Tình băng giá Hoa-Úc

Ai cũng biết bang giao giữa Úc với Trung Cộng đang lạnh nhạt. Lạnh nhạt này đã có từ hai năm. Và ngày càng lạnh nhạt. Nếu phải tả bang giao hai nước đang lạnh đến đâu, có lẽ phải dùng chữ ‘băng giá’.

Chuyện thật sau đây có thể mô tả tình băng giá Hoa-Úc.

Sau khi bà Julie Bishop rời ghế tổng trưởng ngoại giao và bỏ quách ghế dân biểu trong quốc hội liên bang Úc, cựu ngoại trưởng Úc đã đồng ý cho xướng ngôn viên truyền hình Andrew Denton phỏng vấn. Cuộc phỏng vấn này đã chiếu trên đài truyền hình số 7 tại Úc. Trong đó bà Julie Bishop kể nhiều chuyện vui buồn trong thời gian năm năm bôn ba hải ngoại để nối tình giao hảo Úc với các nước trên thế giới. Trong đó có Trung Cộng.

Vào năm 2013, khi Trung Cộng đơn phương tuyên bố không phận trên hòn đảo đang tranh chấp với Nhật Bản thuộc về không phận quốc phòng (air defence zone) của mình, Úc đã phản ứng mạnh. Ngoại trưởng Julie Bishop đã triệu đại sứ Trung Cộng tại Canberra đến văn phòng để trao kháng thư. Ở Bắc Kinh, ngoại trưởng Trung Cộng Vương Nghị (Wang Yi) căm lắm. Ổng ghi tên Úc vào cuốn sổ đen.

Vài năm sau, Úc lại bày tỏ thái độ trước hung hăng của Trung Cộng tại biển Đông.Thế là Vương Nghị định tâm trả thù. Trong một chuyến đi Bắc Kinh, ngoại trưởng Julie Bishop và Vương Nghị mở họp báo. Có khá đông ký giả dự. Chủ nhà nói trước. Ổng nói tiếng Phổ thông Trung hoa. Bà Julie Bishop cùng với phái đoàn Úc ngồi ở ghế hàng đầu. Nghe mà không hiểu. Như đã ghi trong cẩm nang của nhà ngoại giao, bà Julie Bishop thỉnh thoảng nhếch mép mỉm cười. Đôi mắt cố làm ra vẻ long lanh… trông rất ‘hữu nghị’ – như chữ Cộng Sản thường dùng. Bà ngoại Úc ráng sức làm thế cho đến khi đại sứ Úc ở Bắc Kinh – bà Frances Adamson – chuyền một tờ giấy nhỏ ghi chữ ‘đang tệ hại lắm rồi đó, this is going terribly badly’. Vậy là ngoại trưởng Úc đổi sắc mặt qua giận dữ với người bà vẫn gọi là ‘ông bạn chí thiết’.

Sau họp báo là bữa ăn trưa. Hai người ngồi đối diện cả tiếng đồng hồ. Trố mắt nhìn nhau mà không nói một lời.

Tình Úc – Hoa hiện thời ví như bữa ăn ấy. Hai nước ngồi vào bàn tiệc. Hai bên trừng trừng nhìn nhau mà không ai nói một lời.

Úc cũng có ‘chủ quyền và tự hào’ như Trung Cộng

Ông Scott Morrison làm thủ tướng Úc đã hơn một năm. Với tư cách thủ tướng, ổng đã đi ít nhất 16 nước. Trong đó có Indonesia, Papua New Guinea, Fiji, Vanuatu, Anh Quốc, New Zealand, Nhật Bản, Việt Nam và mới nhất được đón tiếp long trọng tại Hoa Kỳ. Người ta chờ đợi cái ngày chiếc ‘Shark One’ – tên máy bay dành riêng cho thủ tướng Úc – bay lên hướng Bắc và đáp xuống Bắc Kinh. Nhưng ngày ấy chưa lú dạng, bởi vì thủ tướng Úc có đi Trung Cộng thì phải chờ ở bển mời trước. Tới nay, bển chưa gởi thiệp thì sao đi được?

Thủ tướng Úc cuối cùng đi Bắc Kinh là ông Malcolm Turnbull. Chuyến đi này diễn ra vào tháng Chín, 2016. Hơn ba năm trôi qua, Úc đã đổi ‘chủ’ bốn lần mà Bắc Kinh vẫn im hơi lặng tiếng. Ngược lại, đã năm năm rồi Úc chưa treo cờ Ngũ Tinh đón ‘hoàng đế’ Trung Cộng. Lần gần nhất Tập Cận Bình thăm Úc là vào năm 2014.

Trong mấy năm ‘xa mặt cách lòng’ đã xảy ra khá nhiều chuyện làm tình lạnh lùng giữa hai nước thêm băng giá.

Về phía Úc: Úc cấm cửa công ty Trung Cộng Huawei đấu thầu cung cấp dữ kiện điện tử để lập mạng lưới viễn thông 5G. Làm thế, Úc không úp mở: vì sợ Trung Cộng do thám. Không những chận Huawei, Úc còn ra luật đề phòng ‘thế lực nước ngoài (đọc là Trung Cộng) can thiệp và chính trường Úc. Khi Bắc Kinh than phiền Úc chiếu tướng Trung Cộng thì nguyên thủ tướng Malcolm Turnbull đã nói bằng tiếng Phổ Thông mà trả lời: ‘Nước tân Trung Hoa được thành lập bằng mấy chữ “chủ quyền và tự hào’…. nhân dân Trung Hoa đã tranh đấu để được hai điều ấy’. Rồi quay về nước Úc, ông Malcolm Turnbull thêm ‘Và chúng tôi cũng đứng dậy, có thể nói nhân dân Úc đứng dậy vì có thế lực nước ngoài can thiệp vào chính trường Úc’.

Trung Cộng phản ứng dữ dội trước lời của thủ tướng Malcolm Turnbull bằng cách cho phát ngôn viên bộ ngoại giao Trung Cộng bình luận: nói thế là làm cho bầu khi bang giao Hoa-Úc bị nhiễm độc. Cùng một lúc, 30 học giả rành chuyện Trung Hoa – cả người Úc da trắng đến người Úc da vàng – đã viết thư ngỏ để bày tỏ lo lắng trước chiều hướng ‘bài Trung Cộng’ của chính phủ Úc. Một tuần sau thư ngỏ này, lại thêm một thư ngỏ khác với chữ ký của khá đông học giả cũng rành chuyện Trung Hoa không kém khẳng định đã có bằng chứng đảng Cộng Sản Trung Hoa can thiệp vào nội tình nước Úc. Điều này cho thấy: dù là học giả, người ta đang nhìn vào hoạt động của Trung Cộng tại Úc với những con mắt trái ngược.

 

Trung Cộng dùng tiền hủ hoá chính trị gia Úc

Về phía Trung Cộng, Trung Cộng tưởng dùng tiền bạc mua chuộc được người có chức quyền ở Úc. Họ có thể bị mua chuộc. Nhưng khi bị khui thì tất cả đã thân bại danh liệt. Gương ông nghị Sam Dastyari rành rành ra đó. Ông nghị trẻ tuổi gốc Iran ăn phải bả do xì thẩu Huang Xiangmo thả, nên vào tháng Sáu năm 2016 đứng trước một đám làm báo Trung Hoa mà tuyên bố chuyện tranh chấp tại biển Đông là chuyện toàn vẹn lãnh thổ của Trung Cộng và Úc đui72ng xía vào. Ông nghị Úc này còn phun ra những lời y chang như loa tuyên truyền của Bắc Kinh khi viện cái cớ lịch sử ngàn năm để trao chủ quyền vùng biển rộng 3 triệu rưỡi cây số vuông nằm giữa 10 nước (Trung Cộng, Đài Loan, Việt Nam, Cambodia, Thái Lan, Singapore, Mã Lai, Brunei và Indonesia) cho Trung Cộng. Nói như thế tức là đi ngược là lập trường của chính phủ Úc và cũng ngược với lập trường của đảng Lao Động Úc. Thật vậy, vào lúc đó phát ngôn viên của đảng Lao Động về các vấn đề quốc phòng, nghị sỹ Stephen Conroy, chủ trương quyền tự do hàng hải tại biển Đông. Đảng Lao Động mong hải quân hoàng gia Úc phải được quyền tự do băng qua biển Đông như quy định của công pháp quốc tế.

Bị khui ăn phải bả Trung Cộng, cuối cùng nghị sỹ Sam Dastyari đã từ chức vì ‘ăn tiền mặt để tuyên bố vung vít’. Không dùng được tiền đấm mõm chính trị gia Úc, có lẽ Trung Cộng phải tìm ngả đường khác.

 

Thầm lặng xâm lăng Úc

Những ngả đường khác được giáo sư Clive Hamilton kể ra trong sách ‘Silent Invasion: China’s influence in Australia’.

Đó là từ chính trị bước sang văn hóa, từ địa ốc mở rộng tới nông trại, từ đại học lan toả vào cơ xưởng…. Trung Cộng tìm cách gây ảnh hưởng lên đời sống người Úc từ khi chúng ta bước vào trường tiểu học (bằng lớp tiếng Hoa do cán bộ từ viện Khổng Tử dạy) cho tới lụng đoạn thể chế dân chủ ở đất nước này (bằng cách nhét tiền vào mõm chính trị gia và học giả). Trung Cộng thò bàn tay bẩn qua xì thẩu làm ăn cho đảng Cộng Sản cho tới đám người đến đây bằng chiếu khán du học. Có điều tiếc là trong cuộc đụng độ giữa con rồng hung hăng với chú Kangaroo ngây thơ, ‘Đảng Cộng Sản Trung Hoa quyết tâm thắng, còn nước Úc thì… chưa biết. The CCP is determined to win, while Australia looks the other way’, giáo sư Hamilton lo lắng đưa nhận xét.

Thật vậy, vào năm 2015, Trung Cộng không ‘ke’ chủ quyền của Úc đã phái công an đến tận Melbourne để ‘săn cáo’. Săn cáo là chữ Trung Cộng dùng để tóm cổ mấy đầy tớ nhân dân ăn quá no nên trốn sang Úc – như kiểu tướng công an Tô Lâm sai đàn em đi Đức trói gô Trịnh Xuân Thanh mang về Hà Nội trị tội.

Công an Trung Cộng đến tận Glen Waverly, phía Đông Nam thành phố Melbourne, tìm bắt một tài xế xe buýt gốc Trung Hoa, vì cho rằng ‘kiếp trước’ của ông này chính là một quan tham ở Trung Cộng. Úc đã la lối ầm ỷ.

Thủ tướng Úc lúc đó là ông Tony Abbott đã triệu viên chức ngoại giao của Trung Cộng tại Canberra để tỏ ‘quan ngại sâu sắc’ và cho biết Úc không chấp nhận Trung Cộng bí mật bắt người ở bên trong lãnh thổ Úc. Trung Cộng phải nhận mình làm bậy. Và hứa không làm bậy như thế nữa.

Vậy mà mới đây khi sinh viên Trung Hoa du học ở Úc xuống đường ủng hộ phong trào tranh đấu ở Hongkong đã xuất hiện khuôn mặt hắc ám đe dọa người biểu tình. Người ta cho khuôn mặt này là gián điệp Trung Cộng đang hoạt động ở Úc. Được biết, trong những tuần qua nhiều người ở Úc đã xuống đường ủng hộ cuộc tranh đấu đang xảy ra tại Hongkong. Trong những lần xuống đường tại Sydney, Melbourne, Brisbane và Adelaide đã xảy ra xô xát giữa hai phe ủng hộ Hongkong và ủng hộ đất mẹ Trung Cộng. Xô xát xảy ra giữa sinh viên gốc Hoa đến từ Hongkong và gốc Tàu đến từ đại lục là điều để hiểu. Nhưng khi sinh viên đại lục đứng về phe tự do dân chủ Hongkong thoáng thấy bóng dáng ‘ai đó’ thì họ sợ hãi ra mặt. Một trong những ‘ai đó’ đã bị xướng ngôn viên Neil Mitchell (đài 3AW) nhận diện.

Bên cạnh những lần ra mặt lộ liễu ở Úc, Trung Cộng còn chơi chiến thuật ‘tằm ăn dâu’ để biến nước Úc thành thuộc địa (nếu không được thì ít nhất cũng là một trong nhiều chư hầu Nam Man). Không nói đến công ty Úc phải bán thân cho Trung Cộng để có vốn tiếp tục làm ăn, khá nhiều nông trại hay đất đai của Úc đang thuộc về sở hữu của xứ Cộng Sản này. Mới nhất, báo chí bên Tây Úc đưa tin thửa đất bao la nằm về phía Đông thị trấn Geraldton, Tây Úc (cách thành phố Perth chừng 400 cây số về phía Bắc) đã bị Trung Cộng mua. Ở đây, Cộng Sản Trung Hoa mua đất không phải để làm nông trại hay cơ xưởng mà nhắm xây dựng ngôi làng cho người Trung Hoa sang đây ở. Làng Trung Hoa (Rural Chinatown) với 1,500 ngôi nhà có thể là bước đầu tiên biến nước Úc thành nơi ở cho ‘thực dân’ Trung Cộng. Ở đây, thực dân sẽ ở trong những ngôi nhà xây theo kiểu mẫu quốc. Trẻ em sẽ học chương trình không phải như học sinh ở Úc mà giống như ở Bắc Kinh. Ông thị trưởng Geraldton đã xin liên bang cho phép người làng Trung Hoa này mang luôn thợ thuyền từ ‘mẫu quốc’ sang đây.

Rồi ra, cái góc Tây Bắc của nước Úc sẽ nói tiếng Quan Thoại, suy nghĩ rập theo khuôn Bắc Kinh… Góc Tây Bắc sẽ tìm cách lấn át phía Đông Nam nước Úc. Nếu chuyện này xảy ra, một quốc gia bao phủ một đại lục như nước Úc hiện nay sẽ chia năm xẻ bảy như Châu Phi hay Nam Mỹ.

 

Ăn bánh trả tiền

Trong lúc Trung Cộng tìm cách gây ảnh hưởng lên chính trường và đời sống tại Úc thì Úc vừa tìm cách chậm ảnh hưởng đó ở trong nước vừa mạnh mẽ xác định Trung Cộng chẳng phải là ‘bạn hữu’.

Cuộc tình giữa nước ‘tân’ Trung Hoa với Úc Đại Lợi bắt đầu với chuyến đi Bắc Kinh của thủ tướng Úc Gough Whitlam vào năm 1972. Mối tình phát triển mạnh và ngày nay đã trị giá 120 tỷ Mỹ Kim. Đây là số tiền năm ngoái Trung Cộng trả cho Úc khi mua khoán sản. Tiền quá lớn nên trong mắt Úc, Trung Cộng chỉ là một khách hàng (a customer) không hơn không kém.

Thật vậy, khi tranh cử vào tháng Năm vừa qua, ông Scott Morrison chỉ có một cái lưỡi mà dùng đến hai chữ. Chữ trước là ‘friend, bạn hữu’ khi nói đến tình trăm năm với Mỹ quốc. Chữ sau là ‘customer, người mua’ để chỉ số tiền $120 tỷ Mỹ Kim thu về từ Trung Cộng to lớn. Bị Úc coi chỉ là người ăn bánh trả tiền, Trung Cộng bực mình ra mặt. Tờ Hoàn cầu Thời báo – loa tuyên truyền của Bắc Kinh — cho rằng: Mỹ có tung bao nhiêu chiêu quanh nước Úc thì vẫn có người Úc chẳng lo lắng gì cả. Ngược lại khi đụng chuyện với Trung Hoa thì người Úc bắt đầu lo lắng Bắc Kinh gây ảnh hưởng. Điều này cho thấy người Úc chưa tự tin.

Trung Cộng nói gì thì nói, rõ ràng người Úc chưa bao giờ coi khách hàng lớn nhất của mình là bạn. Úc sẵn sàng bán từ khoán sản, nhà cửa, nông trại đến mạng lưới điện và cho thuê cả hải cảng Dawin cho khách hàng. Bao lâu khách hàng trả tiền thì cứ mua. Nhưng khi khách hàng muốn kết thân thành bạn hữu thì Úc vẫn còn ngại.

Ngại không phải vì hai nước quá khác biệt về chủng tộc hay văn hóa mà vì mục tiêu của Trung Cộng đang nhắm tới không những đi ngược với mục tiêu của nước Úc mà còn bị coi là lăm le biến nước Úc nếu không thành ‘chư hầu’ thì cũng là một ‘thuộc địa’ cho tỷ dân phương Bắc.

Ai lại coi kẻ đang lăm le chiếm nước mình là ‘bạn hữu’ bao giờ? Có lẽ hiện nay chỉ có cái xứ Đông Lào đang kết thân với kẻ thù phương Bắc.

Cổ Nhuế

Related posts