Sai lầm lớn là cho rằng chỉ cần đồng ý với nhau trên những vấn đề cụ thể và bắt tay nhau hành động. Sự thực là người ta không bao giờ có thể liên tục đồng ý trên những vấn đề cụ thể bởi vì chúng gần như luôn luôn có thể có những giải đáp khác nhau. Do đó nếu tình cờ người ta đồng ý trên một mục tiêu cụ thể nào đó thì tháng sau sẽ không đồng ý trên một vấn đề cụ thể khác, và chia tay. Đồng thuận trên một tư tưởng chính trị khiến người ta không có những suy nghĩ quá khác nhau trên những chọn lựa cụ thể và do đó có thể hiểu nhau và thỏa hiệp với nhau ngay cả khi không đồng ý.
Cuộc vận động dân chủ sắp có một cơ hội rất lớn không nên để lỡ.
Từ hai tháng nay chúng ta đã bước vào năm thứ 45 từ ngày Đảng cộng sản ngự trị trên cả nước. Dịp kỷ niệm ngày 30/04/1975 năm nay hơi khác với những năm trước ở chỗ ít ai còn đặt ra một câu hỏi quan trọng, rất quan trọng, quan trọng nhất nếu không phải là duy nhất cho những ai mong muốn điều mà cả nước đều muốn, nghĩa là dân chủ. Có lẽ vì sau quá nhiều lần đặt câu hỏi người ta tưởng là đã có câu trả lời, một câu trả lời đau nhức mà người ta không muốn nghe lại nữa.
Câu hỏi đó là: “Tại sao đến giờ này Việt Nam vẫn chưa có được một lực lượng dân chủ có tầm vóc? “. Nó đi đôi với và hầu như cũng là câu trả lời cho một câu hỏi khác: “Tại sao sau gần nửa thế kỷ được áp đặt lên cả nước chế độ cộng sản vẫn còn tồn tại dù đã thất bại hoàn toàn trên mọi phương diện, trong tất cả mọi địa hạt và theo tất cả mọi tiêu chuẩn? “.
Chúng ta tưởng là đã có câu trả lời, nhưng thực ra đã có chưa? Hay chỉ vì không dám thẳng thắn trả lời chúng ta đã dừng lại ở những câu trả lời phiến diện, loanh quanh và nhàm chán – như thiếu lãnh đạo, ai cũng muốn lãnh đạo dù không có những khả năng cần có của một người lãnh đạo v.v.- rồi với thời gian tưởng rằng mình đã hiểu. Câu trả lời không giản dị như nhiều người có thể nghĩ. Nó là một câu hỏi không phải chỉ đặt ra cho lý luận mà còn đặt ra cho lương tâm, không phải chỉ đặt ra cho dân tộc mà còn cho mỗi người. Một câu hỏi mà người ta chỉ có thể hy vọng trả lời đúng nếu đồng thời cũng thực tình muốn đóng góp giải quyết.
Với những ai dám chấp nhận sự đau nhức của một câu trả lời thẳng thắn tôi xin góp một vài ý kiến của một kẻ đã đấu tranh chính trị từ hơn một nửa thế kỷ qua và đã trăn trở nhiều trong cố gắng đóng góp xây dựng một tổ chức dân chủ.
Ba lý do đến từ lịch sử
Có ba lý do chính khiến chúng ta vẫn chưa có được một lực lượng dân chủ mạnh.
Lý do thứ nhất là chúng ta, người Việt Nam, rất thiếu văn hóa tổ chức, rất thiếu khả năng hợp tác để hành động có tổ chức.
Điều này hầu như ai cũng đồng ý vì nó quá hiển nhiên. Không thiếu trường hợp các tổ chức chính trị cũng như ái hữu tan vỡ vì những xung khắc vớ vẩn, người ta tranh giành quyền lực ngay cả trong những tổ chức không có một tầm quan trọng nào. Các hội ái hữu cựu học sinh một trường trung học hay các hội đồng hương mà hoạt động chính là tổ chức vài năm một lần một bữa cơm thân mật cũng có thể tan vỡ vì những tranh chấp vô lý. Tuy vậy rất ít ai ý thức được rằng thực trạng này rất nghiêm trọng và chúng ta phải khắc phục với tất cả quyết tâm.
Khả năng cốt lõi của giống người, khiến loài người thống trị được mọi loài vật không phải là trí khôn, sức khỏe, sự nhanh nhẹn và khéo léo của cơ thể hay các giác quan, hay ngay cả khả năng thích nghi với môi trường chung quanh, mà là khả năng hợp tác một cách uyển chuyển để tạo ra các tổ chức phù hợp với tình huống. Một người không là gì cả nếu phải đương đầu với một con voi hay một con cọp nhưng một trăm người chắc chắn sẽ chế ngự được cả một trăm con voi lẫn một trăm con cọp. Lý do là vì các loài vật hoặc không biết tổ chức (như những con đại bàng), hoặc chỉ biết hợp thành những nhóm nhỏ (như những con sư tử), hoặc các đàn lớn nhưng cứng nhắc theo bản năng sẵn có và không thể thay đổi cơ cấu để thích nghi với hoàn cảnh (như những đàn ong, đàn kiến).
Trình độ tiến hóa và văn minh của một dân tộc trước hết biểu lộ qua khả năng kết hợp thành tổ chức. Tôi đã sống và làm việc khá lâu và có may mắn được đi thăm nhiều nước, quan sát nhiều dân tộc và tiếp xúc với nhiều người trên mọi lục địa để có thể kết luận chắc chắn rằng trí khôn quan trọng nhất của một con người cũng như của một dân tộc là biết cách hợp tác để làm việc có tổ chức. Thiếu khả năng này là chưa thông minh và chưa văn minh. Những kinh nghiệm này cũng cho tôi một nhận xét đáng buồn là tuy kiến thức có thể cao hơn nhưng khả năng kết hợp của người Việt chỉ ngang hàng với các dân tộc Châu Phi Da Đen và Châu Mỹ La Tinh.
Và đó chỉ là so sánh dân tộc Việt Nam nói chung với các dân tộc khác chứ trí thức Việt Nam thì rất không bình thường. Thí dụ có những người dân chủ viết những bài tham luận khẳng định rằng muốn đấu tranh cho dân chủ thì phải có tổ chức, giảng giải về sự cần thiết của tổ chức, khuyên người khác nên dẹp cái tôi của mình để tham gia vào một tổ chức nhưng chính mình lại không tham gia và cũng không có ý định tham gia hay thành lập một tổ chức nào cả mà không hề thấy mâu thuẫn.
Tại sao? Ảnh hưởng của Khổng Giáo không quan trọng bằng di sản của lịch sử khiến chúng ta thiếu văn hóa tổ chức và khả năng kết hợp. Phải hiểu lịch sử để hiểu lý do. Chúng ta đã là nạn nhân của một cách viết sử đặt tự ái dân tộc lên trên sự chính xác. Chúng ta nhắc đi nhắc lại rằng mình có bốn ngàn năm văn hiến, có trống đồng làm chứng cho một nền văn minh cao. Nhiều người, như Kim Định, còn nói người Trung Quốc chỉ học ở người Việt, rằng văn hóa Việt Nam là văn hóa tinh hoa và lâu đời bậc nhất. Rồi chúng ta tự mãn và định cư trong sự sai lầm. Sự thực trái hẳn.
Do điều kiện địa lý tổ tiên ta, cũng như các dân tộc Đông Nam Á nói chung, đã chỉ bắt đầu được khai hóa từ khi tiếp xúc với hai nền văn minh Trung Hoa và Ấn Độ, từ hai thế kỷ trước công nguyên. Trước đó chúng ta chỉ là những bộ lạc bán khai. Một bằng chứng là không có vết tích của các tập trung lớn để một nền văn minh có thể xuất hiện. Một bằng chứng khác là ngôn ngữ của chúng ta chỉ có những từ cụ thể, tất cả những từ ngữ và khái niệm trừu tượng chuyên chở tư tưởng và ý kiến đều được du nhập từ tiếng Hán. Không quá nếu nói rằng văn hóa Trung Hoa, và Ấn Độ ở phía Nam, đã giúp chúng ta bắt đầu văn minh. Những người đặt những viên đá đầu tiên cho đất nước Việt Nam –Nhâm Diên, Sĩ Nhiếp, Đào Hoàng, Lý Bôn, Khúc Thừa Dụ v.v.- đến từ Trung Quốc. Hai triều đại lớn đầu tiên của chúng ta –nhà Lý và nhà Trần- cũng đều do những người di dân Trung Quốc. Ngay gần đây, nửa thế kỷ trước, những người Trung Hoa đói khổ tha phương cầu thực chỉ sau một thời gian ngắn đã nắm gần hết kinh tế Việt Nam. Chúng ta chưa đủ văn minh và vì thế chưa có khả năng kết hợp của nhiều dân tộc khác.
Tuy nhiên nói như vậy không phải để tuyệt vọng và chán nản mà ngược lại để có hy vọng và niềm tin. Có thể nói trước công nguyên, khi bắt đầu tiếp xúc với văn minh Trung Hoa, chúng ta chậm trễ khoảng 4.000 năm so với thế giới văn minh lúc đó về ý thức tổ chức và khả năng kết hợp; đầu thế kỷ 16 khi người phương Tây đến, chúng ta chỉ còn chậm trễ khoảng 2000 năm. Hiện nay chúng ta còn chậm trễ khoảng 50 năm. Chúng ta đã tiến rất nhanh mặc dù những trở ngại lớn: văn hóa Khổng Giáo rồi chế độ cộng sản, cả hai đều ngăn cấm các kết hợp của xã hội dân sự. Chúng ta cần cố gắng hơn nữa nhưng không cần phải bi quan.
Gần đây nếu nhìn kỹ thì cũng có thể thấy chúng ta đã tiến những bước rất dài. Cuộc tranh đấu giằng co của xã hội Việt Nam để tự cởi trói trong hơn 40 năm qua đã có tác dụng ngày càng mở rộng thêm không gian tự do và chúng ta hiện đã đạt tới tình trạng mà một kết hợp giữa những người dân chủ trong nước có thể hình dung được, dĩ nhiên với những thận trọng cần thiết. Văn hóa tổ chức ngày càng được phản ánh trong các suy nghĩ và phát biểu. Chỉ vài năm trước còn có rất nhiều nhân sĩ thản nhiên nói rằng mình không tham gia một tổ chức nào cả và coi đó như một vinh dự. Bây giờ trái lại ít ai còn chối cãi rằng đấu tranh chính trị chỉ có thể là đấu tranh có tổ chức. Trí tuệ Việt Nam đã được khai thông. Vấn đề chỉ là làm thế nào để nhanh chóng biến ý thức thành phản xạ. Muốn như vậy phải nhìn nhận văn hóa tổ chức như là văn hóa cao nhất và cần nhất, khả năng sinh hoạt trong một tổ chức là khả năng phải được trân trọng nhất trong một con người. Tiêu chuẩn để đánh giá một người đấu tranh chính trị phải là người đó đã đóng góp xây dựng tổ chức nào và với kết quả nào.
Lý do thứ hai là người Việt Nam rất thiếu, quá thiếu, kiến thức chính trị.
Chúng ta không thấy được điều này chỉ vì chúng ta quá kém để thấy được là mình kém. Đây cũng chủ yếu là di sản của văn hóa Khổng Giáo, một qui luật sống của kẻ nô lệ được tôn lên thành một đạo lý. Hơn nữa Khổng Giáo mà chúng ta tiếp thu và độc tôn cho tới cuối thế kỷ 19 lại chỉ là Khổng Giáo từ đời nhà Đường về trước, nghĩa là một Khổng Giáo xưa cũ trong đó các nho sĩ trúng tuyển các khoa thi thơ phú được cho làm quan để cai trị và bóc lột quần chúng. Tư tưởng và kiến thức chính trị hoàn toàn vắng mặt. Chúng ta tự hào có bốn ngàn năm văn hiến nhưng tuyệt đối không có tư tưởng chính trị, có lẽ chỉ trừ hai câu đầu của bài Bình Ngô Đại Cáo.
Ngoại trừ một ngoặc đơn ngắn và lộn xộn dưới các chính quyền quốc gia thiếu cả tài năng lẫn ý chí, Khổng Giáo đã chỉ được tiếp nối bằng chủ nghĩa cộng sản về bản chất cũng chỉ là một thứ Khổng Giáo mới trong đó chính trị cũng chỉ có nghĩa là độc quyền thống trị của Đảng cộng sản. Trong lịch sử của nước ta, kiến thức và tư tưởng chính trị chưa bao giờ được khuyến khích, trái lại còn bị cấm đoán. Không ngạc nhiên nếu người Việt Nam thiếu tư tưởng và kiến thức chính trị, ngay cả những người chống cộng sống ở nước ngoài. Đoạn tuyệt với một văn hóa rất khó.
Do di sản lịch sử và văn hóa này rất phần lớn người Việt cho rằng làm chính trị không cần phải học hỏi mà chỉ cần nghị lực và ý chí. Họ không hiểu rằng chính trị đòi hỏi sự hiểu biết về tất cả các bộ môn ở mức độ đủ cao để có thể dung hòa và tổng hợp chúng trong một dự án quốc gia. Sự ngộ nhận này vẫn còn đang tiếp tục bởi vì phải có một trình độ nào đó để biết rằng mình không biết. Nó khiến nhiều người nghĩ rằng mình cũng có thể thành lập hoặc lãnh đạo một tổ chức chính trị. Trong tiềm thức của họ chắc chắn chính trị vẫn chỉ là tranh giành ảnh hưởng và tiếng tăm. Kết quả tất nhiên là những “cố gắng đấu tranh” này chỉ có tác dụng đánh lạc sự chú ý khỏi các tổ chức nghiêm túc, sau cùng gây thất vọng và chán nản cho chính mình và cho phong trào dân chủ.
Một nhận định thường gặp trong các bài tham luận là đối lập dân chủ có quá nhiều tổ chức và các tổ chức không chịu kết hợp với nhau. Nhận định này không còn đúng nữa. Tuyệt đại đa số các tổ chức được thành lập hoặc tuyên bố thành lập trên thực tế đều không còn nữa hoặc đang tàn lụi một cách không thể đảo ngược. Số tổ chức thực sự còn tồn tại và có hy vọng phát triển chưa chắc đã bằng số ngón tay của một bàn tay. Nguyên nhân chính là do không hiểu rằng không thể duy trì, chưa nói phát triển, một tổ chức chính trị nếu không có một tư tưởng chính trị, nghĩa là một đồng thuận trên những câu hỏi nền tảng. Thí dụ như quốc gia và lòng yêu nước phải được quan niệm lại như thế nào trong thế giới này; cứu cánh của hoạt động chính trị là gì, những khả năng và đức tính nào là cần thiết và đáng tôn vinh nơi một người hoạt động chính trị; những thử thách nào đang và sẽ đặt ra cho đất nước và thế giới và có thể có những giải đáp nào v.v.
Sai lầm lớn là cho rằng chỉ cần đồng ý với nhau trên những vấn đề cụ thể và bắt tay nhau hành động. Sự thực là người ta không bao giờ có thể liên tục đồng ý trên những vấn đề cụ thể bởi vì chúng gần như luôn luôn có thể có những giải đáp khác nhau. Do đó nếu tình cờ người ta đồng ý trên một mục tiêu cụ thể nào đó thì tháng sau sẽ không đồng ý trên một vấn đề cụ thể khác, và chia tay. Đồng thuận trên một tư tưởng chính trị khiến người ta không có những suy nghĩ quá khác nhau trên những chọn lựa cụ thể và do đó có thể hiểu nhau và thỏa hiệp với nhau ngay cả khi không đồng ý. Nhiều người và nhiều tổ chức vẫn chưa ý thức được là những chọn lựa cụ thể luôn luôn là hệ luận của một niềm tin nền tảng nào đó và không thấy sự cần thiết của một tư tưởng chính trị. Đó là lý do khiến các tổ chức tê liệt và tàn lụi, cùng lắm chỉ có tiếp tục tồn tại trong một thời gian nhờ những điều kiện thuận lợi.
Có nên bi quan không? Những phát biểu gần đây trên báo chí, trên mạng xã hội cũng như trong những tiếp xúc cho thấy rất nhiều người dân chủ đã ý thức được rằng xây dựng và phát triển tổ chức rất khó, đòi hỏi những cố gắng kiên trì và những kiến thức chính trị vững chắc. Nhiều người cũng đã bắt đầu hiểu rằng tham gia một tổ chức chính trị không có một tư tưởng chính trị và một dự án chính trị chỉ là một phí uổng thời giờ và công sức. Chúng ta đã tiến và cũng đã tiến khá nhanh mặc dù một di sản văn hóa rất bất lợi. Vấn đề chỉ là cần tiến nhanh hơn nữa.
Lý do thứ ba là chúng ta có một quan hệ quá phức tạp đối với sự thực và lẽ phải.
Nói rằng giả dối có thể hơi quá nhưng cũng không sai bao nhiêu. Chúng ta coi trọng hình thức hơn nội dung và đặt tình cảm trên lý trí mà không ý thức được rằng khi tình cảm thách thức lý trí nó không thể thành thực và lâu bền. Chúng ta coi điều người khác nghĩ về mình quan trọng hơn là điều chính mình nghĩ về mình, rồi vì khó tự dối mình nên chúng ta ít nghĩ về mình. Chúng ta mâu thuẫn giữa lời nói và việc làm. Chúng ta coi thảo luận không phải là để học hỏi và hiểu nhau hơn mà chỉ là để tranh giành hơn thua.
Một người Việt ở nước ngoài có thể lên án một tổ chức là không chống cộng triệt để nhưng lại rất sợ bị coi là thuộc “các thế lực thù địch” và không được về Việt Nam du lịch. Một người trong nước có thể chửi chế độ một cách thậm tệ trong trò chuyện giữa bạn bè nhưng lại tránh quan hệ với những người dám bày tỏ lập trường. Một người có thể rất tốt trong lúc bình thường nhưng lại không lên án, thậm chí còn bênh vực những hành động sai trái khi chúng đến từ những người thân quen v.v. Tất cả những khuyết tật đó có trong mọi dân tộc, nhưng nơi người Việt Nam, chúng hiện diện một cách áp đảo. Nghiêm trọng hơn, ít người ý thức được rằng sự giả dối ngăn cản mọi kết hợp. Sinh hoạt tổ chức, nhất là các tổ chức tự nguyện, đòi hỏi sự thành thực ở mức độ rất cao bởi vì không có sự giả dối nào có thể che giấu lâu được, nhất là khi tổ chức khá đông đảo. Những người giả dối cô đơn cả với chính mình thì còn kết hợp được với ai?
Vậy có phải bi quan không? Một lần nữa câu trả lời là không. Sự giả dối ở mức độ hiện nay chủ yếu là di sản lịch sử, một lịch sử trong đó con người luôn luôn sống trong sự lo sợ. Dưới chế độ cộng sản nó đã biến nó thành một phản xạ sống còn. Trong lòng khinh bỉ và căm thù nhưng ngoài miệng vẫn phải ca tụng và biết ơn Đảng. Chế độ cộng sản không chỉ tàn phá đất nước, nó còn tàn phá cả tâm hồn Việt Nam.
Sau khi ở tù ra và trước khi ra nước ngoài tôi có một người bạn cũng là một người anh em họ xa. Anh này là một sĩ quan được huân chương anh hùng và cũng là một đảng viên xuất sắc được bầu làm đại biểu cho đại hội Đảng cộng sản năm 1982. Anh tâm sự: “mình ghét chúng nó thậm tệ nhưng sợ quá nên đành làm anh hùng”. Nguyễn Chí Thiện là một ngoại lệ rất hiếm, ông đáng được tạc tượng để làm chứng cho danh dự còn lại của dân tộc trong một giai đoạn. Tuy vậy nét đậm của đất nước hiện nay là cái sợ đang tan. Chúng ta đang sống trong giai đoạn chuyển hóa. Con người Việt Nam nhiễm thêm nhiều tật xấu khác trong một xã hội băng hoại nhưng ngày càng bớt sợ, đang trút bỏ sự giả dối và tìm lại chính mình.
Ngoại lệ cộng sản?
Tới đây một số bạn đọc có thể đặt câu hỏi với di sản văn hóa và lịch sử đó tại sao những người cộng sản vẫn thành lập được một đảng đủ mạnh để giành được chính quyền và cầm quyền lâu như vậy, phải chăng họ tài giỏi phi thường?
Câu trả lời dứt khoát là không. Tổ chức mà chúng ta đang thảo luận là kết hợp của những con người tự do tự nguyện hợp tác với nhau vì cùng trân trọng một số gia trị và cùng chia sẻ một tư tưởng chính trị. Đó không phải là trường hợp của Đảng cộng sản và vì thế họ không có những khó khăn của những người dân chủ. Chủ nghĩa Mác-Lênin về bản chất chỉ là một thứ Khổng Giáo mới vì thế người cộng sản không cần một cố gắng về văn hóa và ý thức. Các đảng cộng sản về bản chất cũng không khác với các đảng cướp (chính ông Hồ Chí Minh và các lãnh tụ cộng sản chứ không phải ai khác đã nói là họ “CƯỚP” chính quyền tháng 8-1945) và vì thế họ có thể dùng bạo lực và khủng bố để xây dựng và giữ gìn đảng, như câu chuyện người bạn mà tôi vừa kể.
Một kết luận cho một khúc quanh lớn
Trở lại câu hỏi tại sao đến giờ này Việt Nam vẫn chưa có được một lực lượng dân chủ có tầm vóc. Có nhiều lý do nhưng ba lý do kể trên đủ để giải thích tại sao. Quá đủ vì thực ra chỉ cần một trong ba lý do đó cũng đủ. Chúng ta có cả ba và còn có những lý do khác, như sự đàn áp thô bạo của Đảng cộng sản mà theo tôi không còn là lý do chính. Tình trạng hiện nay không có gì đáng ngạc nhiên. Tuy vậy với một cái nhìn bình tĩnh chúng ta có thể thấy là người Việt đang rũ bỏ di sản văn hóa và lịch sử và vượt qua những trở ngại đó. Chúng ta sẽ còn tiến nhanh hơn, rất nhanh, nếu ý thức được những lý do chính đã khiến cuộc vận động dân chủ chưa mạnh và rút ra một kết luận dứt khoát.
Kết luận đó là: Đấu tranh chính trị chỉ có thể là đấu tranh có tổ chức và một tổ chức chính trị đúng nghĩa chỉ có thể là thành quả của những cố gắng bền bỉ của những người có đủ kiến thức chính trị và cùng chia sẻ một tư tưởng chính trị đúng. Như thế phải bác bỏ chủ nghĩa nhân sĩ, không ủng hộ những tổ chức thành lập vội vã hay không có tư tưởng chính trị, chỉ tham gia và ủng hộ những tổ chức nghiêm túc.
Điều cần được ý thức rất rõ ràng là cuộc đấu tranh cho dân chủ là cuộc đấu tranh cách mạng hoàn toàn mới trong lịch sử nước ta bởi vì chúng ta chưa bao giờ có tự do và dân chủ. Đó là cuộc chiến đấu để mở ra cả một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên thứ hai trong lịch sử nước ta, kỷ nguyên của những con người Việt Nam tự do và của một nước Việt Nam dân chủ. Chính vì thế mà nó khó khăn, đòi hỏi một tư tưởng chính trị mới và một văn hóa mới. Nhưng cũng chính vì thế mà nó vinh quang.
Không chỉ vinh quang mà còn có triển vọng thắng lợi trong một tương lai gần. Đảng cộng sản Việt Nam, cũng như Đảng cộng sản Trung Quốc, đã chuyển hóa từ độc tài đảng trị sang độc tài cá nhân. Đây là chặng đường miễn cưỡng trong tiến trình đào thải tất yếu của các chế độ cộng sản khi họ không còn một tư tưởng chung –chính họ cũng đã thấy “tư tưởng Mác-Lênin” là nhảm nhí- để có thể lấy những quyết định tập thể, như người ta đã thấy tại Liên Xô và Đông Âu. Kinh nghiệm cũng cho thấy là các chế độ này đều sụp đổ ngay trong nhiệm kỳ của nhà lãnh đạo “nhất thể hóa” đầu tiên.
Việt Nam còn có thể thay đổi nhanh hơn. Tình trạng sức khỏe của Nguyễn Phú Trọng không còn cho phép ông đảm nhiệm vai trò mà ông đã được chọn để làm, nghĩa là lấy những quyết định cần thiết thay thế cho một ban lãnh đạo chia rẽ trên gần như mọi vấn đề, và sẽ khó tìm được người thay thế ông. Đảng cộng sản Việt Nam đang rất nguy ngập. Càng ngày sẽ càng có nhiều đảng viên cộng sản hiểu rằng sự cáo chung của chế độ không còn xa và họ phải chọn lựa đứng vào hàng ngũ dân chủ để làm tác nhân thay vì nạn nhân của một thay đổi bắt buộc và đang tới.
Cuộc vận động dân chủ sắp có một cơ hội rất lớn không nên để lỡ.
Nguyễn Gia Kiểng