Người xưa có thành ngữ “vạ miệng” thì người thời nay có “vạ Facebook”. Người xưa có câu ngạn ngữ “Tai vạ do miệng gây ra” thì thời nay tai họa ập đến do người ta “nhiều chuyện” trên Facebook.
Đó là trường hợp của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long khi ông ta dại dột động chạm vào một vấn đề lịch sử đầy nhạy cảm để gây lên phản ứng ngoại giao dữ dội. Sau một tuần im lặng, giả điếc và giả câm, đến đầu tuần này Lý Hiển Long còn đi xa hơn khi áp dụng kế thứ 36 là “tẩu vi thượng sách” khi tuyên bố nghỉ phép, rời bỏ chuyện chính sự một tuần.
Cơ sự bắt đầu ngày 31.5.2019 khi Lý Hiển Long nghe tin về cựu Thủ tướng Thái Lan Prem Tinsulanonda qua đời. Bày tỏ sự thương tiếc trên trang Facebook của mình, Lý Hiển Long ca ngợi ông Tinsulanond như là người đã chống lại “hành động xâm lược Cambodia của Việt Nam” và tích cực “phản đối sự xâm lăng của Việt Nam tại các diễn đàn quốc tế”.
Ngay ngày hôm sau, ông Hun Many – con trai Thủ tướng Hun Sen của Cambodia- phản ứng trên facebook cá nhân của mình, bày tỏ sự kinh ngạc của mình trước ý kiến trên. Theo Hun Many thì trong “3 năm 8 tháng và 20 ngày sống dưới ách thống trị của chế độ diệt chủng Khmer Đỏ, gần 3 triệu người dân vô tội đã chết mà cả thế giới làm ngơ, chỉ có nước láng giềng Việt Nam chìa tay ra cứu người dân Cambodia”.
Sau đó thì sự phản đối lan sang cấp nhà nước. Bộ ngoại giao Cambodia và Việt Nam chính thức lên tiếng phản đối khiến các giới chức hữu trách của Singapore phải vất vả phân trần.
Để hiểu vấn đề này, chúng ta cần nhìn lại câu chuyện Cambodia dưới khía cạnh địa lý – chính trị. Câu chuyện này liên quan đến Khmer Đỏ và để tránh nhầm lẫn, nếu từ “Việt Nam” liên quan đến chính quyền cộng sản, người viết tạm sử dụng cụm từ “Việt Đỏ”, còn Trung Cộng, như là “Trung Hoa Đỏ”, sẽ được gọi là “Trung Đỏ”.
Cambodia: tính toán của Sihaouk
Norodom Sihanouk (1922- 2012) được sách Kỷ lục Guinness ghi nhận là một trong những chính khách giữ nhiều chức tước nhất: hai lần làm vua, hai lần thái tử, một lần chủ tịch nước, hai lần thủ tướng, một lần quốc trưởng cùng nhiều chức vụ trong các chính phủ lưu vong. Tuy nhiên đa phần các chức vụ này chỉ là hình thức. Sihanouk chỉ thực sự nắm quyền lực trong vai trò đức vua, thủ tướng và quốc trưởng từ năm 1953 cho đến năm 1970, lúc bị tay chân tâm phúc Lon Nol truất phế.
Khi Cambodia còn là thuộc địa của Pháp thì Sihanouk sống theo lối ngậm miệng che tai để bảo vệ đặc quyền của mình, bất kể phong trào đòi độc lập bùng nổ tại Cambodia. Đến cuối năm 1952 khi thế của Pháp đã yếu, Sihanouk mới đi đây đi đó vận động ngọai giao, gây áp lực buộc Pháp trả độc lập. Đến ngày 9.11.1953, mệt mỏi vì đang thua trận ở Điện Biên Phủ, Pháp đồng ý trả chủ quyền.
Nắm quyền trong tay Sihanouk bắt đầu ván bài địa lý chính trị. Tin rằng sớm muộn gì thì cộng sản sẽ chiến thắng ở Đông Nam Á, ông vua này thực hành chiến lược đón gió, cố giữ quan hệ “hữu hão” với Trung Cộng và Bắc Việt. Theo tính toán của ông ta thì đó là cách tốt nhất để giải quyết tranh cãi biên giới Việt – Miên với Việt Nam Cộng Hòa (VNCH): sau này Bắc Việt sẽ thắng và sẽ nằm trong quỹ đạo của Trung Quốc, do đó sẽ vâng lời Bắc Kinh.
Vì chủ trương trên nên Sihanouk trở thành cái gai của chính phủ Ngô Đình Diệm. Đầu năm 1959 VNCH ngầm bắt tay với tướng Dap Chhoun mưu tính lật đổ Sihanouk rồi đưa Sơn Ngọc Thành lên thay: khi cuộc đảo chính bùng nổ thì lực lượng VNCH sẽ tiến đến biên giới giúp Dap Chhoun chiếm lĩnh khu vực Đông – Bắc Cambodia. Tuy nhiên kế họach bị bại lộ vì sự chần chừ của Sơn Ngọc Thành, muốn mở mặt trận ở phía Tây và do đó phải cầu viện Thái Lan. Bị lộ, quân đảo chính của Dap Chhoun bị lực lượng phản đảo chính của Lon Nol đánh tan, các gián điệp của Ngô Đình Nhu bị bắt và bị tử hình.
Từ đó Sihanouk càng căm ghét VNCH hơn. Năm 1965, khi Mỹ đưa quân vào Việt Nam, Sihanouk cho Bắc Việt xây dựng căn cứ trên lãnh thổ của mình, cho tàu Trung Đỏ cập cảng của Cambodia, bù lại Trung Quốc sẽ mua gạo của Cambodia với giá cao.
Nhưng Sihanouk không biết rằng Trung Đỏ là con dao hai lưỡi và trò chơi này đã thực sự khiến ông ta đứt tay. Trung Đỏ vừa giúp ông ta nhưng còn giúp Khmer Đỏ nhiều hơn, trong khi đó là lực lượng Cộng sản Maoist hăm he lật đổ chế độ quân chủ của ông ta.
Cả việc cho Bắc Việt xây dựng căn cứ trên Cambodia lại là quyết định giết dân Cambodia vì biến đất này thành mục tiêu oanh kích của máy bay Mỹ cùng các chiến dịch tảo thanh của Quân đội VNCH. Trâu bò húc nhau, dân Cambodia chết, hậu quả là sự căm thù: vì thù Mỹ, thù chế độ Sihanouk, nông dân Cambodia lũ lượt đi theo Khmer Đỏ.
Nhưng đầu tiên chính sách thân Cộng này đã gây bất mãn trong tầng lớp ưu tú của xã hội Cambodia. Ngày 18.3.1970, trong lúc đang ở Pháp, Sihanouk bị đảo chánh. Lúc này Lon Nol – vị tướng đã lên làm thủ tướng – cho quân đội mang xe tăng bao vây Quốc hội, buộc các nghị sĩ tại đây bỏ phiếu phế truất Quốc trưởng Sihanouk, trao quyền lực khẩn cấp cho mình.
Cùng đường Sihanouk đến Bắc Kinh tỵ nạn và được đãi ngộ một cách vương giả và đổi lại, từ năm 1971 ông ta bắt đầu chu du thế giới để kêu gọi sự ủng hộ cho Khmer Đỏ. Khi Khmer Đỏ đánh bại chế độ Lon Nol vào năm 1975 thì Sihanouk trở thành nguyên thủ bù nhìn cho đến lúc từ chức vào ngày 4.4.1976 vì chế độ này quá tàn bạo. Nhưng sau khi Khmer Đỏ bị Việt Nam đánh tan vào năm 1978, Sihanouk lại tiếp tục đến trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York để vận động cho Khmer Đỏ và kêu gọi Liên Hiệp Quốc gửi quân đến Cambodia tấn công quân Việt Nam.
Lúc này, tương tự Sihanouk trước đây, Thái Lan mở cửa để cho tàn quân Khmer Đỏ lập căn cứ trên đất mình để chống lại quân đội Việt Nam và “chính phủ bù nhìn Heng Samrin.”.
Khmer Đỏ cũng nhận được sự ủng hộ hết mình của Singapore.
Tính toán của Thái Lan và Singapore
Thái độ của Thái Lan và Singapore là điều dễ hiểu và là điều “bình thường” xét trên khía cạnh địa lý chính trị. Trong chính trị thì người ta dẹp bỏ yếu tố đạo đức qua một bên mà phải xem xét quyền lợi cũng như yếu tố an ninh lên hàng đầu.
Trong suốt thập niên 1960 và 1970 Tây phương luôn báo động về hiểm họa “Cộng sản Á châu” với niềm tin tuyệt đối vào Học thuyết Domino: Trật tự thế giới cũng như một hãy bài domino dựng dứng xếp kề nhau, một nước bị đổ thì sẽ kéo theo một loạt những nước khác.
Tháng Ba năm 1975 Khmer Đỏ tiến vào Nam Vang cắm cờ cộng sản. Cuối tháng Tư 1975 quân Việt Đỏ tiến vào Sài Gòn cắm cờ cộng sản. Trong “niềm tin domino” nói trên, cả Singapore và Thái Lan đều ngồi trên đống lửa, đặc biệt là Thái Lan, là nước có chung biên giới với Cambodia, cũng đang vất vả đối phó với phong trào du kích Maoist do Trung Đỏ tài trợ ở vùng miền núi.
Nhưng sau đó thì hai “anh em cộng sản” Khmer Đỏ và Việt Đỏ chính thức trở thành kẻ thủ của nhau và đây là cơ hội của Thái và Singapore, như hai láng giềng gần và xa.
Trong lịch sử, Thái Lan chưa hề trở thành thuộc địa của nước Tây phương nào nhờ vào vai trò “vùng đệm an tòan”: Anh đã chiếm Miến Điện, Pháp đã chiếm “ba xứ Đông Dương”, và hai thế lực thực dân này không muốn “đụng” nhau nên đã bắt tay nhau, đồng ý “tha” cho Thái Lan, xem như vùng đệm an toàn.
Hơn thế nữa, trong suốt một thời gian dài dưới thời nhà Nguyễn, Cambodia đã trở thành vùng đất tranh giành ảnh hưởng giữa Việt Nam và Thái Lan (Xiêm La) như là hai “tiểu bá” của khu vực. Việt Nam mạnh, Cambodia theo Việt chống lại Thái Lan, Việt Nam yếu thì Cambodia lại “xoay trục Xiêm La”.
Việt và Thái nước nào cũng xem Cambodia như là con mồi, là thuộc địa hay vùng đệm an toàn.
Trong thế cuộc của năm 1979 khi Khmer Đỏ bỏ chạy tán loạn trước sức tiến công của bộ độ Việt Đỏ, giải pháp tối ưu của Thái Lan là phải duy trì Cambodia như là vùng đệm an toàn cho mình: thà là bỏ ra chút tiền, chút đất ra để giúp Khmer Đỏ đánh nhau với Việt Đỏ trên đất Cambodia, xét ra vẫn “lợi” hơn rất nhiều lần nếu khoanh tay chờ ngày Việt Đỏ áp sát biên giới thì mới động quân.
Singapore cũng vậy, muốn duy trì sự ổn định của mình thì phải đẩy chiến tranh lùi xa. Nếu Thái Lan dùng tàn quân Khmer Đỏ để bảo vệ biên giới của mình thì Singapore muốn ngăn chặn bước tiến của Cộng sản Á châu từ xa, bên kia biên giới Thái Lan. Do đó chẳng có gì lạ khi Singapore vượt qua những vấn đề đạo đức để trở thành là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên đề nghị viện trợ quân sự cho lực lượng Khmer Đỏ khét tiếng man rợ…
Trung Hoa Đỏ và Khmer Đỏ
Khmer Đỏ là sản phẩm của Trung Đỏ. Để hiểu quan hệ giữa Khmer Đỏ với Việt Đỏ, cần xem xét quan hệ giữa Việt Đỏ và Trung Đỏ.
Thập niên 1960, khi Liên Xô theo đường lối “chung sống hòa bình” với Mỹ thì phe chủ chiến thắng thế tại Việt Đỏ là Lê Duẫn và Lê Đức Thọ chủ trương theo đường lối hiếu chiến của Trung Cộng. Chính vì thế Trung Cộng tích cực viện trợ để Việt Đỏ phát động chiến tranh tại miền Nam. Nhưng Trung Đỏ chỉ muốn Việt Nam đóng vai trò “phên dậu” cho mình, muốn Việt Nam mãi mãi suy yếu trong cảnh bị chia cắt và tương tàn, do đó chỉ viện trợ đủ để Việt Đỏ tiến hành cuộc chiến du kích, gọi là “trường kỳ mai phục”. Mặt khác, Mao Trạch Đông còn lấp lửng tuyên bố “Nếu ngươi không đụng đến ta thì ta không đụng đến ngươi”, ngụ ý sẽ không hành động nếu Mỹ không đưa quân tiến vào hay cho máy bay dội bom và lãnh thổ Trung Quốc, chính vì lời này mà Mỹ càng dạn tay trong việc oanh tạc miền Bắc.
Năm 1969 Việt Đỏ cử phái đoàn sang Paris để đàm phán với Mỹ thì Trung Đỏ cắt giảm 20% viện trợ: Việt Đỏ mà thỏa hiệp với Mỹ thì cái phên dậu an toàn này sẽ không còn.
Năm 1972 Tổng thống Mỹ Richard Nixon cùng Mao ký Tuyên bố chung Thượng Hải, đặt nền móng cho liên minh chiến lược chống lại Liên Xô, việc này khiến Việt Nam và Liên Xô xích lại gần nhau hơn.
Khi Việt Đỏ ký kết Hiệp định Paris với Mỹ vào 1973 thì Trung Quốc càng giận dữ và tiến tới việc cắt viện trợ. Những căng thẳng trong quan hệ giữa Trung Đỏ và Việt Đỏ đã được “hiện thực hóa” trong mối quan hệ giữa Khmer Đỏ và Việt Đỏ.
Tài liệu của Việt Đỏ cho biết từ năm 1970 Khmer Đỏ đã thể hiện thái độ thù nghịch với nhiều vụ tập kích các đơn vị của họ trên đất Cambodia. Sáu tháng đầu năm 1973, quân Khmer Đỏ gây ra 102 vụ, giết và làm bị thương 103 quân Việt Đỏ, cướp hàng chục tấn lương thực, vũ khí. Từ năm 1970 đến 1973, Khmer Đỏ gây ra 174 vụ khiêu khích, tập kích các hậu cứ, cướp vũ khí, lương thực, giết hơn 600 cán binh Việt Đỏ.
Sau khi Việt Đỏ chiếm lĩnh toàn bộ lãnh thổ Việt Nam thì quan hệ Việt -Trung càng căng thẳng hơn. Khi Việt Đỏ ngả hẳn sang Liên Xô với Hiệp ước hữu nghị và hợp tác toàn diện Việt – Xô (11.1987) Trung Cộng càng giận dữ hơn và ày Khmer Đỏ càng dạn tay hơn.
Xung đột Khmer Đỏ – Việt đỏ
Thời điểm năm 1975 Khmer Đỏ cũng kiêu ngạo tương tự Việt Đỏ: ta đã thắng được Mỹ, do đó không ngán bất cứ kẻ thù nào.
Hầu như ngay sau ngày Việt Đỏ “toàn thắng” thì Khmer Đỏ đã công khai thách thức và đầu tiên giới lãnh đạo Việt Đỏ ra sức bưng bít thông tin, tuyệt đối ngăn cấm việc trả đũa trên quy mô lớn, bất kể các tướng lãnh “Nam bộ” như Trần Văn Trà rất “bức xúc”, rất sẵn sàng. Việc này càng khiến Khmer Đỏ dạn tay hơn, đến lúc Việt Đỏ không thể chấp nhận.
Đụng độ diễn ra chỉ bốn ngày sau khi quân Việt Đỏ tiến vào Sài Gòn ngày 30.4.1975. Ngày 4.5.1975, một toán quân Khmer Đỏ đột kích đảo Phú Quốc theo lối “hit and run”. Ngày 10.5.1975 quân Khmer Đỏ đổ bộ vào đổ Thổ Chu ở phía Nam Phú Quốc, tàn sát hơn 500 thường dân trên đảo. Việt Đỏ sau đó đã phản công giành lại các đảo này nhưng giữ kín tin tức: lúc đó giới lãnh đạo Việt Đỏ rất lo ngại vì sự hiện diện của cố vấn Trung Đỏ ở Cambodia rất đông.
Đầu 1976, Khmer Đỏ tấn công vào tỉnh Kon Tum, đốt hết nhà cửa, cướp phá tài sản và bắt đi 130 dân thường. Đến tháng 6.1976, Khmer Đỏ liên tiếp tấn công vào các tỉnh Long An, Bình Phước, Tây Ninh.Nhưng trận đánh chính quy thực sự diễn ra đúng vào ngày “kỷ niệm 2 năm ngày giải phóng” của Việt Đỏ.
Tối 30.4.1977, một sư đoàn Khmer Đỏ cùng các lực lực lượng địa phương các tỉnh biên giới đồng loạt tiến sâu 10 km vào lãnh thổ Việt Nam, triệt hạ 13 đồn công an vũ trang (tên gọi của biên phòng lúc đó) và 14 trên tổng số 16 xã trên dọc tuyến biên giới tại tỉnh An Giang, tàn sát 228 người dân, làm bị thương 359 người, đốt cháy 444 căn nhà. Ngoài ra còn có có 26 công an biên phòng thiệt mạng và 75 người bị thương. Ngay trong đêm Việt Đỏ điều Sư đoàn 330 phối hợp với Tỉnh đội An Giang phản công. Việt Đỏ chiếm lại những vùng đã mất nhưng thiệt hại nặng, thương vong khoảng là 700 quân.
Khoảng 5 tháng sau Khmer Đỏ mở một chiến dịch còn lớn hơn nữa. Ngày 25.9.1977, 9 sư đoàn Khmer Đỏ cùng lực lượng địa phương đồng loạt tấn công tỉnh biên giới từ Kiên Giang đến An Giang, Long An, Đồng Tháp lên đến tận Tây Ninh. Riêng tại Tây Ninh, 4 sư đoàn Khmer Đỏ đánh chiếm nhiều vị trí tại các huyện Tân Biên, Bến Cầu, Châu Thành, đốt phá 471 ngôi nhà, tàn sát gần 800 người dân.
Ngày 31.12 1977 Việt Đỏ tập trung 8 sư đoàn phản kích, đánh tan tác 5 sư đoàn Khmer Đỏ, tiến sâu vào lãnh thổ Cambodia từ 20 đến 30 km và đến ngày 5.1.1978 mới rút quân, mang về một số nhân vật quan trọng cho chính phủ tương lai của Cambodia, trong đó có Thủ tướng hiện tại là Hun Sen.
Sau đòn dằn mặt này, Việt Đỏ đề nghị hưu chiến và thiết lập vùng phi quân sự dọc biên giới nhưng Khmer Đỏ từ chối.
Ngày 31.12.1977 Khmer Đỏ tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Việt Đỏ. Sau một năm chuẩn bị, tháng 12 năm 1978 tung ra 19 sư đoàn để liên tục tấn công trong một chiến dịch kéo dài đến 6 tháng nhưng bị quân Việt Đỏ bẻ gãy. Sau trận này Việt Đỏ nhận thấy phải dứt khoát với Khmer Đỏ nên tung quân đánh lớn, và đến ngày 8.1.1979 đã cho ra mắt chế độ mới do Heng Samrin đứng đầu tại Nam Vang. Tàn quân Khmer Đỏ chạy sang ẩn náu bên kia biên giới Thái Lan.
Hiện chiến dịch này vẫn để lại nhiều lời tranh cãi về mặt chiến thuật. Theo nhiều tin đồn không có sự xác nhận nào thì lúc này Võ Nguyên Giáp đưa ra ý kiến nên đánh bằng hai gọng kìm nhưng bị gạt bỏ. Theo đó thì Việt Đỏ nên cho quân đổ bộ bằng đường biển đánh thọc sâu dọc theo biên giới Thái Lan để cản đường rút của Khmer Đỏ rồi đó mới tấn công vỗ mặt từ biên giới Tây Nam.
Trên thực tế thì cuộc tấn công toàn diện năm 1979 đã lật đổ được chế độ Khmer Đỏ nhưng không diệt được lực lượng Khmer Đỏ và cuộc chiến kéo dài dến 10 năm sau, khi Việt Đỏ phải rút quân dưới áp lực quốc tế.
Việt Đỏ xâm lược hay giải phóng
Với một chế độ man rợ như Khmer Đỏ thì việc quân Việt Đỏ tiến vào lật đổ có thể xem là một hành động “phải kích tự vệ” với chính họ và “giải phóng” đối với những nạn nhân Cambodia.
Tuy nhiên đằng sau sự thật đó cũng là một toan tính địa lý chính trị. Thoạt đầu vì ngại Trung Quốc, Việt Đỏ cố cứu vãn tình hình bằng đàm phán nhưng không xong, do đó phải hành động với toan tính duy trì tại Cambodia một chế độ trong quỹ đạo của mình, hay nói trắng ra là tay sai của mình.
Nhân vật quyền lực số hai của Việt Đỏ lúc đó là Lê Đức Thọ đích thân chuyên trách vấn đề Cambodia và lối hành xử tiểu bá của những nhà thực dân Việt Đỏ tại đây vẫn còn là một đề tài bị ém nhẹm, thể hiện qua vụ Xiêm Riệp gắn liền với tên tuổi của Lê Đức Anh, tư lệnh lực lượng Việt Đỏ tại Cambodia trong thời kỳ chiếm đóng.
Năm 1983 Cục quân báo trong Đoàn chuyên gia Việt Nam đã bắt giam và tra tấn rồi thủ tiêu hàng chục viên chức cộng sản Cambodia ở Xiêm Riệp vì tin rằng đó là Khmer Đỏ nằm vùng.
Tuy nhiên sau đó Cục quân báo mới phát hiện đó là tin giả và họ đã bị Khmer Đỏ lừa.
Ngày 17.6.2019 Thượng tướng hồi hưu Nguyễn Nam Khánh, nguyên là phó chủ nhiệm kiêm bí thư Đảng uỷ Tổng cục Chính, đã viết thư tố cáo Lê Đức Anh.
“Nguyên nhân dẫn đến vụ Xiêm Riệp (năm 1983) là do cục 12 trước thuộc Cục 2 đã dựng tài liệu, chứng cứ không có thật, dựa theo tin địch, vu oan cho nhiều cán bộ bạn, dùng nhục hình, tra tấn, mớm cung, bức cung, gây ra những đau đớn oan ức cả tinh thần và thể xác cho cán bộ bạn, có đồng chí là cán bộ cao cấp của Đảng bạn phải tự sát, gây hậu quả cực kỳ nghiêm trọng. Vụ này, không phải là do một cán bộ (Mạc Lam) mà là từ lãnh đạo của cục 12 (Tư Văn, Vũ Chính). Hồi đó, đồng chí Lê Đức Anh làm trưởng đoàn chuyên gia tại Cambodia. Do nhiều nguyên nhân, trong đó có ý kiến của đồng chí Lê Đức Anh, nên số cán bộ lãnh đạo của Cục 2 không bị xử lý mà chỉ thi hành kỉ luật đồng chí Mạc Lam, một trợ lý, và tập trung khuyết điểm vào đồng chí Hoá, Tư lệnh phó, Tham mưu trưởng 719 và đồng chí Thanh, Tư lệnh mặt trận 419.
Đến nay, nhiều đồng chí cán bộ cấp cao, các cán bộ tham gia công tác ở Cambodia vẫn tiếp tục có ý kiến về vụ Xiêm Riệp, cả đối với các đồng chí lãnh đạo cục 2 và đồng chí Lê Đức Anh.”
Tuy nhiên theo một số nhận định thì một vấn đề quan trọng như vậy thì trước hiết phải thông qua Thọ rồi mới đến Cục 2. Khi sự việc vở lỡ thì chính Anh đã giải quyết ổn thoả ngay lúc đó và do đó đã giúp Thọ rất nhiều, được Thọ tri ân, đỡ đầu sau này.
Thay lời kết
Nói Việt Đỏ xâm lược Cambodia thì cũng có lý của nó nếu nhìn lại một thời gian dài 10 năm từ khi tiến vào Nam Vang cho đến khi rút quân năm 1989 với những chuyện không hay như Xiêm Riệp. Nói Việt Đỏ giải phóng Cambodia cũng có lý của nó nhưng chỉ nhìn vào thời điểm ngắn nủi của tháng Một năm 1979.
Một vấn đề địa chính trị là một vấn đề tế nhị, đánh giá thế nào tùy vào góc nhìn và chuyện ồn ào mới đây là do sự dại dột của ông Lý Hiển Long.
Cái dại thứ nhất của ông ta là xía miệng vào những chuyện mà người đứng đầu quốc gia như ông nên tránh. Cái dại thứ hai của ông ta là… “nhiều chuyện” trên một diễn đàn… nhiều chuyện như mạng xã hội Facebook.
Nghề của các chính trị gia nhiều khi là nghề chối nếu có thể chối được: lỡ nói điều gì sai thì tốt nhất là chối phắt. Nhưng nếu đã lỡ trình bày bằng chữ viết trên Facebook rồi thì sẽ không thể nào chối được, trừ phi đó là một kẻ ngoại hạng như Donald Trump.
Lý Hiển Long dẫu sao cũng khác Donald Trump, và đó là lý do khiến ông không dám mở miệng phân trần trong suốt thời gian qua!
Phạm Đức Đồng Hùng