NATO tăng cường hợp tác với đối tác ở châu Á – Thái Bình Dương để răn đe Trung Quốc?

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu trong một cuộc họp báo tại trụ sở NATO ở Brussels, Bỉ, hôm 3/4/2023. (Ảnh: Kenzo Tribouillard/AFP/Getty Images)

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ sớm thành lập văn phòng liên lạc tại Nhật Bản và Đài Loan sẽ được cung cấp hệ thống liên kết dữ liệu an toàn Link-22 của NATO Trong bối cảnh NATO đang tăng cường hợp tác với Nhật Bản và Đài Loan, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã lao vào chỉ trích.

Theo phân tích của giới chuyên gia, NATO rất coi trọng mối quan hệ với các đối tác an ninh tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, điều này sẽ giúp thay đổi cán cân chiến lược trong khu vực, đồng thời tăng cường khả năng răn đe đối với Trung Quốc.

Chuyên gia: Sự thất bại của ĐCSTQ là nguyên nhân gốc rễ

Hãng truyền thông Anh BBC đưa tin, vào tháng 5 năm nay, giới chức Nhật Bản đã lên tiếng xác nhận rằng NATO sẽ thành lập văn phòng liên lạc tại Tokyo vào tháng 7, nhưng đồng thời cũng làm rõ rằng Nhật Bản không có ý định xin gia nhập NATO. Hơn nữa, NATO gần đây đã tăng cường quan hệ và trao đổi với Đài Loan.

Ngày 3/6, Đại sứ quán Trung Quốc tại Na Uy đã ra thông cáo nêu rõ cơ quan này “phản đối mạnh mẽ” việc NATO nhiều lần liệt ĐCSTQ vào danh sách các mối đe dọa, điều này sẽ “dẫn đến leo thang căng thẳng”.

Phát biểu tại Hội nghị an ninh Đối thoại Shangri-La lần thứ 20 ở Singapore hôm 4/6, ông Lý Thượng Phúc đã cáo buộc chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Hoa Kỳ đã cố gắng “vạch ra các đường lối tư tưởng và thúc đẩy một NATO ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương”.

Ông Lý Thượng Phúc cũng cảnh báo việc thiết lập các liên minh quân sự “giống như NATO” ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nói rằng những liên minh này sẽ đẩy khu vực vào “vòng xoáy” xung đột.

Ông Tô Tử Vân (Su Ziyun), Giám đốc Sở Nghiên cứu Chiến lược và Tài nguyên Quốc phòng thuộc Viện Nghiên cứu An ninh Quốc phòng Đài Loan, nói với The Epoch Times rằng chính Bắc Kinh đã đặt ra mối đe dọa trong khu vực. Do đó, các quốc gia khác phải tăng cường hợp tác để đảm bảo rằng hệ thống dân chủ và tự do sẽ không bị ảnh hưởng bởi chế độ độc tài của ĐCSTQ.

Nhưng ĐCSTQ lại cáo buộc các quốc gia khác can thiệp vào các vấn đề trong khu vực: “Điều này tương đương với việc biến kết quả thành nguyên nhân”.

“Trên thực tế, không chỉ Nhật Bản mà cả NATO cũng cảm nhận được mối đe dọa từ ĐCSTQ”, ông cho hay.

Ông Tô Tử Vân cho biết, tại hội nghị thượng đỉnh Madrid vào tháng 6 năm ngoái, NATO đã xác định ĐCSTQ là một “thách thức mang tính hệ thống” đối với an ninh khu vực châu Âu – Đại Tây Dương trong tài liệu chiến lược về an ninh và quân sự của NATO trong 10 năm tới.

Đồng thời, NATO cũng đề cập đến mối đe dọa từ các cuộc tấn công mạng của ĐCSTQ, cũng như sự phát triển của vũ khí hạt nhân và tên lửa liên lục địa.

Liên minh quân sự xuyên Đại Tây Dương cũng coi trọng hợp tác an ninh với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, và mối quan hệ của khối này với Nhật Bản trước đây cũng đã chuyển từ viện trợ nhân đạo sang hợp tác bán quân sự.

Ông Chen Shimin, phó Giáo sư tại Khoa Chính trị của Đại học Quốc gia Đài Loan, nói với The Epoch Times rằng chiến tranh Nga – Ukraine đã buộc NATO phải chú ý nhiều hơn đến các yếu tố then chốt của an ninh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

“Dù Mỹ thống trị NATO hay hệ thống liên minh quân sự Đông Á, liệu Mỹ có cạn kiệt nguồn lực nếu hai cuộc chiến cùng lúc nổ ra ở châu Âu và châu Á? Điều này đã khiến NATO và các cường quốc châu Âu phải chú ý nhiều hơn đến những thay đổi trong môi trường an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trong những năm gần đây”.

Ba sự kiện mang tính biểu tượng cho sự thay đổi trong chính sách của NATO đối với Đài Loan

Chính sách của NATO đối với Đài Loan cũng đang thay đổi. Hiệu trưởng Oliver Rittimann của Học viện Quốc phòng NATO tại Rome, đã cùng phái đoàn của Đại học Quốc phòng Cộng Hòa Séc đến thăm Đài Loan vào cuối tháng 3 để tiến hành các hoạt động trao đổi học thuật với Đại học Quốc phòng Đài Loan.

Bộ Quốc phòng Đài Loan gần đây cũng xác nhận rằng Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ Đài Loan có được công nghệ hệ thống liên kết dữ liệu an toàn Link-22 của NATO, để chuẩn bị cho việc nâng cấp hệ thống hiện có nhằm mục đích tích hợp các hệ thống chỉ huy và kiểm soát, tên lửa và nền tảng do Viện Khoa học và Công nghệ Quốc gia Chung Sơn phát triển.

Tờ SCMP đưa tin, Link-22 có thể cung cấp thông tin liên lạc ngoài tầm nhìn, kết nối các hệ thống dữ liệu chiến thuật trên không, trên mặt nước, dưới mặt nước và trên mặt đất; đồng thời tạo điều kiện trao đổi dữ liệu chiến thuật giữa các đơn vị quân sự của các quốc gia tham gia. Điều này có nghĩa là hệ thống Link-22 sẽ không chỉ củng cố vị thế của Đài Loan với tư cách là một “đồng minh lớn ngoài NATO” (MNNA), mà còn tăng cường sức mạnh tổng hợp giữa quân đội Đài Loan với Hoa Kỳ và các đồng minh của họ.

Ông Tô Tử Vân nhận định rằng sự tương tác chặt chẽ gần đây của NATO với Đài Loan chủ yếu là do liên minh quân sự này lo ngại về lợi ích an ninh của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Dưới đây là ba sự kiện mang tính biểu tượng cho sự thay đổi trong chính sách của NATO đối với Đài Loan.

Đầu tiên, Học viện Quốc phòng NATO là viện nghiên cứu học thuật quân sự trực thuộc NATO. Học viện này vài năm trước đã cử nhân sự đến Đài Loan tham gia nghiên cứu ngoại giao, năm nay đích thân Hiệu trưởng đến thăm;

Thứ hai, NATO nhất trí cho Đài Loan sử dụng hệ thống liên lạc Link-22, đây là một hệ thống liên kết dữ liệu liên lạc quân sự do NATO xây dựng để liên lạc các bức ảnh trên chiến trường thông qua radar hoặc các liên kết tình báo.

Thứ ba, chính phủ Anh đã xác nhận việc bán cho Đài Loan các thiết bị quan trọng của tàu ngầm.

Ông Chen Shimin nói rằng bài báo trên trang bìa của tờ The Economist của Anh đã từng chỉ ra rằng “Đài Loan là nơi nguy hiểm nhất trên thế giới”. Theo đó, hầu hết mọi người đều đánh giá rằng nếu ĐCSTQ tấn công Đài Loan, rất có thể Đài Loan sẽ sử dụng vũ lực.

“Đó là lý do tại sao việc các nước NATO hiểu rõ tình hình ở Đài Loan là rất quan trọng, chúng ta cần cử nhân sự đến Đài Loan để nghiên cứu thực địa”, ông nói.

Mục đích của NATO là tăng cường khả năng răn đe với Trung Quốc?

Gần đây, ĐCSTQ thường xuyên sử dụng các hệ thống tuyên truyền và ngoại giao của mình để lên án NATO vì đã làm suy yếu sự ổn định của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Tài khoản chính thức của phương tiện truyền thông chính thức của ĐCSTQ, tờ Nhật báo Bắc Kinh, đã chỉ trích NATO vì đã phóng đại “mối đe dọa từ Trung Quốc” và tuyên bố rằng “Nhật Bản đã dẫn NATO đến ngưỡng cửa của Trung Quốc”.

Song song với đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh tuyên bố rằng: “Việc NATO mở rộng về phía đông sang khu vực châu Á – Thái Bình Dương chắc chắn sẽ làm suy yếu hòa bình và ổn định của khu vực”.

“Nói NATO đang tiến về phía đông là không chính xác”, ông Tô Tử Vân nói và cho biết thêm rằng NATO là một khái niệm phòng thủ tập thể. Khi một quốc gia bị tấn công, các quốc gia khác sẽ liên kết với nhau để bảo vệ quốc gia đó. Mặt khác, Nhật Bản không có dự định gia nhập tổ chức này.

Trên thực tế, NATO hướng tới mở rộng mạng lưới các đối tác an ninh của mình ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương bằng cách tăng cường hợp tác với các quốc gia dân chủ như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan; đồng thời tăng cường răn đe nhằm ngăn chặn xung đột với mục tiêu đảm bảo hòa bình.

Ông Tô Tử Vân phân tích, NATO, với tư cách là một tổ chức phòng thủ tập thể, cũng có thể cung cấp thông tin tình báo và hợp tác mua bán vũ khí trong thời bình khi tổ chức này không tham chiến.

“Điều này sẽ tái cân bằng cán cân chiến lược ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và có tác dụng gián tiếp kiềm chế ĐCSTQ”, ông nói.

Trong khi đó, ông Chen Shimin phân tích, việc NATO thành lập văn phòng liên lạc tại Nhật Bản nhằm tăng cường liên lạc giữa NATO và hệ thống liên minh quân sự của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương chứ chưa phát triển thành một “NATO thu nhỏ” ở châu Á.

“Như nhóm G7 từng tuyên bố, họ đang bắt đầu giảm sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc. Họ sẽ giải quyết phần này trước”.

Liên quan đến hệ thống khuôn khổ an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, ông Chen Shimin cho rằng cần phải theo dõi xem liệu liên minh AUKUS giữa Hoa Kỳ, Vương quốc Anh và Úc có được mở rộng trong tương lai hay không.

“Nếu cơ chế AUKUS được mở rộng, mặc dù không có thứ gọi là NATO thu nhỏ, nhưng sự tồn tại thực chất của một NATO thu nhỏ không còn xa nữa. Đây là một lộ trình đầy hứa hẹn cho tương lai sắp tới”.

Lam Giang tổng hợp

Related posts