Đầu tháng Sáu năm ngoái 2018, một cuộc biểu tình lớn và đồng loạt nổ ra khắp nơi tại Việt Nam thu hút được sự tham dự của đông đảo người dân.
Sự vụ bắt đầu chuyển động với những bài phát biểu, bày tỏ quan điểm phản kháng xuất hiện ồ ạt trên các mạng xã hội (facebook, twitter) khi nhà cầm quyền CSVN đưa ra Quốc Hội thảo luận thông qua Dự luật An ninh Mạng và Dự luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt, trong đó quy định cho nhà đầu tư ngoại quốc thuê đất trong 99 năm (không phân biệt quốc tịch của nhà đầu tư) khiến người dân đồng lòng lo ngại dự luật đó chỉ là thủ đoạn để giao đất cho Trung Cộng khai thác trong 99 năm (theo kiểu nhượng địa, tô giới trước kia).
Mặc dù các quan chức nhà nước CSVN cố biện bạch, lập luận rằng “dự luật về các đặc khu kinh tế không có một chữ nào nói về Trung Quốc” và chụp mũ “ đó chỉ là một số người cố tình hiểu sai để gây phong trào chống đối, chia rẽ quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc.”
Các cuộc biểu tình cũng nhằm phản đối ý định của nhà nước CSVN thông qua bộ luật mang tên Luật An ninh mạng, trong đó cho phép Bộ Công An có thẩm quyền quá lớn trong việc điều tra, giám sát thông tin trên mạng.
Ngày 10/6/2018, hàng ngàn người dân tại một số địa phương như Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Thuận, Nha Trang, Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu và Sài Gòn, cũng như nhiều giáo xứ tại Nghệ An, Hà Tĩnh đã kéo nhau xuống đường biểu tình phản đối Dự thảo Luật Đặc khu Kinh tế và Dự thảo Luật An ninh mạng.
Cuộc biểu tình tại Sài Gòn là đông đảo và rầm rộ nhất. Theo các tin không được kiểm chứng, khoảng 2000 người đã tập trung biểu tình tại Quận 1, hàng trăm người trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (tức Công Lý (quận 3), chân cầu vượt Cộng Hòa – Hoàng Văn Thụ và quanh Công viên Hoàng Văn Thụ (giáp ranh quận Phú Nhuận và quận Tân Bình). Đám đông ở Hà Nội ít hơn chỉ khoảng 40 hay 50 người.
Tỉnh Bình Thuận là địa điểm căng thẳng nhất với cuộc biểu tình kéo dài trong cả 2 ngày 10 và 11/6.
Ngày 10/6 người dân Bình Thuận đã xô ngã cổng và tràn vào trụ sở UBND tỉnh Bình Thuận. Công an vòi rồng, hơi cay cố đẩy lùi đám đông nhưng bất thành. Đến chiều, người dân giận dữ dùng gạch đá tấn công Công An, dùng bom xăng đốt cháy cổng và một số xe cộ trong trụ sở.
Trưa ngày 11/6, người dân Bình Thuận tiếp tục biểu tình trên Quốc lộ 1, khu vực ngã 3 Cầu Nam, thuộc huyện Tuy Phong, người dân chặn xe, ném đá, tấn công công an, dồn lực lượng cảnh sát cơ động vào bên trong văn phòng, nhiều cảnh sát sợ hãi phải cởi bỏ quân phục xin đám đông khoan hồng. Toàn bộ trụ sở của Cảnh sát Cứu Hỏa bị phá hủy.
Khi nổ ra đợt biểu tình ngày 10 và 11/6/2018, CSVN mở cuộc đàn áp ồ ạt và bắt giữ rất nhiều người, nhất là ở Sai Gon và Bình Thuận. Hàng trăm người, đa số là giới trẻ và phụ nữ, bị đánh, bị bắt và tiếp tục bị hỏi cung nhiều ngày. Sau đó một số lớn bị truy tố với tội danh “chống đối nhà nước và gây rối loạn, phá hoại trật tự”. Đặc biệt, khác với những cuộc bi ểu tình chống đối Trung Cộng đưa giàn khoan vào hải phận Việt nam hay vụ phản kháng nhà máy Formosa tại Nghệ An gây ô nhiễm môi trường nặng nề, số người bị bắt trogn đợt biểu tình tháng Sáu 2018 đa số là người lao động bình thường và trẻ tuổi. CSVN sau đó đã lần lượt đưa những người bị bắt ra Tòa và áp đặt những bản án nặng nề.
Tiếp theo sau đó, ngày 12/6/2018, Quốc hội CSVN thông qua Luật an ninh mạng
Người dân Việt Nam lo ngại, mục đích CSVN cho ra đời Luật An ninh mạng chỉ nhằm để kiểm soát, giám sát chặt chẽ phương tiện truyền thông đại chúng càng ngày càng có ảnh hưởng sâu rộng trong nước là các mạng xã hội như facebook, twitter, như kinh nghiệm mà nhà cầm quyền đã thấy về ảnh hưởng quảng bá sâu rộng và nhanh chóng của facebook.
Cuộc biểu tình tháng Sáu 2018 của người dân trong nước tuy bị đàn áp thô bạo và người biểu tình bị trả thù nặng nề nhưng trong năm qua tiếng nói của lòng dân vẫn chưa bị dập tắt.
Sự phẫn nộ của người dân trong nước trước những tin dồn dập liên tục xác định mối lo về hiểm họa Việt Nam sẽ rơi vào vòng nô lệ Trung Cộng, như những đồn đại về Hiệp ước Thành Đô với hạn kỳ sắp đến là năm 2020 càng lúc càng được xác định, cụ thể như việc đàu năm nay Thủ tướng CSVN đã đến khánh thành phi trường Vân Đồn (1 trogn 3 địa điểm được chọn làm đặc khu kinh tế) và ngày 27/5/2019 mới đây, báo chí nhà nước loan báo chính thức “Sân bay Vân đồn đón chuyến bay quốc tế đầu tiên từ Trung Quốc!”
Hồi năm ngoái , trong vòng mấy ngày (từ 8/6 đến ngày10/6/2018) để hưởng ứng và hỗ trợ người dân trong nước nhiều cuộc biểu tình phản đối luật đặc khu và an ninh mạng cũng đã diễn ra ở một số thành phố trên thế giới như ở California (Hoa Kỳ), Đài Loan, Nhật Bản, Úc …
Ngày Thứ Hai tới đây, 10/6/2019 nhiều tổ chức nhóm hoạt động Xã Hội dân sự tại Mỹ, Pháp, Úc Canada cũng sẽ có cuộc xuống đường để thể hiện tìh liên đới với đồng bào.
Dân Việt Nam trong và ngoài nước sẽ làm gì? Một năm trước, chúng ta đã thể hiện sức mạnh, nhiệt huyết, năm nay thì sao? Buông xuôi hay đứng dậy lên tiếng khẳng định ý chí dân Việt không muốn đất nước bị mất về tay đế quốc phương Bắc?
Việt Luận