PwC hiện là một trong ba công ty kế toán Big Four hoạt động tại Trung Quốc vướng vào các vụ bê bối tài chính.
Công ty kiểm toán của Evergrande, PricewaterhouseCoopers (PwC), đang bị rà soát sau khi bị cáo buộc thổi phồng thu nhập của gã khổng lồ bất động sản đang gặp khó khăn lên tới 560 tỷ CNY (nhân dân tệ) (77 tỷ USD).
Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) công bố vào ngày 19/3 rằng Evergrande đã phóng đại thu nhập của mình lên 214 tỷ CNY (30 tỷ USD) vào năm 2019 và 350 tỷ CNY (48,6 tỷ USD) vào năm 2020, sau đó huy động vốn trên thị trường tài chính dựa trên dữ liệu giả mạo.
CSRC tuyên bố rằng Evergrande cũng đã phóng đại lợi nhuận của mình lên tổng cộng 91,9 tỷ CNY (12 tỷ USD), tương đương hơn 3/4 thu nhập được báo cáo từ năm 2019 đến năm 2020. Con số này gấp khoảng 20 lần lợi nhuận tăng cao từ vụ bê bối Enron vào năm 2001, cuối cùng dẫn đến việc thu hồi giấy phép của công ty kiểm toán Arthur Andersen.
PwC, công ty kiểm toán Evergrande, hiện đã trở thành tâm điểm.
Joshua Ronen, giáo sư kế toán tại Trường Kinh doanh Stern của Đại học New York, tin rằng thật kỳ lạ khi PwC không đưa ra đánh giá về việc nghi ngờ khả năng tồn tại của Evergrande trước khoản nợ khổng lồ của Evergrande.
Vào tháng 10/2021, Hội đồng Báo cáo Tài chính và Kế toán ở Hong Kong đã tiến hành cuộc điều tra về báo cáo tài chính năm 2020 và báo cáo tài chính trong năm vào năm 2021 của Tập đoàn Evergrande cũng như cuộc kiểm toán của PwC cho năm 2020.
Hội đồng nêu trong bản tin của mình rằng PwC đã đưa ra ý kiến rõ ràng trong báo cáo kiểm toán năm 2020 mà không đề cập đến bất kỳ sự không chắc chắn đáng kể nào trong hoạt động của Evergrande. Dựa trên điều này, hội đồng đặt câu hỏi liệu các tài khoản của Evergrande có tuân thủ các chuẩn mực báo cáo tài chính hiện hành hay không và liệu PwC có tuân thủ các chuẩn mực kiểm toán hay không.
Vào ngày 22/3, chính quyền Trung Quốc cáo buộc Tập đoàn Evergrande lừa đảo 78 tỷ USD và đang xem xét vai trò của PwC trong vụ này.
Những bê bối của Big Four
PwC là một trong 4 công ty kế toán Big Four trên thế giới cùng với Deloitte, KPMG và Ernst and Young (EY). Deloitte có trụ sở chính tại New York, PwC và EY ở London và KPMG ở Amsterdam.
Các công ty Big Four đóng vai trò là kiểm toán viên cho nhiều công ty nổi tiếng quốc tế. Khoảng 99% dịch vụ kiểm toán của 100 công ty trên Sàn giao dịch chứng khoán Financial Times (FTSE) và 96% dịch vụ kiểm toán của các công ty FTSE 250 được cung cấp bởi Big Four.
Big Four cũng thống trị ngành kiểm toán ở Trung Quốc. Ví dụ, đối với các cuộc kiểm toán các doanh nghiệp trung ương của Đảng Cộng sản Trung Quốc, PwC chiếm 7, Ernst & Young lần lượt chiếm 11, KPMG và Deloitte lần lượt chiếm 3. Theo dữ liệu từ Bộ Tài chính Trung Quốc, Big Four ghi nhận doanh thu 20,6 tỷ CNY (2,8 tỷ USD) tại Trung Quốc vào năm 2021.
Là các tổ chức kiểm toán cho các công ty lớn nhất thế giới, Big Four có nhiệm vụ đảm bảo tính xác thực của dữ liệu tài chính doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, các công ty được kiểm toán bởi các chi nhánh Trung Quốc của Big Four đã vướng vào các vụ bê bối gian lận.
Vào tháng 9 năm 2022, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC) đã cáo buộc chi nhánh Deloitte tại Trung Quốc đã không tuân thủ các yêu cầu kiểm toán cơ bản trong cuộc kiểm toán đối với các tổ chức phát hành của Hoa Kỳ và các công ty con của họ. Trong nhiều quy trình kiểm toán, nhân viên của Deloitte tại Trung Quốc đã yêu cầu khách hàng chọn mẫu để kiểm tra và tự chuẩn bị tài liệu kiểm toán, tạo ấn tượng rằng Deloitte Trung Quốc đã tiến hành hoạt động kiểm tra cần thiết đối với báo cáo tài chính và kiểm soát nội bộ của khách hàng.
Chủ tịch SEC Gary Gensler cho biết: “Chúng tôi nhận thấy rằng Deloitte-China đã thiếu các yêu cầu kiểm toán chuyên nghiệp một cách tồi tệ trong nhiều cuộc kiểm toán thành phần của các cơ sở hoạt động tại Trung Quốc của các tổ chức phát hành Hoa Kỳ và kiểm toán các công ty Trung Quốc niêm yết trên các sàn giao dịch Hoa Kỳ”.
Vào tháng 2/2021, nhiều cơ quan truyền thông Trung Quốc, bao gồm cả Caijing, đã đưa tin rằng một nhân viên của Deloitte đã tố giác trên mạng về những sai phạm trong kiểm toán của Deloitte. Văn bản tố cáo nêu rõ trong quá trình kiểm toán Công ty Giáo dục Red Yellow Blue (RYB) từ ngày 19/6 đến ngày 23/6/2017, bà Zhang Zhaomo, thành viên đoàn kiểm toán, đã không phân bổ và rà soát việc kiểm tra đột xuất các chứng từ. Sau đó, người tố cáo nhận thấy nhiều ngày tháng và số tiền trong các dự thảo trước đó không phù hợp với chứng từ thực tế.
Khi được hỏi về điều này, bà Zhang trả lời: “Không cần phải cẩn thận như vậy. Chỉ cần điền ngẫu nhiên là được.”
Khi được hỏi lại phải làm gì nếu số tiền không khớp, bà Zhang trả lời chỉ đơn giản đánh dấu “Y” (có nghĩa là số tiền trùng khớp) và nói rằng nhiều ngày và số tiền trong giấy tờ làm việc trước đây của bà được điền ngẫu nhiên và bịa đặt.
Với việc Deloitte kiểm toán cho RYB, công ty đã có thể niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán New York vào tháng 9/2017.
Tuy nhiên, việc niêm yết của RYB sớm mang lại tổn thất đáng kể cho các nhà đầu tư Mỹ. Vào tháng 11/2017, công ty luật nổi tiếng Phố Wall Pomerantz LLP đã kiện RYB tại một tòa án ở New York, cáo buộc rằng công ty này đã đưa ra những tuyên bố sai trái và gây hiểu lầm đáng kể về hoạt động kinh doanh, hoạt động và các chính sách tuân thủ của mình.
Chi nhánh KPMG bị buộc tội vi phạm tiêu chuẩn kiểm toán
KPMG là một công ty Big Four khác vướng vào vụ bê bối gian lận ở Trung Quốc.
Vào tháng 3, Ủy ban Giám sát Kế toán Công ty Đại chúng (PCAOB) đã phạt chung ba đối tác của KPMG Trung Quốc 150.000 USD vì vi phạm các tiêu chuẩn liên quan trong công việc kiểm toán của họ đối với nhà cung cấp dịch vụ giáo dục Tarena International.
Một cuộc điều tra kiểm toán độc lập về Tarena đã phát hiện ra vấn đề trong báo cáo tài chính năm 2017 của công ty, bao gồm việc cố tình tăng doanh thu và tính phí các khoản phải thu không đúng cách.
PCAOB tuyên bố rằng đối tác tham gia kiểm toán Choi Chung Chuen và đối tác thứ hai Ma Hong Chao đã không thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán phù hợp để chứng minh doanh thu được báo cáo trong báo cáo tài chính năm 2017 của Tarena. Cả hai đều dựa vào các biện pháp kiểm soát liên quan đến CNTT của Tarena một cách không thích hợp, vốn có nhiều thiếu sót chưa được khắc phục.
Về những sai sót liên tiếp của các chi nhánh tại Trung Quốc của Big Four, ông Ronen tin rằng trụ sở chính của PwC tại Hoa Kỳ nên thực hiện giám sát chặt chẽ hơn đối với các chi nhánh tại Trung Quốc của mình.
Ông nói: “PwC ở Hoa Kỳ cần có một hệ thống chỉ huy và kiểm soát để có thể cảnh giác và có đủ khả năng kiểm soát chất lượng đối với hoạt động của các chi nhánh ở Trung Quốc và Hong Kong”. “Rõ ràng là đã có một sự sai lầm lớn ở đây từ phía trụ sở chính của PwC tại Hoa Kỳ.”
Big Four cúi mình trước Bắc Kinh
Điều gây tổn hại lớn đến danh tiếng của Big Four là việc các chi nhánh tại Trung Quốc của họ phải cúi mình trước Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và trong đó, từ chối nộp giấy tờ về công việc kiểm toán cho SEC.
Theo Đạo luật Sarbanes-Oxley được Quốc hội Hoa Kỳ thông qua năm 2002, bất kỳ công ty nào phát hành chứng khoán đại chúng ở Hoa Kỳ đều phải chịu sự kiểm tra của PCAOB.
Tuy nhiên, ĐCSTQ phớt lờ yêu cầu này và cản trở việc PCAOB thanh tra các công ty Trung Quốc, trong khi các chi nhánh tại Trung Quốc của Big Four từ chối nộp giấy tờ kiểm toán của các công ty Trung Quốc cho SEC với lý do lo ngại vi phạm luật pháp Trung Quốc.
Ông Ronen tin rằng việc ĐCSTQ cấm Big Four nộp giấy tờ công tác kiểm toán cho PCAOB có thể tạo điều kiện cho hành vi gian lận của các công ty Trung Quốc và nạn tham nhũng của Big Four.
“Nếu PCAOB, cơ quan giám sát các kiểm toán viên ở Hoa Kỳ, xem xét các giấy tờ kiểm toán, thì tổ chức này có thể đã phát hiện hoặc không phát hiện ra những điểm yếu mà cơ quan này đã trình bày. Vì vậy, tôi nghĩ việc SEC Hoa Kỳ không thể xem xét các giấy tờ kiểm toán của kiểm toán viên Trung Quốc không phải là một điều tốt,” ông nói. “Nếu PCAOB có thể xem xét giấy tờ kiểm toán của kiểm toán viên Trung Quốc, tôi nghĩ chất lượng kiểm toán Trung Quốc sẽ được cải thiện.”
Vào tháng 2 năm 2015, SEC đã xử phạt các chi nhánh tại Trung Quốc của Big Four vì từ chối nộp “các tài liệu liên quan đến việc điều tra các hành vi gian lận tiềm ẩn”.
Vào năm 2020, Hoa Kỳ đã mạnh mẽ ban hành “Đạo luật chịu trách nhiệm về các công ty nước ngoài”, quy định rằng nếu một công ty nằm trong danh sách hủy niêm yết đã được xác định trong ba năm liên tiếp, thì công ty đó sẽ chính thức bước vào quá trình hủy niêm yết sau năm thứ ba. Sau đó, SEC đã công bố làn sóng hủy niêm yết trước và xác nhận danh sách hủy niêm yết các cổ phiếu Trung Quốc, bao gồm Bilibili, ZTO Express, JD.com, Pinduoduo, Tencent Music và Ctrip.
Dưới áp lực mạnh mẽ từ Hoa Kỳ, ĐCSTQ và các chi nhánh tại Trung Quốc của Big Four cuối cùng đã khuất phục. Vào ngày 15/12/2022, PCAOB thông báo rằng lần đầu tiên chính quyền ĐCSTQ đã cho phép các công ty kế toán tiến hành thanh tra và điều tra toàn diện đáp ứng các tiêu chuẩn của Hoa Kỳ theo yêu cầu của Đạo luật Sarbanes-Oxley.
Theo The Epoch Times
Bảo Nguyên biên dịch