà Tiên Điền đặc biệt hâm mộ và tôn trọng như bậc thầy.’ (2)

Cụ Hương Giang Thái Văn Kiểm trong bài khảo luận cũng đã trích dẫn nhiều bài thơ trong tác phẩm Bắc Hành Thi Tập mà Nguyễn Du đã sáng tác suốt trong thời gian đi sứ sang Trung Quốc, nhưng tiếc thay Cụ Thái Văn Kiểm đã không trích dẫn bài thơ quan trọng của Nguyễn Du khi Người đến viếng cảnh hoang tàn đổ nát của một di tích lịch sử Trung Quốc: Lương Chiêu Minh Thái Tử Phân Kinh Thạch Đài.

Nhưng Lương Chiêu Minh Thái Tử là ai? Lương Chiêu Minh Thái Tử chính là Thái Tử của vua Lương Võ Đế (Liang Wu Ti) ở Trung Hoa. Vua Lương Võ Đế đã có công xây dựng nhiều ngôi chùa Phật giáo, in nhiều kinh Phật và độ các Tăng, và cũng là vị vua Trung Hoa thỉnh mời Tổ Bồ Đề Đạt Ma (sau này là Sơ Tổ Thiền Tông Trung Hoa) về Kim Lăng để thưa hỏi Tổ về Phật pháp.

Ngoài việc Lương Chiêu Minh Thái Tử chia Kinh Kim Cương ra làm 32 phận (hay là đoạn vì kinh này trước kia không có chia ra làm chương mục), Lương Chiêu Minh Thái Tử còn cho xây dựng Phân Kinh Thạch Đài (đầu thế kỷ thứ 6 tây lịch) để làm một thư viện quốc gia về Phật học, nơi tàng trữ, thu tập tất cả kinh,luật, luận Phật giáo đương thời và là trung tâm nghiên cứu Phật học.

Cứ theo sách ghi chép thì Bồ Đề Đạt Ma (Bodhidharma) rời nước Quốc Hương, nam Thiên Trúc (Dekhan) để đi đến Việt Nam đầu tiên và có lẽ ngài ở đây một thời gian khá lâu, vì Việt Nam khi đó được coi là trung tâm giao tiếp Ấn Hoa, nơi người ta có thể tìm được những người biết cả tiếng Trung Hoa lẫn tiếng Thiên Trúc. Sự kiện chỉ ghi rằng: Bồ Đề Đạt Ma trước đến Việt Nam sau vượt sông qua Ngụy (nguyên văn: ‘Sơ liên tống cảnh Nam Việt, mạt hựu tỷ độ chí Ngụy,’ sách Tục Cao Tăng Truyện, chương 19, Đại Tạng Kinh, quyển 50). (6) (trích dẫn từ quyển ‘Bồ Đề Đạt Ma, Tuyệt Quán Luận,’ Vũ Thế Ngọc dịch, EastWest Institute xuất bản, Hoa Kỳ, 1983).

ggggg

Theo sách Cảnh Đức Truyền Đăng Lục thì khi Bồ Đề Đạt Ma đến Quảng Châu, Trung Hoa, vào khoảng thập niên 470, thì thứ sử tỉnh này lấy lễ nghinh tiếp và dâng biểu về triều báo tin lên vua Lương Võ Đế. Vua sai sứ thỉnh mời Tổ Bồ Đề Đạt Ma về Kim Lăng để thưa hỏi Tổ về Phật pháp. Truyền Đăng Lục ghi lại cuộc đối đáp này như sau:

‘-Trẫm từ khi lên ngôi đến nay, xây chùa, in kinh, độ tăng rất nhiều. Vậy có công đức gì ‘chăng?

‘Tổ Đạt Ma đáp: – Đều không có công đức.

— Tại sao không có công đức?

— Bởi vì đó chỉ là những tiểu quả của cõi người cõi trời mà thôi, là cái nhân hữu lậu như bóng theo hình, tuy có mà chẳng thật.

— Vậy thế nào mới là thiệt công đức?

— Trí hoàn toàn trong sạch. Thể phải tự nhiên trống vắng, như thế mới là Công Đức. Công Đức là nơi bổn tánh chứ chẳng phải do nơi công nghiệp thế gian (xây chùa, chép kinh…) mà cầu đổi cho được.

— Vua lại hỏi: – Chân lý tối cao của bậc thánh là gì?

— Khi tỉnh rõ thông suốt rồi thì không có gì gọi là thánh cả.

— Đối diện với trẫm là ai?

— Không biết.

Vua Lương Võ Đế không lãnh hội được, lui về nghỉ. Tổ Đạt Ma biết căn cơ không hợp, ngài lưu lại vài hôm rồi qua Giang Bắc, ngài lên núi Tung Sơn, ở chùa Thiếu Lâm trọn ngày ngồi thiền đối vách im lặng trong chín năm.’ (6) (sách đã dẫn, trang 68-70).

Tổ Bồ Đề Đạt Ma là Sơ Tổ Thiền Tông Trung Hoa, đã ấn chứng và truyền y bát cho Huệ Khả là vị Tổ Thiền Tông thứ hai, rồi truyền xuống ngài Tăng Xáng, vị Tổ thứ ba, ngài Đạo Tín, Tổ thứ tư, ngài Hoằng Nhẫn, Tổ thứ năm và sau cùng truyền đến Huệ Năng là Tổ thứ sáu.

6. Giáo Sư Nguyễn Đăng Thục, trong quyển ‘Thế Giới Thi Ca Nguyễn Du’ (4) đã cho người đọc khám phá ra Nguyễn Du là một nhà học Phật, tinh thông Phật pháp qua bài thơ chữ Hán mà Nguyễn Du đã viết khi đến thăm ‘Lương Chiêu Minh Thái Tử Phân Kinh Thạch Đài’ trong thời gian đi sứ sang Trung Quốc:

LƯƠNG CHIÊU MINH THÁI TỬ PHÂN KINH THẠCH ĐÀI

Ngô văn Thế Tôn tại Linh Sơn,
Thuyết pháp độ nhân hằng hà sa số.
Nhân liễu thử tâm, nhân tự độ,
Linh Sơn chỉ tại nhữ tâm đầu.
Minh kính diệc phi đài,
Bồ đề bản vô thụ.
Ngã độc Kim Cương thiên biến linh,
Kỳ trung áo chỉ đa bất minh;
Cập đáo Phân Kinh Thạch Đài hạ,
Chung tri: vô tự thị chân kinh.

Bài dịch của Giáo Sư Nguyễn Đăng Thục:

Ta nghe nói Thế Tôn ở Linh Sơn,
Thuyết pháp độ người như cát sông Hằng.
Người ta giải được tâm này ấy là mình tự độ,
Linh Sơn chỉ ở tại lòng mình.
Tấm gương trong không phải thật có đài gương,
Cây Bồ Đề cũng không phải cây thật.
Ta đọc kinh Kim Cương có hơn ngàn lần,
Ý nghĩa uyên thâm trong ấy phần nhiều không hiểu;
Tới nay đến dưới đài Phân Kinh này,
Mới biết rằng kinh không chữ mới thật là chân kinh.

(4) (Nguyễn Đăng Thục, Thế Giới Thi Ca Nguyễn Du, Xuân Thu, trang 174)

Nguyễn Du là một thiên tài về thi ca với khả năng uyên bác về văn học thế mà khi đọc Kinh Kim Cương cả ngàn lần Nguyễn Du vẫn chưa hiểu trọn vẹn nghĩa của kinh như Nguyễn Du đã viết. Xin được chuyển hai câu cuối của bài thơ sang tiếng Việt như sau:

Cập đáo Phân Kinh Thạch Đài hạ
Chung tri: vô tự thị chân kinh.

(Thạch Đài tìm đến hiểu ra
Chân kinh thật nghĩa chẳng qua không lời.)

Vì Nguyễn Du học Phật và nghiên cứu kinh điển Phật Giáo đã nhiều năm một cách hết sức tinh tấn nhất là kinh điển Đại Thừa trong đó có Kinh Kim Cương mà Nguyễn Du đã đọc hàng ngàn lần, do đó vào năm 1813, khi Nguyễn Du đến thăm Phân Kinh Thạch Đài (xây vào khoảng thế kỷ thứ 6) và sau hơn 12 thế kỷ đã trôi qua, kinh điển nào thấy đâu? bao người tụng trì, nghiên cứu đã đi về đâu? Bây giờ ở nơi đó chỉ còn di tích hoang tàn đổ nát của Đài khiến cho Tâm Chân Như của Nguyễn Du bừng sáng để Nguyễn Du chứng ngộ Tánh Không (Sunnyatta) của Kinh Kim Cương và đã thốt lên rằng Kinh Kim Cương chẳng qua không có chữ (vô tự): ‘Chung tri: vô tự thị chân kinh’ (Chân kinh thật nghĩa chẳng qua không lời).

Nguyễn Du đã đọc kinh điển Phật để rồi quán sát thông suốt và nhận ra rằng lời kinh Phật nói ra đều là những pháp môn phương tiện dắt dẫn chúng sinh vào Đạo; như nước dùng để rửa bụi, như thuốc dùng để chữa bệnh. Nay chứng được ‘thân không,’ ‘tâm không,’ ‘tánh không’ thì tất cả các pháp đều không, kể cả Phật pháp trong đó có Kinh Kim Cương. Bệnh khỏi thì thuốc cũng trừ, gọi là chứng ngộ ‘Pháp không.’ Đức Phật đã dạy: ‘Như Lai thường nói: Này Tỳ Kheo các ông nên biết ta nói pháp ví dụ như chiếc bè; pháp còn nên bỏ, huống là phi pháp’ (‘Như Lai thường thuyết: Nhữ đẳng Tỳ Kheo tri ngã thuyết pháp như phiệt dụ giả, pháp thượng ưng xả, hà huống phi pháp.’) (10) (‘Kinh Kim Cang Giảng Giải,’ Thích Thanh Từ, đoạn thứ 6, trang 26-27, Phước Huệ Đạo Tràng, tái bản và ấn tống, Úc Đại Lợi, Phật Lịch 2531, 1987).

Ngã độc Kim Cương thiên biến linh
Kỳ trung áo chỉ đa bất minh
Cập đáo Phân Kinh Thạch Đài hạ
Chung tri: vô tự thị chân kinh.
(Kim Cương đọc đến ngàn lần
Mà trong mờ ảo như gần như xa
Thạch Đài tìm đến hiểu ra
Chân kinh thật nghĩa chẳng qua không lời)

7. Hai câu 5 và 6 trong bài thơ trên: ” Bồ đề bản vô thụ (thọ), minh kính diệc phi đài” là hai câu kệ mà Nguyễn Du trích từ bài kệ của Lục Tổ Huệ Năng (Hui neng, 638 – 713, tây lịch) khi Lục Tổ còn học ở nơi Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn (xin tạm chuyển sang tiếng Việt):

Bồ đề bản vô thọ
Minh kính diệc phi đài
Bản lai vô nhất vật
Hà xứ nhá trần ai?
(Bồ đề chẳng có thân
Gương sáng cũng không đài
Xưa nay không một vật
Nào chỗ vướng trần ai?)

Bài kệ nói trên do Lục Tổ Huệ Năng viết sau khi đọc bài kệ của Thượng Tọa Thần Tú là thầy Giáo Thọ và cũng là đệ tử của Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn. Thượng Tọa Thần Tú viết bài kệ như sau (xin tạm chuyển sang tiếng Việt):

Thân thị bồ đề thọ
Tâm như minh cảnh đài
Thời thời cần phất thức
Vật sử nhá trần ai
(Thân như cây bồ đề
Tâm như đài gương sáng
Giờ giờ cần phủi sạch
Chớ để vướng trần ai)

(5) (Pháp Bảo Đàn Kinh, Lục Tổ Huệ Năng, Thích Minh Trực dịch (Sài Gòn 1944), Phật Học Viện Quốc Tế xuất bản, Phật Lịch 2531, Hoa Kỳ, 1987, trang 25, 29)

Chúng ta cũng không quên là Lục Tổ Huệ Năng đã chứng ngộ chân tánh khi Lục Tổ được nghe kinh Kim Cương:

‘Huệ Năng nầy liền hiểu ý Tổ Sư, đến canh ba vào thất. Ngũ Tổ (Hoằng Nhẫn Đại Sư) lấy áo Ca Sa đắp cho ta; chẳng cho ai thấy, rồi nói kinh Kim Cang cho ta nghe, đến câu Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm. Nên không trụ vào chỗ nào mà sanh tâm mình.’ (Để cái tâm trống không, chẳng trụ vào đâu cả) (nguyên văn chữ Hán ‘Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm,’ câu này ở phận thứ 10 ‘Trang Nghiêm Tịnh Độ,’ trang nghiêm cõi thanh tịnh, trong Kinh Kim Cương).

‘Huệ Năng nầy nghe nói rồi liền rất tỏ sáng, biết rằng cả thảy muôn pháp chẳng lìa tánh mình, mới bạch với Tổ Sư rằng:

Nào dè tánh mình vốn tự nhiên trong sạch
Nào dè tánh mình chứa đầy đủ (muôn pháp)
Nào dè tánh mình vốn không lay động
Nào dè tánh mình có thể sanh ra muôn pháp.

Nếu chẳng biết Bổn Tâm, thì học pháp vô ích. Bằng biết Bổn Tâm và thấy Bổn Tánh mình, tức gọi là Trượng phu, là Phật, Thầy cõi trời và cõi người vậy.’ (5) (sách đã dẫn, trang 32-33)

8. Thi hào Nguyễn Du ĐãĐưa Triết LýPhật Giáo Vào Đoạn Trường Tân Thanh

8.1 Trong Đoạn Trường Tân Thanh, Nguyễn Du đưa triết học và tư tưởng Phật giáo vào trong thi ca như nghiệp, thiện căn, tâm,… thí dụ như trong đoạn thơ sau:

Đã mang lấy nghiệp vào thân
Cũng đừng trách lẫn trời gần hay xa
Thiện căn ở tại lòng ta
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài. (câu thứ 3252, ĐTTT )

Chữ tâm ở câu thứ 3252 trong ĐTTT: ‘Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài’ cũng là chữ ‘tâm’ mà Nguyễn Du viết ở trong bài thơ Đề Tam Thanh Động đã dẫn ở trên: “Thử tâm thường định bất ly thiền” (Lòng này thường định không rời cảnh thiền),

Hay chữ tâm trong bài Lương Chiêu Minh Thái Tử Phân Kinh Thạch Đài:

Nhân liễu thử tâm, nhân tự độ,
Linh Sơn chỉ tại nhữ tâm đầu.

Người ta giải được tâm này ấy là mình tự độ,
Linh Sơn chỉ ở tại lòng mình.

Hay chữ tâm như như trong bài thơ Tạp Thi II đã dẫn ở trên: “Tứ thời tâm kính tự như như” (Tâm trạng quanh năm vẫn nhẹ nhàng).

Tâm mà Nguyễn Du nói đến là Tâm chân như vì ‘tâm chơn như là thể, tâm sinh diệt là tướng dụng, tâm này không hư vọng nên gọi là ‘chơn,’ không biến đổi nên gọi là ‘như.’ Thế nên trong Luận ( Đại Thừa Khởi Tín Luận * ) mỗi mỗi nói: ‘Tâm chơn như, tâm sanh diệt.’ (7) (Nguồn Thiền, nguyên tác ‘Thiền Nguyên Chư Thuyên Tập Đô Tự ‘, Thiền Sư Tông Mật, Hoà thượng Thích Thanh Từ dịch, Phật Lịch 2512, 1969 tây lịch, Chùa Khánh Anh, Pháp Quốc). Đại Thừa Khởi Tín Luận (Sraddhotpàda) của Bồ Tát Mã Minh viết vào thế kỷ thứ 1, tây lịch.

8.2 Tác giả Mai Hiền Lương trong tác phẩm ‘Tiếng Lòng của Nguyễn Du’ dầy gần 300 trang gồm 21 bài luận, đã dẫn nhiều đoạn thơ trong Đoạn Trường Tân Thanh để giải thích và chứng minh là về mặt tư tưởng Nguyễn Du đã đưa triết lý của đạo Phật vào ĐTTT. (8) (Tiếng Lòng của Nguyễn Du, Mai Hiền Lương, Nhân Duyên ấn hành 1997, Gia Nã Đại).

Một thí dụ dẫn chứng của tác giả Mai Hiền Lương: mở đầu Đoạn Trường Tân Thanh (ĐTTT), Nguyễn Du đã đề cập đến cái KHỔ của kiếp người vì làm người là mặc nhiên chấp nhận KHỔ, và đây cũng là chân lý đầu tiên của Tứ Diệu Đế trong giáo lý nhà Phật: khổ, tập, diệt, đạo. Triết học Phật giáo được trình bày rõ ràng trong hai chữ cõi người vì Đức Phật dạy rằng chúng sinh nếu không tu hành theo đạo giải thoát sẽ tái sinh trong chu kỳ luân hồi của sáu cõi (lục đạo): trời, người, atula, súc sinh, ngạ quỷ và địa ngục, và trong sáu cõi này chỉ có cõi người mới có những thuận duyên để tu hành con đường giải thoát theo Phật.

Trăm năm trong cõi người ta (câu thứ 1, ĐTTT)
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau (2)
Trải qua một cuộc bể dâu (3)
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng (4)

Hai chữ tài và mệnh đã được Nguyễn Du gán cho sự tương khắc ‘ghét nhau’ đã khiến nhiều người kết luận đơn giản và đã từng giảng dạy là Nguyễn Du chủ trương thuyết ‘tài mệnh tương đố.’ (8) (sách đã dẫn, trang 37-38).

9. Lược khảo về kinh Kim Cương BÁT NHÃ BA LA MẬT (Vajracchedikà-Prajnà-Pàramità Sùtra)

9.1 Thiền Sư Thích Thanh Từ trong ‘Kinh Kim Cang Giảng Giải’ đã giảng như sau:

‘Kinh này do Đức Phật nói, nguyên văn bằng chữ Phạn (Sanskrit), sau truyền sang Trung Hoa được dịch ra chữ Hán. Những nhà phiên dịch Phạn-Hán gồm có:

Ngài Cưu Ma La Thập (Kumàrajiva): ở chùa tại Trường An (chùa Thảo Đường). Vào niên hiệu Hoằng Thủy năm thứ tư, tức là năm 401 tây lịch, thuộc đời Dao Tần. Ngài dịch tên kinh là Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật. Đây là bản có giá trị nhất, được gọi là định bản, vì sau khi dịch đến giờ đều được mọi người dùng để trì tụng. Bản này nằm trong bộ Tam Bảo tụng hằng ngày.

Ngài Bồ Đề Lưu Chi (Bodhiruchi): đời Ngụy dịch tên kinh cũng đồng với bản trên tức là Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật, vào khoảng 508 dương lịch.

Ngài Ba la Mật Đa (Paramârtha) (Trung Hoa dịch Chân Đế): dịch vào đời Trần, khoảng giữa thế kỷ thứ sáu đề tên là Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật.

Ngài Đạt Ma Cấp Đa (Dharmagupta): đời Tùy, khoảng đầu thế kỷ thứ bảy, dịch tên cũng đồng là Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật.

Ngài Huyền Trang (Hiouen-Thsang): đời Đường, khoảng giữa thế kỷ thứ bảy, dịch chung trong bộ Đại Bát Nhã, 600 quyển, gồm 16 hội, ‘Kim Cang’ là hội thứ 9, quyển 577 trong bộ Đại Bát Nhã.

Ngài Nghĩa Tịnh: đời Đường, đầu thế kỷ thứ tám, dịch tên là ‘Phật thuyết năng đoạn Bát Nhã Ba La Mật kinh.’ Ngài có đi Ấn Độ mang chữ Phạn về.

Sáu nhà dịch đồng một bàn kinh, nhưng về sau được chú ý nhất là các bản của ngài Cưu Ma La Thập, ngài Huyền Trang và ngài Nghĩa Tịnh.

Kinh Kim Cang rất được các Thiền Sư và Giảng Sư Trung Hoa chú ý sớ giải. Có cả thảy độ 10 nhà:

1. Ngài Trí Khải đời Tùy đề tên là ‘Kim Cang Bát Nhã kinh sớ’ gồm một quyển.

2. Ngài Kiết Tạng đời Tùy đề tên là ‘Kim Cang Bát Nhã sớ’ gồm 4 quyển.

3. Ngài Khuy Cơ đời Đường đề tên là ‘Kim Cang Bát Nhã Tân Thuật’ gồm 2 quyển.

4. Ngài Tông Mật tức ngài Khuê Phong cũng ở đời Đường, đề tên là ‘Kim Cang Bát Nhã cương sớ luận toát yếu’ gồm 2 quyển.

5. Ngài Trí Nghiêm cũng thuộc đời Đường, đề tên là ‘Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật kinh lược sớ ’ gồm 2 quyển.

6. Ngài Tư Cừ đời Tống đề tên là ‘Kim Cang toát yếu đại san định ký’ gồm 7 quyển.

7. Ngài Tông Lặc và Như Khôi đời Minh, đề tên là ‘Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật chú giải’ gồm 1 quyển.

8. ‘Kim Cang Chư Gia’ trích lời giảng của các Thiền Sư.

9. Gần đây có ngài Thái Hư, đề tên là ‘Kim Cang Giảng Lục.’

10. Gần đây nhất là cư sĩ Giang Vị Nông.

Về phần dịch Hán-Việt gồm có:

Hòa Thượng Trí Tịnh dịch trong bộ Tam Bảo tụng hằng ngày.

Hòa Thượng Thiện Hoa, dịch trong bộ Phật Học Phổ Thông (tức 12 nấc thang giáo lý).

Thượng Tọa Huệ Hưng dịch quyển ‘Kim Cang Giảng Lục’ của ngài Thái Hư.

Cư sĩ Đồ Nam dịch bản của ông Giang Vị Nông.

Quyển ‘Kim Cang Chư Gia’ cũng được dịch.

rgrg

9.2 Sự Liên Hệ Giữa Kinh Kim Cang và Thiền Tông

Dĩ nhiên ai cũng biết đức Lục Tổ khi gánh củi vào khách điếm bán, thấy có người đang tụng kinh Kim Cang, đức Lục Tổ nghe, tâm liền khai ngộ mới hỏi thăm và được biết là Ngũ Tổ Huỳnh Mai dạy đồ đệ trì tụng Kim Cang, do đó Ngài tìm đến học đạo. Trong Thiền tông, lúc ngài Bồ Đề Đạt Ma truyền tâm ấn cho ngài Huệ Khả, Ngài trao 4 quyển kinh Lăng Già (Lankàvatàra) để lấy đó làm tâm ấn. Đến đời Ngũ Tổ, thấy Kim Cang là quyển kinh tối yếu trong nhà Thiền, Ngài dạy: chẳng những Tăng Ni mà cả cư sĩ đều nên trì tụng kinh Kim Cang để an tâm. Thế nên khi Lục Tổ đến học, vào trước giờ truyền y bát, Ngài đem kinh Kim Cang ra giảng. Khi giảng đến câu ‘Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm,’ Lục Tổ hoàn toàn liễu ngộ. Như vậy Lục Tổ ngộ đạo và được truyền y bát làm Tổ cũng nhơn nơi Kim Cang. Do đó chúng ta thấy rõ tầm quan trọng của kinh Kim Cang đối với Thiền Tông.

Sau này trong các chùa và các thiền viện, bộ kinh này được xem như bộ kinh nhật tụng, và kinh Kim Cang được xem như tâm ấn trong nhà Thiền. Ngái Khuê Phong cũng bảo Kim Cang là bộ kinh quí đáng để an tâm. Học kinh Kim Cang là học thẳng vào phương pháp tu Thiền.’ (10) (sách đã dẫn,trang 1-3). Trong Kinh Kim Cang Giảng Giải, Thiền sư Thích Thanh Từ đã giảng một cách hết sức đơn giản và đưa ra nhiều thí dụ để người đọc hiểu và nắm vững được ý chỉ của kinh. Đến cuối sách Ngài cũng tóm tắt như sau:

TOÁT YẾU KINH KIM CANG

1. Lấy Trí Tuệ Bát Nhã quán xét tất cả pháp hữu vi đều không có tự tánh,vô thường sinh diệt.

2. Nhờ quán xét vững chắc nên hàng phục tâm dễ dàng, đưa các vọng tưởng vào Vô Dư Niết Bàn.

3. Vì buông xả các pháp và vọng tưởng nên tâm được an trụ.

4, Tâm an trụ không dính mắc sáu trần nên Như Như bất động.

5. Muốn trụ tâm phải buông xả đừng dính sáu trần (bố thí không chấp tướng).

6. Muốn hàng phục tâm phải đưa vọng niệm vào chỗ Vô Sanh.

(2) (sách đã dẫn, trang 162).

9.3 Giáo Sư F. Max Muller đã dịch kinh Kim Cương (với phần giới thiệu viết tại đại học Oxford ngày 26 tháng Giêng 1894) trực tiếp từ chữ Phạn (Sanskrit) sang Anh ngữ với tên ‘The Vajracchedika or Diamond Cutter’ trong quyển ‘Buddhist Mahàyàna Texts,’trang 109-144, (quyển thứ 49 trong bộ sách ‘Sacred Books of the East Series’ gồm 50 quyển), do Oxford University Press in năm 1894, và nhà xuất bản Motilal Banarsidass ở Ấn Độ tái bản vào những năm 1965, 1968, 1972, 1978. Bản dịch của Giáo Sư F. Max Muller không có phần giảng giải nên đọc khó hiểu.

Ông Lu K’uan Yu (Charles Luk) đã dịch sang Anh ngữ bản Kinh Kim Cương và phần giảng giải viết bằng chữ Hán của Thiền Sư Te Ch’ing (hiệu là Han Shan, Hám Sơn) viết vào năm 1616 tại Chùa Lục Tổ Huệ Năng ở Tào Khê, đời nhà Minh, Trung Hoa.

Thiền Sư Hám Sơn đã viết phần giảng giải kinh Kim Cương sau khi Ngài đã chứng ngộ và theo Ngài kinh chỉ nên chia ra làm hai phần: phần một để phá bỏ những kiến chấp còn thô sơ của những ai học Phật, phần hai để xóa bỏ những kiến chấp vi tế hơn mà những người học Phật vẫn còn giữ lấy nhưng không nhận biết.

Bản dịch Anh ngữ của Ông Lu K’uan Yu (1959) là ‘The Diamond Cutter of Doubts,’ a Commentary on the Diamond Sùtra, Vajracchedikà-Prajnà-Pàramità Sùtra, by Ch’an Master Han Shan (from the Chin Kang Chueh I) được đăng trong bộ sách ‘Ch’an and Zen Teaching’ First Series (và Second Series, Third Series) do nhà xuất bản Century Hutchinson Australia Pty Ltd., 1987, trang 147-206.

Nhận thấy những lời giảng giải của Thiền Sư Te Ch’ing (hiệu là Han Shan, ‘Silly Mountain,’ Hám Sơn, 1546-1623) hết sức lợi ích cho những ai muốn hiểu rõ thêm về kinh Kim Cương nên trong tương lai chúng tôi nguyện sẽ cố gắng chuyển bản Anh ngữ này sang Việt ngữ để trình bày cùng đồng hương Việt Nam có thêm tài liệu để tham khảo.

Duyên lành bài viết vừa xong,
Quà Xuân Kỷ Mão, tỏ lòng tri âm.

Phan Đông Bích


[Khởi đầu viết đêm 30 tháng 12, 1998, viết xong bản thảo ngày 2 tháng 2, 1999,
những ngày cuối năm trước Tết Nguyên Đán Kỷ Mão 1999,
Sydney, Úc Đại Lợi, Nam Bán Cầu].


TÀI LIỆU HỌC HỎI VÀ THAM KHẢO

Lục Tổ Huệ Năng, Pháp Bảo Đàn Kinh, Thích Minh Trực dịch, Phật Học Viện Quốc Tế xuất bản, Phật Lịch 2531, Hoa Kỳ, 1987.

1. Vũ Khắc Khoan, Đọc Kinh, Bà Vũ Khắc Khoan tại Hoa Kỳ và An Tiêm xuất bản, 1988.

2. Giáo Sư Hồ Đình Chữ, Trích giảng Truyện Kiều của Nguyễn Du, Việt Luận xuất bản, Sydney, 1996. Sách có in bài khảo cứu, trang 305, ‘Lời Bạt: Đầu năm Quý Dậu 1813 Nguyễn Du đi sứ Trung Quốc’ của Hương Giang Thái Văn Kiểm, Paris Chiêu Anh Các, Xuân Ất Hợi 1995.

3. Thiều Chửu dịch, Kinh Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật, Trung Tâm Văn Hóa Phật Giáo Việt Nam tại Cộng Hòa Liên Bang Đức, xuất bản năm 1984.

4. Nguyễn Đăng Thục, Thế Giới Thi Ca Nguyễn Du, Xuân Thu xuất bản, Hoa Kỳ.

5. Vũ Thế Ngọc dịch, Bồ Đề Đạt Ma Tuyệt Quán Luận, EastWest Institute, Hoa Kỳ, 1983.

6. Thiền Sư Thích Thanh Từ dịch, Nguồn Thiền, nguyên tác ‘Thiền Nguyên Chư Thuyên Tập Đô Tự ‘, Thiền Sư Tông Mật, Phật Lịch 2512 (1969), Chùa Khánh Anh, Pháp Quốc.

7. Mai Hiền Lương, Tiếng Lòng của Nguyễn Du, Nhân Duyên ấn hành 1997, Gia Nã Đại.

8. Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược (quyển 2), Bộ Giáo Dục xuất bản, Sài Gòn 1971, trang 140-141.

9. Thiền Sư Thích Thanh Từ, Kinh Kim Cang Giảng Giải, Phước Huệ Đạo Tràng, tái bản và ấn tống, Úc Đại Lợi, Phật Lịch 2531, 1987.

Phụ chú

Nhà cách mạng Sào Nam Phan Bội Châu cũng đã từng đọc kinh Kim Cương: Nhà cách mạng Sào Nam Phan Bội Châu cũng đã từng đọc và nghiên cứu kinh Kim Cương vì Cụ Phan Bội Châu khi viết bộ sách Chu Dịch, Cụ đã viết về quẻ Phong Địa Quán như sau:

‘Quán, quán nhi bất tiến, hữu phu, ngung nhược, hạ quan nhi hóa dã.

‘Theo như Soán từ, thời chỉ dùng một cách chí thành, nghiêm kính, khiến cho kẻ dưới dòm ‘mình mà cảm hóa vậy. ‘Phụ Chú – Ý nghĩa Soán từ đây, tượng như câu: thần võ nhi bất sát. Nghĩa là: dùng uy võ ‘bằng một cách thần diệu, mà không cần phải giết người. ‘Tòng lai, việc võ tất có giết người, võ mà không giết người mới là thần võ. Tế tất có tiến, tế ‘không dùng đồ tiến, mới là ý nghĩa thờ thần rất hay.

‘Kinh Phật có câu: ‘Nhược dĩ sắc kiến ngã, dĩ âm thanh cầu ngã, thị nhân hành tà đạo, bất ‘đắc kiến Như Lai.’ Nghĩa là: Phật lý chỉ ở bản tâm, vô thanh vô sắc, nếu ai lấy thanh âm ‘mà ‘cầu ta ở thanh âm, lấy hình sắc mà cầu ta ở hình sắc, người ấy rặt là làm đạo tà, không được ‘thấy Đức Phật Như Lai. ‘Câu kinh ấy ý tứ cũng như lời Soán đây. Lấy mâm cỗ mà cầu thần, có khác gì lấy thanh sắc ‘mà cầu Phật.’ (Sào Nam Phan Bội Châu, Chu Dịch, quyển thượng kinh, quẻ Phong Địa Quán, trang 414, nhà sách Khai Trí, Sài Gòn, 1969).

Bốn câu kệ mà Cụ Phan Bội Châu trích dẫn ở trên lấy từ kinh Kim Cương, đoạn 26,

‘Pháp Thân phi tướng,’ Pháp thân chẳng phải là tướng. (10) (sách đã dẫn, trang 134).

Nhược dĩ sắc kiến ngã
Dĩ âm thanh cầu ngã
Thị nhân hành tà đạo
Bất năng kiến Như Lai
(Nếu do sắc thấy ta
Do âm thanh cầu ta
Người ấy hành đạo tà
Không thể thấy Như Lai.)

Related posts