‘Cộng đồng toàn cầu có tương lai chung’ theo lối kiểm soát độc tài của Trung Quốc Cộng sản

Stu Cvrk

‘Cộng đồng toàn cầu có tương lai chung’ theo lối kiểm soát độc tài của Trung Quốc Cộng sản
(Từ trái sang) Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva, lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tham dự Hội nghị thượng đỉnh BRICS 2023 tại Trung tâm Hội nghị Sandton ở Johannesburg hôm 24/08/2023. (Ảnh: Phill Magakoe/AFP qua Getty Images)

Việc lãnh đạo cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình đã và đang thực thi những sáng kiến phô trương nhằm đưa Trung Quốc thay thế Hoa Kỳ với tư cách là siêu cường duy nhất trên thế giới không còn là điều gì xa lạ nữa.

Từ khi bắt đầu được thăng chức lên làm tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), ông Tập đã xây dựng các sáng kiến hoang tưởng tự đại hơn bao giờ hết nhằm nâng tầm Trung Quốc vượt trên tất cả các quốc gia khác trên thế giới, bao gồm Sáng kiến Vành đai và Con đường, Sáng kiến An ninh Toàn cầu, Sáng kiến Phát triển Toàn cầu, và Sáng kiến Văn minh Toàn cầu. Các tựa đề này là một phần của cuộc chiến tâm lý đang được tiến hành nhằm theo đuổi trật tự thế giới mới do ĐCSTQ thống trị. Tuy nhiên, các hoạt động cơ sở liên quan đến từng kế hoạch lớn đó đều có thật và hiểm ác.

Liên kết tất cả những điều này lại với nhau là những tuyên bố định kỳ của ông Tập, vốn được truyền thông nhà nước Trung Quốc tung hô. Đơn cử như gần đây ông ta đã nhắc lại tầm nhìn của mình về một “cộng đồng toàn cầu có tương lai chung.” Tất cả điều đó có nghĩa gì? Chúng ta hãy cùng xem xét chủ đề này.

Trung Hoa Nhật báo: Con vẹt nhại lời ông Tập

Khi truyền đạt những ý định giả định của những sáng kiến này vào tháng 10/2022, thông tấn nhà nước Trung Hoa Nhật báo (China Daily) đã lan truyền quan điểm xoa dịu rằng “hợp tác kinh tế, tài chính, phát triển cơ sở hạ tầng và xây dựng năng lực, cùng với hợp tác đầu tư, là những thành phần quan trọng của các nền tảng do Trung Quốc thiết lập như những khuôn khổ cho sự hợp tác với các diễn đàn và chương trình tại khu vực khác nhau chẳng hạn như Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc-Châu Phi, Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc-Ả Rập và Kế hoạch hợp tác Trung Quốc-Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latinh và Caribe.”

Những người cộng sản có vẻ yêu thích từ “hợp tác” này (từ này được sử dụng sáu lần trong đoạn trích dẫn trên!), nhưng thực tế là đối với tất cả những từ ngữ khoa trương được ông Tập và những người viết tốc ký của ông ấy sử dụng trên các kênh truyền thông Trung Quốc, các định nghĩa của Trung Quốc cộng sản rất khác so với sự hiểu biết phổ thông. Định nghĩa tiêu chuẩn này [thông thường có nghĩa] là “cùng nhau làm việc hoặc hành động vì một mục đích hoặc lợi ích chung.” Tuy nhiên, định nghĩa của ĐCSTQ lại có nghĩa là “hợp tác theo các điều kiện của chúng tôi”: chúng tôi sẽ gài bẫy nợ lên quý vị để giành quyền kiểm soát tài nguyên thiên nhiên và cơ sở hạ tầng giao thông của quý vị, an ninh toàn cầu sẽ phải phụ thuộc vào sự lãnh đạo của Trung Quốc, sự phát triển của quốc tế sẽ đi kèm với những sợi dây [ràng buộc] không thể tháo rời của Trung Quốc, và nền văn minh toàn cầu sẽ tuân theo mô hình độc tài do Bắc Kinh lãnh đạo.

Tháng 04/2023, tờ Trung Hoa Nhật báo lặp lại tuyên bố của ông Tập về “cam kết phát triển hòa bình” của Trung Quốc tại những nơi trên thế giới không được nêu tên trong bài viết thông qua một khái niệm mơ hồ về “hành động chung toàn cầu.” Người Duy Ngô Nhĩ và người Tây Tạng qua kinh nghiệm trực tiếp đã thừa biết Trung Quốc cộng sản có ý gì khi nói đến “phát triển hòa bình.” Đối với họ, “phát triển hòa bình” đến từ lưỡi lê [trên súng] của Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) và các trại cải tạo (tập trung) khi ĐCSTQ tiếp tục thực hiện tội ác diệt chủng đối với những nhóm dân tộc thiểu số này cho đến tận ngày nay.

Người Philippines cũng đang từng ngày hiểu ra ông Tập có ý gì khi nói đến “phát triển hòa bình” khi Hải quân PLA tiếp tục mở rộng phạm vi lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông với sự trợ giúp của Lực lượng Hải cảnh Trung Quốc.

Hôm 26/09, như The New York Times đã đưa tin, “Trung Quốc tuyên bố chủ quyền 90% Biển Đông, một phần trong đó cách đất liền hàng ngàn dặm và ở các vùng biển xung quanh Việt Nam, Malaysia, Brunei, Indonesia và Philippines.” Trung Quốc đã bất ngờ đặt một hàng rào nổi gần bãi cạn Scarborough để ngăn cản các tàu đánh cá Philippines tiếp cận khu vực mà họ có quyền đánh bắt cá hợp pháp.

Tờ NY Times cũng đưa tin rằng “Manila đã bị Hải quân PLA ngăn cản không cho khai thác toàn bộ trữ lượng dầu khí trong khu vực mà từng được tòa án quốc tế ở La Haye phán quyết vào năm 2016 là một phần của vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.” Điều này diễn ra sau nhiều năm Trung Quốc xây dựng các cơ sở quân sự trên các đảo bị tranh chấp ở Biển Đông.

Rõ ràng, Trung Quốc cộng sản tin vào câu cách ngôn “công lý thuộc về kẻ mạnh” và theo đuổi các mục tiêu chiến lược của họ trừ khi/cho đến khi một lực lượng đối lập đủ mạnh xuất hiện [để đối đầu với họ]. Philippines đã dỡ bỏ hàng rào biển ở phía đông nam của Bãi cạn Scarborough hôm 25/09.

Tàu đổ bộ Philippines BRP Sierra Madre bị mắc cạn, nơi lực lượng thủy quân lục chiến đóng quân để khẳng định các yêu sách lãnh thổ của Manila tại Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) thuộc Quần đảo Trường Sa, trong vùng Biển Đông đang bị tranh chấp, vào ngày 23/04/2023. (Ảnh: Ted Aljibe/AFP qua Getty Images)
Tàu đổ bộ Philippines BRP Sierra Madre bị mắc cạn, nơi lực lượng thủy quân lục chiến đóng quân để khẳng định các yêu sách lãnh thổ của Manila tại Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) thuộc Quần đảo Trường Sa, trong vùng Biển Đông đang bị tranh chấp, vào ngày 23/04/2023. (Ảnh: Ted Aljibe/AFP qua Getty Images)

Còn vấn đề ‘tương lai chung’ đó thì sao?

Ông Tập đã giới thiệu tầm nhìn về một “cộng đồng toàn cầu có tương lai chung” trong bài diễn văn trước Viện Quan hệ Quốc tế Nhà nước Moscow năm 2013. Kể từ đó, ông đã liên tục đề cập đến tầm nhìn đó, bao gồm việc tăng thêm “ngôn ngữ của ông Tập” tại lễ khai mạc của Đại hội Đảng lần thứ 20 vào mùa thu năm ngoái. Bản thân cụm từ [“cộng đồng toàn cầu có tương lai chung”] này là vô nghĩa bởi vì, với tư cách là cư dân của Trái đất, thì tất cả con người tồn tại trên đó thôi cũng đều có chung một tương lai.

Hôm 26/09, Văn phòng Thông tin Hội đồng Nhà nước Trung Quốc đã ban hành một bạch thư trình bày chi tiết chính quyền cộng sản có ý muốn nói điều gì, tựa đề là “Một Cộng đồng Toàn cầu với Tương lai Chung: Đề xướng và Hành động của Trung Quốc.” Bản phát hành này đi kèm với những bài viết khoa trương thường thấy từ các hãng thông tấn nhà nước, trong đó có tuyên bố tương tự này từ Tân Hoa Xã: “Tầm nhìn này đồng nhất với các xu hướng toàn cầu đang thịnh hành, phù hợp với lời kêu gọi hợp tác quốc tế và góp phần vào một trật tự toàn cầu công bằng và bình đẳng hơn.”

Chiến lược này nhằm mở rộng các sáng kiến khác nhau của ông Tập để tạo ra các khối kinh tế do Trung Quốc lãnh đạo giữa các quốc gia đang phát triển ở phía Nam bán cầu, vốn phù hợp với khái niệm của Bắc Kinh về một cộng đồng toàn cầu có tương lai chung. Bằng cách mở rộng đòn bẩy kinh tế của Bắc Kinh ở phía nam bán cầu và các nơi khác thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường và Phát triển Toàn cầu, Trung Quốc đã tiến xa trong việc gây ảnh hưởng đến các chính sách có lợi cho ĐCSTQ của các quốc gia thành viên trong các tổ chức quốc tế hiện có, như Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Thế giới, cũng như thông qua các tổ chức liên quan đến thương mại do Trung Quốc thống trị chẳng hạn như Tổ chức Hợp tác Thượng Hải và Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á.

Một ví dụ hoàn hảo về bản chất xảo quyệt của việc ĐCSTQ dùng ảnh hưởng để trục lợi trong các tổ chức quốc tế đó là việc thành lập một diễn đàn của Liên Hiệp Quốc vào năm 2020 có tên là “Nhóm Bằng hữu của Sáng kiến Phát triển Toàn cầu.” Theo Financial Times, diễn đàn đó đã có 70 thành viên và đã tổ chức “cuộc họp cấp bộ trưởng” đầu tiên. Một mục tiêu của Trung Quốc rất có thể là nhận được sự tán thành công khai của Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc dành cho nhóm này.

Tầm nhìn “tương lai chung” của Trung Quốc là một kế hoạch với mục đích duy nhất là tự duy trì. Khi giải mã tuyên bố của Tân Hoa Xã đã nêu ở trên, “các xu hướng toàn cầu đang thịnh hành” đó được các sáng kiến khác nhau của Trung Quốc thúc đẩy, mà phần lớn là được mua và thanh toán bằng thặng dư thương mại liên tục của Trung Quốc với các quốc gia khác.

Những “lời kêu gọi hợp tác quốc tế” trong vài tháng gần đây đến từ hai phía khác nhau. Các quan chức Trung Quốc thường xuyên kêu gọi hợp tác quốc tế trong việc giải quyết các vấn đề gây tranh cãi, nhưng họ dường như không bao giờ tuân thủ các quyết định của các cơ quan quốc tế vốn đi ngược lại mục tiêu của họ. Thỏa thuận về Bãi cạn Scarborough là một ví dụ điển hình về việc Bắc Kinh phớt lờ phán quyết của một tòa án quốc tế. Sự đồng tình hưởng ứng kêu gọi hợp tác quốc tế thực sự xuất phát từ các nước láng giềng của Trung Quốc, vốn là những quốc gia đang phải cảnh giác trước sự gây hấn của PLA ở Biển Đông, Eo biển Đài Loan, dọc theo đường kiểm soát biên giới thực tế của Ấn Độ-Trung Quốc, và nhiều nơi khác. Đó mới là “xu hướng toàn cầu đang thịnh hành đòi hỏi sự hợp tác quốc tế,” chứ không phải những gì Tân Hoa Xã tuyên bố.

Cụm từ “một trật tự toàn cầu công bằng và bình đẳng hơn” dường như không áp dụng cho các nhóm dân tộc thiểu số bản địa ở Trung Quốc, chẳng hạn như người Tây Tạng, người Duy Ngô Nhĩ, các học viên Pháp Luân Công, và những nhóm dân tộc bị đàn áp khác có thể làm chứng. Ai có đầu óc tỉnh táo mà lại đi mong chờ một thế giới do ĐCSTQ thống trị, nơi mà “công lý” được thực thi một cách tùy tiện mà không cân nhắc đến sự công bằng, bình đẳng, cũng như đạo đức đúng đắn là những gì?

Kết luận

Như thường lệ, những tuyên bố công khai của Bắc Kinh không thể tin cậy được ở giá trị bề ngoài. Tất cả những điều họ truyền tải nhằm mang lại lợi ích cho người khác thực chất đều là để che đậy nỗ lực của ĐCSTQ nhằm giành quyền kiểm soát và đạt được vị thế bá quyền trên toàn cầu theo điều kiện của Trung Quốc, chứ không phải trong sự hợp tác thân thiện với các quốc gia khác.

Về những tuyên bố phô trương của ông Tập về tầm nhìn (hay cơn ác mộng) của ông ta, chẳng hạn như một “cộng đồng toàn cầu có tương lai chung,” người nghe hãy nên cẩn trọng!

Tuệ Minh biên dịch

Related posts