Trong bối cảnh có những căng thẳng leo thang trong quan hệ giữa Iran và Hoa Kỳ, giới chuyên viên quốc tế cho rằng không thể loại trừ một cuộc chiến tranh bất ngờ sẽ xảy ra giữa hai quốc gia này. Nếu cuộc chiến tranh này xảy ra, thì có thể sẽ châm ngòi cho một cuộc chiến tranh thế giới lần thứ ba.
Trong khi đó liên tục có những tin tức được đăng tải trên thế giới có liên quan đến những vũ khí hiện đại mà Iran đang có. Thậm chí vừa qua Iran đã tuyên bố chế tạo được máy bay vũ trang điều khiển từ xa với mức độ tối tân không thua gì vũ khí tương tự của Hoa kỳ. Câu hỏi được đặt ra là nếu có một cuộc chiến tranh giữa Iran và Hoa Kỳ thì liệu quốc gia nào sẽ có ưu thế.
Để trả lời câu hỏi này có lẽ chúng ta nên có một cái nhìn cụ thể hơn về Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC), hiện được coi là lực lượng đặc biệt tinh nhuệ trong hệ thống quốc phòng của quốc gia này.
Lực lượng IRGC được thành lập sau cuộc Cách mạng Hồi giáo ở Iran năm 1979, để bảo vệ những thành quả cách mạng chống lại thù trong lẫn giặc ngoài. Tuy nhiên kể từ khi thành lập cho đến nay IRGC đã phát triển quá xa bên ngoài mục đích hình thành của lực lượng này.
Ngày nay IRGC đã trở thành một lực lượng xã hội-kinh tế-chính trị-quân sự có ảnh hưởng sâu xa đến cơ cấu quyền lực của Iran. Từ năm 2004 lực lượng này đã can thiệp vào chính trường Iran với một mức độ chưa từng thấy, khi các thành viên của lực lượng đã chiếm được 16% trong tổng số 290 ghế dân biểu trong quốc hội Iran.
Không những thế IRGC còn kiểm soát được những ngành công nghiệp chiến lược, nhiều dịch vụ thương mại, những doanh nghiệp chợ đen. IRGC không còn là một lực lượng vũ trang thuần túy, mà đã trở thành một lực lượng đa năng, có quyền lực khuynh đảo chính trường của Iran.
IRGC được thành lập bởi lãnh tụ tối cao Ayatollah Khamenei ngay sau cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979, theo mô hình của lực lượng Vệ binh Quốc gia của Hoa kỳ. Các chỉ huy của lực lượng này báo cáo và nhận lệnh trực tiếp từ vị giáo chủ lãnh tụ tối cao của Iran. Tổng thống của Iran được quyền bổ nhiệm các cấp chỉ huy của IRGC tuy nhiên lại không kiểm soát được những hoạt động của lực lượng này. IRGC bao gồm các binh chủng không quân, lục quân và hải quân với quân số lên đến 125 ngàn chiến binh. Trên lý thuyết IRGC là một lực lượng bảo vệ nội vụ, tuy nhiên hiện nay IRGC có thể hoạt động phối hợp với quân đội Iran để chống lại một cuộc xâm lược từ nước ngoài. IRGC còn nắm quyền kiểm soát lực lượng bán vũ trang Basij với hơn một triệu thành viên. Hoạt động của IRGC nay đã vượt ra khỏi biên giới của Iran và đang trở thành một mối nguy cho nhiều quốc gia trong khu vực.
IRGC bắt đầu có những hoạt động bên ngoài Iran kể từ khi xảy ra cuộc chiến Iran-Iraq từ 1980-1988. Lực lượng Quds gồm khoảng một ngàn thành viên được coi như là một cánh chính trị của IRGC chuyên thực hiện các sứ mạng quốc tế. Một đơn vị Quds đã được bố trí tại Lebanon năm 1982 và đã giúp hình thành tổ chức Hezbollah. Một đơn vị khác đã được gửi đến Bosnia để hổ trợ những người anh em Hồi giáo trong cuộc nội chiến tại quốc gia này trong những năm 1990. Lực lượng Quds là người chủ yếu cung cấp vũ khi cho các tổ chức Hezbollah ở Lebanon, cho Hamas ở dãi Gaza và cho các nhóm thánh chiến của người Palestine. Quds cũng cung cấp vũ khí cho Taliban ở Afghanistan và du kích quân nhóm Shite ở Iraq. Hiện nay người ta tin rằng Quds đứng sau những điệp vụ cung cấp vũ khí cho chính phủ Syria trong cuộc nội chiến ở quốc gia này.
IRGC nắm quyền kiểm soát các đơn vị hỏa tiển chiến lược của Iran, thực hiện những điệp vụ tình báo trong và ngoài nước, có trách nhiệm bảo vệ chế độ. IRGC có độc quyền tuần tra và kiểm soát an ninh cho thủ đô Tehran.
Sau khi đưa ra nhiều bằng chứng cáo buộc sự can dự của các đơn vị Quds trực thuộc IRGC chống lại liên quân ở Iraq, cuối năm 2007, quốc hội Hoa kỳ đã liệt IRGC vào danh sách những tổ chức khủng bổ quốc tế. Tiếp theo đó Hoa kỳ đã áp đặt những biện pháp trừng phạt kinh tế đối với nhiều công ty và công dân của Iran.
Tuy nhiên những cáo buộc của Hoa kỳ đối với những hoạt động hải ngoại của IRGC đa số không có những bằng chứng thuyết phục. Đa số chuyên gia tin rằng vai trò chính của IRGC là những hoạt động quốc nội.
Giới nghiên cứu quốc tế tin rằng IRGC là lực lượng nòng cốt trên đó hệ thống chính trị của Iran được xây dựng và cũng là tay chơi chủ lực trong nền kinh tế của Iran. Lãnh tụ tối cao của Iran là giáo chủ Khamenei đã bổ nhiệm những cựu chỉ huy của IRGC vào các chức vụ chính trị cao cấp. Tổng thống Iran hiện nay là Mahmoud Ahmedinejad là một cựu chỉ huy của IRGC. Tương tự Ezzatolla Zarghamim, giám đốc tổ hợp truyền thông của Cộng hòa Hồi giáo Iran, Saeed Jalili, chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao…đều xuất thân từ lực lượng IRGC. Ngược lại giáo chủ Khamenei cũng được coi là hoàn toàn lệ thuộc vào IRGC để duy trì quyền lực tối cao của mình.
Một trong những lý do khiến IRGC trở thành một lực lượng khuynh đảo tại Iran là do lực lượng này đã thành công trong việc đàn áp thành công các phong trào đối kháng trong nước. IRGC và lực lượng bán vũ trang Basij nổi tiếng với các biện pháp tàn bạo đối với người biểu tình tại các thành phố lớn của Iran. Trong đó đơn vị đặc biệt chống bạo động Ashura Briagdes đã được thành lập vào năm 1993. Từ năm 2007 lực lượng bán vũ trang Basij được đặt trực tiếp dưới quyền chỉ huy của tư lệnh IRGC là thiếu tướng Mohammad Ali Jafari. Động thái này được coi là một biện pháp để chống lại các hình thức kiểu Cách Mạng Nhung đã làm tan rã chế độ cộng sản trước đó tại Cộng Hòa Tiệp.
Tuy nhiên nhiều nhà phân tích chính trị cho rằng đây chỉ là một hình thức tập trung lực lượng để tiêu diệt những người đối kháng hay chống chính phủ trong giai đoạn bầu cử tổng thống Iran năm 2009. Chính lực lượng này đã đàn áp dã man những người biểu tình, giết hại những người đối kháng tại nhiều thành phố của Iran.
Điều nhiều người không biết đến đó là thế lực của IRGC đàng sau những hoạt động kinh tế của Iran. Theo tờ Los Angeles Times năm 2007 thì IRGC đã được giao cho trọng trách tái xây dựng Iran sau cuộc chiến với Iraq. Hiện nay IRGC có quan hệ chặt chẽ với hơn 100 công ty kiểm soát đến 12 tỷ đô la vốn tư bản trong các lĩnh vực xây dựng và công trình. IRGC có quan hệ mật thiết với nhiều phòng thí nghiệm của các trường đại học, các công ty chế tạo vũ khí, và cả những công ty có liên quan đến kỹ thuật nguyên tử.
Công ty Bahman Group, hiện đang sản xuất xe hơi cho công ty Nhật Mazda là một trong những công ty hoàn toàn của IRGC. Một công ty khác của IRGC là công ty Khatam al-Anbia đã được ký 750 hợp đồng với chính phủ trong các lãnh vực xây dựng, dầu mỏ, và các dự án khí đốt khác.
Một cựu vệ binh của IRGC là Mohsen Sazegara nay đang sống tị nạn tại Hoa kỳ cho biết khởi thủy IRGC được hình thành như là một thứ “quân đội nhân dân”. Tuy nhiên quá trình phát triển đã biến lực lượng này thành một thứ quái thai bao gồm kiểu tổ chức như đảng cộng sản, như cơ quan mật vụ KGB, như một tổng công ty thương mại, và cũng giống như tổ chức Mafia. IRGC được sự ủng hộ của dân chúng Iran nhất là ở vùng nông thôn, do lực lượng này có những công trình phát triển cơ sở vật chất hạ tầng và mang lại công ăn việc làm cho dân nghèo. Nhìn chung IRGC có tầm vóc như một loại SS của quân đội phát xít Đức trong thế chiến thứ hai. Tuy nhiên sự thiện chiến của IRGC so với lực lượng SS như thế nào thì chưa được biết. IRGC cũng không nhận được sự lưu ý nào trong cuộc chiến với Iraq.
Người ta từng nói nhiều đến lực lượng Vệ binh Cộng Hòa của Iraq. Tuy nhiên lực lượng này hữu danh vô thực. Khi quân đồng minh tiến vào Iraq, Vệ binh Cộng hòa chưa bắn được viên đạn nào đã đầu hàng vô điều kiện.
IRGC được coi là lực lượng trung thành đàng sau lưng của giáo chủ Khamenei. Mặc dầu các thành viên của IRGC có nhiều ghế trong quốc hội, Khamenei luôn luôn khẳng định rằng các lực lượng vũ trang Iran không được can thiệp vào chính trị.
Liệu IRGC với quyền lực bao trùm về chính trị, quân sự, lẫn kinh tế sẽ mãi mãi chấp nhận vị trí đằng sau lưng giáo chủ Khamenei hay sẽ vươn ra để tìm cách nắm lấy quyền lực chính trị tuyệt đối tại quốc gia này. Đây là một câu trả lời khó đoán. Tuy nhiên một điều có thể biết được là hiện có nhiều phe phái, khuynh hướng trong nội bộ của lực lượng IRGC. Những khuynh hướng và phe phái này có thể làm suy yếu sự hậu thuẩn của IRGC dành cho giáo chủ Khamenei khi hữu sự.
Một vấn đề khác cũng khá quan trọng là do sự can thiệp vào nền kinh tế Iran và sở hữu nhiều công ty hay vốn tư bản lớn, cũng có thể làm cho IRGC không còn được tín nhiệm như một cơ quan an ninh thiện chiến hay một lực lượng quân sự đặc biệt tinh nhuệ của quốc gia này.
Dù sao trước mắt IRGC vẫn là một lực lượng thống nhất và tuyệt đối trung thành với giáo chủ Khamenei. Những viên chỉ huy của IRGC khẳng định rằng IRGC vẫn chỉ là một lực lượng an ninh nội vụ tinh nhuệ có trách nhiệm bảo vệ những thành quả cách mạng Hồi giáo tại Iran.
Nếu Israel hay Hoa kỳ có những kế hoạch tấn công Iran, chắc chắn họ phải dành nhiều thời gian để nghiên cứu khả năng tác chiến của lực lượng này.
Ls Lê Đức Minh