Kinh tế Trung Quốc: Những vấn đề nan giải và nguy cơ dẫn đến bất ổn chính trị

Tiêu Nhiên

Cuộc khủng hoảng nợ của các nhà phát triển bất động sản khiến những tòa nhà dang dở có mặt khắp nơi. (Ảnh: Getty Images)

Kinh tế Trung Quốc những năm qua gặp nhiều thách thức, đặc biệt là bong bóng thị trường bất động sản và xu hướng giữ tài sản của tầng lớp trung lưu. Những hiện tượng kinh tế này không chỉ ảnh hưởng đến việc tích lũy của cải cá nhân, mà còn làm thay đổi sâu sắc cấu trúc xã hội và xu hướng chính sách của Chính phủ. Giáo sư Ming Chu-cheng, của Khoa Khoa học Chính trị tại Đại học Quốc gia Đài Loan, đã phân tích nguyên nhân sâu xa của hàng loạt vấn đề này và đưa ra những lý giải về tác động chính trị và xã hội.

Người sáng lập quỹ đầu tư Bridgewater Associates tại Mỹ, ông Ray Dalio đã chỉ ra 7 vấn đề lớn của nền kinh tế Trung Quốc:

– Khủng hoảng thị trường bất động sản: Thị trường bất động sản Trung Quốc phát triển quá mức đã vỡ bong bóng, khiến tài sản của các gia đình phụ thuộc nhiều vào bất động sản phải đối mặt với rủi ro rất lớn.

– Khó khăn về tài chính của Chính phủ:Nguồn tài chính của chính quyền địa phương phụ thuộc nhiều vào phí chuyển nhượng đất và thu nhập từ bất động sản, do đó sự suy thoái của thị trường bất động sản đã làm tăng thêm áp lực tài chính cho địa phương.

– Thay đổi trong quan niệm “làm giàu là vinh quang”: Quan niệm “làm giàu là vinh quang”, do cố lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc Đặng Tiểu Bình đề xuất, đã dần bị suy yếu và bị thay thế bằng chính sách “thịnh vượng chung” thời ông Tập Cận Bình, đã kìm hãm sức sống của thị trường.

– Không chắc chắn trong bảo vệ quyền tư hữu:Việc bảo vệ quyền tư hữu không chắc chắn khiến doanh nhân, nhà đầu tư thiếu niềm tin vào môi trường kinh tế trong tương lai, dẫn đến giảm thiện chí đầu tư.

– Vấn đề nan giải về đổi mới công nghệ: Mặc dù Trung Quốc có thành tích vượt trội về số lượng bằng sáng chế nhưng lại gặp khó khăn trong việc tiếp thị kết quả đổi mới, việc can thiệp quá mức của Chính phủ đã hạn chế lợi ích kinh tế của đổi mới công nghệ.

– Tình trạng khó khăn kinh tế hiện nay của Trung Quốc tương tự như “30 năm mất mát” sau khi bong bóng kinh tế Nhật Bản vỡ vào những năm 1990, và hiện đứng trước nguy cơ trì trệ lâu dài.

– Triển vọng đầu tư nước ngoài chưa rõ ràng: Mặc dù vẫn có lợi nhuận từ việc đầu tư vào Trung Quốc nhưng nhà đầu tư thận trọng hơn, niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường Trung Quốc đã bắt đầu suy giảm.

Về những vấn đề trên, Giáo sư Ming Chu-cheng (Đài Loan) chỉ ra, Trung Quốc cần có những điều chỉnh sâu về chính sách kinh tế để giải quyết. Chỉ thông qua những cải cách thực sự theo định hướng thị trường, giảm can thiệp quá mức của Chính phủ vào nền kinh tế và tăng cường bảo vệ quyền sở hữu, khi đó mới có thể lấy lại niềm tin doanh nghiệp và thúc đẩy đổi mới phát triển nền kinh tế. Nếu Trung Quốc tiếp tục tuân thủ đường lối chính sách hiện nay, nền kinh tế không chỉ rơi vào suy thoái dài hạn mà áp lực thay đổi ở cấp độ chính trị cũng sẽ ngày càng gia tăng, các vấn đề kinh tế cuối cùng sẽ phát triển thành các vấn đề chính trị làm tương lai Trung Quốc nhiều bất ổn hơn.

Khủng hoảng thị trường bất động sản và tầng lớp trung lưu chống nghèo hóa

Trong chương trình YouTube “Tiền tuyến Kinh tế – Chính trị” (@democratictaiwanchannel), Giáo sư Ming Chu-cheng cho biết rằng thị trường bất động sản Trung Quốc từng là động lực tăng trưởng kinh tế, nhưng sự suy giảm trong những năm gần đây đã khiến nhiều nhà đầu tư và tầng lớp trung lưu gặp khó khăn. Giá bất động sản Trung Quốc một thời tăng mạnh khiến nhiều gia đình đổ phần lớn tài sản vào bất động sản, khi bong bóng bất động sản vỡ giá nhà bắt đầu giảm, thậm chí ở nhiều nơi còn có chính sách hạn chế việc bán bất động sản. Chủ sở hữu bất động sản không thể giảm bớt khoản lỗ bằng cách bán tài sản, trong khi khoản lãi vay vẫn cần tiếp tục trả. Biện pháp hạn chế bán hàng này dường như có tác dụng ổn định thị trường trong ngắn hạn, nhưng về lâu dài gây cản trở rất nhiều hoạt động bình thường của thị trường và làm méo mó mối quan hệ cung cầu.

Tầng lớp trung lưu là lực lượng chủ yếu trên thị trường tiêu dùng, áp lực tài chính của họ ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng tiêu dùng của toàn nền kinh tế. Khi giá nhà giảm, tài sản sụt giảm, lương giảm hoặc thậm chí mất việc, nhiều người thuộc tầng lớp trung lưu phải cắt giảm chi tiêu hàng ngày. Giáo sư Ming Chu-cheng chỉ ra rằng nếu hiện tượng này tiếp tục phát triển sẽ dẫn đến làm nghèo tầng lớp trung lưu và khiến cho một tầng lớp xã hội đi thụt lùi. Tầng lớp trung lưu ban đầu là nhân tố quan trọng trong sự ổn định kinh tế, nhưng khi tài sản của họ giảm đi đáng kể và chất lượng cuộc sống giảm mạnh thì xung đột và bất mãn xã hội sẽ gia tăng.

Khó khăn tài chính của chính quyền địa phương cũng làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng trên thị trường bất động sản. Vốn dĩ chính quyền địa phương dựa vào phí chuyển nhượng đất làm nguồn thu tài chính chính, nhưng trong bối cảnh thị trường nhà đất sụt giảm và việc bán đất trở nên khó khăn hơn, dẫn đến nguồn thu tài chính của địa phương giảm mạnh. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động thường nhật của chính quyền địa phương mà còn hạn chế khả năng thúc đẩy phát triển kinh tế của họ. Để duy trì nguồn thu tài chính, chính quyền địa phương thường lựa chọn phát triển thêm các dự án bất động sản, tạo thành một vòng luẩn quẩn khó chồng khó.

Ngoài ra cũng nổi lên vấn đề xây dựng cơ sở hạ tầng một cách tràn lan. Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã xây dựng một số lượng lớn cơ sở hạ tầng như đường sắt cao tốc và sân bay. Mặc dù trong thời gian ngắn giúp đã tăng GDP, nhưng nhiều dự án chưa mang lại lợi ích kinh tế thực tế, thậm chí còn có một số lượng lớn dự án “đắp chiếu”. Việc đầu tư quá mức và xây dựng không hiệu quả này đã tạo gánh nặng cho chính quyền địa phương với các khoản nợ lớn, làm trầm trọng thêm khó khăn tài chính.

Thay đổi trong quan niệm về làm giàu và vấn đề bấp bênh trong bảo vệ quyền sở hữu

Quan niệm “làm giàu là vinh quang” được đề xuất dưới thời ông Đặng Tiểu Bình đã thúc đẩy xã hội Trung Quốc theo hướng thị trường hóa và hiện đại hóa, đồng thời khuyến khích tinh thần kinh doanh và tích lũy của cải cá nhân. Tuy nhiên, khái niệm này đã dần bị suy yếu trong những năm gần đây qua chính sách “thịnh vượng chung” do Chính phủ Tập Cận Bình đề xuất, theo đó xã hội Trung Quốc đã chú trọng nhiều hơn đến việc phân phối lại của cải xã hội. Mặc dù chính sách này nhằm mục đích thu hẹp khoảng cách giàu nghèo nhưng cũng làm dấy lên mối lo ngại làm suy giảm sức sống thị trường.

Giáo sư Ming Chu-cheng nhấn mạnh, bảo vệ quyền sở hữu là một trong những nền tảng để thúc đẩy phát triển kinh tế. Trong nền kinh tế thị trường, các doanh nhân và nhà đầu tư cần được bảo vệ quyền sở hữu rõ ràng để đảm bảo rằng tài sản và khoản đầu tư của họ không bị đe dọa bởi những thay đổi chính sách tùy tiện hoặc can thiệp của Chính phủ. Tuy nhiên, việc Trung Quốc bảo vệ quyền sở hữu không chắc chắn đã khiến nhiều doanh nhân mất niềm tin vào môi trường kinh tế. Sự can thiệp thường xuyên của Chính phủ vào doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là việc tăng cường thuế và giám sát, càng làm giảm nhiệt tình của doanh nghiệp.

Trong những năm gần đây, nhiều doanh nhân thành đạt và giám đốc điều hành công ty đã chọn chuyển tài sản của họ ở Trung Quốc ra nước khác, để tránh rủi ro môi trường kinh tế Trung Quốc ngày càng khắc nghiệt. Xu hướng này không chỉ làm suy yếu khả năng đổi mới và khả năng cạnh tranh trong nước của Trung Quốc, còn khiến tăng trưởng kinh tế Trung Quốc bất ổn hơn. Đổi mới là động lực chính cho phát triển kinh tế, nhưng khi quyền sở hữu không ổn định và môi trường chính sách không chắc chắn thì lòng nhiệt tình đổi mới công nghệ và hiệu quả chuyển đổi sẽ giảm đi rất nhiều. Nhiều thành tựu đổi mới không thể chuyển đổi một cách hiệu quả thành giá trị thương mại, điều này hạn chế hơn nữa sự phát triển của thị trường.

Ngoài ra, can thiệp quá mức của Chính phủ vào lĩnh vực công nghệ cũng khiến các công ty đổi mới sáng tạo chịu áp lực nặng nề. Mặc dù số lượng bằng sáng chế ở Trung Quốc đang tăng lên hàng năm, nhưng tỷ lệ các bằng sáng chế này có thể chuyển đổi thành kết quả kinh tế thực tế là tương đối thấp. Hiện tượng này phản ánh định hướng chính sách theo đuổi quá mức về số lượng mà bỏ qua nhu cầu thị trường, điều đó đã cản trở tác dụng kích thích đổi mới khoa học công nghệ đối với nền kinh tế.

Trong bối cảnh đó, hứng thú đầu tư của tư nhân ngày càng giảm sút. Đối mặt với môi trường chính sách và việc bảo vệ quyền sở hữu không chắc chắn, các chủ doanh nghiệp chọn cách chờ thời cơ hoặc thậm chí giảm quy mô đầu tư. Hiện tượng này tác động rất lớn đến sức sống của nền kinh tế, đặc biệt trong lĩnh vực đổi mới công nghệ và các ngành công nghệ cao thường xảy ra xung đột giữa sự can thiệp của Chính phủ và sự đổi mới độc lập của các doanh nghiệp, khiến mô hình kinh tế định hướng đổi mới của Trung Quốc bị cản trở.

Tác động của môi trường bên ngoài

Giáo sư Ming Chu-cheng tin rằng ngoài các vấn đề kinh tế trong nước, Trung Quốc còn phải đối mặt với áp lực môi trường quốc tế ngày càng nghiêm trọng. Việc tiếp tục cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ đã giáng một đòn lớn vào nền kinh tế định hướng xuất khẩu của Trung Quốc. Kể từ khi chiến tranh thương mại bùng nổ vào năm 2018, Mỹ đã áp đặt thuế quan bổ sung đối với nhiều sản phẩm của Trung Quốc, hạn chế không gian thị trường nước ngoài của các công ty Trung Quốc, điều này không chỉ gây khó khăn cho xuất khẩu của Trung Quốc mà còn buộc nhiều công ty sản xuất phải chuyển sản xuất sang các nước có chi phí thấp hơn khác như Việt Nam và Ấn Độ.

Cạnh tranh công nghệ Mỹ – Trung Quốc cũng là một trong những thách thức lớn đối với nền kinh tế Trung Quốc. Mỹ đã áp dụng một số biện pháp nhằm hạn chế khả năng tiếp cận của Trung Quốc với chất bán dẫn tiên tiến, công nghệ truyền thông và các sản phẩm công nghệ cao khác. Xu thế phong tỏa công nghệ này đã làm các ngành công nghệ cao của Trung Quốc gặp khó khăn hơn để phát triển, đặc biệt là lĩnh vực 5G, trí tuệ nhân tạo và sản xuất chip, những lĩnh vực mà các công ty Trung Quốc đang phải đối mặt với áp lực chưa từng có.

Ngoài Mỹ thì các nước châu Âu cũng bắt đầu áp dụng chính sách thương mại thận trọng hơn đối với Trung Quốc. Trao đổi kinh tế giữa EU và Trung Quốc luôn là một phần quan trọng của toàn cầu hóa, nhưng những năm gần đây châu Âu ngày càng tỏ ra lo ngại về các biện pháp tiếp cận thị trường và bảo hộ công nghệ của Trung Quốc. Trong bối cảnh Trung Quốc thực hiện chiến lược cạnh tranh giá thấp trên thị trường toàn cầu, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ ở châu Âu đã bị ảnh hưởng rất lớn, khiến EU phải dần dần tăng cường rà soát và hạn chế đối với các sản phẩm nhập khẩu của Trung Quốc.

Vấn đề nguồn vốn đầu tư nước ngoài rút đi cũng là một thách thức nghiêm trọng đối với nền kinh tế Trung Quốc. Vài năm qua ngày càng nhiều doanh nghiệp có vốn nước ngoài lựa chọn di dời dây chuyền sản xuất từ ​​Trung Quốc sang nước khác. Xu hướng này không chỉ làm suy yếu vị thế “công xưởng của thế giới” của Trung Quốc, mà còn khiến nền kinh tế Trung Quốc thiệt hại một khoản lớn ngoại hối và cơ hội việc làm. Đặc biệt sau khi Trung Quốc đưa ra một loạt luật chống gián điệp, luật bảo mật dữ liệu và các quy định khác, niềm tin vào thị trường Trung Quốc của các doanh nghiệp có vốn nước ngoài càng giảm sút. Mặc dù việc thực thi các quy định này nhằm mục đích bảo vệ an ninh quốc gia, nhưng đã gây ra mối lo ngại về môi trường kinh tế ngày càng khép kín của Trung Quốc.

Bất ổn xã hội và tác động chính trị

Các vấn đề kinh tế thường gây ra những vấn đề sâu sắc hơn như bất ổn chính trị và xã hội. Giáo sư Ming Chu-cheng cho hay, cơ sở kinh tế quyết định kiến ​​trúc thượng tầng, nếu tình trạng suy thoái kinh tế Trung Quốc tiếp tục chắc chắn sẽ có tác động đến cấu trúc xã hội và hệ thống chính trị. Trong những năm gần đây, xu thế bất mãn của xã hội Trung Quốc đối với các chính sách của Chính phủ ngày càng gia tăng. Đặc biệt trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế chậm lại và nỗ lực chống nghèo trở lại của tầng lớp trung lưu, làm dấy lên nghi vấn về khả năng quản lý kinh tế của Chính phủ.

Mặc dù ở một mức độ nhất định thì các chính sách đàn áp của Chính phủ đã kiểm soát được xu thế bất mãn trong xã hội, nhưng xu thế đàn áp này chỉ có thể xem là biện pháp nhất thời. Khi khó khăn kinh tế kéo dài không được giải quyết khiến các mâu thuẫn xã hội tiếp tục tích tụ, thì tất yếu sẽ xuất hiện áp lực cải cách chính trị. Đặc biệt trong một hệ thống tập trung như Trung Quốc, tình trạng suy thoái không ngừng của nền kinh tế có thể trực tiếp thách thức hệ thống chính trị hiện tại và dẫn đến một cuộc khủng hoảng về tính hợp pháp của chế độ.

Mặc dù chính sách “thịnh vượng chung” do Chính phủ Tập Cận Bình đề xuất đã được ủng hộ nhất định của một số người, nhưng khi chính sách này được thực thi, người dân dần dần nhận ra rằng đó không phải là biện pháp cơ bản để giải quyết khoảng cách giàu nghèo. Trong bối cảnh kinh tế suy thoái, việc điều chỉnh lại phân bổ của cải càng làm tăng thêm áp lực hoạt động lên doanh nghiệp, khiến khả năng tạo ra của cải của toàn xã hội suy giảm. Về lâu dài, loại chính sách này chắc chắn sẽ gây ra nhiều bất mãn xã hội hơn và sau đó trở thành vấn đề chính trị.

Ngoài ra, với tình trạng môi trường quốc tế của Trung Quốc xấu đi và suy giảm ngoại thương, khiến áp lực thị trường việc làm của Trung Quốc cũng ngày càng gia tăng. Tình trạng rút lui của hàng loạt doanh nghiệp có vốn nước ngoài đã khiến một lượng lớn lao động mất việc, trong khi kinh tế suy thoái cũng khiến các doanh nghiệp trong nước cũng giảm tuyển dụng và giảm quy mô sản xuất. Tình trạng này khiến Chính phủ Trung Quốc phải đối mặt với những thách thức rất lớn trong việc giải quyết vấn đề việc làm, đặc biệt là ở khu vực nông thôn và các thành phố vừa và nhỏ, nếu tỷ lệ thất nghiệp cứ tiếp tục gia tăng có thể gây ra tình trạng bất ổn xã hội nghiêm trọng hơn.

Tiêu Nhiên, Vision Times

Related posts