Thẩm phán chặn lệnh cấm Đại học Harvard tuyển sinh viên nước ngoài

Thẩm phán liên bang ra quyết định chặn tạm thời lệnh cấm tuyển sinh viên quốc tế của chính quyền Trump đối với Đại học Harvard.

“Chính quyền Trump phải ngừng thực hiện việc thu hồi giấy phép Chương trình Sinh viên và Trao đổi Du học (SEVP) của nguyên đơn”, Thẩm phán liên bang Allison Burroughs ở Massachusetts ngày 23/5 cho hay, đề cập tới Đại học Harvard. SEVP là cơ chế cho phép các đại học tại Mỹ tuyển du học sinh và đào tạo sinh viên nước ngoài có visa du học.

Trước đó, Harvard đã yêu cầu tòa ra lệnh chặn khẩn cấp động thái của Washington, lệnh chặn thường có thời hạn lên đến 14 ngày.

Thẩm phán Burroughs cho biết bà ra quyết định vì Harvard đã chứng minh được rằng họ “sẽ phải chịu tổn thất ngay lập tức và không thể khắc phục” nếu chính phủ được phép thu hồi giấy phép của trường trước khi tòa án có thể xem xét vấn đề.

Nữ thẩm phán lên lịch tổ chức phiên điều trần vào 27 và 29/5 để xem xét các bước tiếp theo trong vụ án. Bà sẽ quyết định có ban hành lệnh cấm sơ bộ hay không. Lệnh này chặn hành động của chính quyền cho đến khi có phán quyết cuối cùng về vụ kiện.

Chính quyền Trump có thể kháng cáo phán quyết của Burroughs.

Khuôn viên Đại học Harvard, thành phố Cambridge, bang Massachusetts, ngày 22/4. Ảnh: AFP
Khuôn viên Đại học Harvard, thành phố Cambridge, tiểu bang Massachusetts, ngày 22/4. Ảnh: AFP

Lệnh của thẩm phán Burroughs mang đến “phao cứu sinh” tạm thời cho hàng nghìn sinh viên quốc tế đang phải đối mặt nguy cơ bị buộc phải chuyển trường. Đại học Harvard mô tả động thái của chính quyền Trump là nhằm trả đũa trường vì từ chối “từ bỏ quyền độc lập về học thuật”.

Burroughs, được bổ nhiệm từ thời ông Obama, là thẩm phán đang xem xét một vụ kiện khác của Harvard nhằm phản đối việc chính quyền ra lệnh đóng băng 2,65 tỷ USD tiền tài trợ liên bang dành cho trường.

Đại học Harvard đã đệ đơn kiện lên tòa liên bang ở Boston, chống lại Bộ An ninh Nội địa, Bộ Tư pháp và Bộ Ngoại giao, cũng như Bộ trưởng An ninh Nội địa Kristi Noem, Bộ trưởng Tư pháp Pam Bondi và Ngoại trưởng Marco Rubio.

“Đây là hành động mới nhất của chính phủ nhằm trả đũa việc Harvard thực hiện quyền trong Tu chính án thứ nhất để từ chối yêu cầu về việc kiểm soát hoạt động quản lý, chương trình giảng dạy và ‘tư tưởng’ của giảng viên và sinh viên”, đơn kiện có đoạn. “Chỉ bằng một nét bút, chính phủ đã tìm cách xóa bỏ 1/4 số sinh viên của Harvard”.

Chủ tịch Đại học Harvard Alan Garber cam kết sẽ đấu tranh cho các sinh viên quốc tế. “Các bạn là bạn học và bạn bè, đồng nghiệp và cố vấn, đối tác của chúng tôi trong công việc”, ông cho biết trong một tuyên bố ngày 23/5. “Nhờ có các bạn, chúng tôi biết nhiều hơn và hiểu nhiều hơn, đất nước và thế giới của chúng tôi được khai sáng và kiên cường hơn. Chúng tôi sẽ hỗ trợ các bạn hết mình để đảm bảo rằng Harvard vẫn mở cửa với thế giới”.

Phản ứng trước động thái từ trường, Trợ lý Bộ trưởng An ninh Nội địa phụ trách các vấn đề công cộng Tricia McLaughlin cho rằng vụ kiện này “nhằm hạn chế quyền hiến định của Tổng thống”.

“Việc các trường đại học được tuyển sinh viên nước ngoài và hưởng lợi từ mức học phí cao hơn nhằm giúp tăng quỹ tài trợ trị giá hàng tỷ USD của họ là một đặc quyền, không phải quyền”, bà nhấn mạnh. “Chính quyền Trump cam kết khôi phục lại tính hợp lý trong hệ thống thị thực du học của chúng ta, không có vụ kiện nào, dù là vụ kiện này hay bất kỳ vụ kiện nào khác, có thể thay đổi điều đó”.

Vũ Hoàng (Theo Reuters, AFP)

Cơn sốc của sinh viên quốc tế ở Harvard

Tâm trạng hoảng loạn, lo lắng bao trùm sinh viên quốc tế ở Đại học Harvard, một số người sợ rằng sẽ không nhận được bằng tốt nghiệp.

Ngay trước khi chính quyền Tổng thống Donald Trump thông báo rút giấy phép tuyển du học sinh của Đại học Harvard, các nhân viên Văn phòng Quốc tế của trường đã gặp gỡ các sinh viên sắp tốt nghiệp thuộc Trường Harvard Kennedy, chúc mừng họ hoàn thành chương trình học giữa lúc trường đối mặt nhiều hỗn loạn gần đây.

Vài phút sau khi cuộc gặp kết thúc, tin tức về thông báo mới của Washington dồn dập báo về điện thoại của các sinh viên. Với quyết định thu hồi giấy phép Chương trình Sinh viên và Trao đổi Du học (SEVP) của Đại học Harvard, bằng cấp và tương lai của hàng nghìn sinh viên trở nên bấp bênh.

“Có rất nhiều sinh viên từ khắp nơi trên thế giới tới Harvard để biến nơi này trở nên tốt đẹp hơn, thay đổi nước Mỹ và giúp quê hương của họ tốt hơn. Nhưng giờ tất cả mong muốn này đều có nguy cơ tan vỡ, điều đó khiến tôi rất đau khổ”, Karl Molden, sinh viên Áo vừa hoàn thành năm thứ hai tại Đại học Harvard, nói.

Bộ An ninh Nội địa Mỹ (DHS) ngày 22/5 thu hồi giấy phép Chương trình Sinh viên và Trao đổi Du học (SEVP) của Đại học Harvard. SEVP là cơ chế cho phép các đại học tại Mỹ tuyển du học sinh và đào tạo sinh viên nước ngoài có visa du học. DHS nói rằng Harvard “không thể tiếp nhận sinh viên quốc tế và các du học sinh hiện tại phải chuyển đi hoặc mất tình trạng cư trú hợp pháp”.

Harvard đã đệ đơn kiện chính quyền. Trong đơn kiện gửi lên tòa án liên bang ở Boston ngày 23/5, Harvard mô tả động thái từ chính quyền “vi phạm trắng trợn” hiến pháp Mỹ và các luật liên bang khác, đồng thời “gây ảnh hưởng ngay lập tức và nghiêm trọng” tới trường cũng như các sinh viên có thị thực hợp pháp.

Harvard cũng xin lệnh chặn tạm thời, tức là yêu cầu thẩm phán ngay lập tức chặn lệnh của Bộ trưởng An ninh Nội địa Kristi Noem. Lệnh này đã được đưa ra nhưng chỉ có thời hạn tối đa là hai tuần.

Sinh viên, giảng viên Đại học Harvard biểu tình tại thành phố Cambridge, bang Massachusetts, Mỹ ngày 17/1. Ảnh: AP
Sinh viên, giảng viên Đại học Harvard biểu tình tại thành phố Cambridge, tiểu bang Massachusetts, Mỹ ngày 17/1. Ảnh: AP

Harvard có gần 6.800 sinh viên quốc tế, chiếm hơn 27% tổng sinh viên của trường. Tại Trường Kennedy, 59% sinh viên đến từ ngoài nước Mỹ. Sinh viên quốc tế chiếm 40% số lượng tuyển sinh tại Trường Y tế Công cộng T.H. Chan và 35% tại Trường Kinh doanh Harvard.

Bởi sinh viên quốc tế không đủ điều kiện nhận hỗ trợ tài chính liên bang và thường trả nhiều tiền hơn để theo học tại Harvard, họ đóng góp phần doanh thu đáng kể cho trường.

“Điều này sẽ phá hủy đại học mà chúng ta đã biết”, Kirsten Weld, giáo sư chuyên về lịch sử Mỹ Latin và là chủ tịch chi hội Harvard của Hiệp hội Giáo sư Đại học Mỹ, nói. “Harvard nằm ở Mỹ, nhưng sinh viên và giảng viên của trường đến từ khắp nơi trên thế giới. Đó là nền tảng cho công việc và sứ mệnh của cơ sở giáo dục này”.

Tâm trạng lo sợ và bối rối bao trùm sinh viên quốc tế tại Harvard. Sarah Davis, sinh viên Trường Harvard Kennedy đến từ Úc và dự kiến tốt nghiệp tuần tới, không chắc mình sẽ nhận được bằng thạc sĩ nếu thị thực không còn hợp lệ. Ngay cả khi nhận được bằng, Davis cho biết cô khó có khả năng được ở lại Mỹ làm việc.

“Thật đáng thất vọng khi những điều mà bạn cố gắng đạt được bị lấy đi ngay lập tức và đối mặt tình trạng bấp bênh”, cô nói.

Davis còn lo sợ rằng ngay cả khi nhận được bằng, cô cũng không được ở lại Mỹ để làm công việc sau đại học mà cô đã được nhận. Cô cần được Harvard bảo trợ theo chương trình Đào tạo Thực hành Tùy chọn của chính phủ, cho phép các trường đại học tài trợ thị thực cho sinh viên quốc tế trong thời gian tối đa là ba năm sau khi họ tốt nghiệp.

Sinh viên Áo Molden cho biết học tập tại Harvard là “điều tuyệt vời” đối với anh, nhưng giờ “tôi thực sự không thể tin chuyện này đang xảy ra”.

Giống như Molden, Leo Gerden, sinh viên năm cuối của Harvard đến từ Thụy Điển, cũng từng xem ngày nhận được thư chấp nhận vào trường là ngày hạnh phúc nhất trong đời. Anh sẽ tốt nghiệp vào tuần tới và cảm thấy buồn về những gì đang xảy ra với ngôi trường này.

“Hãy tưởng tượng bạn là sinh viên năm nhất sắp vào trường. Bây giờ tin tức đến và bạn đối mặt nguy cơ không thể đến đó học. Điều đó chắc hẳn rất đau lòng”, Gerden nói.

Zilin Ma là nghiên cứu sinh Trung Quốc đã dành 10 năm theo đuổi nền giáo dục ở Mỹ và chuẩn bị tốt nghiệp vào cuối tuần này. “Chúng tôi giờ trong trạng thái hoảng loạn vì tin tức mới. Chúng tôi đang chờ đợi xem điều gì sẽ xảy ra”, anh nói.

Công việc gần đây nhất của Zilin tại Harvard là nghiên cứu hỗ trợ đàm phán nhân đạo ở các nước đang phát triển. “Chính quyền ông Trump nghĩ rằng chúng tôi không phải tài sản quý giá đối với đất nước này. Tôi không biết phải nói gì. Thật đáng tiếc và thất vọng”, anh nói.

Sinh viên năm nhất Alfred Williamson, 20 tuổi, đến từ xứ Wales, cho biết anh và nhiều bạn bè đã bắt đầu nghĩ tới việc chuyển sang các đại học khác. “Tôi nhắn tin cho một người bạn từ Anh, hỏi rằng liệu chúng tôi có thể chuyển đến Oxford hay Cambridge hay không. Mọi người đang cân nhắc nghiêm túc điều này”, anh nói.

Tuy nhiên, họ vẫn cảm thấy choáng váng với viễn cảnh đến một nơi khác, bởi họ đã đầu tư rất nhiều vào đại học danh tiếng này của Mỹ. Williamson cho biết mọi người đều “hoảng sợ và không ai biết phải làm gì”.

Một góc khuôn viên Đại học Harvard, ở Cambridge, Mỹ hồi tháng 1/2024. Ảnh: AP
Một góc khuôn viên Đại học Harvard, ở Cambridge, Mỹ hồi tháng 1/2024. Ảnh: AP

“Nhìn giấc mơ của tôi và những người bạn quốc tế biến thành cơn ác mộng là một trong những trải nghiệm khó khăn nhất cuộc đời. Ý nghĩ rời khỏi cộng đồng Harvard, nơi tôi cảm giác gần như là nhà, là điều thật khó tưởng tượng”, Ella Ricketts, sinh viên năm nhất đến từ Canada, cho hay.

“Nhiều người chúng tôi đến Mỹ học vì ở đây có hệ thống đại học tốt nhất thế giới, nhưng chính sách này có thể phá hủy điều đó”, Jose Ignacio Llodra, sinh viên Chile dự kiến tốt nghiệp Trường Harvard Kennedy vào tuần tới, nói.

Một số sinh viên bày tỏ tự tin rằng Harvard sẽ đấu tranh để bảo vệ họ. Trong khi đó, một số khác chỉ đơn giản là thất vọng khi bị cuốn vào vòng xoáy căng thẳng.

“Chúng tôi đang bị sử dụng như những quân cờ trong ván đấu mà mình không thể kiểm soát”, Williamson nói.

Thùy Lâm (Theo Reuters, AFP, CBS News)

Related posts