Mảnh đời phiêu bạt!

Bãi đậu xe khu công nghiệp Waterglade ở Grays phía Đông thủ đô London nước Anh, lúc 1giờ 40 phút sáng, ngày 23, tháng Mười, năm 2019, các nhân viên cấp cứu đã tìm thấy thi thể của 31 người đàn ông và 8 phụ nữ trong một ‘container’ dùng để chở hàng đông lạnh.

Khi mở cửa ‘container’, nhiệt độ xuống đến trừ 25 độ C, nhân viên cấp cứu thấy ‘hàng chục xác người nằm chồng chất lên nhau’. Những người bị nhốt trong container, có thể đã đập tay dữ dội vào cánh cửa muốn được thoát ra đã để lại những dấu tay đẫm máu.

Cảnh sát Anh được gọi tới để mở cuộc điều tra. Thi thể 39 người xấu số nầy được chuyển tới Broomfield Hospital ở Chelmsford để khám nghiệm hậu tử, xác định nhân thân và tìm ra nguyên nhân chết trong cái thảm kịch đã làm cả thế giới rúng động suốt cả tuần nay.

Cảnh sát Anh cho biết tiến trình nầy phải mất khá nhiều thời gian nhưng rất quan trọng. Nhằm bảo vệ danh dự của các nạn nhân và tôn trọng nỗi buồn đau của thân nhân những người đã khuất.

Viên tài xế đầu xe kéo, chỉ mới 25 tuổi, và 3 người nữa ở Bắc Ái Nhĩ Lan, đã bị Cảnh sát thẩm vấn, sau đó được tại ngoại hầu tra, chờ ra Tòa về 39 tội ngộ sát và tội buôn người.

***

Thủ tướng Anh, Boris Johnson, gọi đây là “thảm kịch kinh hoàng”. Và Amos Kyahurwa, 40 tuổi, người đã bị bức hại về giới tính thứ ba, đã trốn khỏi đất nước Uganda của mình, vượt bao khó khăn bằng cách trốn trong thùng xe đông lạnh may mắn vào được nước Anh để xin tị nạn. “Khi nghe tin, tôi đã khóc khi nghĩ về những người đã thiệt mạng!”

Ngay ngày hôm sau, người dân Anh chắp tay cầu nguyện dưới ánh nến lung linh để tưởng niệm. Họ mang những bó hoa, những tấm thiệp ghi lời chia buồn gửi tới gia đình những người xấu số. Và kêu gọi đừng đổ lỗi cho những người tầm trú.

Trước những cái chết thương tâm nầy, họ không có lỗi gì cả. Vì ai cũng trân quý một đời để sống, có quyền được chọn cách sống thế nào, và sống ở đâu; nên đừng phán xét, ngưng trách móc hoặc dạy bảo những người đã khuất tại sao không như làm thế này hoặc làm như thế kia!

***

Câu hỏi đặt ra là: “Tại sao nước Anh lại là miền đất hứa của những mảmh đời phiêu bạt?” Có lẽ vì dân Anh tôn trọng sự riêng tư, ít chỏ mũi vào đời tư của người khác, cư xử bao dung với người nhập cư, ít khi mật báo với Cảnh sát để bắt họ.

Dân Anh (cũng như dân Úc) không có căn cước, chỉ cần có bằng lái xe xài trong nước; ra nước ngoài mới cần đến sổ thông hành! Và luật pháp nước Anh không buộc người dân phải mang bất kỳ giấy tờ tùy thân nào khi ra đường; nên sống bất hợp pháp cũng không phập phồng lo lắng như những nước khác thuộc khối Liên Âu.

Thường thường thì người tị nạn, người nhập cư, từ khắp nơi trên thế giới bằng nhiều cách khác nhau, đến những bãi xe hàng ở thành phố cảng Calais, nước Pháp, đầu bên này của đường hầm xuyên qua eo biển Manche, nối liền Anh với đại lục Châu Âu. Nơi đó, họ sống lay lắt, tạm bợ trong những lều lán trong rừng để chờ cơ hội vượt biên vào Anh.

Đêm xuống, từng tốp người lẻn vào, tìm các chuyến xe sẽ sang Anh, rạch bạt chui vào nằm im lẫn giữa hàng hoá; hoặc cắt kẹp chì chui vào những thùng ‘container’.

Nếu có tiền trả cho tài xế và may mắn vượt qua trạm kiểm soát biên giới, sang đến đất Anh, tài xế sẽ dừng ở một cây xăng hay một trạm nghỉ chân nào đó cho hành khách xuống.

Mỗi ngày có hàng trăm ngàn ‘container’, nước Anh không thể đủ nguồn lực để kiểm tra tất cả. Cho dù dùng công nghệ tiên tiến để phát hiện khí CO2 do con người thở ra hay dùng cảnh khuyển để đánh hơi người.

***

Khi mở chiếc ‘container’ tử thần, cái quan tài di động kia ra, Cảnh sát và giới truyền thông Anh quốc căn vào tóc đen, da vàng mà tạm thời nhận định các nạn nhân (không có một mẫu giấy tùy thân) là người Trung quốc!

Vì hình ảnh kinh hoàng đó gợi nhớ cái thảm kịch tương tự đã xảy ra vào ngày 18, tháng Sáu, năm 2000 tại hải cảng Dover làm chết 54 người đàn ông và 4 phụ nữ!

Phóng viên của CNN hỏi: “Tại sao Trung quốc, một đất nước có nền kinh tế hung mạnh đứng hạng nhì, chỉ sau nước Mỹ, mà người dân lại tiếp tục bỏ nước trốn ra đi?” Thì thay vì phân tích câu hỏi để trả lời một cách thuyết phục công luận thế giới, phát ngôn viên Hoa Xuân Oánh của Bộ Ngoại giao Trung Quốc lại nói: phóng viên của hãng truyền thông CNN kiếm chuyện.

Tờ Hoàn Cầu Thời Báo của nhà nước CS Trung Quốc nhảy vô, đổ lỗi: nước Anh phải chịu phần nào trách nhiệm về những cái chết này!

Tàu cộng, theo truyền thống xưa giờ, là chối bỏ ngay cái trách nhiệm của chính mình!

***

Việc xác định nhân thân của 39 người xấu số nầy vẫn phải chờ Cảnh sát nước Anh chánh thức công bố. Tuy nhiên một số làng quê ở Nghệ An và Hà Tỉnh đang chìm trong tang tóc!

Những bàn thờ vọng; những chân dung của người trẻ tuổi có đính ngang một dãi băng tang; những buổi cầu nguyện trong giáo đường vì có nghi vấn rằng trong số 39 người đã chết đó có rất nhiều người Việt Nam.

Nỗi đau thương ngập tràn, ràn rụa nước mắt trên những khuôn mặt héo khô, trong phập phồng lo lắng đợi hung tin; vậy mà nỡ lòng nào trên những tờ báo quốc doanh trong nước lại đăng nhưng lời phê phán rất tàn nhẫn là: “Ở Việt Nam thiếu gì cơ hội học tập và làm việc để kiếm sống thì việc gì phải khổ cực và chui lủi vậy?Vì cơm áo gạo tiền mà phải đánh đổi cả mạng sống như vậy có đáng không?

Rồi có người nói: “Đau xót quá! Mong có sự nhầm lẫn nào, hy vọng không phải người Việt ?”

(Người nước nào cũng là con người; cũng là nạn nhân mà đã là nạn nhân thì không có lỗi, ai cũng đáng thương xót như nhau cả mà thôi!).

Có người còn nhẫn tâm hơn, phê phán rằng: “Đi bất hợp pháp, trả giá bằng tính mạng, rồi làm ảnh hưởng tới uy tín của người Việt (?).

(Trời ạ! Uy tín của người Việt nào ở đây?)

***

Theo ông Gareth Ward, Đại sứ Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland, cho biết người Việt là nạn nhân của tội ác mua bán người và nô lệ hiện đại cao nhất tại Anh, chỉ xếp sau nước Albania.

“Những người nước khác do bị dụ dỗ, chèn ép, áp bức để tới nước Anh làm nộ lệ thì người Việt Nam lại tự nguyện ra đi bất hợp pháp; giao phó số phận của mình vào tay bọn tội phạm quốc tế với giấc mơ về một miền đất hứa, kì vọng về cơ hội đổi đời về kinh tế cho bản thân và gia đình mình!”

Đã làm tới chức Đại sứ một nước lớn, dĩ nhiên ông biết nhiều hơn thiên hạ. Lý giải của ông cũng đúng chớ hổng phải sai. Nhưng chỉ đúng có phân nửa. Nhưng nửa ổ bánh mì là bánh mì; còn phân nửa sự thực, còn hơn là dóc tổ, vì định hướng sai công luận”. Hay là vì làm nghề ngoại giao, dẫu có những điều ông biết mà không thể nói thẳng ra chăng?

Những người đang độ tuổi thanh xuân đó, vốn là rường cột của gia đình, của xã hội, là tương lai của một đất nước tự do. Một đất nước mà người dân làm việc chăm chỉ rồi mong thành quả đạt được, đem phân phối lại cho mình một cách công bằng, (dù chỉ là tương đối), thì chắc là không một ai nỡ lòng, cam tâm bỏ nhà, bỏ cửa, bỏ làng quê, xứ sở, nơi có cha mẹ, anh em, vợ con, người yêu hoặc bè bạn để dấn thân vào còn đường gian nan ít may nhiều rủi.

Hành trình ác mộng từ Việt Nam qua Trung Quốc, rồi cả hằng tháng trời lang thang trong cái lạnh giá ở Nga, Ba Lan, Đức, Pháp và cuối cùng là trốn trong thùng xe tải vượt biên giới từ Pháp sang Anh để rồi chết vì quá lạnh, vì thiếu không khí trong thùng xe.

Nếu may mắn đến được nước Anh, thì bị giới chủ nhân, các băng đảng, dựa nỗi lo sợ bị chính quyền bắt bớ, để bốc lột tàn tệ sức lao động, trả cho họ những đồng lương rẻ mạt và ép họ làm việc quần quật, vì biết không ai dám kêu ca hay tố giác!

Những di dân bất hợp pháp nầy trở thành nô lệ thời hiện đại (theo cách nói của phương Tây)!

***

Những người bỏ nước đã ra đi nầy có biết không? Biết nhiều và biết rõ hơn các chánh trị gia phương Tây nhiều. Vì họ là người trong cuộc. Thời buổi của ‘internet’, của thông tin toàn cầu nầy, và dựa vào kinh nghiệm của những người đi trước thì những điều mình cần biết đâu có khó khăn chi?

Nhưng tại sao họ lại chọn cách ra đi? Trong chín từng địa ngục, ông Đại sứ đang ở tầng cuối cùng, nếu có thể đi đến một tầng địa ngục khác đở hơn thì ông Đại sứ có đi không? Họ ra đi; vì không còn mảy may còn sót lại chút lòng tin nào về chế độ đang cầm quyền. Họ ra đi vì tuyệt vọng ở tương lai!

Xin đừng lập lờ đánh lận con đen giữa chế độ và đất nước. Cứ ra rả là: “Đừng hỏi đất nước đã làm gì cho bạn mà hãy hỏi bạn đã làm gì cho đất nước?” Câu hỏi nầy nên dành giới cầm quyền cai trị dân mới phải.

***

Khuya đêm thứ Ba, ngày 23, tháng Mười, năm 2019 định mệnh đó, có một người còn rất trẻ, mới 26 tuổi, tên Phạm Thị Trà My ở thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, Việt Nam, qua ‘facebook’, gởi những lời trăn trối bi thương trong giờ phút cuối cùng là: “Con xin lỗi Bố Mẹ nhiều Mẹ ơi. Con đường đi nước ngoài đã không thành. Con thương Bố Mẹ nhiều. Con chết vì không thở được!”

Lời trăn trối bi thương của một người con gái Việt Nam, một trong những mảnh đời phiêu bạt, làm rúng động thế giới, mà có người cứ hỏi nhưng cái chết tức tưởi nầy là do lỗi tại ai?

Tại nhà cầm quyền CS chớ còn tại ai vô đây nữa?

Đoàn Xuân Thu.

Melbourne.

Related posts