Phạm Đình Trọng
7-7-2023
Quan đòi quyền gì đều được Quốc hội làm ngay luật về quyền đó. Dân đỏ mắt chờ luật bảo đảm những quyền tối thiểu của dân, suốt mấy chục năm Quốc hội vẫn làm ngơ.
1. Luật Công An Nhân Dân hiện hành mới có hiệu lực từ đầu năm 2019, bảo đảm cho lực lượng công an được quyền có tới 199 ông tướng. Nhưng lãnh đạo công an vẫn chưa thoả lòng, đòi Quốc hội phải sửa luật để công an có nhiều tướng hơn. Lập tức chiều 22.6.2023, Quốc hội liền sốt sắng thông qua luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Công An Nhân Dân, tăng thêm 6 vị trí cấp tướng cho công an, để công an có tới 205 ông tướng đương quyền.
Các phường xã đều có lực lượng công an quản lí mọi động tĩnh của dân. Công an phường, xã rải công an khu vực, nắm dân đến từng gia đình, từng người dân. Trưởng công an xã, phường đều có hàm thiếu tá, trung tá, hàm của sĩ quan chỉ huy cấp tiểu đoàn, trung đoàn. Chưa tính đội quân dân phòng mỗi phường xã đều có vài chục “người nách thước, kẻ tay dao” (Nguyễn Du – Truyện Kiều) do công an xã, phường điều động, chỉ huy, mỗi phường, xã đều có vài chục công an chính qui. Tạm tính mỗi phường, xã chỉ ba chục công an. Cả nước có 10.598 phường, xã, quân số công an quản lí dân đã lên tới 317.640 người. Dù biên chế mỗi phường xã chỉ hai mươi công an thì ngân sách quốc gia cũng phải chu cấp, nuôi dưỡng 211.960 suất lương, suất đãi ngộ ở mức được biệt đãi, chăm bẵm cao. Lại còn công an ở các cơ quan cấp huyện, tỉnh, trung ương, công an kĩ thuật, công an chuyên ngành, quân số công an phải ngót nghét gần nửa triệu!
2. Ngân sách quốc gia eo hẹp. Quĩ phúc lợi xã hội đã ít ỏi lại dồn cho những đấng bậc trên cao. Chế độ thực dân, chế độ tư bản đều không có ban Bảo vệ Chăm sóc sức khoẻ cán bộ nhưng đều có nhà thương Làm Phúc chữa bệnh miễn phí cho dân nghèo. Cử nhân văn chương, tổng bí thư đảng cầm quyền Nguyễn Phú Trọng vốn tốt nghiệp trường xã hội nhân văn nên rất hay nhắc đến từ nhân văn và quả thật nước ta rất nhân văn với các quan, có hẳn ban Bảo vệ Chăm sóc sức khoẻ càn bộ ở cấp tỉnh và cấp trung ương nhưng không có cấp nào có nhà thương làm phúc cho dân.
Quan hắt hơi, xổ mũi có ngay bác sĩ chuyên khoa lắng nghe từng nhịp thở, có đầy đủ thuốc đắt tiền, quí hiếm. Tất cả đều miễn phí. Dân ốm đau phải nộp tiền mới được bác sĩ ngó tới, phải bỏ tiền mua thuốc, phải nằm ba, bốn người một giường bệnh. Dân nghèo, chạy ăn chưa xong lại dính bệnh hiểm, không có tiền trả tiền nằm bệnh viện dài ngày thì đành nằm nhà chịu đau đớn do bệnh hành và chờ chết.
Điều 14, Luật giáo dục 2019 ghi rành rành:
1- Giáo dục tiểu học là giáo dục bắt buộc. Nhà nước phổ cập giáo dục mần non cho trẻ em 5 tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở.
2- Nhà nước chịu trách nhiệm thực hiện giáo dục bắt buộc trong cả nước… bảo đảm các điều kiện để thực hiện phổ cập giáo dục.
Nhà nước chịu trách nhiệm thực hiện giáo dục bắt buộc và bảo đảm các điều kiện để thực hiện phổ cập giáo dục là nhà nước bảo đảm đủ mọi điều kiện, gồng gánh mọi chi phí để những công dân tương lai đang ở tuổi mẫu giáo và tuổi trung học cơ sở đều được các trường nhà nước, các trường công lập đón vào học mà không phải trả, không phải đóng, không phải nộp bất cứ khoản tiền nào, kể cả tiền sách giáo khoa, vì “nhà nước bảo đảm các điều kiện để thực hiện phổ cập giáo dục”.
Lí tưởng đẹp đẽ, đúng đắn và cần thiết về giáo dục dù đã trở thành luật, nhà nước cũng không thực hiện được vì ngân sách quốc gia quá eo hẹp. Đứa trẻ đi học từ mẫu giáo, cha mẹ đã phải nộp cho nhà trường quá nhiều khoản tiền. Trẻ nhà nghèo ở độ tuổi được “nhà nước bảo đảm các điều kiện để thực hiện phổ cập giáo dục”. không có tiền đóng cho các khoản thu của trường đành chịu thất học. Số trẻ ở tuổi đi học, nhà nghèo, không có tiền theo đuổi đèn sách, phải mang tuổi thơ thất học vào đời kiếm sống không phải là cá biệt, không phải là số ít.
3. Ngân sách quốc gia eo hẹp như vậy. Đất nước đang thời yên hàn. Lực lượng nước ngoài rình rập ở biên cương, quấy nhiễu ở biển Đông là việc của quân đội, không phải việc của công an. Dân lo làm ăn, chính quyền lo phát triển kinh tế, văn hoá là thời bình yên. Trong thời yên hàn, đội quân công an đã đông tới cả chục quân đoàn nhưng lãnh đạo công an vẫn muốn có thêm quân, có thêm sức mạnh liền trình ra Quốc hội luật Cảnh Sát Cơ Động và sáng 14.6.2022, Quốc hội khoá XV, kì họp thứ ba với 454/474 đại biểu tán thành, luật Cảnh Sát Cơ Động được thông qua mau lẹ.
Có luật Cảnh Sát Cơ Động, bộ Công An liền gấp gáp tuyển quân, rèn lính, lần lượt ra mắt 12 trung đoàn cảnh sát cơ động bộ binh, mỗi trung đoàn hơn ngàn tay súng cùng với một trung đoàn cảnh sát cơ động không quân, một trung đoàn cảnh sát cơ động kị binh. Mười bốn trung đoàn cảnh sát cơ động, hơn mười bốn ngàn quân, được trang bị hiện đại từ đầu đến chân. Mũ, áo chống đạn, giầy chống chông, súng lớn, súng nhỏ hiện đại, đầy đủ các thiết bị điện tử tinh vi và đắt tiền. Mười bốn trung đoàn cảnh sát cơ động rải khắp nước. Từ núi rừng Đông Bắc, Tây Bắc Bắc Bộ đến miệt vườn Đông Nam Bộ, miệt sông nước Tây Nam Bộ. Từ Hà Nội đến Đà Nẵng, Sài Gòn. Từ rẻo cao Điện Biên Phủ đến phủ thủ cao nguyên Buôn Mê Thuật, phủ thủ miền Tây Cần Thơ.
Được Quốc hội mau mắn chấp nhận luật Cảnh Sát Cơ Động, bộ Công An liền trình tiếp ngay dự luật Lực Lượng Tham Gia Bảo Vệ An Ninh, Trật Tự Ở Cơ Sở. Dự luật cho ra đời thêm lực lượng an ninh trật tư ở cơ sở làm cho Quốc hội khoá XIV ngần ngại, dè dặt vì luật làm tăng quân số lực lượng an ninh vốn đã quá đông, tăng thêm nguồn chi lớn cho ngân sách quốc gia vốn đã phải giật gấu vá vai, giật của văn hoá, giáo dục, y tế vá vào những khoản chi khác đang bắt đền ngân sách, đang ăn vạ ngân sách nhà nước. Có thêm lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở thì ngân sách lại phải chi, lại phải vá!
Sang Quốc hội khoá XV ở kì họp thứ năm từ 22.5.2023, Bộ trưởng bộ Công An lại hối thúc Quốc hội xem xét dự luật về Lực lượng an ninh trật tự ở cơ sở và uỷ ban Thường Vụ Quốc hội liền gật đầu tán thành đưa ra Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 5, thông qua tại kỳ họp thứ 6 đối với dự án luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
4. Lấy cớ bảo vệ an ninh, trật tự, Bộ Công An liên tục đòi tăng tướng, tăng quân, tăng trang bị, tăng chi ngân sách nhà nước cho công an và đều được Quốc hội mau mắn đáp ứng. Nhưng có điều Quốc hội và những người có trách nhiệm gìn giữ bình yên cho xã hội, chăm lo cho sự an dân không nhận thức được là nhiều vụ việc gây bất ổn xã hội, làm bất an lòng dân lại từ công an.
Người dân dính vào vụ việc phi pháp như trộm cắp vặt, xô xát cá nhân… bị bắt vào đồn công an. Hôm trước còn khoẻ mạnh, lành lặn hôm sau đã chết bầm dập. Không phải đơn lẻ chỉ có một, hai người dân chết bầm dập trong đồn công an. Hàng trăm người dân đều ở tuổi trai trẻ bị công an đưa về trại giam hôm trước còn tràn trề sức sống, hôm sau đã thành thây ma. Những cái chết tức tưởi diễn ra ở nhiều nơi và đều chìm trong nỗi đau của dân, chìm trong sự im lặng của pháp luật nên những cái chết thảm thương như vậy cứ tiếp diễn không có điểm dừng. Làm sao lòng dân không bất an, làm sao người dân có thể tin tưởng vào việc bảo vệ pháp luật, bảo vệ an ninh, bảo vệ người dân của công an. Mang cái chết đến cho người dân thì người dân phải coi là hung thần. Một hung thần đã bất an. Hung thần có mặt ở nhiều nơi, làm sao có thể bình yên!
Đau đáu với phận dân, vận nước, người dân thực hiện quyền con người, quyền tự do ngôn luận, quyền và bổn phận công dân, chỉ ra việc kiên trì lí tưởng xã hội đã bị thực tế cuộc sống loài người chứng minh là sai trái, là tội ác, bị loài người ném vào sọt rác lịch sử. Không chỉ là tội ác, lí tưởng xã hội sai lầm còn đưa đất nước lệ thuộc vào nước ngoài về hệ tư tưởng, triệt tiêu tiềm lực con người, tiềm lực tài nguyên đất nước, kìm hãm sự phát triển xã hội, lạc lõng với loài người văn minh.
Điều 28 Hiến pháp 2013 cho người dân quyền quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước. Nhưng những tiếng nói công dân hợp pháp của tâm hồn, trí tuệ và khí phách Việt Nam đều bị những điều luật hình sự hoá quyền con người, quyền công dân, buộc tội tuyên truyền chống nhà nước, tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ, bị công an gọi tên, tra vấn, hạch xách, bị giám sát cả trong không gian xã hội và không gian sóng internet, bị cản trở trong những quan hệ xã hội, bị cấm xuất cảnh, bị bắt giam bất cứ lúc nào… Luật pháp hình sự hoá những quyền cơ bản của con người, của công dân và công an can thiệp vào đời sống dân sự hợp pháp của người dân, xã hội làm sao có sự bình yên!
Lão thành cách mạng, đảng viên sáu mươi tuổi đảng Lê Đình Kình cùng người dân một nắng hai sương, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời ở thôn Hoành xã Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội khiếu kiện giữ mảnh đất Đồng Sênh ngàn đời cho người dân màu xanh sự sống là vụ việc dân sự thường tình. Khiếu kiện cũng là quyền hợp pháp của công dân. Tranh chấp và khiếu kiện đất đai diễn ra khắp nước, đâu phải chỉ riêng thôn Hoành. Người dân thôn Hoành đều là người lương thiện, chưa ai bị truy tố là tội phạm hình sự. Cụ Kình là đảng viên đang sinh hoạt đảng. Vậy mà giữa đêm rằm tháng chạp giáp tết Canh Tý công an phá cửa, xông vào tận giường ngủ, xả súng bắn nát đầu, nát ngực đảng viên đang sinh hoạt đảng Lê Đình Kình. Làm sao lòng dân không bất an. Làm sao xã hội có thể bình yên!
Dân chắt chiu đóng thuế nuôi công an để công an trấn áp trộm cướp, bảo vệ tài sản cho dân nhưng ngày 26.6.2023, ba công an thị trấn Đại Nghĩa, huyện Mỹ Đức, Hà Nội mang súng săn vào ngọn núi nhỏ và lẻ loi giữa đồng bằng Bắc Bộ như hòn non bộ giữa làng quê, từ hàng trăm năm nay không còn thú hoang, không còn dê núi, chỉ có dê của dân chăn thả. Ba công an vào hòn non bộ giữa làng quê bắn dê của dân là chủ tâm bắn trộm, bị dân bắt tại trận. Với lực lượng bảo vệ an ninh trật tự như vậy thì làm sao xã hội có an ninh, trật tự!
Để cuộc sống bình yên, để xã hội an ninh thì lực lượng bảo vệ an ninh trước hết phải tinh, quí hồ tinh, bất quí hồ đa chứ không phải chỉ cần đông quân, nhiều tướng, vũ khí hiện đại. Lực lượng bảo vệ an ninh trên đầu phải thờ thần linh pháp quyền và trái tim phải thuộc về nhân dân, cội nguồn của quốc gia, dân tộc, cội nguồn của lịch sử, văn hoá, chứ không phải “công an nhân dân chỉ biết còn đảng, còn mình” như cái slogan lớn ở mặt tiền cơ quan bộ Công an.
5. Với vụ việc ba công an mang cấp hàm đại uý, thượng uý bắn trộm dê của dân chỉ là vụ việc bất thường nghịch đạo lí, qui tắc xã hội trong đời sống dân sự vốn luôn có những bất thường. Người dân độ lượng, bao dung sẽ bỏ qua. Thời gian vô tình cũng sẽ xoá nhoà, dìm vụ việc vào quên lãng.
Nhưng sự kiện ba ngàn cảnh sát cơ động trong đêm rầm rập binh mã, tua tủa nòng súng, bao vây một làng quê bình yên, xông vào tận giường ngủ xả đạn giết người dân chưa hề bị pháp luật truy tố, chưa hề bị toà án buộc tội thì sẽ đi vào lịch sử về một thời mảnh đất ngàn năm văn hiến chìm đắm trong bạo lực chuyên chính vô sản.
Dù cả hệ thống truyền thông đương thời đứng về phía quyền lực, thờ ơ với máu dân lành đổ ra, không thông tin đúng sự thật. Dù nền tư pháp do quyền lực chuyên chính vô sản dựng lên cũng đứng về phía bạo lực, biến nạn nhân thành tội phạm. Nhưng lịch sử viết bằng máu. Lịch sử mọi chế độ độc tài, mọi giai đoạn độc tài đều viết bằng máu dân. Máu dân thôn Hoành sẽ còn mãi trong lịch sử. Lịch sử sẽ khắc vào thời gian những cái tên làm đổ máu dân thôn Hoành. Không phải tên những người lính cảnh sát công cụ có mặt ở thôn Hoành mà tên những người bài binh bố trận, điều binh, khiển tướng, lên phương án tấn công thôn Hoành, giết dân thôn Hoành từ những phòng máy lạnh.
Lịch sử bỏ qua vụ việc ba công an dù mang hàm đại uý, thượng uý cũng chỉ là những nhân cách trộm cắp, bắn trộm dê của dân. Nhưng lịch sử không bỏ qua hàng trăm người dân chết bầm dập trong đồn công an. Lịch sử không bỏ qua những tiếng nói của lương tâm và trách nhiệm công dân bị toà án không có thần linh công lí tuyên những bản án tù năm năm, mười năm tù. Lịch sử ghi nhận những cái chết oan khiên của dân lành, ghi nhận những bản án vắng bóng công lí để khắc ghi vào thời gian về đất nước văn hiến trong thời đảng trị và công an trở thành kiêu binh của đảng.
6. Bộ Công An liên tục đòi Quốc hội làm luật cho công an có thêm quyền hạn. Quyền có nhiều tướng. Quyền có đông quân. Các luật này đều làm ngân sách nhà nước phải bội chi, làm cho chi ngân sách mất cân đối, làm hao hụt, teo tóp ngân sách dành cho an sinh xã hội.
Công an là công cụ bạo lực nhà nước. Bảo đảm an ninh trật tự xã hội không phải chỉ là bạo lực mà còn là chính sách xã hội mang lại sự an dân, còn là nền giáo dục phát triển nâng cao dân trí và đời sống văn hoá cao, nâng con người lên những giá trị văn hoá.
Chiếc bánh ngân sách dành phần lớn cho công cụ bạo lực thì chỉ còn phần nhỏ bé, hẩm hiu chia cho chính sách xã hội, cho giáo dục, văn hoá và y tế. Chi ngân sách cho công cụ bạo lực nhà nước lớn gấp nhiều lần chi cho giáo dục, y tế, văn hoá nếu không làm mất đi thì cũng làm giảm sút rất nghiêm trọng giá trị nhân văn, bản chất nhân văn của một nhà nước, một chính thể.
Những đòi hỏi dồn dập của công an, đòi hỏi sửa luật, đòi hỏi ban hành luật mới cho công an có thêm tướng, thêm quân đều được Quốc hội chấp thuận tắp lự. Trong khi tất cả năm bản Hiến pháp của nhà nước Việt Nam Xã hội chủ nghĩa từ 1946 đến nay, Hiến pháp nào cũng xác nhận quyền tự do ngôn luận, quyền tự do báo chí, quyền tiếp cận thông tin, quyền hội họp, lập hội, quyền biểu tình của người dân. Đó là những quyền sơ đẳng, cơ bản, tối thiểu của con người, của công dân. Có những quyền đó, con người mới thực sự là Người, mới khẳng định được sự có mặt của những cá nhân con người, những nhân cách công dân trong cuộc đời. Những bộ luật về tự do ngôn luận, luật lập hội, luật biểu tình ra đời, ngân sách nhà nước không phải chi, không hao hụt một xu cho người dân thực hiện quyền những quyền sơ đẳng của người dân. Nhưng suốt mấy chục năm qua, Quốc hội lạnh lùng làm ngơ, không ngó ngàng đến xây dựng những bộ luật bảo đảm cho người dân được thực sự làm Người, được có tư thế đàng hoàng, chính danh làm bổn phận công dân.