Lãnh đạo Hà Nội có đủ “trong veo” để ra quyết định

Huy Đức

20-10-2023

Ảnh: Báo Nhân Dân

Hơn ba ngày trước một Facebooker tên tuổi, post lên tường nhà: “Mất nước không chỉ là nguy cơ”. Khi ấy đang “trend thoát Trung”, ít ai nghĩ là Hà Nội lại mất nước thật.

Về mặt lý thuyết, Hà Nội không thiếu nước sạch. “Nhu cầu sử dụng nước sạch lúc cao điểm của Hà Nội vào khoảng 1.250.000 – 1.350.000 m3/Ngày đêm [ngđ]. Trong khi, tổng công suất nguồn cấp nước hiện nay là khoảng 1.530.000 m3/ngđ” [theo báo cáo của UBND TP Hà Nội]. Nhưng tại sao cư dân khu vực được cấp nước bởi công ty Thanh Hà lại đang ở trong tình trạng mất nước.

Thanh Hà lấy nguồn từ Nước sạch Hà Đông và nguồn từ trạm khai thác nước ngầm của chính họ. Hà Đông lấy nguồn từ Sông Đà và các nguồn nước ngầm khác. Tuy nhiên, tất cả các đơn vị cấp nước đều khẳng định đã cấp tối đa. Theo chỉ đạo của Sở Xây Dựng, Nhà máy Nước mặt Sông Đuống đã nâng công suất cấp nước cho Hà Đông lên 26.000 – 27.000 m3/ngđ [so với bình thường là 25.000 m3/ngđ]. Mức cấp nước này là tới hạn vì đường ống không thể chịu áp lực lớn hơn.

Như vậy, bản chất vấn đề ở đây là nước sạch rất thiếu, hệ thống mạng tuyến ống yếu kém, thiếu trạm tăng áp nên cuối nguồn (như khu Thanh Hà) sẽ còn bị mất nước liên tục.

Vì sao giữa lòng Hà Nội là sông Hồng, hai đầu là sông Đà và sông Đuống mà Hà Nội thiếu nước và gần một nửa nước sinh hoạt của Hà Nội không thể coi là sạch vì khai thác từ nguồn nước ngầm và từ công nghệ đã quá cũ.

Từ 2016, Hà Nội phê duyệt Dự án nhà máy nước mặt Sông Hồng, Dự án được cấp phép đầu tiên này cho đến nay vẫn gần như “án binh bất động”. Dự án được phê duyệt sau đó là Nhà máy Nước mặt Sông Đuống thì làm ngay, chỉ sau 18 tháng, khánh thành giai đoạn I, có thể cấp nước mỗi ngày 300.000 m3.

Không có chế tài nào cho nhà đầu tư không triển khai dự án còn nhà đầu tư làm khẩn trương thì bầm dập. Các cam kết về giá nước đều bị phá vỡ, sau 3 năm cấp nước Nhà máy Sông Đuống vẫn không được phê duyệt giá nước chính thức [Theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán năm 2019, Sông Đuống lỗ 193 tỷ đồng và năm 2020 lỗ 265 tỷ đồng, tổng số lỗ lũy kế đến năm 2020 là: 452 tỷ đồng và lỗ lũy kế đến hết năm 2021 khoảng 854 tỷ đồng].

Lẽ ra từ 5-2019, Sông Đuống đã có thể triển khai giai đoạn II và, 18 tháng tiếp đó, triển khai giai đoạn III; và, lẽ ra, từ 5-2022, chỉ riêng Sông Đuống đã có thể cung cấp cho Hà Nội 900.000 m3/ngđ. Nhưng, sau giai đoạn I, Nhà máy Nước mặt Sông Đuống cũng phải nằm chờ thoi thóp.

Lâu rồi mới chạy xe dọc đường Âu Cơ, rất lạ là công trường ở đây lại chỏng chơ bỏ đấy [áp dụng luật pháp “salon” và máy móc]. Hà Nội, Sài Gòn luôn nói đến cái gọi là “chính quyền đô thị”. Nhưng, điều mà đô thị nào trên thế giới cũng làm thì không thấy hai thành phố này bàn. Không có đô thị nào thi công một con đường huyết mạch mà lại ì ạch nay làm, mai bỏ; kéo dài năm này qua năm khác.

Ảnh: Báo Đầu Tư

Tại sao lại không tập trung nguồn lực, chuẩn bị phương án kỹ, tính toán khoa học để đã đào đoạn nào lên là dứt điểm nó trong một thời gian rất ngắn. Tất nhiên, là kinh phí thi công sẽ cao hơn bình thường và người lãnh đạo phải vượt qua vài rào cản về cơ chế.

Trở lại câu chuyện nước. Từ 2013 đến 5-2023, Hà Nội không hề điều chỉnh giá nước. Hãy làm một khảo sát để xem người dân Thủ đô chọn sử dụng nước ngầm hay nước thật sự sạch. Hãy làm một khảo sát để xem, người dân Thủ đô sẵn sàng sáng sáng cả nhà xô chậu lo việc nước hay chi trả hợp lý để có nước uống tại vòi.

Hãy làm một khảo sát để xem người dân Hà Nội muốn công trường mở rộng đường Âu Cơ kết thúc trong 6 tháng hay đi lại trong khổ sở vài năm; hãy làm một bài toán kinh tế để thấy nếu chỉ cần con đường được hoàn thành nhanh thì chi phí xã hội sẽ tiết kiệm được bao nhiêu, lợi ích kinh tế và chính trị của Thành phố sẽ được nâng lên như thế nào.

Và, hãy làm những nghiên cứu để thấy, cứ một năm được dùng nước sạch sớm hơn, người dân Hà Nội sẽ tiết kiệm như thế nào về chi phí cho y tế.

Không có việc gì là dễ dàng, vấn đề là lãnh đạo Hà Nội có đủ bản lĩnh, trí tuệ và khả năng thuyết phục, đặc biệt là có thực sự “trong veo” để đứng trước Hội đồng Nhân dân và “bão mạng” khi đưa ra quyết định.

***

P/SI: Hà Nội hiện có 6 doanh nghiệp lớn sản xuất, cung cấp nguồn nước sạch chính bao gồm: Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội; Công ty Cổ phần (CP) Đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco); Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông; Công ty CP Cấp nước Sơn Tây; Nhà máy nước mặt sông Đuống; Nhà máy nước Hà Nam. Tuy nhiên, người dân Hà Nội ở nhiều nơi, cả nội và ngoại thành, vẫn luôn ở trong tình trạng thiếu nước sạch. Có những khu vực, có tới hàng trăm ngàn hộ dân không được tiếp cận với nước sạch… Đó là chưa kể tới chất lượng nước chưa đảm bảo.

P/SII: Tính đến hết tháng 5-2021, chỉ có hơn 20% người dân huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội được sử dụng nước sạch. Để có nước sinh hoạt hàng ngày, gần 80% dân số các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Sóc Sơn, tương đương 280.301 người phải trông chờ vào nguồn nước giếng khoan, giếng khơi, nước mưa… Hay các huyện Thanh Trì, Phúc Thọ, Quốc Oai, Mỹ Đức, Thường Tín, Ứng Hòa cũng đều có tình trạng thiếu nước sạch trầm trọng.

So với cuối năm 2021, số xã nông thôn được tiếp cận nguồn nước sạch của Hà Nội chỉ tăng thêm 12 xã. Tỷ lệ phủ mạng nước sạch tại khu vực nông thôn thời điểm này mới đạt 264/413 xã được tiếp cận nguồn nước sạch. Nông thôn Hà Nội với đặc thù địa lý các khu dân cư thưa và xa, địa hình phức tạp dẫn tới các khoản đầu tư lớn và thời hạn thu hồi vốn lâu. Nếu không có cơ chế đặc thù cho các nhà đầu tư cung ứng nước sạch khu vực nông thôn thì khả năng chỉ tiêu phủ 100% nước sạch nông thôn vào năm 2025 của Hà Nội khó hoàn thành [Báo cáo của HĐND TP Hà Nội].

Related posts