CÁCH MẠNG MÀU Ở VIỆT NAM?

Cuộc chiến tranh 20 năm kết thúc vào ngày 30 tháng Tư năm 1975 đóng lại một giai đoạn đầy máu lửa trên đất nước Việt Nam.

Có thể nói đại đa số những người Việt từ cả hai miền Nam-Bắc vào thời điểm đó, dù bên thắng cuộc hay bên thua cuộc, đều có một suy nghĩ rằng bên nào cũng là người Việt Nam cả, chiến tranh đã hết, đất nước sẽ thống nhất tiếp theo là hòa bình và thịnh vượng.

Tôi tin rằng ngoại trừ giới lãnh đạo cao cấp của đảng, và một bộ  phận nhỏ người Việt cuồng cộng…đại đa số người Việt Nam không phân biệt Bắc-Nam chả hiểu về chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản bao nhiêu hết.

Tùy theo nguồn gốc, xuất xứ mỗi người Việt Nam nhìn chủ nghĩa cộng sản theo góc độ của mình. Người Thiên Chúa Giáo hiểu cộng sản là vô thần, người có của hiểu cộng sản là ăn cướp, người ở tầng lớp trên hiểu cộng sản là bọn vô lại, bần tiện, khố rách áo ôm. Nhưng không có mấy ai thấy được cái chủ nghĩa xã hội và cộng sản cụ thể là cái gì, và con đường xây dựng nó đen tối như thế nào.

Có thể do tuyên truyền hay vì những lý do nào khác, đại đa số người miền Bắc và số lớn người miền Nam, đặc biệt ở nông thôn, có thêm một số trí thức ở các thành phố tin rằng cuộc chiến Việt Nam là cuộc chiến chống xâm lược, chống can thiệp của nước ngoài và thực hiện thống nhất đất nước. Đại đa số phản bác rằng đó là cuộc chiến ý thức hệ. Và đây chính là một trong những yếu tố quan trọng giúp người cộng sản trở thành bên thắng cuộc.

Trên cơ sở đó những lãnh tụ cộng sản Việt Nam tin rằng toàn thể dân chúng Việt Nam đều có ý thức yêu mến cái chủ nghĩa xã hội mà họ đề xướng, và họ được toàn thể dân chúng trao cho cái quyền tối thượng (mandate)  để đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Thật  đáng ngạc nhiên,  cuộc chiến ý thức hệ cộng sản – tự do dân chủ trong nội bộ người Việt Nam với nhau, chỉ thực sự bắt đầu ít lâu sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất và khởi sự xây dựng thiên đàng cộng sản.

Trong khi đại đa số dân chúng chỉ dừng lại lại ở việc ngạc nhiên nhận thấy rằng những gì mà họ tin tưởng sẽ xảy ra ngay sau khi hết chiến tranh và thống nhất như sự tự do hoàn toàn, ai cũng có công ăn việc làm, con cái được giáo dục tốt, xã hội tiến bộ văn minh, giàu mạnh…hoàn toàn không có gì cả; thì sự chuyển hóa tư tưởng bắt đầu xảy ra trong thành phần có giáo dục cao nhất của xã hội như văn nghệ sĩ, nhà giáo, sinh viên ( ở cả miền Nam lẫn miền Bắc), một số ít tướng lãnh quân đội (cộng sản) có trình độ văn hóa cao…

Khởi đầu là sự nghi ngờ về khả năng lãnh đạo của đảng trong việc xây dựng đất nước, và tiếp đó là sự nghi ngờ về sự đúng đắn của cái gọi là chủ nghĩa xã hội và con đường xây dựng nó.

Sự sụp đổ của Liên Xô và các nước Đông Âu làm cho sự nghi ngờ của thành phần nói trên trở thành một sự giác ngộ hoàn toàn rằng chủ nghĩa xã hội chỉ là ảo tưởng. Thành phần này càng lúc càng đông, cả trong nước lẫn ngoài nước, hợp thành một bộ phận đối kháng, theo kiểu thụ động, với đảng cộng sản cầm quyền.

Theo sau sự sụp đổ của Liên Xô và Đông Âu, chủ nghĩa tư bản coi như toàn thắng ngược lại với luận điệu cho rằng tư bản giãy chết của những người cộng sản. Và rồi một loạt các cuộc cách mạng màu xảy ra khắp nơi, mang đến cho nhiều người Việt Nam trong nước và ngoài nước cảm hứng về một cuộc cách mạng lật đổ cộng sản và xây dựng một nước Việt Nam mới với thể chế dân chủ tự do.

Ở ngoài nước, người Việt tị nạn cộng sản ở khắp nơi thành lập các tổ chức, hội đoàn, đảng phái chống cộng. Có tổ chức ngay từ đầu đã chủ trương kháng chiến vũ trang, xâm nhập về Việt Nam lập chiến khu, kêu gọi đồng bào khởi nghĩa. Tất nhiên là bị cộng sản đập tan tành.

Hơn 40 năm qua, chưa từng có bất cứ hội đoàn, tổ chức, đảng phái nào của người Việt hải ngoại, đạt được bất cứ thành tựu nào trong nổ lực chống cộng của họ. Ngược lại trên chính trường thế giới, chính quyền cộng sản Việt Nam gặt hái được từ thành công này đến thành công khác. Tất cả các quốc gia trên thế giới sẳn sàng bang giao với Hà Nội. Vấn đề nhân quyền tự do dân chủ tại Việt Nam trở thành món hàng mặc cả mua bán giữa Hà Nội và các quốc gia phương Tây.

Trong khi đó mặc dầu chỉ mới xuất hiện gần đây sự lên tiếng của các cá nhân, các tổ chức dân sự thành lập bất hợp pháp tại Việt Nam đã và đang làm chính quyền cộng sản Việt Nam thực sự lo ngại. Đã có nhiều nổ lực tổ chức những cuộc biểu tình phản kháng dưới các hình thức như dân oan bị cướp đất, biểu tình vì biển đảo, biểu tình chống Trung Quốc, biểu tình vì môi trường…

Tuy nhiên con số người tham dự thật ít ỏi. Những người tham dự phản kháng biểu tình dễ dàng bị công an lập danh sách, theo dõi chặt chẽ và bị khống chế một cách dễ dàng.

Nhiều người bực bội tự hỏi vì sao bất công xã hội tại Việt Nam lan tràn, chính quyền tham ô tha hóa trầm trọng, đảng cộng sản dối trá, bao biện một cách vô liêm sĩ, người Việt Nam không có những quyền tự do pháp định, sinh hoạt chính trị Việt Nam không có dân chủ, chính phủ thì hèn, chỉ muốn hòa hoãn với Trung Quốc trước âm mưu bành trướng xâm lược rõ ràng của cộng sản Trung Quốc; mà Việt Nam lại không có một cuộc cách mạng như tại các nước khác.

Rồi họ tự kết luận rằng người Việt Nam quá sợ chính quyền, quá hèn nhát, và khiếp nhược trước những nguy cơ bị bắt , tra tấn, tù tội. Nói chung người Việt Nam bị coi là một dân tộc hèn nhát trước bạo quyền và cam tâm bị những kẻ ngu si, tàn ác cai trị.

Một số người khác thì thô bạo hơn khẳng định rằng người Việt Nam là một dân tộc ngu dốt. Bởi vì chỉ có những thằng ngu mới để cho những thằng ngu khác cai trị.

Nhưng khi nói về khả năng bùng nổ một cuộc cách mạng vì tự do dân chủ tại Việt Nam, trước hết phải xem rằng liệu người Việt Nam có cần một cuộc cách mạng như thế hay không? Rõ ràng là không. Tôi không thấy người dân ở Việt Nam có nhu cầu về tự do dân chủ.

Cuộc chiến tranh Việt Nam 20 năm với những vết sẹo còn hằn lên trên đất nước và tâm trí của người Việt. Cuộc sống nhọc nhằn mưu sinh vài chục năm sau chiến tranh vẫn còn in nét khắt khổ lên từng khuôn mặt đen sạm và âu lo của người Việt Nam.

Tất cả những gì đa số người Việt mong mõi là cuộc sống bình an, có cơ hội kiếm ra tiền để thỏa mãn những nhu cầu vật chất thiết thực trước mắt.

Nhìn bề ngoài xã hội Việt Nam dễ bị coi là một xã hội bạo lực vì con số tai nạn, đâm chém, giết người, cướp bóc tàn nhẫn quá cao. Nếu thế vì sao người Việt lại hèn nhát sợ công an, sợ chính quyền, sợ bị bắt khi đi biểu tình đòi tự do, dân chủ, công lý hay chống Trung Quốc?

Những hành vi bạo lực đó đúng là thể hiện sự bức xúc của từng con người trong một môi trường xã hội bất công, bất an, mưu sinh khó khăn. Nhưng từng con người Việt Nam cho rằng đó là lỗi của họ, là hoàn cảnh của họ, là số phận của họ và ghen tị với sự sung túc của người khác. Chẳng có mấy ai ý thức được rằng đó chính là lỗi của đảng, của chính quyền, của chế độ.

Vì sao người Việt không thấy những khó khăn, bất công, bất an xã hội đó chính là lỗi hay là trách nhiệm của đảng, của chính quyền? Nhiều người nói thẳng là vì người Việt Nam ngu. Tuy nhiên tôi cho rằng lý do chính là vì dân trí thấp.

Vì dân trí thấp người dân không thể nào trả lời được câu hỏi vì sao cuộc sống của họ lại khốn khổ và bấp bênh như thế. Khi không trả lời được, họ tin vào số phận, tin vào thánh thần, tin thầy bói.

Khi đời sống còn khó khăn như thế, nhu cầu cơ bản về vật chất trong cuộc sống chưa được đáp ứng tương đối tốt, không thể đòi hỏi con người suy nghĩ nhiều về công bằng xã hội, về lòng nhân ái, về dân chủ, tự do.

Cái gì là mãnh đất lành cho cộng sản sinh sôi nảy nở? Đó chính là nghèo đói và ngu dốt. Cái gì là môi trường thuận lợi cho những cuộc cách mạng dân chủ tự do? Chính là dân trí cao trong bối cảnh đời sống kinh tế đã tương đối tốt.

Do đó cộng sản còn tồn tại có nghĩa là đa số dân còn nghèo và dân trí của đại đa số người dân còn quá thấp. Và thực tế lịch sử cho thấy tất cả những cuộc cách mạng cộng sản đều là những cuộc cách mạng đẫm máu, tràn lan bạo lực giết chóc. Trong khi đó đại đa số những cuộc cách mạng dân chủ ( như cách mạng màu…) thì đều là những cuộc cách mạng trong hòa bình.

Như thế là quá rõ. Cách mạng cộng sản là cách mạng của người nghèo, ngu dốt và bạo lực là phương pháp chính. Trong khi cách mạng dân chủ là cách mạng của những người đã có cơm ăn áo mặc, dân trí cao và người ta tiến hành sự thay đổi theo cách thức của con người văn minh, có giáo dục.

Có thể thấy được ở người Việt Nam, là đa số chán ghét bạo lực sau hơn 20 năm chiến tranh,  ghét sự bất ổn. Đó cũng là một lý do khiến cho một cuộc cách mạng bạo lực khó xảy ra tại Việt Nam. Sau cùng những lời kêu gọi sử dụng bạo lực để lật đổ chính quyền, kêu gọi nổi dậy bằng bom xăng, vũ khí, giết chóc…chắc chắn sẽ nhận được sự thù nghịch rõ ràng từ người Việt Nam.

Nói đến tự do dân chủ, đa nguyên, đa đảng…thì với đại đa số người Việt Nam tất cả đều quá xa vời, trừu tượng, khó hiểu và không cần thiết, chẳng thấy có liên quan trực tiếp gì đến cuộc sống hàng ngày.

Cách mạng bạo lực chắc chắn sẽ không thể xảy ra tại Việt Nam, nếu như không có sự can thiệp từ các thế lực nước ngoài. Ví dụ như ở các nước như Syria, Iraq, Ukraine, Lybia… Nhưng cách mạng bạo lực chỉ là những cuộc cách mạng giả hiệu, không phải là một cuộc cách mạng vì tự do dân chủ, mà chỉ là sự cướp quyền cai trị giữa các thế lực đối lập và dĩ nhiên thành quả của các cuộc cách mạng bạo lực không bao giờ là tự do dân chủ cả.

Vậy tại Việt Nam chỉ có thể xảy ra cách mạng hòa bình, hay cách mạng màu. Tuy nhiên để xảy ra cách mạng màu, người dân Việt Nam ít nhất phải có điều kiện sống và dân trí tương đương với những quốc gia khác từng xảy ra cách mạng màu.  Việt Nam không thể là một ngoại lệ.

Cuối cùng điều duy nhất mà những nhà cách mạng tương lai cần phải làm, và phải kiên trì làm từ năm này qua tháng khác đó là giáo dục dân trí cho người Việt Nam. Càng đẩy nhanh được việc giáo dục dân trí cho người Việt Nam, cuộc cách mạng vì tự do dân chủ càng đến gần hơn.

Ls Lê Đức Minh

Related posts