Sự tuyệt vọng của ông Putin và sự tan rã của nước Nga

Anders Corr

Rusya Devlet Başkanı Vladimri Putin kendi kızının da aşı olduğunu söyledi. Source: Pool Sputnik Kremlin

Tổng thống Nga Vladimir Putin đang tuyệt vọng, điều này vừa tốt vừa xấu. Điều xấu, hay nói chính xác hơn là điều vô cùng tồi tệ, là một khi con người ta bị dồn vào chân tường, họ thường có xu hướng tấn công.

Trong trường hợp của ông Putin, sự tuyệt vọng này có thể dẫn đến việc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật hoặc phóng một quả đạn pháo “đi lạc” để tấn công nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu ở Zaporizhzhia, Ukraine. Một trong hai kịch bản này sẽ làm leo thang chiến tranh và có thể trực tiếp kéo Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) lún sâu hơn vào cuộc xung đột.

Nhà lãnh đạo Nga đã thực hiện hai bước tiến quan trọng trong những tuần gần đây, động thái này cho thấy rằng ông đã sẵn sàng mạo hiểm. Nga đã triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tới Belarus, đồng minh thân cận nhất của mình. Moscow cũng rút khỏi Hiệp ước về Lực lượng Vũ trang Thông thường ở Châu Âu (CFE), hiệp ước hạn chế việc triển khai lực lượng của Nga và NATO ở châu Âu. Ông chủ Điện Kremlin trước đây từng cam kết sử dụng vũ khí hạt nhân để bảo vệ công cuộc chinh phục Ukraine của mình.

Ngày 26/5, Moscow đã tấn công con đập Karlivka thuộc vùng Donetsk bằng tên lửa S-300.

Vào ngày 6/6, các lực lượng Nga rõ ràng đã cho nổ tung con đập Kakhovka. Sự cố vỡ đập sẽ khiến các lực lượng Ukraine gặp khó khăn hơn trong việc tái chiếm phần lãnh thổ đã mất ở phía đông.

Đây là những dấu hiệu, có lẽ nằm trong “trò chơi” bên miệng hố chiến tranh của nhà lãnh đạo Nga, để chứng tỏ rằng nước này sẵn sàng triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật.

Tuy nhiên, giống như vụ vỡ đập và mối đe dọa đối với Zaporizhzhia, các động thái trên chỉ đơn thuần là đẩy ông Putin rơi vào cái hố do chính ông tạo ra. Nhà lãnh đạo Nga ngày càng tỏ ra là một kẻ gây hấn bị dồn vào chân tường.

“Về cơ bản, ông Putin đã hạ vũ khí hạt nhân của mình ở Ukraine. Ngay cả bản thân ông cũng nhận thức được rằng đây không phải là một giải pháp khả thi hoặc [giải pháp giúp ông giành] chiến thắng [trong cuộc xung đột với Ukraine]”, một cựu lãnh đạo của cơ quan Tình báo thuộc Bộ Chỉ huy Châu Âu của Hoa Kỳ cho hay.

Những đám mây vần vũ trên bầu trời Ukraine cũng điên cuồng không kém, nhưng “trong cái rủi vẫn có cái may”. Một đế chế Nga chuyên quyền một lần nữa đang rạn nứt dưới sức nặng của chính nó. Đó sẽ là một sự thay đổi địa chính trị đáng hoan nghênh, đặc biệt là khi nó có thể làm nguội lạnh các kế hoạch xâm lược Đài Loan của Trung Quốc.

Theo một bài báo ngày 6/6, triệu phú dầu mỏ người Nga Mikhail Khodorkovsky đã cảnh báo rằng sự cai trị của ông Putin sẽ dẫn đến “sự tan rã” của nước Nga.

Trong khi đó, các lực lượng thân Ukraine (bao gồm hai nhóm phiến quân Nga) đang tấn công các lãnh thổ ở Nga, đồng thời sử dụng máy bay không người lái và thiết bị nổ cải tiến (IED) để đe dọa Moscow.

Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) do Nga đứng đầu – một hiệp ước phòng thủ chung tương tự như NATO do Mỹ đứng đầu – đã không quá nhiệt thành trong việc ủng hộ “chiến dịch quân sự đặc biệt” của ông Putin. Theo một bài báo ngày 5/6, một quốc gia thành viên của CSTO là Armenia đã công khai từ chối ủng hộ cuộc chiến Nga – Ukraine.

Đây là một điểm yếu chí mạng của các cường quốc độc tài nói chung. Họ không có bạn bè hay đồng minh thực sự mà chỉ có những đối tác sẵn sàng đâm sau lưng nhau.

Trung Quốc được cho là đang gây áp lực buộc Nga không sử dụng vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, thuật ngữ này rộng đến mức gần như vô nghĩa hoặc tệ hơn là được đóng khung để mang lại cho các quốc gia như Nga và Trung Quốc (với quân đội thông thường lớn và hùng mạnh) lợi thế lớn hơn so với các cường quốc hạt nhân yếu hơn.

Kết quả là, áp lực của các chuyên gia phương Tây chỉ là “suy nghĩ viển vông” so với hành động thực tế của Bắc Kinh nhằm kiềm chế ông Putin. Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình rõ ràng đã kiên quyết phản đối “sự sỉ nhục” của ông Putin, điều này đòi hỏi nhà độc tài Nga phải giành được ít nhất một phần lãnh thổ – rất có thể là một cây cầu trên bộ nối bán đảo Crimea với đất liền Nga.

Đây chính là thủ đoạn “lát cắt xúc xích”. Theo đó, hai nhà độc tài đồng minh dần dần tiếp quản các lãnh thổ xung quanh, từng miếng, từng miếg một, cho đến khi miếng xúc xích dân chủ không còn nữa.

Nhà lãnh đạo Nga đang đi theo chiến thuật của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ở châu Á, bắt đầu bằng việc chiếm một tỉnh của Trung Quốc vào những năm 1930, sau đó mở rộng sang Tây Tạng, Tân Cương và các quần đảo ở Biển Đông trong bốn thập kỷ tiếp theo.

Trong khi đó, tham vọng gây ảnh hưởng của Bắc Kinh (mũi nhọn của các cuộc chinh phạt lâu dài hơn) giờ đây đã bao trùm các khu vực từng là lãnh thổ của nước Nga – các nước cộng hòa Trung Á. Nga có khả năng đánh mất các khu vực ở Viễn Đông, nơi đã bị các ngành công nghiệp và người nhập cư Trung Quốc xâm chiếm.

Cho đến nay, các mối đe dọa trực tiếp nhất là việc các máy bay không người lái do Ukraine sản xuất đã bay xa tới Moscow và Hoa Kỳ có kế hoạch phê duyệt bổ sung máy bay chiến đấu F-16 và F/A-18 để chuyển giao cho Ukraine. Những máy bay phản lực này có thể hạ gục máy bay không người lái và tên lửa của Nga. Tuy nhiên, chúng cũng có thể được sử dụng để thực hiện những hành vi phạm tội.

Ngoại trưởng Nga cũng từng bày tỏ mối quan ngại về việc trang bị vũ khí hạt nhân cho chiến đấu cơ Ukraine. Tuy nhiên, thế giới tỏ ra không mấy thông cảm với mối lo ngại của Nga khi một phát ngôn viên Lầu Năm Góc gửi một thông điệp tới ông: “Nếu các ông lo ngại về năng lực quân sự của Ukraine thì tốt hơn hết là các ông nên rút quân và rời khỏi lãnh thổ Ukraine”.

Vũ khí thông thường mạnh mẽ, chẳng hạn như bom chùm với đầu tầm nhiệt có thể hạ gục tối đa 40 xe bọc thép, cũng có thể được triển khai trên các máy bay chiến đấu mới của Ukraine. Mỹ không còn sử dụng thứ vũ khí này nữa, nhưng công nghệ này có thể được sản xuất tại các nhà máy vũ khí của Ukraine.

Một số dân thường lo sợ rằng Moscow là một nơi nguy hiểm để sinh sống, vì Ukraine có thể sẽ trả đũa. Cuộc đấu đá nội bộ giữa quân đội Nga và Tập đoàn lính đánh thuê Wagner dường như đã vượt ngoài tầm kiểm soát của ông Putin. Ngoài ra, còn xuất hiện tin đồn về một cuộc đảo chính.

Đến thời điểm này, nhà lãnh đạo Nga hẳn phải quan tâm đến việc tự mình cứu lấy mình. Hai tấm gương là ông Saddam Hussein và ông Muammar Gaddafi, hai bạo chúa khét tiếng của Iraq và Libya với các hành vi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, đã kết thúc cuộc đời mình dưới bàn tay của chính những đồng bào của họ.

Nguy cơ đó khiến ông Putin trở nên tuyệt vọng và khó đoán. Đối với những người lo sợ cho mạng sống của mình, logic và lý trí lúc này là những điều rất khó lường. Họ có khả năng tấn công chính công dân nước mình cũng như công dân của các quốc gia khác.

Đây là lý do tại sao Hoa Kỳ và các đồng minh phải thật cẩn trọng khi “chọc giận” ông Putin.

Tuy nhiên, Mỹ cũng không thể để ông Putin thoát tội. Xoa dịu tính hiếu chiến sẽ chỉ thúc đẩy sự gây hấn hơn nữa từ ông Putin, ông Tập và những “bạo chúa” khác trong tương lai.

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch

Tác giả Anders Corr có bằng cử nhân / thạc sĩ Khoa học chính trị tại Đại học Yale (2001) và bằng tiến sĩ Quản trị nhà nước tại Đại học Harvard (2008). Ông là chủ nhiệm của Corr Analytics – nhà xuất bản của The Journal of Political Risk (Tạp chí Rủi ro Chính trị). Ông Anders Corr đã thực hiện nhiều nghiên cứu sâu rộng ở Bắc Mỹ, châu Âu và châu Á; và là tác giả của cuốn sách The Concentration of Power: Institutionalization, Hierarchy, and Hegemony (Tập trung quyền lực: Thể chế hóa, Hệ thống cấp bậc, và Bá quyền) và cuốn sách Great Powers, Grand Strategies: the New Game in the South China Sea (Những quyền lực lớn, những chiến lược lớn: Trò chơi mới trên Biển Đông).

Related posts