Số lượng các ca hỏa táng trong quý I tại tỉnh Chiết Giang (phía đông Trung Quốc) gia tăng đột biến. Theo các chuyên gia về Trung Quốc, dữ liệu này cho thấy số người chết vì COVID-19 trên thực tế ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cao hơn rất nhiều so với những gì Bắc Kinh công bố.
Do Bắc Kinh báo cáo không đầy đủ và che đậy thông tin về các ca nhiễm bệnh, nên rất khó đánh giá quy mô thực sự của đợt bùng phát COVID-19 gần đây.
Vào ngày 13/07, sở nội vụ tỉnh Chiết Giang đã công bố dữ liệu trên trang web của họ, cho thấy số lượng các ca hỏa táng tại tỉnh trong quý đầu tiên của năm nay đã tăng 72% so với cùng kỳ năm 2022. Khoảng 171.000 thi thể được hỏa táng trong quý I, nhiều hơn so với 99.000 và 93.000 ca hỏa táng trong quý I của năm 2022 và 2021 tương ứng.
Ngay sau khi vừa công bố, cơ quan chức năng đã lại lập tức gỡ dữ liệu này xuống. Ngoài ra, các cuộc thảo luận trực tuyến và các bình luận liên quan cũng bị xóa khỏi các nền tảng xã hội của Trung Quốc.
Ngày 18/07, The Epoch Times đã tìm kiếm trên trang web chính thức của Bộ Nội vụ Trung Quốc và phát hiện ra rằng cơ quan này đã không công bố dữ liệu hỏa táng cho quý IV/2022 và quý I/2023. Trước đó, kể từ năm 2007, họ làm việc này đều đặn hàng quý. Không rõ tại sao tỉnh Chiết Giang lại công bố dữ liệu hỏa táng của tỉnh (dù trong chốc lát).
Dữ liệu sai lệch về COVID-19
Ngày 08/01, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc báo cáo có tổng cộng 5.272 trường hợp tử vong liên quan đến COVID-19 ở nước này.
Tuy nhiên, một quan chức của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho biết trong một cuộc họp báo vào ngày 14/01 rằng số ca tử vong liên quan đến COVID-19 trên toàn quốc là 59.938 ca trong khoảng thời gian từ ngày 07/12/2022 đến ngày 12/01/2023.
Việc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đột ngột dỡ bỏ các lệnh phong tỏa nghiêm ngặt vào ngày 07/12 được cho là đã dẫn đến một đợt bùng phát COVID-19 mới trên toàn quốc — bắt đầu từ cuối năm 2022 đến quý I/2023 — do thiếu sự chuẩn bị sẵn sàng về nguồn lực y tế, và quan trọng nhất là không cảnh báo cho công chúng.
Ngày 11/01, Tiến sĩ Michael Ryan, giám đốc điều hành Chương trình Cấp cứu Y tế của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nói rằng: “WHO vẫn tin rằng các trường hợp tử vong ở Trung Quốc được báo cáo ở mức ít đi rất nhiều”.
“Không có dữ liệu nào [về số ca tử vong do COVID-19] do ĐCSTQ công bố là đáng tin cậy. Nhưng đôi khi họ phải công bố số liệu, vì vậy họ sẽ công bố chúng sau — khi họ nghĩ rằng dữ liệu giả sẽ được mọi người chấp nhận. Trên thực tế, công chúng không tin vào dữ liệu đó”, luật sư Hong Sheng (hóa danh), người Trung Quốc, cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây với ấn bản tiếng Trung của The Epoch Times. Ông sử dụng hóa danh vì sợ chế độ trả thù.
Ông Hong nói với The Epoch Times rằng kể từ khi ĐCSTQ đột ngột nới lỏng chính sách “zero-COVID” hà khắc vào đầu tháng 12 năm ngoái, các luật sư được yêu cầu đeo khẩu trang khi tham dự các phiên tòa hoặc khi gặp thân chủ trong các trại tạm giam. Ông cho biết số người chết có thể sẽ tăng lên trong đợt bùng phát gần đây.
Ông Đường Tịnh Viễn (Tang Jingyuan) – nhà bình luận các vấn đề thời sự Trung Quốc, hiện đang sống tại Hoa Kỳ – nói rằng số người chết ở Chiết Giang có thể đã không được báo cáo đầy đủ. Trong một cuộc phỏng vấn vào ngày 18/07, ông nói với The Epoch Times rằng tỉnh này không phải là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi COVID-19.
Ông Đường cho biết: “Tại các thành phố như Bắc Kinh, Trịnh Châu, Tây An và tỉnh Quảng Đông, nơi bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19, người dân cho biết số ca hỏa táng tăng gấp nhiều lần, thậm chí gấp hàng chục lần so với bình thường”.
“Trên thực tế, có khả năng cao con số này [số ca hỏa táng của tỉnh Chiết Giang] là con số đã bị chính quyền làm thấp đi. ĐCSTQ kiểm soát thông tin và dữ liệu, đó là một phần của việc duy trì ổn định xã hội của họ”.
Sau khi “zero-COVID” được đột ngột dỡ bỏ, các bệnh viện trên khắp đất nước đã bị quá tải; nhiều bệnh nhân được cho là đã xuất hiện triệu chứng “phổi trắng” — các mảng trắng được nhìn thấy khi chụp CT, là các vùng bị viêm trong phổi.
Đã có báo cáo về hàng dài người vào và ra các nhà tang lễ và lò hỏa táng trên khắp Trung Quốc. Các lò hỏa táng hoạt động suốt ngày đêm và không ngừng tuyển thêm nhân viên. Các gia đình phải trả nhiều tiền hơn hoặc đến vùng nông thôn để có thể hỏa táng người thân đã khuất của họ sớm hơn.
Ông Sean Lin, từng là nhà vi trùng học của Quân đội Hoa Kỳ và hiện là phó giáo sư tại Khoa Khoa học Y sinh tại Đại học Phi Thiên ở New York, có cùng quan điểm với ông Đường.
“171.000 ca hỏa táng ở tỉnh Chiết Giang trong quý đầu tiên là dữ liệu đã bị kiểm duyệt, chỉ phản ánh một phần nhỏ của tình hình thực tế. Số người chết ở các thành phố, huyện và thị trấn của tỉnh này cũng bị làm sai lệch để che đậy số liệu thực tế”, ông Lin nói.
Ông nói thêm rằng chính quyền địa phương sẽ không nhận được nhiều hỗ trợ tài chính từ chính quyền trung ương nếu họ báo cáo chính xác số người chết thực tế.
Reuters đưa tin vào tháng 1 rằng một bác sĩ tại một bệnh viện tư nhân ở Bắc Kinh đã nhìn thấy thông báo yêu cầu rằng “các bác sĩ cần ‘cố gắng không’ ghi [nguyên nhân tử vong là] suy hô hấp do COVID trên giấy chứng tử”. Sáu bác sĩ khác tại các bệnh viện công trên khắp Trung Quốc nói với Reuters rằng họ “đã nhận được những hướng dẫn bằng miệng tương tự, rằng không khuyến khích họ quy kết cái chết cho COVID”.
Vào tháng 2, ấn bản tiếng Trung của The Epoch Times đã có được tài liệu nội bộ từ một số tỉnh — bao gồm Quảng Tây, Hắc Long Giang và Hà Bắc — tiết lộ rằng chính quyền đề ra một quy trình phê duyệt nghiêm ngặt cho việc cấp giấy chứng tử có nguyên nhân tử vong liên quan đến COVID-19.
Theo The Epoch Times
Xuân Hoa biên dịch