Vài cảm nghĩ sau khi đọc qua một bài viết về Hồ Chí Minh

Trong trang web lề phải “Văn Hóa Nghệ An” (VHNA) vào hôm thứ Ba 28/5/2019 có đăng bài viết “Hồ Chí Minh gặp Stalin năm 1950”, ký tên Văn Hóa Nghệ An.

Phần chính yếu của bài viết này là dịch lại một đoạn trong cuốn “Trải nghiệm tám năm ở Bộ Ngoại giao” của ông Ngũ Tu Quyền nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại Giao Trung Quốc kể lại buổi phái đoàn ngoại giao Trung Quốc chiêu đãi các quan chức cao cấp của Liên Sô tại Moscow ngày 15/2/1950 sau khi hai nước ký Hiệp Ước Tương Trợ có sự hiện diện của Hồ Chí Minh.

Lời mở đầu của VHNA như sau: “Tạp chí Triển vọng, tiếng Trung Quốc, xuất bản tại Hong Kong, số 511 tháng 11 năm 1983 có đăng một bài trích trong cuốn “Trải nghiệm tám năm ở Bộ Ngoại giao” của ông Ngũ Tu Quyền nguyên Thứ trưởng Bộ này. Bài này viết về việc Liên Xô và Trung Quốc ký kết Hiệp ước Hữu hảo đồng minh tương trợ Liên Xô – Trung Quốc ngày 15/2/1950 tại Moskva, sau đó phía Trung Quốc tổ chức buổi chiêu đãi toàn bộ quan chức cấp cao Liên Xô. Chủ tịch Hồ Chí Minh được Chủ tịch Mao Trạch Đông mời tới dự chiêu đãi, ngồi cùng bàn với Stalin, Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai. Nay xin trích dịch nguyên văn đoạn nói về mấy câu đối thoại giữa Hồ Chí Minh với Stalin tại bữa chiêu đãi nói trên.”

Đoạn văn trên cho chúng ta thấy gì?

Không thể là một sự tình cờ Hồ Chí Minh được Mao Trạch Đông mời đến ngồi chung bàn để giới thiệu với Stalin. Đây là chuyện đại sự được giới lãnh đạo Trung Quốc (có thể cả Liên Sô) sắp xếp trước để dùng Hồ Chí Minh như một tay sai thực hiện tham vọng của họ.

Lịch sử đã chứng minh cho thấy là Mao Trạch Đông và Stalin đã chọn không lầm người.

Thật tình tôi không hiểu tại sao trang web “VHNA” đăng bài này, với mục đích gì?

Để lấy điểm với cấp trên hay thật tình muốn đề cao nhân vật Hồ Chí Minh. Quá vô lý, bởi vì VHNA, là một trong những trang web lề huy tụ nhiều bài viết giá trị, cam đảm khi dám đăng nhiều bài viết rất “phản động”.

Hay BBT có thâm ý đã phá thần tượng Hồ Chí Minh trong lúc có một nhóm người trong nước đang tâng bốc nhân vật này lên ngang hàng với Đức Phật.

Phần sau lá thư của Ngũ Tu Quyền viết như sau:  

“Hôm ấy lãnh tụ Việt Nam là đồng chí Hồ Chí Minh đang ở Moskva cũng tới dự buổi chiêu đãi. Trong bữa tiệc, khi Hồ Chí Minh hỏi Stalin là đồng chí có chỉ thị gì cho tôi không thì Stalin tươi cười trả lời: “Sao tôi có thể chỉ thị cho đồng chí được nhỉ? Đồng chí là ‘Tổng thống’ rồi, làm quan còn to hơn cả tôi nữa kia mà.” [Stalin là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, tương đương Thủ tướng. Hồ Chí Minh là Chủ tịch nước, tương đương Tổng thống].

Hồ Chí Minh lại nửa đùa nửa thật nói với Stalin: “Các đồng chí đã ký kết Hiệp ước Hữu hảo đồng minh tương trợ với Trung Quốc rồi. Nhân dịp tôi đang ở đây, chúng ta [Liên Xô và Việt Nam] có thể ký một hiệp ước tương tự được không ạ?”

Vì lần này Hồ Chí Minh bí mật đến Liên Xô nên Stalin nói: “Thế thì người ta sẽ hỏi đồng chí từ đâu bỗng dưng xuất hiện ở đây thế nhỉ?”. Hồ Chí Minh nói: “Chuyện ấy dễ giải quyết thôi. Đề nghị phía Liên Xô cho một chiếc máy bay đưa tôi lên trời bay một vòng rồi bảo người ra sân bay đón tôi, sau đó đăng tin lên báo, chẳng phải là xong đấy ư?”

Stalin cười: “Đây thật là đầu óc tưởng tượng chỉ người phương Đông các đồng chí mới có mà thôi!” Stalin lúc ấy thật hiền từ dễ gần…”. 

Chúng tôi không đọc được bản gốc tiếng Hoa của tác giả Ngũ Tu Quyền, cho nên không biết được mức độ chính xác của đoạn văn trên.

Tuy nhiên có vài chi tiết sai và vô lý trong đoạn văn trên:

1/ Ghi chú của BBT Văn Hóa Nghệ An: “Stalin là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, tương đương Thủ tướng. Hồ Chí Minh là Chủ tịch nước, tương đương Tổng thống.” không đúng.

Trong suốt thời gian Stalin nắm quyền từ năm 1924 cho đến khi qua đời vào năm 1953, ngoại trừ một hai năm đầu, quyền hành của Stalin luôn luôn tuyệt đối, bởi vì Stalin là con người rất đa nghi, không tin bất cứ ai ngay cả vợ và con (thản nhiên khi người vợ tự tử chết và người con trai chết trong tại tù của Đức Quốc Xã).

Vào thời điểm 1950, Stalin kiêm hai chức vụ: Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Liên Sô và Chủ Tịch Hội Đồng Bộ Trưởng (tương đương Thủ Tướng). Nhưng chức Chủ Tịch Hội Đồng Bộ Trưởng chỉ có tính cách tượng trưng, quyền hành nằm ở chức Tổng Bí Thư. (Following Joseph Stalin‘s consolidation of power in the 1920s, the post of the General Secretary of the Central Committee of the Communist Party became synonymous with leader of the Soviet Union because the post controlled both the Communist Party and the Soviet government)  (1). (Sau khi Joseph Stalin cũng cố quyền hành vào thập niên 1920s, chức vụ Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Sô Viết đồng nghĩa với lãnh đạo đất nước Sô Viết, bởi vì chức vụ này nắm quyền cả đảng Cộng Sản lẫn Chính phủ).

2/ Tại sao Stalin gọi Hồ Chí Minh là “Tổng Thống” mà không là “Chủ Tịch”. Chế độ Cộng Sản không có chức “Tổng Thống”, hay là Stalin mỉa mai!.

3/ Chính quyền CSVN vẻ ra nhiều huyền thoại để thần thánh hóa Hồ Chí Minh, trong đó có giai thoại này trong bài viết và sách vở báo chí trong nước cũng nhắc đến nhiều:

“Vì lần này Hồ Chí Minh bí mật đến Liên Xô nên Stalin nói: “Thế thì người ta sẽ hỏi đồng chí từ đâu bỗng dưng xuất hiện ở đây thế nhỉ?”. Hồ Chí Minh nói: “Chuyện ấy dễ giải quyết thôi. Đề nghị phía Liên Xô cho một chiếc máy bay đưa tôi lên trời bay một vòng rồi bảo người ra sân bay đón tôi, sau đó đăng tin lên báo, chẳng phải là xong đấy ư?”

Nên nhớ buổi gặp giữa phái đoàn Trung Quốc và Liên Sô là buổi gặp chính thức không phải là buổi đấu trí tưởng tượng như xứ giả của ta đi Tàu thời phong kiến. Hơn nữa Stalin nổi tiếng là con người sắt máu, nghiêm trang, không hề biết đùa giỡn nhất là trong quan hệ ngoại giao. Quyền hành của Stalin lúc đó là tuyệt đối, không có đối lập, không có ai được quyền chất vấn, không có dư luận, không có báo chí… tại sao cần phải đóng kịch để đăng báo!.

Người Cộng Sản vẻ ra chuyện này để huyền thoại HCM một cách hết sức vụng về và vớ vẩn.

Và cho dù có thật chăng nữa thì chẳng có gì đáng phải khoe khoang, tự hào. Đáng lý ra phải che giấu nếu người CSVN còn có chút sĩ diện và tự ái dân tộc. Những mánh khóe, tiểu xảo kiểu Hồ Chí Minh chỉ dành cho thành phần bá đạo chớ không phải là cách hành xử của một chính khách coi trọng thể diện quốc gia.

Cuối cùng là lời “khen” của Stalin: “Đây thật là đầu óc tưởng tượng chỉ người phương Đông các đồng chí mới có mà thôi!”, Hồ Chí Minh và đảng CSVN xem như niềm tự hào, nhưng một người phương Đông tự trong phải cúi mặt vì “lời khen” này.

Phần cuối cũng là phần quan trọng nhất của bài viết, đăng lại lá thư của Hồ Chí Minh gởi cho Stalin ngày 30/10/1952.

Phần trên của bài viết có thể có nhiều điều không đúng sự thật nhưng lá thư của Hồ Chí Minh gởi cho Stalin hoàn toàn thật vì lá thư này đã được phổ biến trong nước từ nhiều năm qua và trong bài viết này có photocopy lại bản gốc viết tay của Hồ Chí Minh bằng tiếng Nga.

Bản dịch bức thư trên

Đồng chí I. V. Stalin kính mến

Tôi đã bắt đầu soạn thảo đề án chương trình ruộng đất của Đảng Lao Động Việt Nam, bản đề án ấy sẽ được đệ trình đồng chí muộn một chút.

Tôi xin gửi tới đồng chí các yêu cầu dưới đây, hy vọng nhận được chỉ thị của đồng chí về các yêu cầu đó:

1. Biệt phái một hoặc hai đồng chí Liên Xô đến Việt Nam để tìm hiểu và nghiên cứu tình hình nơi ấy. Nếu các đồng chí đó biết tiếng Pháp thì họ có thể giao tiếp với nhiều người. Từ Bắc Kinh tới chỗ chúng tôi cần khoảng 10 ngày đi đường.
2. Nên chăng chúng tôi có thể gửi 50-100 học sinh đã có trình độ văn hóa lớp 9 ở Việt Nam tới Liên Xô để học tập, trong số họ có người là đảng viên và không đảng viên, độ tuổi của họ từ 17 đến 22. Đồng chí đồng ý về vấn đề này chứ ạ?
3. Chúng tôi muốn nhận từ các đồng chí 10 tấn thuốc Ký ninh trong một năm để dùng cho quân đội và dân chúng, có nghĩa là 5 tấn trong mỗi nửa năm.
4. Chúng tôi cần những loại vũ khí sau:
     (a) Pháo phòng không 37 mm cho 4 trung đoàn, tất cả là 144 khẩu và 10 cơ số đạn cho mỗi khẩu pháo.
     (b) Pháo dã chiến 76,2 mm cho hai trung đoàn, tất cả 72 khẩu và 10 cơ số đạn cho mỗi khẩu.
     (c) Súng máy phòng không 12,7 mm – 200 khẩu và 10 cơ số đạn cho mỗi khẩu.

Sau khi nhận chỉ thị của đồng chí về những vấn đề trên, tôi dự định sẽ rời khỏi Moskva vào ngày 8 hoặc 9 tháng 11.
Gửi đồng chí lời chào cộng sản và lời chúc tốt đẹp nhất!

                                                                                   Hồ Chí Minh
                                                                      Ngày 30 tháng Mười năm 1952
                                                                 

                                                              [đã ký tên bằng tiếng Nga và chữ Hán]

Lá thư Hồ Chí Minh gởi cho Stalin ngày 30 tháng 10, 1952 (hình của VHNA)

Tại sao tác giả ký tên bằng tiếng Nga và tiếng Hán mà không bằng tiếng Việt? Hay tác giả xác nhận mình là một người Cộng Sản Quốc Tế, không phải người Việt Nam!

Đọc qua lá thư này chúng ta thấy gì?  Có phải định mệnh của đất nước Việt Nam trông chờ vào “chỉ thị của đồng chí” Stalin.

Một người Việt Nam có chút danh dự và tự ái dân tộc cảm thấy xót xa và xấu hổ sau khi đọc qua lá thư này.

Không có thân phận nhược tiểu nào buộc chúng ta phải chấp nhận làm tay sai cho ngoại bang một cách thấp hèn như thế.

Trong lịch sử thế giới có nhiều lãnh đạo làm tay sai cho ngoại bang nhưng có lẽ chưa có ai chấp nhận làm tay sai một cách lộ liễu như Hồ Chí Minh.

Ngày nay khi nói đến bản chất tay sai bán nước của người CSVN, người ta thường đổ hết mọi tội lỗi lên nhân vật Lê Duẫn qua câu nói “Ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Sô, Trung Quốc”, hay Phạm Văn Đồng qua Thông Hàm năm 1958 hay Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười qua Hội Nghị Thành Đô năm 1990…

Thật ra thì tội lỗi của những người này đối với đất nước Việt Nam chẳng thấm đâu so với Hồ Chí Minh, họ chỉ là những kẻ thừa hành, tiếp nối một phần di sản của Hồ Chí Minh.

Câu nói “Ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Sô, Trung Quốc” xứng đánh với Hồ Chí Minh hơn là với Lê Duẫn. Ngay từ đầu thập niên 1920s, Hồ Chí Minh đã từng đứng tuyên thệ dưới lá cờ Búa Liềm của Quốc Tế Cộng Sản nguyện mang lá cờ này đi khắp thế gian và cho đến cuối đời ông vẫn trung thành với lời hứa này.

Ta trách Phạm Văn Đồng ký Thông Hàm công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với hai hải đảo Hoàng Sa và Trường Sa vào năm 1958, nhưng nên nhớ là vào thời điểm 1958 Hồ Chí Minh đang ở tột đỉnh quyền lực với chức vụ “Chủ Tịch Đảng”, mọi quyết định đều do ở ông, chức vụ Thủ tướng của Phạm Văn Đồng chỉ để tô sơn điểm phấn cho Đảng.

Ta đổ tội cho Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười… ký Hiệp Ước Thành Đô vào năm 1990 với nhiều điều bí ẩn không dám tiết lộ, nhưng đừng quên là trong suốt thời gian lãnh đạo, Hồ Chí Minh đã ký không phải một mà nhiều hiệp ước tương tự với đảng Cộng Sản Trung Quốc sau mỗi lần nhận viện trợ và những tài liệu đó là bí mật quốc gia, không ai được biết.

Nói tóm lại, từ khi tuyên thệ trở thành người Cộng Sản Quốc Tế cho đến khi lìa đời, Hồ Chí Minh luôn luôn hành xử như một đảng viên Cộng Sản gương mẫu, không gia đình không tổ quốc. Quốc gia, dân tộc chỉ là phương tiện cho “Nghĩa Vụ Quốc Tế”.  Ông không bao giờ che giấu điều đó. Trong suốt thời gian lãnh đạo ông đã thản nhiên để cho Cộng sản ngoại bang quyết định vận mệnh của đất nước, từ cuộc chiến Điện Biên Phủ, cho đến Hiệp Định Geneve, cho đến Cải Cách Ruộng Đất, và cuối cùng bằng mọi giá phải hoàn thành nghĩa vụ quốc tế nhuộm đỏ Miền Nam “dù hy sinh lớn tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn”…

Cho đến cuối đời ông không muốn đi gặp cha mẹ, ông bà tổ tiên mà muốn “đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị anh hùng cách mạng đàn anh khác”, nghĩa là cho dù ở bên kia thế giới ông vẫn muốn tiếp tục làm người Cộng Sản Quốc Tế.

Bi kịch của đất nước hôm nay và hiểm họa mất nước cận kề, người phải chịu trách nhiệm lớn nhất là Hồ Chí Minh, đó là nói theo cái nhìn của chúng ta. Bên kia thế giới có lẽ ông đang mãn nguyện mỉm cười vì sứ mệnh sắp hoàn thành “mission nearly completed”.

Người đáng trách là chúng ta, những người mang dòng máu, tim óc Việt Nam nhưng ngu muội, chớ không phải là Hồ Chí Minh. Chúng ta không thể trách hay đòi hỏi một người như Hồ Chí Minh phải hy sinh trung thành với một đất nước mà ông đã công khai chối bỏ cội nguồn, gia đình, tổ quốc.

Đáng trách là chúng ta chớ không phải Hồ Chí Minh, vì trong suốt một thời gian dài chúng ta đã nuôi ủng hộ, nuôi dưỡng, thần tượng con người đó… và đáng trách hơn nữa là nhiều lần đứng trước những khúc quanh của lịch sử khi phải chọn lựa giữa Hồ Chí Minh và những người yêu nước thật sự, chúng ta đã chọn Hồ Chí Minh và đưa ông lên tột đỉnh danh vọng. Và bi kịch của đất ngày hôm nay là cái giá trả cho cái chọn lựa đó.

Mặc dầu với phương diện truyền thông như ngày hôm nay, chứng cớ tràn ngập, nhiều người Việt Nam vẫn còn thần tượng con người đó, vẫn coi đó là mẫu người yêu nước, thanh liêm – “Hồ Chí Minh luôn luôn đúng, chỉ có cấp dưới thi hành sai, cho nên đất nước mới ra nông nỗi này…”.

Quỳ lạy mỗi ngày chưa đủ, nay một số người còn muốn đưa ông lên ngang hàng với Đức Phật.

Thật hết ý! Không biết phải cần thêm bao nhiêu chứng cớ nữa mới đủ để làm cho người Việt thức tỉnh!   

Phạm Hoài Nam

Sydney 31/5/2019

Ghi chú:

(1) Joseph Stalin 
https://en.wikipedia.org/wiki/Joseph_Stalin                       

Related posts