Nguồn: Katsuji Nakazawa, “Xi Jinping sends a message but no flowers to Antony Blinken,” Nikkei Asia, 02/05/2024
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Cách hành xử của Trung Quốc cho thấy quan hệ với Mỹ đang ngày càng xấu đi.
Chỉ trong vòng 10 tháng, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã có hai chuyến thăm đến Trung Quốc, và cả hai đều bao gồm một cuộc gặp cấp cao với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Chuyến đi đầu tiên diễn ra vào tháng 6 năm ngoái, còn chuyến đi lần thứ hai là vào tuần trước, cả hai đều được tổ chức tại Hội trường Phúc Kiến của Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh.
Dù địa điểm vẫn được giữ nguyên, bầu không khí – cụ thể là cách dùng hoa trang trí và thái độ khó chịu của Tập – là một thay đổi đủ lớn để báo hiệu rằng quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang tiến vào vùng biển giông bão dữ dội.h
“Chuyện lớn có thể sắp xảy ra,” một nguồn tin Trung Quốc, người đã theo dõi mối bất hòa giữa Mỹ và Trung Quốc, đã nhận định sau khi xem xét bầu không khí nặng nề.
Nguồn tin này đã biết về những gì Blinken và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị thảo luận trước khi Blinken ngồi lại với Tập. Đại diện của Mỹ đã nhắc lại quan ngại của Washington về việc Trung Quốc hỗ trợ quân sự cho Nga, trong khi Vương khẳng định Mỹ đang “thổi phồng” các quan ngại về năng lực công nghiệp của nước mình.
Thế thì, chính xác là nguồn tin đang nhìn vào điều gì?
Trong hai cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ, Tập đều ngồi ở đầu dãy bàn hội nghị, trước bức tranh khổng lồ mô tả phong cảnh mùa xuân tuyệt đẹp ở dãy núi Vũ Di, vùng trồng trà ô long nổi tiếng ở tỉnh Phúc Kiến. Còn Blinken và phái đoàn của ông ngồi đối diện với những người đồng cấp Trung Quốc ở hai bên.
Cách sắp xếp này không quá bất thường ở Trung Quốc, nhưng bất kỳ ai xem các bản tin truyền hình Trung Quốc có lẽ đều có ấn tượng rằng cả hai phái đoàn đều là cấp dưới của Tập.
Tuy nhiên, điều bất thường trong lần gặp tuần trước lại nằm ở khoảng trống giữa hai dãy bàn.
Khi Tập và Blinken gặp nhau tại Hội trường Phúc Kiến cách đây 10 tháng, không gian giữa hai dãy bàn được trang hoàng bằng hoa sen đỏ và nụ sen trắng. Tuy nhiên, hồi tuần trước, những bông hoa đã biến mất, thay vào đó là những chậu cây cô tòng lá đốm (garden croton) không có hoa.
Ở Trung Quốc, hoa sen tượng trưng cho sự hòa hợp, bởi vì trong tiếng Trung từ hoa sen đồng âm với từ hòa hợp.
Hoa sen đôi khi còn tượng trưng cho sự giàu có, may mắn, sự thuần khiết, và tình yêu. Trong khi đó, cây cô tòng được cho là đại diện cho sự thay đổi.
Các loại cây được dùng với mục đích trang trí trong các cuộc họp quan trọng tại Đại lễ đường Nhân dân thường thay đổi theo mùa. Khi mùa xuân đến gần, truyền thống quy định rằng các loại cây tươi tắn hơn sẽ được sử dụng để tạo nên bầu không khí vui vẻ.
Ở Trung Quốc, cây cô tòng, với khả năng thay đổi màu lá, được cho là tượng trưng cho sự biến đổi liên tục, sự bất định, và bản chất “tắc kè hoa.” Có lẽ nó đã được sử dụng để ám chỉ sự thay đổi quan điểm, hoặc trong trường hợp này, là để ám chỉ rằng niềm tin của Tập đối với Mỹ đang suy yếu.
Loại cây có lá giống tắc kè hoa này cũng có thể là lời nhắc nhở rằng Bắc Kinh đang thay đổi như thế nào. Tháng 6 năm ngoái, Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương đã tham dự cuộc họp Tập-Blinken đầu tiên. Vào thời điểm đó, ông là người được Tập yêu thích, từng giữ chức đại sứ Trung Quốc tại Mỹ ở độ tuổi khá trẻ. Tuy nhiên, sau đó ông đã bị thanh trừng, và không có mặt trong cuộc họp Tập-Blinken mới nhất.
Về việc cây cô tòng là biểu tượng của sự bất định, dường như Trung Quốc đang cố gắng đi sâu hơn vào những gì đang trở thành một chu kỳ bầu cử hỗn loạn ở Mỹ, với việc đương kim Tổng thống Joe Biden và cựu Tổng thống Donald Trump có thể sẽ tái đấu trong cuộc bầu cử tháng 11.
Vẻ mặt của Tập cũng có vẻ là một lời cảnh báo khác. Khi bắt tay Blinken vào tuần trước, Tập đã không mỉm cười, mà trông có phần gắt gỏng. Khi Tập giao tiếp bằng mắt với Blinken, mọi thứ chỉ diễn ra trong chốc lát với một ánh mắt u ám.
Vẻ mặt cau có không biểu thị tâm trạng chua chát trước tất cả mọi người. Đầu tháng 4, Tập đã nồng nhiệt chào đón Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov trước khi bắt đầu cuộc gặp tại Hội trường Phúc Kiến.
Lavrov đã đến Bắc Kinh để chuẩn bị cho chuyến đi dự kiến tới Trung Quốc của Tổng thống Nga Vladimir Putin, người sẽ tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ thứ năm trong một buổi lễ vào ngày 7/5. Sau đó vào cuối tháng, ông sẽ tới Trung Quốc.
Tập mỉm cười với Lavrov, một phần là để thể hiện sự quan tâm đến đồng minh Putin, nhưng ông lại phân biệt đối xử với Blinken.
Liệu người Nga và người Mỹ có bị đối xử khác nhau theo cách nào khác không? Thoạt nhìn thì không phải vậy. Trong cuộc gặp Tập-Lavrov, phái đoàn Nga cũng ngồi ở cùng một vị trí tương tự như phái đoàn Mỹ vài tuần sau đó: đối diện với phái đoàn Trung Quốc, trong khi Tập ngồi ở đầu dãy bàn hội nghị hình chữ U.
Tuy nhiên, có một khác biệt lớn. Thứ nhất, khoảng cách giữa hai phái đoàn Trung Quốc và Nga ngắn hơn nhiều, các bàn hội nghị được đẩy lại gần nhau hơn so với khi người Mỹ có mặt trong hội trường. Hơn nữa, khoảng không gian hẹp ngăn cách giữa phái đoàn Trung Quốc và phái đoàn Nga đã được trang trí bằng những bông hoa mùa xuân rất đẹp.
Lavrov đến Trung Quốc từ ngày 8 đến ngày 9/4, nhưng đội ngũ của Tập đã không công bố thông tin cho đến tận ngày 7/4, cùng ngày Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đến gặp Thủ tướng Lý Cường ở Bắc Kinh. Việc các bộ trưởng chủ chốt của Mỹ và Nga đến Bắc Kinh cùng lúc là điều bất thường, và thông báo bất ngờ về chuyến thăm của Lavrov dường như cũng nhằm mục đích khiến Mỹ bị bất ngờ.
Vậy thì Tập muốn gửi gắm thông điệp gì sau những bông hoa trang trí?
Chuyến đi của Blinken diễn ra ngay sau khi truyền thông Mỹ đưa tin rằng Mỹ đang soạn thảo các biện pháp trừng phạt đối với một số ngân hàng Trung Quốc, với lý do Trung Quốc đã xuất khẩu sang Nga nhiều hàng hóa lưỡng dụng được sử dụng cho cuộc chiến tại Ukraine của Nga.
Theo báo cáo, Mỹ đang xem xét khả năng cắt một số ngân hàng Trung Quốc khỏi hệ thống SWIFT, vốn là hệ thống hỗ trợ cho thanh toán quốc tế.
Thị trường tài chính quốc tế đã xôn xao vì tin tức này, ngay trước khi Blinken lên đường tới Trung Quốc.
Dù chưa có dấu hiệu cho thấy Mỹ sẽ nhanh chóng thực hiện các biện pháp trừng phạt như vậy, nhưng đã có một diễn biến bí ẩn trong chuyến đi Trung Quốc mới nhất của Blinken.
“Cần chú ý kỹ đến cuộc gặp kỳ lạ giữa một phụ tá có ảnh hưởng của Tập và Blinken, được tổ chức tại Bắc Kinh ngay trước thềm cuộc gặp Tập-Blinken.”
Người phụ tá có ảnh hưởng là Vương Tiểu Hồng, người hiện đang giữ chức Ủy viên Quốc vụ viện (tương đương cấp phó thủ tướng), kiêm Bộ trưởng Bộ Công an, phụ trách giám sát các tổ chức cảnh sát.
Tập đã ở tỉnh Phúc Kiến gần 17 năm, đến tận năm 2002. Ông đã quen biết Vương trong thời gian này, và kể từ đó luôn tin tưởng tuyệt đối vào Vương.
Khi trở thành lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc, Tập đã chuyển Vương từ Phúc Kiến về Bắc Kinh. Sau đó, Vương được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Công an vào năm 2022. Vai trò của Vương là bảo vệ Tập về mặt chính trị, bằng cách đóng vai trò là tai mắt của Tập và thu thập mọi thông tin.
Thật lạ khi Ngoại trưởng Mỹ lại hội đàm với Bộ trưởng Công an Trung Quốc. Hãy tưởng tượng nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc Vương Nghị gặp Giám đốc FBI.
Về mặt chính thức, Blinken và Vương Tiểu Hồng gặp nhau để thảo luận về vấn đề an toàn cho sinh viên Trung Quốc tại Mỹ. Ngoài ra còn có vấn đề fentanyl, một loại opioid tổng hợp gây nghiện cao, đang tràn vào Mỹ
Nhưng nhiều người cho rằng Blinken và Vương Tiểu Hồng còn thảo luận những vấn đề khác, chưa được tiết lộ.
Vẫn còn nhiều bí ẩn xoay quanh chuyến đi Trung Quốc mới nhất của Blinken. Chính xác thì việc những bông hoa biến mất có ý nghĩa gì? Tại sao Tập lại nhăn nhó? Quan hệ Mỹ-Trung rồi sẽ đi về đâu? Người duy nhất có thể trả lời câu hỏi cuối cùng đó có lẽ là người đã ra lệnh đặt những chậu cô tòng ở Hội trường Phúc Kiến.
Katsuji Nakazawa là nhà báo và biên tập viên cấp cao của Nikkei, hiện sinh sống tại Tokyo. Ông đã dành bảy năm làm phóng viên thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở thành trưởng văn phòng Trung Quốc. Ông đã nhận Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014