Bin Zhao, Olivia Li
Những thay đổi về luật bảo hiểm, và nguy cơ loại bỏ cam kết “bảo đảm hoàn trả đầy đủ tiền vốn” đối với các sản phẩm quản lý tài sản dựa trên bảo hiểm gần đây đã làm dấy lên một cuộc tranh luận sôi nổi ở Trung Quốc.
Các chuyên gia tài chính đang khuyên các nhà đầu tư Trung Quốc hãy đối diện với một sự thật tàn khốc: việc chấm dứt cái gọi là “bảo đảm hoàn trả đầy đủ tiền vốn” là khó tránh khỏi trong bối cảnh kinh tế suy thoái.
Tranh luận đã nổ ra do một bài báo đăng trên trang nhất của Tuần San Tài Tân (Caixin Weekly) vào ngày 19/03, có nhan đề “Giải quyết vấn đề của các công ty bảo hiểm gặp khó khăn.” Bài báo này đã liệt kê các sự kiện rủi ro trong ngành bảo hiểm trong những năm gần đây và tiết lộ rằng ngành bảo hiểm đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt hàng trăm tỷ nhân dân tệ. (1 USD tương đương với khoảng 7.22 nhân dân tệ).
Bài báo cho biết, trong những năm gần đây, ngành bảo hiểm Trung Quốc đã trải qua nhiều sự kiện rủi ro, trong đó có việc Tập đoàn An Bang (Anbang Group) và Tập đoàn Minh Thiên (Tomorrow Holding) bị xử phạt, cũng như nhiều công ty bảo hiểm đang chờ tiếp quản. Ad
Bài báo tiếp tục nói rằng ngành bảo hiểm Trung Quốc hiện không phải đang đối diện với những rủi ro tiềm ẩn mà đang trải qua “những rủi ro đã phát sinh trong hiện thực,” với một ước tính thận trọng cho thấy sự tồn tại của tài sản có rủi ro cao đã “lên tới 600 tỷ nhân dân tệ (khoảng 8.3 tỷ USD).”
Một số người thậm chí còn ước tính con số này đã lên tới hàng ngàn tỷ nhân dân tệ hoặc cao hơn (1 ngàn tỷ nhân dân tệ tương đương với khoảng 138.4 tỷ USD). Theo bài báo, ngành bảo hiểm Trung Quốc đang thiếu hụt hàng trăm tỷ nhân dân tệ, và trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc chậm lại và lợi nhuận đầu tư giảm đi, thì lượng tài sản rủi ro dự kiến cũng sẽ tăng lên.
Tập san tài chính này cũng tiết lộ rằng dự thảo Luật Bảo hiểm sửa đổi đang đề xướng một điều khoản mới nêu rõ rằng, “Nếu tài sản của công ty bảo hiểm bị tiếp quản không đủ để thanh toán hết các khoản nợ, hoặc nếu doanh nghiệp bảo hiểm được chuyển nhượng theo quy định của pháp luật, thì có thể thực hiện những thay đổi hợp lý đối với hợp đồng bảo hiểm nếu có sự chấp thuận từ Quốc vụ viện.”
Luật bảo hiểm hiện hành bảo vệ “bảo đảm hoàn trả đầy đủ tiền vốn” đối với các sản phẩm quản lý tài sản dựa trên bảo hiểm. Điều 92 quy định nếu hợp đồng bảo hiểm được ký kết giữa công ty bảo hiểm và khách hàng được chuyển nhượng cho tổ chức khác do công ty bị phá sản hoặc vì bất cứ lý do nào khác, thì số tiền gốc và tiền lợi nhuận của hợp đồng bảo hiểm đã ký kết phải được bảo đảm hoàn trả và Cơ quan Giám sát và Quản lý bảo hiểm của Quốc vụ viện thậm chí đã xác nhận điều này.
Vốn đầu tư không còn được bảo đảm nữa
Tin tức này ngay lập tức gây ra vô số cuộc thảo luận và bình luận trên Internet.
Cây viết tài chính nổi tiếng Trung Quốc Ngô Hiểu Ba (Wu Xiaobo) đã đăng một bài viết trên mạng xã hội, nói rằng mọi người phải chuẩn bị đối mặt với thực tế tàn khốc: chấm dứt bảo đảm hoàn trả vốn đầu tư là một xu hướng tất yếu.
Ông viết, “Vốn đầu tư vào thị trường chứng khoán đang bị sa lầy, giá nhà đất lại giảm, còn các sản phẩm quản lý tài sản dựa trên bảo hiểm thì không còn được bảo đảm hoàn lại tiền gốc. [Trong điều kiện kinh tế như vậy,] thì việc bảo toàn tài sản đã trở thành một vấn đề thực sự đối với giai tầng trung lưu mới của Trung Quốc. Trong tương lai, mọi người cần chú ý hơn đến ‘thương hiệu’ của công ty bảo hiểm mà mình lựa chọn và chỉ nên chọn những công ty có khả năng kiểm soát rủi ro.”
Với giọng bi quan, ông nói thêm: “Hãy chuẩn bị tinh thần cho lợi nhuận thấp trong dài hạn, vì ‘đầu tư bảo đảm hoàn lại vốn’ có thể là một mệnh đề sai lầm trong tương lai.”
Bài báo của Tài Tân giải thích rằng hành động “phá bỏ lời hứa chắc chắn” của ngành bảo hiểm xuất phát từ thực tiễn trong thời kỳ bong bóng kinh tế Nhật Bản vỡ vào những năm 1990. Khi đó, trước làn sóng phá sản trong ngành bảo hiểm, Nhật Bản đã cho phép các công ty bảo hiểm sắp phá sản hạ mức lãi suất định trước đối với các hợp đồng bảo hiểm hiện có bằng cách sửa đổi hợp đồng.
Vào ngày 25/04/1997, Nissan Life, một trong những đại tập đoàn bảo hiểm của Nhật Bản, đã tuyên bố phá sản. Trong bốn năm tiếp theo, bảy công ty bảo hiểm nhân thọ, bao gồm Toho Life, Daihyaku Life, Taisho Life, Chiyoda Life, Kyoei Life, Tokyo Life, và Yamato Life cũng đã lần lượt phá sản.
Trong bài viết của mình, ông Ngô cho biết Nhật Bản lúc đó đã áp dụng ba chiến lược chính: Thứ nhất, các công ty bảo hiểm mua lại các công ty phá sản đã điều chỉnh kết cấu sản phẩm của các công ty được mua lại để giảm thiểu rủi ro hoạt động; thứ hai, họ đã phát hành thêm trái phiếu để tài trợ và tìm kiếm lợi nhuận cao hơn thông qua đầu tư ra ngoại quốc; thứ ba, họ đã sửa đổi Luật Kinh doanh Bảo hiểm để cho phép các công ty bảo hiểm sắp phá sản được hạ lãi suất đã định trước đối với các hợp đồng bảo hiểm hiện hành.
Ông cũng đã nhấn mạnh rằng bất chấp sự sụp đổ của 7 công ty bảo hiểm ở Nhật Bản, “việc trả nợ gốc cho tất cả các hợp đồng bảo hiểm đều không chịu ảnh hưởng, và thậm chí còn tạo ra được một ít lợi nhuận.” Do đó, so với thị trường chứng khoán và thị trường địa ốc bị sụp đổ, thì “khả năng phục hồi của ngành bảo hiểm Nhật Bản trước rủi ro trong cuộc khủng hoảng tài chính đã hiển lộ rõ,” ông viết.
Chuyên gia: Các công ty bảo hiểm Trung Quốc đang trên đà phá sản
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với The Epoch Times, ông Mike Sun, một chuyên gia về Trung Quốc và là một nhà tư vấn đầu tư Bắc Mỹ, cho biết cuộc khủng hoảng mà các công ty bảo hiểm ở Trung Quốc đang đối diện cũng tương tự như trải nghiệm của Nhật Bản vào những năm 1990.
“Cả hai trường hợp trên đều là kết quả tất yếu của việc bong bóng kinh tế đổ vỡ, có tác động tiêu cực đến hệ thống ngân hàng, bảo hiểm, và các hệ thống tài chính khác,” ông nói. “Thông thường, các công ty bảo hiểm đầu tư số tiền họ nhận được từ khách hàng vào trái phiếu, tiền gửi ngân hàng, cổ phiếu, quỹ, trái phiếu không có bảo đảm, địa ốc, v.v., theo một tỷ lệ phân bổ nhất định. Nhưng khoản đầu tư của họ vào trái phiếu chính phủ và ngân hàng đã chứng kiến lãi suất giảm, trong khi lợi nhuận mà họ đã hứa với khách hàng lại ở mức lãi suất cao. Sự khác biệt này dẫn đến các giá trị âm, dẫn đến ‘tổn thất do chênh lệch lãi suất.’”
Ông Sun cũng giải thích chi tiết hơn về trường hợp phá sản của Nissan Life.
Từ năm 1985 đến năm 1990, Nissan Life đã cung cấp bảo hiểm nhân thọ kỳ hạn 10 năm cho khách hàng ở mức lãi suất định trước là 6%. Tuy nhiên, sau khi bong bóng kinh tế vỡ năm 1992, thị trường chứng khoán Nhật Bản đã giảm từ gần 40,000 điểm xuống dưới 8,000 điểm, đồng thời, ngân hàng trung ương Nhật Bản (Bank of Japan) cũng cắt giảm lãi suất đến mức tối đa và lãi suất đối với tiền gửi có kỳ hạn 1 năm đã giảm xuống còn 0.25% vào năm 2001.
Ông Sun nói, “Các công ty bảo hiểm đã phải trả lãi suất cao cho khách hàng trong khi lợi nhuận đầu tư liên tục giảm mạnh, thậm chí có lúc âm. Cuối cùng, họ buộc phải phá sản.”
Ông tin rằng các công ty bảo hiểm lớn của Trung Quốc hiện đang gặp phải tình trạng tương tự, khi họ phải trả cho nhà đầu tư lãi suất cao, có nơi lên tới 6%, nhưng lợi nhuận mà họ nhận được từ tiền của nhà đầu tư hiện là 2.5% đối với trái phiếu chính phủ và dưới 4% đối với tiền gửi ngân hàng.
Ông cho rằng, “Mặc dù các công ty bảo hiểm Trung Quốc sẽ không phá sản ngay lập tức nhưng họ đang trên đà phá sản và đang cầm cự chờ chính quyền giải cứu. Tuy nhiên, với khoản lỗ lên tới 600 tỷ nhân dân tệ (8.3 tỷ USD), chính quyền có thể chi bao nhiêu tiền để giải cứu đây? Ngay cả khi chỉ cứu được một số nhỏ các doanh nghiệp, thì đó vẫn còn là kết quả xảy ra trong trường hợp tốt nhất.”
Vân Du biên dịch