Tin thế giới sáng thứ Năm: Đại diện khoảng 40 quốc gia sẽ thảo luận về hòa bình ở Ukraina tại Ả Rập Xê Út

Nga thừa nhận ‘chuyển’ 4.8 triệu người Ukraina sang Nga

Liên Thành

Nga thừa nhận ‘chuyển’ 4,8 triệu người Ukraina sang Nga (ảnh: Marcus Yam/Thời báo Los Angeles).

Maria Lvova-Belova, Ủy viên phụ trách quyền trẻ em do Điện Kremlin bổ nhiệm xác nhận vào ngày 31 tháng 7 rằng, Nga đã chuyển 4,8 triệu người Ukraina, trong đó có hơn 700.000 trẻ em đến Liên bang Nga kể từ khi bắt đầu chiến tranh.

Trong một báo cáo về các hoạt động “được Tổng thống Liên bang Nga ủy quyền vì quyền trẻ em” vào năm 2022, bà Lvova-Belova tuyên bố rằng, Nga đã “tiếp nhận” 4,8 triệu người Ukraina kể từ tháng 2 năm 2022, và lưu ý rằng phần lớn trong số 700.000 trẻ em đến Nga không có sự giám sát của cha mẹ hoặc người giám hộ.

Báo cáo thận trọng định hình các hoạt động này như những cử chỉ thiện chí nhân đạo. Tuy nhiên, luật nhân đạo quốc tế định nghĩa việc buộc phải chuyển thường dân đến lãnh thổ của một thế lực chiếm đóng là “trục xuất”. 

Theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh ISW, hoàn cảnh cuộc xâm lược Ukraina của Nga và tình hình ở các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng có khả năng đủ cưỡng chế, nghĩa là hầu hết các vụ “chuyển giao” thường dân Ukraina sang Nga đều đáp ứng ngưỡng trục xuất bắt buộc, bị cấm theo Điều 49 của Công ước Geneva lần thứ tư, bất kể động cơ tuyên bố của Nga là gì.

ISW tiếp tục đánh giá rằng, chính quyền Nga đang tiến hành một chiến dịch quy mô lớn nhằm trục xuất người Ukraina về Liên bang Nga.

Quân đội Myanmar ân xá cho bà Aung San Suu Kyi

Liên Thành

Quân đội Myanmar ân xá cho bà Aung San Suu Kyi (ảnh: CNN).

Chính quyền quân sự Myanmar hôm 1/8 đã ân xá cho bà Aung San Suu Kyi về 5 trong số 19 tội danh mà bà bị kết án nhưng bà sẽ vẫn bị quản thúc tại gia, theo Reuters đưa tin.

Quyết định ân xá đồng nghĩa là án tù 33 năm của bà Suu Kyi sẽ giảm bớt 6 năm. Hành động này nằm trong lệnh ân xá hơn 7.000 tù nhân trên khắp đất nước.

Hôm 31/7, chính quyền quân sự đã hoãn cuộc bầu cử được hứa hẹn vào tháng 8 năm nay và gia hạn tình trạng khẩn cấp thêm 6 tháng nữa, động thái mà những người chỉ trích cho là sẽ kéo dài khủng hoảng.

Bà Aung San Suu Kyi (78 tuổi), người từng đoạt giải Nobel hòa bình và bị bắt giữ trong cuộc đảo chính, tuần trước đã được đưa khỏi nhà tù về quản thúc tại gia ở thủ đô Naypyitaw. Bà phủ nhận tất cả các cáo buộc mà bà bị kết án, từ kích động và gian lận bầu cử cho đến tham nhũng, và đã kháng cáo.

Phát ngôn nhân của chính quyền quân sự nói rằng, Hội đồng Hành chính Nhà nước của chính quyền quân sự cũng giảm 4 năm tù cho cựu tổng thống Win Myint, người bị bắt giữ cùng lúc với bà Suu Kyi.

Một nguồn tin cho biết cả bà Suu Kyi và ông Win Myint sẽ vẫn bị giam hãm.

Các tội mà bà Suu Kyi được ân xá là những tội nhẹ, bao gồm vi phạm luật khắc phục thiên tai do vi phạm các quy tắc phòng chống dịch COVID-19 khi vận động bầu cử, nguồn tin cho biết.

Kyaw Zaw – người phát ngôn của Chính phủ Thống nhất Quốc gia, chính phủ hoạt động ngầm do phe ủng hộ bà Suu Kyi và những người chống đối quân đội thành lập cho biết, việc ân xá một phần cho bà Suu Kyi và ông Win Myint cho thấy quân đội đang cảm thấy áp lực khi không chỉ các nước phương Tây, mà cả các nước láng giềng ở Đông Nam Á đều kêu gọi giải quyết cuộc khủng hoảng Myanmar.

Kyaw Zaw nói: “Đây chỉ là chiêu trò chính trị… nhằm giảm bớt áp lực. Họ phải được thả vô điều kiện vì họ bị bắt giữ tùy tiện. Tất cả tù nhân chính trị phải được thả”.

Đại diện khoảng 40 quốc gia sẽ thảo luận về hòa bình ở Ukraina tại Ả Rập Xê Út

Liên Thành

Tổng thống Mỹ Biden đã đến Ả Rập Xê-út vào tháng 7. (Ảnh: New York Times).

Liên minh châu Âu (EU) dự kiến ​​đại diện của khoảng 40 quốc gia, sẽ tham dự một cuộc họp không chính thức tại Ả Rập Xê Út vào cuối tuần nay – nơi các cách thức đạt được hòa bình ở Ukraina sẽ được thảo luận, theo tờ European Pravda.

Tờ European Pravda dẫn các nguồn tin của EU tại cuộc họp ở Ả Rập Xê Út cho biết: các nước sẽ có đại diện ở cấp cố vấn an ninh quốc gia tham gia, giống như cuộc họp trước đó ở Copenhagen vào tháng 6. Một đại diện của Liên minh châu Âu (EU) cũng sẽ có mặt. Nga không có khả năng tham gia cuộc thảo luận.

Theo nguồn tin của Europa Press tại Brussels (Bỉ): Cuộc gặp này là cơ hội để các đối tác toàn cầu của EU tiếp xúc với nhau thảo luận về các biện pháp giành lại Hòa bình ở Ukraina, nhằm triệu tập Hội nghị Thượng đỉnh Hòa bình Toàn cầu.

Nguồn tin nói thêm: “Bất kỳ sáng kiến ​​nào nhằm đạt được một nền hòa bình toàn diện, công bằng và lâu dài ở Ukraina phải dựa trên sự tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nước này trong các đường biên giới được quốc tế công nhận”.

Trước đó, tờ Wall Street Journal đưa tin về việc đại diện 30 nước đã được mời tham dự một cuộc họp tại thành phố Jeddah của Ả Rập Xê Út vào ngày 5-6/8, để họp bàn về Ukraina. Các quan chức Ukraina và phương Tây hy vọng nỗ lực này có thể lên đến đỉnh điểm trong một hội nghị thượng đỉnh về hòa bình vào cuối năm nay, tại đó các nhà lãnh đạo thế giới sẽ ký kết các nguyên tắc chung để chấm dứt chiến tranh.

Ukraina tung đòn chính xác, 7 kho đạn của Nga bị phá hủy

Liên Thành

Ảnh minh họa.

Hôm 31/7, Chỉ huy của nhóm lực lượng tác chiến và chiến lược Tavria cho biết, lực lượng phòng không Ukraina đã phá hủy hàng loạt thiết bị quân sự của Nga, trong đó có 7 nhà kho chứa đạn pháo.

Trang UNN của Ukraina ngày 31/7 đưa tin, ông Oleksandr Tarnavskyi – chỉ huy của nhóm lực lượng tác chiến và chiến lược Tavria cho biết, lực lượng phòng không Ukraina tiếp tục tấn công chính xác vào các trang thiết bị của đối phương. 

Ông Tarnavskyi nói rằng, ở hướng Tavria, các đơn vị pháo binh của Lực lượng Phòng vệ Ukraina đã thực hiện 1.359 nhiệm vụ hỏa lực trong ngày. Ngoài ra, quân phòng thủ Ukraina đã phá hủy 16 đơn vị thiết bị quân sự của Nga, trong đó có một xe tăng, 4 xe chiến đấu bọc thép, pháo tự hành 2S19 Msta, 5 hệ thống pháo và súng cối, cùng các thiết bị khác.

Ngoài ra, 7 nhà kho chứa đạn pháo của Nga cũng đã bị phá hủy trong ngày. Phía Nga chưa bình luận về thông tin về Ukraina đưa ra.

Tỷ phú Mỹ chiếm ưu thế trong danh sách những người giàu nhất thế giới

Tỷ phú Elon Musk. (Ảnh: Paul Sancya/Shutterstock)

Giá trị tài sản ròng của 10 người giàu nhất thế giới đã vượt Tổng Sản phẩm Quốc hội (GDP) của nhiều nước và tài sản của họ chủ yếu tập trung trong các ngành công nghệ, tài chính và bán lẻ, theo tạp chí Forbes.

Mỹ là nước có nhiều người giàu nhất thế giới với 724 tỷ phú. Trong danh sách 10 người giàu nhất hành tinh của Forbes, số lượng tỷ phú Mỹ “áp đảo” với tỷ lệ là 9/10.

Tỷ phú Elon Musk đang là người giàu nhất thế giới với giá trị tài sản ròng đạt 240,7 tỷ USD. Ông là Giám đốc điều hành (CEO) của một số công ty nổi tiếng, trong đó có nhà sản xuất ô tô điện Tesla và công ty thám hiểm không gian SpaceX. Tỷ phú Musk hiện sở hữu 23% cổ phần của Tesla. Khoảng 2/3 số tài sản của ông gắn liền với thành công của Tesla.

Ông Musk đã dẫn dắt Tesla phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng vào năm 2010. Giá trị vốn hóa thị trường của Tesla tăng mạnh trong năm 2020 và 2021 đã giúp ông lọt vào danh sách 10 người giàu nhất thế giới vào tháng 9/2021. Đỉnh điểm là vào tháng 11/2021, tài sản của ông Musk tăng vọt lên 320 tỷ USD. Hồi tháng 10/2022, ông Musk đã gây chú ý khi mua lại Twitter với giá 44 tỷ USD.

Tỷ phú duy nhất không phải là người Mỹ trong Top 10 người giàu nhất hành tinh của Forbes là Bernard Arnault – người giàu thứ hai trên thế giới với giá trị tài sản ròng vào khoảng 231,4 tỷ USD. Ông Bernard Arnault là CEO kiêm Chủ tịch của Moët Hennessy Louis Vuitton (LVMH) của Pháp, tập đoàn kinh doanh hàng xa xỉ lớn nhất thế giới với khoảng 70 thương hiệu thời trang và mỹ phẩm nổi tiếng như Louis Vuitton, Christian Dior, Moet & Chandon và Sephora. Vào tháng 1/2021, LVMH đã hoàn tất việc mua lại hãng trang sức cao cấp Tiffany & Co. với giá 15,8 tỷ USD.

Đứng ở vị trí thứ ba là ông Jeff Bezos, với giá trị tài sản ròng 154,9 tỷ USD. Hồi tháng 7/2021, ông Jeff Bezos đã quyết định từ bỏ vai trò Giám đốc điều hành của tập đoàn thương mại điện tử Amazon, trong khi vẫn duy trì vị trí Chủ tịch.

Trong danh sách này, “ông chủ” của Oracle, Larry Ellison và Bill Gates – người sáng lập Microsoft xếp ở vị trí thứ 4 và 5, với giá trị tài sản ròng lần lượt là 146,1 tỷ USD và 119,3 tỷ USD. Tiếp theo là ông trùm kinh doanh và đầu tư Warren Buffett của Berkshire Hathaway, với giá trị tài sản ròng đạt 117,4 tỷ USD; nhà sáng lập Meta sở hữu mạng xã hội Facebook nổi tiếng Mark Zuckerberg (115,2 tỷ USD); hai nhà đồng sáng lập Google là Larry Page và Sergey Brin nắm giữ lượng tài sản lượt lượt là 111,9 tỷ USD và 106,2 tỷ USD. Xếp cuối danh sách là CEO Microsoft Steve Ballmer, với tài sản ròng 103,4 tỷ USD.

Theo báo cáo của Forbes, tính đến tháng 5/2023, số lượng các tỷ phú đã đạt 2.640 người, nhiều gấp 19 lần so với con số của năm 1987.

Trước đó, dữ liệu của Bloomberg Billionaires Index cũng cho thấy tổng tài sản ròng của 500 người giàu nhất thế giới đã tăng thêm 852 tỷ USD trong nửa đầu năm nay. Mỗi người trong danh sách này trung bình kiếm được 14 triệu USD/ngày trong 6 tháng qua. Đây là nửa đầu năm khởi sắc nhất với các tỷ phú này kể từ nửa cuối năm 2020, khi nền kinh tế bắt đầu phục hồi sau đại dịch COVID-19.

Cũng theo Bloomberg Billionaires Index, tổng tài sản của các tỷ phú Nga đã tăng thêm 32 tỷ USD kể từ đầu năm. Có khoảng 22 doanh nhân Nga lọt vào danh sách 500 tỷ phú do Bloomberg tổng hợp.

Phan Anh

Related posts