Tin VN trưa thứ Hai: Cứ mỗi tháng hơn 90 nghìn lao động nộp hồ sơ nhận trợ cấp thất nghiệp

Thiếu điện ở miền Bắc: Đề nghị kỷ luật lãnh đạo Tập đoàn EVN

Ảnh minh họa: cmsc.gov.vn

Sau vụ việc để thiếu điện diện rộng ở miền Bắc gây ảnh hưởng kinh tế và đời sống hàng vạn người dân, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đề xuất kỷ luật các lãnh đạo Tập đoàn Điện lực (EVN). Tuy vậy, dự báo trong 2 năm tới, miền Bắc vẫn có nguy cơ không đủ điện cung ứng.

Theo kết luận thanh tra của Bộ Công thương hồi tháng 7, EVN chậm đầu tư nguồn, lưới điện; điều độ hệ thống mất cân đối dẫn tới thiếu điện mùa khô 2023 và nguy cơ không đủ cung ứng điện sẽ có thể lặp lại trong 2 năm tới.

Do đó, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đề xuất kỷ luật khiển trách với ông Dương Quang Thành, nguyên Chủ tịch HĐTV EVN; ông Trần Đình Nhân, Tổng giám đốc EVN; Phó tổng giám đốc Ngô Sơn Hải và Giám đốc, Phó giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0).

Cùng quá trình kiểm điểm, xử lý kỷ luật, Ủy ban cũng xem xét, điều động nhiệm vụ khác hoặc cho nghỉ công tác với Tổng giám đốc EVN Trần Đình Nhân theo nguyên vọng.

Từ cuối tháng 5 đến giữa tháng 6, miền Bắc thường xuyên bị mất điện. Nguyên nhân là lượng điện tiêu thụ tăng mạnh trong khi thủy điện, một trong hai nguồn cung chính bị sụt giảm do lượng nước về từ thượng nguồn rất ít.

World Bank ước tính, phí tổn kinh tế của các đợt mất điện tháng 5, 6 vừa qua khoảng 1,4 tỷ USD, tương đương 0,3% GDP.

Mặt khác, dựa vào ước tính việc thiếu hụt nguồn cung đến tháng 6, World Bank đánh giá, nhu cầu năng lượng không được đáp ứng cũng sẽ dẫn đến tổn thất về doanh thu cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam khoảng 75 triệu USD.

Năm 2024 – 2025, nhu cầu điện tiếp tục tăng, đặt ra yêu cầu phải bổ sung nguồn điện. Theo tính toán, nguồn điện cần bổ sung là từ 4.000 – 5.000 MW, song công suất bổ sung lại thấp hơn so với nhu cầu, dẫn đến thiếu điện.

Chuyên gia đến từ Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) tính toán, nguồn điện than có thể vận hành từ nay đến 2030 khoảng 3.100 MW, trong khi nhu cầu tiêu dùng điện tại phía Bắc là gần 11.000 MW, tức nguồn chỉ đáp ứng khoảng 1/3 nhu cầu.

Vị này cho biết nguồn điện cho miền Bắc trong hai năm tới có nguy cơ thiếu điện hiện hữu khi các dự án có trong quy hoạch bị chậm tiến độ, khó có khả năng vận hành vào 2024-2025.

Tại Quy hoạch điện VIII vừa được phê duyệt, 3 dự án điện khí LNG nhập khẩu tại miền Bắc, tổng công suất 4.500 MW sẽ được phát triển để đảm bảo cân đối nguồn theo vùng, miền.

Trong tổng 22.400 MW điện LNG (gồm 17.900 MW của 11 dự án đã phê duyệt trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh), mới có 2 dự án đang làm là Hiệp Phước 1 (1.200 MW) và Nhơn Trạch 3 và 4 (1.500 MW).

Đức Minh

Sau vụ nhà xe Thành Bưởi, Sở GTVT TP.HCM bị tổng kiểm tra

Hiện trường vụ tai nạn. (Ảnh: vtc.vn)

Sau vụ tai nạn nghiêm trọng giữa xe khách Thành Bưởi với xe 16 chỗ khiến 5 người tử vong, 4 người bị thương, Cục Đường bộ Việt Nam quyết định kiểm tra việc quản lý hoạt động vận tải bằng ô tô của Sở GTVT TP.HCM.

Truyền thông trong nước ngày 22/10 dẫn thông tin từ Cục Đường bộ Việt Nam cho biết cơ quan này có quyết định thành lập đoàn kiểm tra việc quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô của Sở GTVT TP.HCM từ đầu năm đến nay. Thời gian kiểm tra trong vòng 3 đến 5 ngày.

​​Theo Cục Đường bộ, việc kiểm tra này là thực hiện các công văn của Bộ GTVT triển khai công điện ngày 30/9 của Thủ tướng về khắc phục hậu quả vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng tại tỉnh Đồng Nai.

Đây là vụ tai nạn giữa xe khách Thành Bưởi và xe 16 chỗ làm 5 người chết, 4 người bị thương. Sau vụ tai nạn, hàng loạt hoạt động kiểm tra nhà xe Thành Bưởi đã được thực hiện, từ đó làm lộ ra nhiều vấn đề, sai phạm của nhà xe này trong quá trình kinh doanh vận tải hành khách.

Đoàn kiểm tra được cục trưởng Cục Đường bộ quyết định thành lập gồm 5 cán bộ, chuyên viên các phòng chuyên môn của Cục Đường bộ, do ông Đặng Văn Ngạn – Phó trưởng phòng pháp chế – thanh tra, Cục Đường bộ Việt Nam làm trưởng đoàn.

Nội dung kiểm tra của đoàn gồm: Việc xử lý “xe dù, bến cóc”, “xe trá hình tuyến cố định”; việc cấp phép kinh doanh vận tải bằng ô tô; danh mục mạng lưới vận tải hành khách bằng xe buýt, danh mục mạng lưới tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh, nội tỉnh.

Cục đường bộ cũng sẽ kiểm tra vị trí các điểm dừng đón, trả khách cho vận tải hành khách trên tuyến cố định trên mạng lưới đường bộ thuộc địa phương; việc quản lý hoạt động của xe ô tô vận tải trung chuyển hành khách…

Đặc biệt, đoàn sẽ kiểm tra việc địa phương quản lý, theo dõi, sử dụng và xử lý vi phạm thông qua dữ liệu truyền về từ thiết bị giám sát hành trình và dữ liệu hình ảnh từ camera lắp trên xe ô tô.

Khánh Vy

Cứ mỗi tháng hơn 90 nghìn lao động nộp hồ sơ nhận trợ cấp thất nghiệp

Kể từ đầu năm tới cuối tháng 8/2023, Công ty PouYuen Việt Nam đã cắt giảm hơn 9.000 người. Ảnh: Công nhân Công ty Pouyuen Việt Nam giờ tan làm, tháng 4/2020. (Ảnh: Huy Thoai/Shuterstock)

Trong 9 tháng năm 2023, số lao động nộp hồ sơ để nhận trợ cấp thất nghiệp và số hồ sơ được chấp nhận đều tăng cao, lần lượt hơn 10% và 7,2% so với cùng kỳ năm 2022, theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH).

Theo Bộ LĐ-TB&XH, mặc dù thị trường lao động tiếp tục được phục hồi, lực lượng lao động có việc làm quý 3/2023 tiếp tục tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước, song tình trạng lao động buộc nghỉ giãn việc, thôi việc, mất việc ở các doanh nghiệp vẫn diễn ra.

Thống kê của Bộ cũng cho thấy trong 9 tháng năm 2023, cả nước có hơn 812.000 lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng hơn 10% so với cùng kỳ, số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp trên 772.000 người, tăng 7,3% so với cùng kỳ.

Lý giải về tình trạng trên, ông Nguyễn Hoàng Vĩnh Thanh, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng sản xuất kinh doanh 9 tháng qua vẫn còn ảnh hưởng hậu COVID-19 (viêm phổi Vũ Hán), nhiều doanh nghiệp giải thể, thiếu đơn hàng, tạm dừng hoạt động, thậm chí giải thể.

Khu vực chịu ảnh hưởng mạnh là khối doanh nghiệp thâm dụng lao động trong các khu vực dệt may, da giày, đồ gỗ…, đã khiến số lao động bị giảm việc làm, mất việc gia tăng. Mất việc, không có thu nhập kéo theo số lao động đến nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng.

Một lý do khác ông Thanh đưa ra là số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp tăng do chính sách mở rộng đối tượng kéo theo số người nhận khoản bảo hiểm này cũng tăng lên. Tính đến hết tháng 9, cả nước có khoảng 14,3 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Ước tính cả năm 2023, tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp khoảng 31,5-32%.

Ngoài ra, theo ông Thanh giải thích, có nhiều lao động bị mất việc từ trước Tết, sau Tết vẫn là thời điểm trong thời hạn 3 tháng để giải quyết nhận trợ cấp thất nghiệp, nên kéo theo số người hưởng khoản trợ cấp này tăng.

Tuy nhiên, số liệu của Bộ LĐ-TB&XH thể hiện số người lao động nộp hồ sơ nhận trợ cấp thất nghiệp và số lao động được nhận trợ cấp tập trung lớn trong quý 2. Tương quan trên trùng với thời điểm số lao động bị mất việc nhiều nhất trong 3 quý (quý 1/2023 có 149.000 lao động mất việc, quý 2/2023 là 217.800 người, quý 3/2023 là 118.400 người).
so lao dong nhan tro cap that nghiep 2023
Tương quan giữa số lao động nộp hồ sơ và số lao động nhận được trợ cấp thất nghiệp trong 3 quý đầu năm 2023. (Số liệu: Bộ LĐ-TB&XH; Biểu đồ: Nguyễn Quân)

(*) Số liệu quý 1 và 2 là con số chính xác, căn cứ theo Bản tin quý của Bộ LĐ-TB&XH; số liệu của quý 3/2023 là tương đối, do lấy tổng của 3 quý (tương đối) trừ đi con số chính xác.

Số lao động nhận bảo hiểm thất nghiệp trong quý 2/2023 – quý có số lao động nộp hồ sơ và nhận trợ cấp thất nghiệp lớn nhất kể từ đầu năm – phần lớn không có bằng cấp, chứng chỉ. Số lao động này chiếm 68,9% (cao hơn 1,9 điểm phần trăm so với tỷ lệ của quý 1 là 67%).

Đáng lưu ý, đứng thứ hai là nhóm người hưởng có trình độ đại học trở lên (13,1%), sau đó lần lượt là nhóm sơ cấp (6,8%); cao đẳng (5,8%) và trung cấp (5,4%).

Cũng trong quý này, công nghiệp chế biến chế tạo là nhóm ngành có lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp lớn nhất, chiếm 45,9%. Cao thứ hai là nhóm hoạt động dịch vụ khác (30,9%). Tiếp đến là nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (4,4%); xây dựng (2,7%); nhóm ngành bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác (2,6%).

Trong khi đó, 5 nhóm nghề có người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp lớn nhất gồm: Thợ may, thêu và các thợ có liên quan (28,2%); thợ lắp ráp (7,8%); nhân viên bán hàng (2,7%); kỹ thuật viên điện tử (2,5%); kế toán (2,4%).

Nguyễn Quân

Quản lý bởi người Thái trong 5 năm, Công ty Nhựa Bình Minh lãi kỷ lục

Nhà máy Nhựa Bình Minh ở Khu công ng​hiệp Sóng Thần, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương. (Ảnh: binhduong.gov.vn)

Nhựa Bình Minh – Công ty nhựa lớn nhất miền Nam lãi hơn 780 tỷ đồng trong 9 tháng 2023, vượt kế hoạch đề ra. Đáng chú ý, mức lãi trong 3 quý này còn cao hơn tất cả mức lợi nhuận hằng năm trong quá khứ.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 3, Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh (BMP) có doanh thu hơn 926 tỷ đồng, giảm 38% so với cùng kỳ.

Tuy vậy, vì công ty cắt giảm giá vốn đến hơn một nửa đã giúp biên lợi nhuận gộp được nâng lên 43% – cao nhất từ khi Nhựa Bình Minh thành công ty con của Nawaplastic Industries, thành viên của Tập đoàn SCG (Thái Lan), vào đầu năm 2018.

Kỳ này, các chi phí thường xuyên đều được tiết giảm mạnh. Nhờ đó, lợi nhuận sau thuế tăng 19% so với quý 3/2022, đạt gần 209 tỷ đồng. Với con số này, Nhựa Bình Minh cũng lập kỷ lục về biên lãi ròng khi đạt 22,5%.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, BMP có hơn 3.700 tỷ đồng doanh thu và hơn 784 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Doanh thu giảm gần 16% nhưng lợi nhuận tăng tới 75%.

Công ty vượt kế hoạch lãi cả năm 20% dù chỉ hoàn thành 58% chỉ tiêu doanh thu.

Con số 784 tỷ đồng lợi nhuận trong 9 tháng cũng giúp BMP lập kỷ lục mới, cao hơn tất cả mức lợi nhuận hàng năm trong quá khứ của doanh nghiệp này. Nhiều khả năng khi kết thúc năm nay, công ty sẽ nối dài mạch tăng trưởng dương liên tiếp từ sau COVID-19 (Viêm phổi Vũ Hán).

Tính đến cuối tháng 9, Nhựa Bình Minh có quy mô tổng tài sản đạt gần 3.500 tỷ đồng. Phần lớn tài sản nằm ở dạng tiền nhàn rỗi với gần 2.000 tỷ đồng (bao gồm 675 tỷ đồng tiền và tương đương tiền, cùng với 1.360 tỷ đồng là các khoản tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn).

Theo kế hoạch năm nay, Nhựa Bình Minh đặt mục tiêu doanh thu 6.357 tỷ và lợi nhuận sau thuế 651 tỷ đồng.

Kinh doanh thuận lợi tạo điều kiện cho BMP chia cổ tức. Công ty dự kiến năm nay dành ít nhất 50% lợi nhuận sau thuế để chia cổ tức.

Năm ngoái, Nhựa Binh Minh dành đến 99% lợi nhuận (khoảng 690 tỷ đồng) để chia cổ tức bằng tiền mặt. Theo đó, mỗi cổ đông sở hữu một cổ phiếu nhận được 8.400 đồng.

Gần đây doanh nghiệp này bị xử phạt gần 9 tỷ đồng về thuế. Tổng cục Thuế kết luận Nhựa Bình Minh khai thuế sai trong ba năm 2020-2022 nên phải truy thu kèm phạt tiền chậm nộp.

Bình luận trên tờ Vnexpress, một độc giả nhận định: “Điều này chứng tỏ là: ở mức độ những doanh nghiệp lớn thì người Thái họ giỏi điều hành quản lý và kinh doanh hơn chúng ta, bằng chứng là mấy anh thương nhân Thái rất thích mua lại những doanh nghiệp dạng này tại VN, điển hình như Bia Sài Gòn, nhựa Bình Minh, Metro Cash & Carry (giờ là Mega Market)…

Vấn đề cốt lõi mang lại sự thành công của họ không hẳn ở chổ tài chính dồi dào mà ở chỗ phong thái lãnh đạo, triết lý kinh doanh rất khác khi họ nắm quyền điều hành mới, một trong số đó là bớt đi những thủ tục giấy tờ rườm rà mỗi khi trình duyệt bất cứ một kế hoạch mua sắm hay nâng cấp cơ sở vật chất hoặc mở rộng kinh doanh nào đó.”

Ảnh chụp màn hình: Vnexpress.net

Còn bạn ngocnhien1006 nói: “Người Việt tạo thương hiệu cho người Thái hưởng lợi. Trước đó là Sabeco giờ là Bình Minh. Người Việt thua ngay trên sân nhà.”

Ảnh chụp màn hình: Vnexpress.net

Tuấn Minh

Related posts