Doanh nghiệp nước ngoài tăng tốc rút khỏi Trung Quốc, phố thương mại Foxconn Trịnh Châu yên ắng

Tạ Linh

Doanh nghiệp nước ngoài tăng tốc rút khỏi Trung Quốc, phố thương mại Foxconn Trịnh Châu yên ắng (ảnh: redian).

Với việc các công ty nước ngoài đẩy nhanh việc sơ tán, số lượng nhân viên Foxconn tại Trịnh Châu đã giảm đi rất nhiều và khu ký túc xá cho hơn 100.000 người đã bị phá bỏ.

Khu phức hợp mới Tạ Khang 豫康 được tạo nên bởi 10 tòa ký túc dành cho công nhân Foxconn. Tạ Khang giống như một thị trấn thu nhỏ với đủ loại dịch vụ tiện ích: Siêu thị, ATM, quán karaoke, hồ bơi, sân trượt băng và vài khách sạn nhỏ.

Tuy nhiên, với việc chuyển giao năng lực sản xuất điện thoại di động của Apple sang Ấn Độ, số lượng nhân công của Foxconn Trịnh Châu đã bị cắt giảm đáng kể và khu phức hợp Tạ Khang trở nên vắng vẻ.

China Business News đưa tin, phóng viên nhìn thấy ở Tạ Khang vào ngày 13 tháng 4 rằng, khu phố thương mại vắng tanh, hầu như không có bóng người, hầu hết các cửa hàng hai bên đều đóng cửa.

Vào thời kỳ đỉnh cao, khuôn viên Foxconn Trịnh Châu có tới 300.000 nhân viên. Một công nhân ở bộ phận kho đã làm việc tại Foxconn gần 10 năm, cho biết trước đây có gần 100.000 người sinh sống và làm việc tại khu phức hợp Tạ Khang. Trên 2 tuyến phố thương mại dài khoảng 1000m có hơn 100 cửa hàng.

Nhưng giờ đây, khu Tạ Khang thường “không có ai”.

Các video do cư dân mạng quay lại cho thấy các khu ký túc xá của hàng trăm nghìn người ở Tạ Khang đã bị phá bỏ và tất cả các cửa hàng trên phố đều đóng cửa. Động thái của Foxconn đã tác động lớn đến nền kinh tế ở khu vực lân cận, và giờ đây “mọi người đã rời khỏi và tòa nhà trống rỗng”.

Một người tên là Tiền Quân (Qian Jun) nói với China Business News rằng sau khi Apple chuyển bớt một số hoạt động sản xuất đến Ấn Độ và những nơi khác, nhu cầu về lao động địa phương đã giảm.

Tiền Quân cho biết trước đây, xưởng đúc của Foxconn ở Ấn Độ rất nhỏ và chủ yếu sản xuất điện thoại di động Xiaomi. Trong những năm gần đây, việc mở rộng các nhà máy của Ấn Độ ngày càng tăng và hiện tại nước này đã bắt đầu sản xuất điện thoại di động của Apple trên cơ sở OEM. Foxconn đã cử một số trưởng bộ phận từ Trịnh Châu, Thâm Quyến, Đài Loan và những nơi khác để tuyển dụng và đào tạo công nhân ở Ấn Độ.

Apple không còn đơn đặt hàng như trước nên số lượng nhân viên tại cơ sở Foxconn ở Trịnh Châu đã giảm. Nhiều nhân viên làm việc tại Foxconn cho biết hiện chỉ còn khoảng 60.000 đến 70.000 nhân viên làm việc trong khuôn viên.

Theo báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường Counterpoint, tỷ lệ iPhone “sản xuất tại Ấn Độ” trên thế giới ngày càng tăng. Năm 2020, iPhone do Ấn Độ sản xuất chỉ chiếm 1,3% sản lượng toàn cầu, nhưng đã tăng lên 4% vào năm 2022 và dự kiến ​​sẽ tăng lên 7% trong năm nay.

Trang Bloomberg ngày 13/4 cho biết, những người nắm rõ thông tin nói rằng Apple đã đẩy nhanh việc mở rộng sản xuất tại các thị trường bên ngoài Trung Quốc.

Theo báo cáo của Wall Street Journal vào ngày 4 tháng 3, xưởng đúc của Apple, Tập đoàn Hon Hai đang mở rộng đáng kể năng lực sản xuất tại Ấn Độ với kế hoạch tăng sản lượng iPhone hàng năm lên 20 triệu chiếc vào cuối năm 2024 và tăng gấp ba lần nhân viên lên 100.000 người.

Tập đoàn Hon Hai cũng đang xem xét xây dựng một nhà máy mới ở Ấn Độ. Reuters dẫn các nguồn tin cho biết Apple đang đàm phán với nhà sản xuất điện tử Pegatron có trụ sở tại Đài Loan để xây dựng một nhà máy ở Ấn Độ để lắp ráp những chiếc iPhone mới nhất.

Sự cố hàng loạt ở Foxconn Trịnh Châu khiến chuỗi công nghiệp của Apple rút khỏi Trung Quốc

Nguyên nhân khiến Tập đoàn Hon Hai nhanh chóng chuyển năng lực sản xuất sang Ấn Độ được cho là có liên quan đến cuộc di cư và phản đối của nhân viên Foxconn Trịnh Châu vào năm ngoái, khiến năng lực sản xuất của Foxconn Trịnh Châu và lợi nhuận mảng điện thoại di động quý IV của Apple giảm mạnh. Do  thiệt hại lớn nên Apple đã thông báo chuyển hoạt động sang Ấn Độ và Việt Nam.

Vào ngày 19 tháng 3, một đoạn video được tải lên Internet cho thấy, một lượng lớn nhân viên Foxconn ở Trịnh Châu đang chuẩn bị sơ tán cùng hành lý, một số chuyển đến Tế Nam, một số đến Vũ Hán, một số đến Ấn Độ.

Người phụ nữ quay video cho biết: “Foxconn Trịnh Châu đã bắt đầu sơ tán nhân viên, đợt sau sẽ đến lượt tôi”.

Ngoài Foxconn Trịnh Châu, Foxconn Thâm Quyến và Foxconn Thành Đô cũng thông báo về việc tháo dỡ dây chuyền sản xuất và sa thải công nhân tạm thời. Một số nhân viên của Foxconn cho biết, có thông tin cho rằng Foxconn Ấn Độ sẽ mở rộng tuyển dụng thêm 200.000 người và Foxconn Trung Quốc đương nhiên sẽ sa thải một lượng lớn nhân viên. 

Foxconn Trịnh Châu chỉ là một mô hình thu nhỏ của các công ty nước ngoài tại Trung Quốc. Trong những năm gần đây, chính sách Zero Covid, cũng như sự kiểm soát chặt chẽ các khoản quỹ của Bắc Kinh, đã buộc nhiều công ty nước ngoài phải rút khỏi Trung Quốc với tốc độ chóng mặt, và nền kinh tế Trung Quốc rơi vào suy thoái.

Related posts