ASEAN dự trù tập trận chung ở Biển Đông

Trương Nhân Tuấn

27-6-2023

Tôi chưa bao giờ đánh giá cao Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Mục tiêu ban đầu thành lập ASEAN năm 1967 là để chống cộng sản bành trướng, tức là để chống CSVN. Việt Nam thống nhứt đất nước 1975, gia nhập Hiệp hội năm 1995.

Mục đích Hiệp hội là giữ ổn định trong khu vực, không để Việt Nam sụp đổ theo khối XHCN đầu thập niên 90 thế kỷ trước mà việc này, nếu xảy ra, chắc chắn sẽ gây xáo trộn các quốc gia trong Hiệp hội.

Mục đích kết nối của các quốc gia trong hiệp hội đơn thuần là kinh tế mà cứu cánh là giữ hòa bình giữa các quốc gia trong khối.

ASEAN không có cơ chế giải quyết các tranh chấp giữa các thành viên. Cũng không có cơ chế cho phép các quốc gia can thiệp vào nội bộ một quốc gia thành viên để giải quyết một vấn đề an ninh khu vực. Ta thấy những tranh chấp giữa các quốc gia, như về lãnh thổ, luôn được giải quyết bằng trọng tài quốc tế, như Tòa Công lý quốc tế (IJC). Trường hợp Miến Điện, chính phủ dân cử của bà Aung San Suu Kyi bị đảo chánh. Chính quyền quân phiệt thiết lập gây ra các vụ diệt chủng lớn lao, các quốc gia thành viên “bó tay”, không có biện pháp nào.

Về chuyện tập trận chung trên biển giữa lực lượng hải quân các quốc gia thuộc khối ASEAN do Indonesia tổ chức: Đây là lần đầu tiên, dự trù vào tháng 9 sắp tới. Địa điểm dự phóng là biển bắc đảo Natuna. Rốt cục cuộc tập trận phải dời địa điểm, về vùng biển phía nam đảo Natuna, cách xa đường yêu sách chữ U chín đoạn của Trung Quốc.

Indonesia là quốc gia quan trọng hàng đầu, vùng biển Natuna không có tranh chấp với Trung Quốc. Nhưng địa điểm tập trận phải dời. Việc này cho thấy, các quốc gia ASEAN có thể không có sự đồng thuận về cuộc diễn tập quân sự giữa các quốc gia hội viên cũng như tất cả đều e dè ảnh hưởng kinh tế và thế lực quân sự của Trung Quốc.

Theo tôi, ASEAN là một khối đầy mâu thuẫn, đồng sàng dị mộng. Ta thấy có vô số các cuộc họp thượng đỉnh, diễn đàn quốc phòng do ASEAN tố chức từ hai thập niên trở lại đây. Đại diện quốc phòng các quốc gia ngoài khu vực như Mỹ, Trung Quốc, Nhật, Úc, Châu Âu… thường xuyên tham gia các hội nghị. Kết quả ai cũng nói “giữ được ổn định trong khu vực”. Thực tế đều là con số không.

Còn ổn định vì Trung Quốc chưa thể quấy động. Trung Quốc vẫn chưa thành công đẩy Hoa Kỳ ra khỏi khu vực. Trung Quốc luôn lên án Mỹ là yếu tố bên ngoài, gây xáo trộn, làm mất an ninh vùng Biển Đông.

Thực tế là từ Thế chiến thứ II đến nay lực lượng hải quân của Mỹ luôn có mặt. Trước năm 1975, hải quân Mỹ có mặt ở căn cứ Cam Ranh của VNCH. Mỹ chỉ tạm thời rời bỏ căn cứ Subic Bay của Phi 1991 (vì lý do núi lửa phun và hiệp ước hổ tương Mỹ-Phi hết hạn năm 1991). Mỹ còn có Singapore như căn cứ thường trực (cộng tác với Anh). Tình hình là Phi vừa ký lại hiệp định an ninh hổ tương với Mỹ năm nay. Tức là Mỹ có khả năng mở lại các căn cứ hải quân ở Phi, như Subic Bay.

Cho dầu thân Trung Quốc cách mấy, không ai có thể phản biện rằng, sự hiện diện của hải quân Mỹ từ năm 1945 là động lực thúc đẩy các quốc gia Thái Lan, Singapore, Mã Lai, Indonesia, Nam Hàn, Đài Loan… phát triển. Cũng không ai có thể phản biện rằng sự có mặt của hải quân Mỹ đã đem lại ổn định thường trực cho cả khu vực Châu Á – Thái Bình Dương từ năm 1945 đến nay.

Sự bất ổn chỉ đến trong khu vực Biển Đông, làm chi phối nội bộ các quốc gia Hiệp hội, từ khi Trung Quốc khởi động chính sách “hòa bình quang phục”, tức khôi phục lại ảnh hưởng và thế lực của đế quốc Trung Hoa bằng các phương tiện hòa bình (sic!).

Điều cần biết khu vực ảnh hưởng của đế quốc Trung Hoa ngày xưa bao gồm Việt Nam, Thái Lan, trọn vùng Biển Đông. Các nước Mã Lai, Indonesia… cũng bị Trung Quốc cho là thuộc vòng ảnh hưởng của Trung Quốc ngày xưa.

Mục tiêu hàng đầu của đảng CSTQ hiện thời là vấn đề “thống nhứt đất nước”.

Câu hỏi đặt ra là Trung Quốc còn lãnh thổ nào hiện đứng ngoài “tổ quốc”?

Đài Loan được các nhà quan sát quốc tế đưa lên hàng đầu. Sau đó các đảo ở Biển Đông. Theo tôi, cần thêm vào danh sách này các lãnh thổ của TQ đã bị mất cho Nga qua các hiệp ước (bất bình đẳng) vào thế kỷ 19. Sau đó là “các vùng ảnh hưởng của đế quốc Trung Hoa đã bị mất” từ khi đế quốc Mãn Thanh bị đại cường phân liệt (hậu bán thế kỷ 19). Như đã nói “vùng ảnh hưởng” này bao gồm nhiều quốc gia như Việt Nam, Thái Lan, Mã Lai, Indonesia…

Tức là nhìn từ bên ngoài, ASEAN có chung đối thủ chiến lược, ngay cả Campuchia và Lào. Đối thủ đó là Trung Quốc.

Hoa kỳ, khác với Trung Quốc, chưa bao giờ có tham vọng về lãnh thổ, nếu các quốc gia thuộc ASEAN nhìn về tương lai, sẽ thấy đâu là nguy cơ, đâu là lợi ích. Chỉ khi đa số các quốc gia ASEAN đứng chung với Mỹ thì “nguyên trạng – status quo” sẽ được giữ vững, từ Đài Loan cho tới eo biển Malacca. Khu vực ổn định thì phát triển kinh tế mới được bảo đảm.

Nếu TQ đánh Đài Loan, thì liệu khối ASEAN có “yên ổn làm ăn” nữa hay không?

Điểm yếu của khối ASEAN là quan điểm địa chiến lược của mỗi quốc gia mỗi khác. Cái lợi ít ỏi trước mắt che khuất lợi ích lâu dài.

Nếu ta nhìn Việt Nam hiện nay, rõ ràng Trung Quốc là điểm tựa, hai nước Lào và Campuchia là bạn bè thân thiết. Vô hình chung Việt Nam đứng về phía bên đối đầu với Mỹ.

Các quốc gia khác, không ngoại lệ, đều liên thuộc với Trung Quốc về kinh tế. Campuchia còn thân thiết với Trung Quốc hơn, do lịch sử và hoàn cảnh địa chính trị.

Theo tôi thấy, về lâu dài, Trung Quốc sẽ không còn là “đầu tàu phát triển kinh tế cho thế giới” nữa. Mỹ, Nhật, Hàn, Đài Loan cũng như các quốc gia Châu Âu hiện đang có chính sách “tái kỹ nghệ hóa – réindustrialisation” trên lãnh thổ của mình. (Nước Pháp đã phát động từ 2017). Tức là tài phiệt các quốc gia này, những người đã giúp Trung Quốc phát triển từ ba thập niên nay, thay vì tiếp tục đầu tư ở Trung Quốc, nay họ hoặc là rút về, hoặc là họ tập trung sản xuất ở nước nhà. Ta thấy các quốc gia Mỹ, Nhật, Hàn… hiện thời đang thiếu thốn nhân công. Việt Nam và Philippines là hai quốc gia hàng đầu cung cấp lao động cho các quốc gia này.

Tức là thời gian nhiều lắm là 10 năm nữa, Trung Quốc không còn là trọng tâm phát triển kinh tế của thế giới nữa. Ấn Độ sẽ thay thế Trung Quốc.

Cái nhìn của tôi có thể sai, hoặc không thuận ý các chiến lược gia thuộc đảng CSVN. Nhưng đứng trên lợi ích của nhân dân và đất nước, tôi thấy Việt Nam cần sớm thay đổi các chính sách ngoại giao “cây tre”, cũng như “quốc phòng 4 không”.

Từ năm 1945 đến nay, đảng CSVN luôn đứng về phe “thua cuộc”. Đứng về phe XHCN, phe XHCN sụp đổ. Núp bóng Trung Quốc từ 1990 đến nay, đảng CSVN đưa Việt Nam trở thành chư hầu của Trung Quốc. Bắt chước mô hình của Trung Quốc, nhưng Trung Quốc phát triển bao nhiêu thì Việt Nam trì trệ bấy nhiêu.

Để ý, những điều gọi là “thành công” của Việt Nam đều phát xuất, hay bắt nguồn từ các quốc gia “thù địch” hay “giẫy chết”. Thí dụ về kinh tế, nếu không có thặng dư hàng chục tỉ đôla là với Mỹ thì cả hệ thống kinh tế Việt Nam biết dựa vào đâu để bù thâm thủng thương mại từ Trung Quốc?

Vì vậy, theo tôi Việt Nam cần có chính sách ngoại giao và quốc phòng mới, sao cho Trung Quốc thấy rằng mọi hành động của Trung Quốc muốn “thay đổi hiện trạng” đều có hại cho Trung Quốc.

Related posts