Báo cáo việc làm mới được công bố của Mỹ thể hiện những điểm yếu trong các lĩnh vực có tác động lớn tới tăng trưởng kinh tế. Mặc dù lạm phát đã hạ nhiệt, nhưng người Mỹ vẫn đang vật lộn với giá cả tăng cao và chưa thực sự bước vào vùng an toàn. Trong khi đó, Mỹ đã bị Fitch Ratings hạ bậc tín nhiệm.
Tổng số việc làm phi nông nghiệp, dữ liệu mới được chính phủ Mỹ công bố gần đây, đã tăng thêm 187.000 việc làm và tỷ lệ thất nghiệp giảm nhẹ, ở mức 3,5%. Việc làm mới trong khu vực tư nhân là 172.000. Tuy nhiên, y tế và giáo dục tư nhân, các lĩnh vực có xu hướng được hỗ trợ đáng kể bởi tài chính của chính phủ, là lĩnh vực chiếm tỷ lệ lớn nhất, với 100.000 việc làm mới.
Các sửa đổi cho tháng 5 và tháng 6 dẫn đến việc sụt giảm 49.000 việc làm so với báo cáo ban đầu trong hai tháng đó và sẽ khiến các nhà kinh tế và hoạch định chính sách lo ngại.
Hoạt động tạo việc làm
Hãy xem biểu đồ tạo việc làm trong các lĩnh vực và mức lương trung bình hàng tuần: Biểu đồ: Hoạt động tạo việc làm tháng 6, 7 trong các lĩnh vực và mức lương trung bình hàng tuần vào tháng 7. Đường màu vàng: mức lương trung bình hàng tuần. Cột màu đỏ: việc làm mới tháng 6. Cột màu xanh: việc làm mới tháng 7. Cột trái: mức lương. Cột phải: lượng việc làm mới. Trục ngang: lần lượt các lĩnh vực: tiện ích, khai thác mỏ và gỗ, thông tin, hoạt động tài chính, bán buôn, hàng hóa lâu bền, dịch vụ chuyên nghiệp và kinh doanh, xây dựng, sản xuất, hàng hóa không lâu bền, vận tải và nhà kho, dịch vụ giáo dục và sức khỏe, chăm sóc sức khỏe và hỗ trợ xã hội, dịch vụ khác, bán lẻ, giải trí và du lịch – nhà hàng – khách sạn. (Nguồn: dữ liệu Cục Thống kê Lao động Mỹ / Công ty tư vấn Stuyvesant Square)
Như chúng tôi đã nêu trước đây, phần lớn nhất tạo ra việc làm nằm ở lĩnh vực “Dịch vụ giáo dục và sức khỏe”. Nó bao gồm cả “Chăm sóc sức khỏe và hỗ trợ xã hội”. Những lĩnh vực đó có xu hướng được chính phủ ở cấp liên bang, tiểu bang và địa phương trợ cấp rất nhiều.
Tuy nhiên, việc tạo ra và mất việc làm trong các lĩnh vực có xu hướng thể hiện sức mạnh tương lai của nền kinh tế, bao gồm “Vận tải & nhà kho” và sản xuất (hàng hóa lâu bền và không lâu bền) và “Dịch vụ chuyên nghiệp & kinh doanh”, đều tiêu cực. Đáng lo ngại, danh mục cuối cùng, dịch vụ chuyên nghiệp và kinh doanh, bao gồm sự sụt giảm nghiêm trọng, 22.000 việc làm, trong các dịch vụ trợ giúp tạm thời không được hiển thị trong biểu đồ (nó được bao gồm trong con số lỗ ròng 8.000). Nhân viên tạm thời thường là những người đầu tiên bị loại bỏ khi điều kiện kinh doanh chậm lại.
Những dữ liệu khác
Chỉ số quản lý mua hàng (PMI) của Viện quản lý cung ứng cho tháng 7 cho thấy nền kinh tế công nghiệp đang thu hẹp, nhưng chậm hơn so với tháng trước, ở mức 46,4 so với 46,0 trong tháng 6. (Chỉ số dưới 50 báo hiệu sự thu hẹp.) Mặt khác, Chỉ số Dịch vụ ISM cho thấy nền kinh tế dịch vụ đang mở rộng, nhưng cũng chậm hơn, ở mức 52,7 so với 53,9 vào tháng 6.
Khảo sát Cơ hội Việc làm và Doanh thu Lao động (JOLTS) cho tháng 6, được báo cáo vào ngày 01/08, hầu như ổn định, cho thấy cơ hội việc làm trong tháng 6 ít hơn chỉ 34.000 so với tháng 5 và con số rời bỏ công việc ít hơn 288.000 trường hợp.
Giấy phép xây dựng vào tháng 6, được công bố vào ngày 19/07, ở mức 1.440.000 hàng năm, con số được điều chỉnh theo mùa. Con số này thấp hơn 3,7% so với tỷ lệ đã được điều chỉnh vào tháng 5 là 1.496.000 và thấp hơn 15,3% so với tỷ lệ 1.701.000 vào tháng 06/2022.
Nhà ở thuộc sở hữu tư nhân bắt đầu vào tháng 6 ở mức hàng năm được điều chỉnh theo mùa là 1.434.000. Con số này thấp hơn 8,0% so với ước tính sửa đổi vào tháng 5 là 1.559.000 và thấp hơn 8,1% so với con số 1.561.000 vào tháng 06/2022.
Đối với tháng 6, thu nhập và chi tiêu cá nhân, được công bố vào ngày 28/07, cho thấy thu nhập cá nhân khả dụng tăng 0,3% theo đồng USD hiện tại và 0,2% theo đồng USD dây chuyền của năm 2012. (“Đồng USD dây chuyền” là thước đo lạm phát có tính đến những thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng trước những thay đổi về giá cả.) Thu nhập cá nhân tính bằng USD hiện tại tăng 0,3%.
Chỉ số Chi tiêu Tiêu dùng Cá nhân (PCE) tháng 6, không bao gồm thực phẩm và năng lượng, được công bố vào ngày 28/07 và được cho là thước đo lạm phát ưa thích của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, được công bố ở mức 4,1%, giảm một nửa phần trăm so với tháng 5.
Chỉ số lạc quan kinh tế IBD/TIPP cho tháng 7, được công bố ngày 07/07, vẫn duy trì ổn định ở mức 41,3%.
Hạ bậc tín nhiệm và các đánh giá
Yếu tố đáng lo ngại nhất của dữ liệu kinh tế gần đây là việc cơ quan xếp hạng tín dụng Fitch Ratings hạ cấp các khoản nợ của Kho bạc Mỹ từ AAA xuống AA+.
Trong khi một số hãng thông tấn dẫn lời ông Richard Francis, Giám đốc cấp cao của Fitch Ratings, nói rằng việc hạ bậc xếp hạng là, theo cách nói của Reuters, “sự phân cực chính trị được phản ánh một phần bởi cuộc nổi dậy ngày 06/01”, bản thân việc xếp hạng không đề cập đến ngày 06/01. (Reuters thậm chí còn tuyên bố trong tiêu đề bài báo của mình, “Fitch nhấn mạnh cuộc nổi dậy ngày 6 tháng 1 với Bộ Tài chính trước khi Mỹ bị hạ cấp”. Nhưng bản thân việc xếp hạng không nhấn mạnh điểm nào như vậy). Thay vào đó, trong một đoạn có tên “Sự xói mòn quản trị”, Fitch Ratings nói:
“Theo quan điểm của Fitch, đã có sự suy giảm liên tục trong các tiêu chuẩn quản trị trong 20 năm qua, bao gồm cả các vấn đề về tài chính và nợ, bất chấp thỏa thuận lưỡng đảng hồi tháng 6 về việc đình chỉ giới hạn nợ cho đến tháng 01/2025. Các bế tắc chính trị về giới hạn nợ lặp đi lặp lại và các giải pháp vào phút cuối đã làm xói mòn niềm tin vào hoạt động quản lý tài khóa. Ngoài ra, chính phủ thiếu khuôn khổ tài khóa trung hạn, không giống như hầu hết các chính phủ khác, và có một quy trình lập ngân sách phức tạp…”
Tôi nhận thấy các bài báo mang bản chất chính trị hơn là tài chính vì các phương tiện truyền thông hiện đang tập trung vào những lời buộc tội đối với cựu tổng thống Donald Trump. Các tờ báo đã ám chỉ những nguyên nhân và kết quả không đúng với việc xếp hạng.
Việc Fitch hạ cấp, vào ngày 01/08, đã ảnh hưởng khá nhanh đến lãi suất nợ chính phủ Mỹ [lãi suất tăng liên tục].
Ông Bill Ackman, Giám đốc điều hành của Pershing Square Capital, được cho là đã nói rằng ông đang bán khống trái phiếu kho bạc Mỹ, nghĩa là ông hy vọng chúng sẽ giảm giá trị khi lãi suất tăng. Nếu dự đoán của ông Ackman xảy ra, và chúng tôi nghĩ rằng nó sẽ xảy ra, thì hoạt động kinh doanh sẽ chậm lại cùng với nền kinh tế. Người ta sẽ yêu cầu tỷ lệ lãi suất cao hơn đối với nợ của Mỹ, bất kể những gì Fed làm. Quang cảnh tòa nhà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Marriner S. Eccles vào ngày 26/01/2022 tại Washington, DC. (Ảnh: Anna Moneymaker / Getty Images)
Chúng tôi vẫn nói rằng lãi suất cuối cùng – tỷ lệ mà ở đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ ngừng tăng lãi suất – sẽ ở mức tương đương hoặc gần 6%. (Mục tiêu của Fed hiện tại là 5,25–5,50%.) Điều đó có nghĩa là Fed sẽ giữ nguyên mục tiêu lạm phát 2% và không khuất phục trước mong muốn của giới bình luận ở Washington và sửa đổi mục tiêu lạm phát của mình thành 3%, đặc biệt là trước một cuộc bầu cử sắp diễn ra sau 15 tháng nữa.
Chúng tôi vẫn dự đoán về một cuộc suy thoái, nhưng tin rằng nó sẽ tương đối nhẹ và sẽ bắt đầu vào quý IV năm nay hoặc quý đầu tiên của năm sau. Chúng tôi cho rằng kỳ vọng suy thoái đã khiến các doanh nghiệp củng cố tuyển dụng, mức nợ, hàng tồn kho, chuỗi cung ứng và công nghệ để giảm tác động của suy thoái đối với nền kinh tế nói chung. Tất nhiên, một số doanh nghiệp sẽ phải chịu thiệt hại – và một số có thể không chịu nổi – nhưng những doanh nghiệp kiên cường hơn, được quản lý tốt hơn, đã củng cố hoạt động kinh doanh của họ và “có quy mô phù hợp” để đối phó với tình trạng suy thoái sẽ có thể chống chọi mà ít phải cắt giảm, ngay cả khi họ lợi nhuận bị ảnh hưởng và giá cổ phiếu của họ sụt giảm.
Một yếu tố khác làm giảm tác động của suy thoái kinh tế là việc người tiêu dùng tiếp tục quản lý nợ tốt hơn. Tỷ lệ nghĩa vụ trả nợ trên thu nhập cá nhân khả dụng vẫn ở mức dưới 10%, ngay cả khi nền kinh tế phục hồi sau đại dịch. (Tỷ lệ trả nợ trên thu nhập cá nhân khả dụng là hơn 13% trước cuộc khủng hoảng tài chính 2008–09 và đã góp phần gây ra cuộc suy thoái sâu sắc đó.)
Tuy nhiên, mức nợ hộ gia đình tiếp tục khiến chúng tôi lo ngại, đặc biệt là trong môi trường lãi suất gia tăng và do sự không chắc chắn đối với tình hình nợ của sinh viên. Các khoản trả nợ của sinh viên dự kiến sẽ trở lại vào tháng 10 sau một thời gian dài ba năm tạm dừng trừ khi chính quyền Biden có thể thành công với một số kế hoạch ứng biến để giảm hoặc miễn trừ nghĩa vụ của những người mắc nợ. Nếu Tổng thống không thể, điều đó sẽ ảnh hưởng tới rất nhiều khoản chi tiêu tùy ý của người tiêu dùng.
Lạm phát chưa dứt
Mặc dù lạm phát đã hạ nhiệt trong giai đoạn gần đây, nhưng người Mỹ vẫn chưa ở trong tình thế hoàn toàn an toàn và người tiêu dùng – động lực lớn nhất của GDP – chắc chắn đã cảm thấy những nỗi đau. Lạm phát tích lũy kể từ khi chính sách chi tiêu và năng lượng của Tổng thống Joe Biden có hiệu lực vào tháng 01/2021, đã khiến chi phí của rổ hàng hóa dùng để đo lường lạm phát tăng 16%. Trong tháng hiện tại, gần như mọi loại lao động, ngoại trừ cái gọi là “nghề cơ bắp” như khai thác mỏ, khai thác gỗ, xây dựng và tiện ích, đều bị mất sức mua, ngay cả khi tiền lương danh nghĩa tăng lên.
Trong khi lạm phát trong tháng 6 đã hạ nhiệt xuống chỉ còn 3%, thì lạm phát lõi (tức là lạm phát trừ đi tác động của lương thực và năng lượng) vẫn ở mức 4,8%, thậm chí cao hơn mức hai năm trước, vào tháng 06/2021, khi nó được công bố ở mức 4,5%.
Những yếu tố bổ sung
Sự sụp đổ của thỏa thuận ngũ cốc ở Biển Đen vào tháng trước có thể sẽ ảnh hưởng đến giá ngũ cốc cũng như giá protein thịt do chi phí thức ăn chăn nuôi sẽ tăng lên. Trước cuộc xâm lược của Nga và chiến tranh bắt đầu, Ukraine là quốc gia xuất khẩu ngô lớn thứ tư thế giới và là quốc gia xuất khẩu lúa mì lớn thứ năm.
Giá xăng đang leo thang trở lại, với chi phí ở California, chẳng hạn, hiện được báo cáo là hơn 5 USD cho mỗi gallon.
Nước Mỹ và nhiều bang đang gánh quá nhiều nợ. Ở cấp tiểu bang, phần lớn khoản nợ nằm “ngoài bảng cân đối kế toán”, ẩn sau những ước tính lạc quan về lợi nhuận của quỹ hưu trí. Đồng hồ nợ công liên bang tại một trạm xe buýt ở Washington, Mỹ, vào ngày 31/07/2023. (Ảnh: Madalina Vasiliu/The Epoch Times)
Một lần nữa chúng tôi nhắc lại sự cần thiết của Fed trong việc thu hẹp bảng cân đối kế toán, vốn là một động lực chính của lạm phát và Quốc hội Mỹ phải giải quyết các khoản thâm hụt đang diễn ra cùng với cơn sóng thần nguy hiểm về các khoản phúc lợi tốn kém mà nước Mỹ cuối cùng sẽ không thể thanh toán.
Một phần vì những khoản nợ và thâm hụt này, cũng như chính sách đối ngoại của Mỹ, Mỹ đang chứng kiến các ngân hàng trung ương nước ngoài ngày càng rời xa đồng USD với tư cách là đồng tiền dự trữ chính của họ. Đặc quyền của đồng USD với tư cách là đồng tiền dự trữ chính của thế giới đã cho phép nước Mỹ duy trì mức chi tiêu và thâm hụt quá mức kể từ thời Chiến tranh Việt Nam và hỗ trợ giá trị của đồng USD so với các loại tiền tệ khác. Đến lượt nó, giá trị cao hơn này đã cho phép người Mỹ mua hàng hóa nhập khẩu với giá rẻ hơn so với giá trị có thể có nếu đồng USD không được định giá cao như vậy. Hạnh phúc và mức sống của thế hệ con cháu đòi hỏi chính phủ Mỹ phải có trách nhiệm về tài chính.
Nền kinh tế Trung Quốc đã chậm lại đáng kể, điều này có thể ảnh hưởng đến các tuyến cung ứng của Mỹ và do đó ảnh hưởng đến lạm phát.
Cuối cùng, cuộc đình công đang diễn ra ở Hollywood và một cuộc đình công có thể xảy ra với Hiệp hội Công nhân Ô tô sẽ làm chậm nền kinh tế hơn nữa. Nước Mỹ dường như đã né tránh được một cuộc đình công tại UPS , với các công đoàn địa phương ủng hộ hợp đồng dự kiến. Nhưng những thành viên của công đoàn vẫn còn cần đưa ra ý kiến ủng hộ.
Dự đoán về GDP
Ước tính về tổng sản phẩm quốc nội cho quý II năm 2023 được công bố vào 2 tuần trước nằm ở mức 2,4%, vượt xa kỳ vọng trên của chúng tôi – và của các bên khác – là 1,75%, con số phù hợp với ước tính đồng thuận là 1,8%. Chúng ta chờ đợi hai đợt điều chỉnh sẽ đến trong những tháng tới.
Đối với quý hiện tại, quý III năm 2023, chúng tôi cho rằng GDP sẽ tương đương với ước tính của chúng tôi cho quý II năm 2023, nhưng sẽ không vượt qua giới hạn dưới của ước tính trước đó, tức là 1,25%. Phạm vi đầy đủ sẽ nằm trong khoảng 0,75–1,25%. Trong quý IV năm 2023, chúng tôi dự đoán tốc độ tăng trưởng GDP sẽ còn chậm hơn nữa, xuống còn 0,0–0,5%. Một lần nữa, ước tính đó đi cùng với giả định rằng Fed sẽ giữ vững mục tiêu lạm phát 2% và không điều chỉnh tăng lên, công khai hay lén lút. (Fed phải chịu áp lực chính trị của tổng thống đương nhiệm khi gần đến năm bầu cử, bất chấp những tuyên bố rằng Fed là “phi đảng phái.”)
Theo The Epoch Times
Bảo Nguyên biên dịch
Tác giả J.G. Collins là Giám đốc điều hành của Stuyvesant Square Consultancy – công ty tư vấn chiến lược và khảo sát thị trường tại New York. Các bài viết của ông về kinh tế, thương mại, chính trị và chính sách công được đăng trên Forbes, New York Post, Crain’s New York Business, The Hill, The American Conservative và các ấn phẩm khác.