Financial Times: Bài học cay đắng từ chiến dịch phản công của Ukraine

Nhật Tân

Chụp màn hình bài phân tích khá dài của Financial Times về chiến dịch phản công của Ukraine.

“Nếu tôi mà làm theo những gì [NATO] đào tạo tôi, thì tôi đã chết,” là lời của Suleman, một sỹ quan chỉ huy trong Trung đoàn #78, kể về tình trạng yếu kém của quân Ukraine, tờ Financial Times báo cáo hôm Thứ Sáu 15/9. Có đoạn viết “một số quan chức Mỹ đã phàn nàn riêng với tờ báo rằng Ukraine đã thất bại về huấn luyện phối hợp các hoạt động hiện đại với bộ binh cơ giới, pháo binh và phòng không, và quá sợ rủi ro trong cách tiếp cận của họ.”

Tờ Financial Times cho đăng một bài phân tích và bình luận khá dài về chiến dịch phản công của quân Kiev với tiêu đề “Bài học cay đắng từ cuộc tấn công mùa Hè của Ukraine”, mở đầu bằng trích dẫn lời phân bua của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky về tình trạng trì trệ của chiến dịch vốn bắt đầu từ đầu tháng 6, sau ít nhất hơn nửa năm chuẩn bị cùng với Mỹ và phương Tây:

“Phải rồi, người ta thường muốn kết quả lập tức,” ông Zelensky, người từng là diễn viên, nói trong một cuộc họp cuối tuần trước. “Nhưng mà, nó không giống một bộ phim chiếu rạp, mà ở đó mọi thứ diễn ra trong một tiếng đồng hồ rưỡi.”

Chiến tuyến thay đổi không đáng kể trong suốt 2,5 tháng kể từ khi quân Kiev phát động chiến dịch phản công. (Ảnh chụp màn hình bài của Financial Times)
Tính đến nay, điểm đột phá lớn nhất là làng Robotyne, theo Kiev tuyên bố, chỉ chọc được vòng ngoài cùng của 3 vòng phòng thủ của Nga. (Ảnh chụp màn hình bài của Financial Times)

Đánh giá chung tình hình chiến sự

Theo tờ báo, chiến tuyến hầu như không thay đổi trong suốt thời gian 2,5 tháng qua. Hiện nay, ngoài Robotyne (Rô-bô-ti-nê) mà quân Kiev tuyên bố là thành công đột phá vòng phòng thủ ngoài cùng của Nga, thì quân Kiev vẫn đang thúc tiến các hướng tiến công tại Velika Novosilka và Bakhmut. Quân Nga tiến hành phản công ở Kreminna.

Theo Financial Times, hai phe đều không bên nào chiếm được thế áp đảo đối phương, và chiến dịch giằng co với thương tổn tiêu hao cả 2 bên, mặc dù không có con số chính thức báo cáo của các phe.

Là chiến tranh tiêu hao, phe đồng minh dường như tự tin rằng về lâu dài vũ khí Mỹ và phương Tây sẽ thắng được Nga, với các khoản viện trợ khổng lồ và đầu tư vào sản xuất vũ khí cùng đạn dược, mặc dù hiện nay tạm thời chưa có được ưu thế về phương diện này.

Trong đoạn video trên, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói:

“Chúng tôi nhận ra đây là chiến tranh tiêu hao. Vậy trong trường hợp này, sản xuất đạn dược trở nên cực kỳ quan trọng.

Ngay từ đầu, chúng tôi đã vét cạn kho dự trữ để hỗ trợ Ukraine, nhưng dự trữ của chúng tôi không đủ lớn, vì vậy chúng tôi cần tăng cường sản xuất.

Thực tế lượng sản xuất của chúng tôi không đáp ứng như mong đợi.

Chính vì lý do này mà chúng ta hiện đang chứng kiến ​​một dòng vốn đầu tư tràn vào và sự gia tăng lượng sản xuất trên toàn Liên minh.”

Về phương diện tiêu hao binh lính, quân Kiev dường như kém thế rõ ràng so với quân Nga, vốn đông hơn và có khả năng duy trì tốt hơn. Tờ Financial Times có đoạn viết rằng quân Kiev “quá sợ rủi ro trong cách tiếp cận.”

Trong đoạn video trên, Claire Daily, một đại biểu Quốc hội Châu Âu, đã chất vấn ông Stoltenberg rằng nửa triệu quân Kiev đã chết trong chiến tranh, và dường như ông Stoltenberg không phủ nhận lời chất vấn này.

Claire Daily: “Ông nói rằng Ukraine đang dần dần chinh phục các vùng lãnh thổ. Nhưng điều đó không đúng… Nửa triệu người đã chết. Bây giờ họ đã bắt đầu bắt lính ngay cả những người có sức khỏe hạn chế và bị bệnh…”

Jens Stoltenberg: “Không ai từng nói nó sẽ dễ dàng. Chúng ta đã biết ngay từ đầu rằng đây sẽ là một cuộc phản công đẫm máu… Chúng ta thấy rằng Nga đã chuẩn bị đúng đắn về khả năng phòng thủ của mình.”

Tờ rơi kêu gọi tình nguyện nhập ngũ được thấy ở quán nước tại Moskva, với dòng chữ “nghề nghiệp của chúng ta là bảo vệ Tổ quốc”:

Bài học cay đắng

Tờ Financial Times đánh giá rằng những thiệt hại xuất hiện vào những thời gian đầu của Ukraine là “không thể duy trì được” với “một phần năm những gì NATO cung cấp cho cuộc phản công này.”

Chiến lược ban đầu do NATO vạch ra cho quân Kiev đã bị quân Kiev bỏ dở, và tự chiến đấu theo cách của họ. Phía Kiev và phương Tây có các phê bình lẫn nhau.

Như tờ báo trích dẫn, Suleman, một sỹ quan chỉ huy trong Trung đoàn #78 của quân đội Ukrainie, đã đổ lỗi cho những huấn luyện không hợp lý của NATO: “Nếu tôi mà làm theo những gì [NATO] đào tạo tôi, thì tôi đã chết,” mặc dù anh có thừa nhận rằng một số góp ý của NATO là có ích.

Anh Suleman tuyên bố anh đã trải qua huấn luyện của nhiều nước khác nhau của NATO — Mỹ quốc, Anh quốc, và Ba Lan.

Về phía bên NATO, tờ Financial Times viết: “Một số quan chức Mỹ đã phàn nàn riêng với tờ báo rằng Ukraine đã thất bại về huấn luyện phối hợp các hoạt động hiện đại với bộ binh cơ giới, pháo binh và phòng không, và quá sợ rủi ro trong cách tiếp cận của họ.”

Trước khi cuộc phản công diễn ra, giáo sư về quan hệ quốc tế của Đại học Chicago, ông John Mearsheimer đã tiên đoán rằng cuộc phản công của Ukraine sẽ thất bại, và khi đó phe Ukraine và NATO sẽ đổ lỗi cho nhau.

Chiến tranh của các UAV và công nghệ

Miêu tả việc chuyển hướng chiến thuật từ trọng tâm xe tăng và bọc thép sang đặt trọng tâm vào máy bay không người lái UAV (drone — máy bay/xuồng không người lái), tờ Financial Times viết “mỗi đơn vị quân Ukraine đều ra tiền tuyến với các UAV của riêng mình, thường là UAV trinh sát dân sự do Trung Quốc sản xuất có giá vài trăm đô la [một chiếc]… có thể mang theo thuốc nổ mạnh.”

Theo dự kiến ban đầu của NATO và quân Kiev trước khi tiến hành phản công, thì cuộc phản công đặt trọng tâm vào xe tăng và thiết giáp, lấy đó làm mũi nhọn. Không đặt trọng tâm vào kiểm soát bầu trời. Tuy nhiên các UAV rẻ tiền của Nga, như model Lancer sau những lần cải tiến, đã có thể đổi mạng với xe tăng, đã làm chiến thuật này của NATO không phát huy hiệu quả tốt.

Tờ báo dẫn nguồn Ukraine cho hay giờ Ukraine đã chuyển sang đặt trọng tâm vào UAV, “ước tính Ukraine đang tiêu hao tới 10.000 UAV mỗi tháng.”

Tờ báo dẫn lời của Mykhailo Fedorov, thứ trưởng về công nghệ Ukraine, tin rằng Ukraine với trợ giúp của NATO, sẽ chiến thắng trong cuộc chạy đua UAV này, với dự kiến tốc độ sản xuất UAV sẽ tăng 100 lần.

“Chúng ta đang trong một cuộc chạy đua vũ trang trong một khoảng thời gian ngắn,” ông nói. “Các vũ khí không người lái đang khiến các hệ thống vũ khí khác trở nên hoàn toàn dư thừa.”

Dường như NATO và Ukraine muốn chuyển dịch trọng tâm tiêu hao chiến rời khỏi tiêu hao binh lính, để chuyển sang tiêu hao vũ khí.

Tin tưởng vào công nghệ tối tân cùng sức mạnh tài chính khổng lồ của Mỹ và NATO, cùng các dự kiến đưa máy bay F-16 của Mỹ để làm chủ chiến trường trên không, và các dàn tên lửa ATACMS tầm bắn tới 300 km, thừa sức bắn khá sâu vào tận lãnh thổ Nga, tờ Financial Times cho rằng mặc dù hiện nay tình hình chiến tranh trì trệ, nhưng trong tương lai lâu dài, thì phe phương Tây và Ukraine sẽ chiến thắng.

“Đây là chiến tranh về nguồn lực,” tờ báo trích dẫn lời một quan chức cao cấp của phương Tây.

“Quân đội rất hiếm khi mang lại kết quả quyết định, họ giành chiến thắng trong các trận giao tranh,” ông nói, nhưng mà trong tiêu hao chiến thì “chính nền kinh tế sẽ [quyết định] chiến thắng trong các cuộc chiến tranh.”

Nhật Tân

Related posts