Financial Times: Hoa Kỳ có thể rút khỏi WHO ngay ngày đầu ông Trump nhậm chức

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). (Ảnh minh họa: Skorzewiak/Shutterstock)

Theo tờ Financial Times (FT), đội ngũ chuyển giao quyền lực của Tổng thống đắc cử Donald Trump đang cân nhắc rút Hoa Kỳ khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngay trong ngày đầu tiên dưới chính quyền Trump thứ hai. Nếu được thực hiện thành công, động thái này sẽ cắt đứt một trong những nguồn tài chính quan trọng nhất của tổ chức y tế thế giới.

Các thành viên trong đội ngũ chuyển giao quyền lực đã trao đổi với các chuyên gia y tế rằng họ dự định công bố quyết định này vào ngày ông Trump nhậm chức, tức ngày 20 tháng 1 năm 2025, theo bài viết trên tờ FT vào hôm Chủ Nhật (22/12). Một số thành viên khác trong đội ngũ của ông Trump lại ủng hộ Hoa Kỳ duy trì sự hiện diện trong tổ chức WHO nhưng đề xuất thúc đẩy cải cách toàn diện cơ quan của Liên Hiệp Quốc này. Tuy nhiên, nhóm ủng hộ việc Hoa Kỳ cắt đứt quan hệ hoàn toàn với WHO lại đang chiếm ưu thế, khiến động thái này rất có khả năng xảy ra.

Theo tờ FT, trích lời ông Ashish Jha, cựu điều phối viên ứng phó đại dịch COVID-19 của Nhà Trắng, quyết định rút lui ngay ngày đầu tiên ông Trump nhậm chức mang ý nghĩa “biểu tượng [mạnh mẽ]”, như một cách để đảo ngược động thái của Tổng thống Joe Biden cũng được thực hiện vào đúng ngày nhậm chức của ông Biden trước đó.

Quay ngược thời gian, vào ngày 20 tháng 1 năm 2021, Tổng thống Biden đã ngay lập tức khôi phục mối quan hệ giữa Hoa Kỳ với WHO, đảo ngược quyết định của tổng thống thứ 45 Donald Trump – vị tổng thống đã khởi động quá trình Hoa Kỳ rút lui, vốn đã chỉ trích gay gắt cách WHO xử lý đại dịch COVID-19.

“Hoa Kỳ sẽ để lại một khoảng trống khổng lồ trong khía cạnh tài trợ và vai trò lãnh đạo y tế toàn cầu. Tôi không thấy bất kỳ [quốc gia nào có thể bước lên để] lấp đầy khoảng trống ấy”, Giáo sư Lawrence Gostin, chuyên gia y tế toàn cầu tại Đại học Georgetown, chia sẻ với tờ FT. Ông Gostin cũng cảnh báo rằng động thái Hoa Kỳ rút lui “vào đúng ngày đầu tiên” sẽ là một “thảm họa” không chỉ đối với WHO mà còn đối với hệ thống y tế quốc tế.

WHO, cơ quan y tế của Liên Hiệp Quốc, đóng vai trò là đầu tàu trong việc điều phối các vấn đề y tế trên toàn cầu. Hoạt động của tổ chức này được duy trì dựa trên các khoản tài trợ từ các quốc gia thành viên cũng như nguồn tài trợ tự nguyện. Trong nhiều thập kỷ qua, Hoa Kỳ luôn giữ vị trí là một trong những nhà tài trợ lớn nhất, và theo dữ liệu, hiện tại Hoa Kỳ là nhà tài trợ lớn thứ hai trong số các quốc gia thành viên.

Quay trở lại năm 2020, Tổng thống Trump đã cáo buộc WHO chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ phía Trung Quốc trong cách ứng phó đại dịch COVID-19. Ông Trump cho rằng Bắc Kinh đã tạo áp lực buộc WHO “đánh lừa cả thế giới” về loại virus này. Ngoài ra, ông Trump cũng cam kết điều chuyển các khoản tài trợ của Hoa Kỳ sang các tổ chức từ thiện y tế công cộng khác trên toàn cầu.

Theo nghị quyết của Quốc hội Hoa Kỳ vào năm 1948, Hoa Kỳ có thể rút khỏi WHO nhưng phải thông báo trước một năm và thanh toán các khoản phí chưa hoàn thành. Tuy nhiên, đội ngũ chuyển giao quyền lực của ông Trump vẫn chưa đưa ra bình luận chính thức về khả năng Hoa Kỳ rúi khỏi WHO, tờ FT lưu ý.

Vào tháng Mười Một vừa qua, ông Trump đã chính thức đề cử ông Robert F. Kennedy Jr., một chính trị gia nổi tiếng với quan điểm hoài nghi lâu năm về vaccine, giữ cương vị Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh (HHS). Ông Kennedy là một trong những nhà phê bình thẳng thắn đối với những biện pháp ứng phó COVID-19 do tổ chức WHO khuyến nghị mà các chính phủ trên toàn thế giới đã áp dụng, bao gồm việc áp dụng các lệnh phong tỏa nghiêm ngặt và triển khai nhanh chóng các loại vaccine được phát triển trong thời gian ngắn. Hiện tại, quyết định đề cử của ông Kennedy vẫn đang chờ Thượng viện phê chuẩn.

Thiên Vân

Related posts