Lời toàn soạn: Nhà văn Hồ Trường An tên thật là Nguyễn Viết Quang, sinh năm 1938 tại Long Đức Đông, tỉnh Vĩnh Long.
Ông còn có các bút hiệu khác là Đinh Xuân Thu, Đào Huy Đán, hai bút danh nữ Nguyễn Thị và Đặng Thị.
Ông cùng bản thổ với nhà văn nữ Nguyễn Thị Thụy Vũ, và là em ruột nhà văn nữ này.
Khi đang học dở dang Dược khoa Sài Gòn thì nhập ngũ Khóa 26 (1967) Trường Bộ Binh Sĩ Quan Thủ Đức. Sau khi rời quân trường, ông lãnh nhiệm vụ là trưởng ban Chiến Tranh Chính Trị tại hai Chi Khu Trị Tâm và Lái Thiêu tỉnh Bình Dương từ năm 1969 tới năm 1971. Sau đó phục vụ tại Ban Thông Tin Báo Chí Quân Đoàn III và Quân Khu 3 cho tới Tháng Tư, 1975.
Ông viết truyện ngắn, thơ, điểm sách, viết tạp ghi. Và sau này ông viết các bài nhận định về kịch ảnh, tân nhạc.
Hồ Trường An cộng tác với các tạp chí Bách Khoa, Tin Văn, Tiểu Thuyết Tuần San, Minh Tinh, Sinh Hoạt Nghệ Thuật, với các nhật báo Tranh Thủ, Tiền Tuyến…
Năm 1977, Hồ Trường An rời đất nước miền Nam qua định cư tại Pháp. Ông ở Troyes cho tới tận bây giờ.
Nhà văn Hồ Trường An vừa qua đời hôm Thứ Hai, 27 tháng Giêng, tức Mùng Ba Tết Canh Tý 2020, tại Troyes, Pháp, hưởng thọ 82 tuổi. Việt Luận đăng lại truyện ngắn dưới đây của ông như một ném nhang để tưởng nhớ đến một người đã có nhiều đóng góp cho nền văn học nước nhà.
Tôi còn nhớ trong xóm tôi có bà Năm Tơ Hồng. Tên thật là bà Năm Lương nhưng vì bà thích làm mai làm mối nên chòm xóm kêu bà là bà Năm Tơ Hồng. Thuở đó, bà Năm Tơ Hồng đã năm mươi tuổi, nhưng bà trẻ dai, coi như khoảng ba mươi ngoài. Bà ăn mặc tươm tất, áo lụa quần lãnh hoặc áo xuyến trắng quần xá xị, quần sa-teng, quần lục soạn, coi khác hẳn mấy bà lam lũ trong xóm. Bà Năm Tơ Hồng ưa đi chùa và có mặt thường xuyên ở các đám tiệc, đám giổ, cúng thôi nôi…trong xóm hoặc các làng lân cận.
Bà Năm sống bằng nghề cho vay ăn lời rẻ và làm đầu thảo mấy chơn hụi. Bà có biệt tài lựa kẻ chơi hụi nên không bị úp hụi bao giờ. Nhờ lui tới giao thiệp chỗ nầy chỗ nọ, từ nơi giàu sang tới chốn hạ tiện trong tỉnh nên bà buôn bán cẩm thạch, hột xoàn chút chút, gọi là để cầu vui. Qua câu chuyện, người mới đến xóm tưởng đâu bà chỉ thuộc hạng trung lưu, đủ ăn đủ tiêu vậy thôi. Ai dè có đến nhà bà mới thấy cảnh bài trí xuê xoang hực hỡ: tủ cẩn, đi-văng chân qùy, choé độc bình bằng sứ lâu đời, lư hương, chân đèn bằng đồng, liễn son, liễn mun nổi chữ thếp vàng…Bà Năm cười khiêm nhượng:
- Tui có cái vỏ bề ngoài chớ cái ruột trống lốc hè. Bà con coi thấy bàn ghế tủ thờ toàn bằng gổ nu, cẩm lai là bởi của ông bà để lại, “hù” láng giềng lối xóm vậy mà!
Lâu lâu bà đeo nữ trang. Gặp kẻ chắc lưỡi hít hà, bà làm bộ nhũn nhặn: - Ối, có gì đâu, của thiên hạ nhờ tui bán giùm kiếm chút huê hồng đó đa! Nè, thím coi cái hột xoàn nầy đi. Năm ly hai, nước trắng tím, lại tra chiếc vỏ bạch kim nên nó chiếu còn hơn sao Nam Tào Bắc Ðẩu nữa. Thím mua chiếc cà rá nầy đeo vô là chú sắp nhỏ có mấy con vợ bé cũng bỏ tuốt để ở nhà hủ hỉ với thím. Ừa, hay là thím để dành cưới vợ cho thằng con trai đầu lòng của thím, có bảnh hơn không?
Thiệt tình, chẳng ai biết việc làm của bà có xuôi chèo mát mái hay không, nhưng về chuyện làm mai thì hễ bà nhúng tay vào chỗ nào là chém chết ít lâu có chuyện gả cưới ở chỗ đó.
Bà Năm Tơ Hồng thường tuyên bố: - Tui mát tay làm mai lắm. Tui mà xe duyên cho đám nào thì họ ăn đời ở kiếp với nhau, phu xướng phụ tùy. Gặp mấy thằng con trai thuộc hạng “đâm cha chém chú, lắc vú chị dâu, cạo đầu bà thím” tui cũng ghép được với mấy con “cắn cơm không bể, cắn tiền bể hai”. Tuy hai đàng thuộc hạng trời ơi đất hỡi vậy mà khi họ ăn ở với nhau rồi thì sắt cầm hảo hiệp, chí thú làm ăn, nên cửa nên nhà.
Bà Năm quả có biệt tài làm mai lắm. Làng xóm ai cũng tin miệng lưỡi của bà. Bà có óc quan sát, có cặp mắt nhắm tướng người. Một hôm bà gặp cô Sáu Ngọc Huệ cặp rổ đi vào rẫy mua rau. Cô gái hơi mảnh khảnh nhưng da trắng mịn như cánh hoa ngọc lan, đôi mắt đen láy nổi bật trên khuôn mặt trái soan. - Nè Sáu, con được mấy tuổi?
Cô Sáu Ngọc Huệ nghiêng cây dù màu đỏ, sắc đỏ dưới nắng trải lên gò má mịn màng của cô một màu hồng tươi đẹp. Cô nhỏ nhẹ: - Thưa má Năm, năm nay con được mười bảy tuổi.
- Chèng ơi! Con nhỏ nầy trổ mã coi được đến! Sáu à, con chịu lấy chồng không con? Ðể má Năm làm mai cho con nghen con?
Cô Sáu Ngọc Huệ mắc cỡ kiếu từ, đi một nước vô rẫy. Hôm sau, bà Năm Tơ Hồng tìm cách lân la tới nhà ông bà giáo Hạt, song thân cô Sáu Ngọc Huệ. Nhà ông giáo Hạt ở gần khúc quanh Long Hồ, giữa khu vườn trồng ổi xá-lỵ sum sê. Ông bà có cậu trưởng nam tên Hai Hiếu, ăn học thành tài, hiện làm giáo sư toán. Nhưng năm cô con gái kế trước kia làm ông bà lo lắm. May nhờ có bà Năm Tơ Hồng mà ông bà gả trôi cô Ba Ngọc Lan cho một thương gia Minh hương, gả cô Tư Ngọc mai cho một thầy giáo dạy lớp tiếp liên, gả phăng cô Năm Ngọc Cúc cho thầy giám thị trường công lập tỉnh. Vừa khi cô Năm đi lấy chồng thì cô Sáu Ngọc Huệ cũng bắt đầu trổ mã.
Hôm đó cô Sáu Ngọc Huệ đi vào xóm thâu tiền hụi và mua bún, bánh hỏi để dọn bữa trưa cho khách. Mỗi khi có bà Năm Tơ Hồng tới chơi, ông bà giáo Hạt mừng lắm, nhứt là từ khi cô Sáu Ngọc Huệ và cô Bảy Ngọc Lựu ra vẻ thiếu nữ trong chiếc áo dài màu xanh da trời. Hai cô mà luộc đầu heo, lỗ tai heo để ăn với bún, bánh hỏi, rau sống, mắm nêm thì khỏi chê. Miếng thịt luộc vừa mềm vừa giòn, lại trắng phau phau. Dĩ nhiên cái bí quyết luộc thịt đó do bà giáo Hạt truyền cho con gái được giữ kín. Mỗi khi chị em cô luộc thịt thì cả hai lo đóng cửa trước, ngõ sau cẩn thận, sợ có kẻ ăn cắp nghệ thuật luộc thịt gia truyền.
Bà Năm Tơ Hồng súc miệng bằng chén nước trà huế pha lợt, rồi cất giọng:
- Thầy giáo Cảnh năm nay được hai mươi bốn tuổi, người thiệt thà. Thẩy có được rảnh rang là chúi đầu vô sách luyện thi tú tài toán chớ không sanh sứa cờ bạc, rượu chè. Nếu chị với anh giáo bằng lòng thì tui dắt má thẩy lại. Má thẩy có một sở vườn bốn mẫu trồng cây trái, huê lợi mỗi năm cũng khá, lại thêm mười mẫu ruộng tốt ở miệt Lộc Hoà, cách chợ Vãng mười bảy cây số.
Bà giáo Hạt têm một miếng trầu đưa cho bà Năm Tơ Hồng: - Ờ, con Huệ tui cũng như con của chị. Chị liệu coi chỗ nào tử tế gả nó dùm. Nhưng mà….- Bà giáo Hạt thấp giọng- thầy giáo Cảnh vóc vạc cao lớn, cười có lúm đồng tiền coi cũng có duyên. Có điều thiên hạ đồn rằng tía thẩy vốn lai Chà Và Châu Giang. Bà nội củ thẩy trước kia xinh tốt như tiên nga, kén chồng dữ lắm. Có thằng Chà Và Châu Giang giàu có muốn cưới bả, chẳng những bả không ưng mà còn nhiếc mắng người ta. Thằng Chà Và bèn dùng bùa ngải mê hoặc, rù quến bả tới nước bả có chửa, rồi đẻ ra ông già tía của thầy Cảnh. Chị Năm không thấy sao, nước da thầy Cảnh đen hù, giống như da ông nội thẩy vậy.
Bà Năm Tơ Hồng nói: - Ối, hơi nào nhắc gốc tích người nầy người nọ, chị giáo! Tía của thầy Cảnh tuy lai Chà Và nhưng là người đàng hoàng, làm công chức ở Kho Bạc, chớ có thua sút ai đâu!
Bà giáo Hạt nói xuôi: - Ờ, chị nói cũng phải. Song tui cũng cần hỏi lại con Sáu coi nó có ưng không. Thời buổi nầy tụi trẻ khó tánh lắm chị ơi. Lai nữa ông nhà tui thường nói “ép dầu ép mỡ, ai nỡ ép duyên” đó chị Năm.
Bà Năm cười chúm chím: - Ai mà thèm ép! Cứ nói phải quấy cho tụi nó nghe cũng đủ rồi. Chị để đó tui. Lưỡi của tui đây nè, ngọt như mật, trơn như mỡ. Tui chỉ nói vài tiếng là đá cũng phải mềm nữa là.
Mâm cơm dọn lên. Ông giáo Hạt cũng vừa ở ngoài vườn bước vào. Vừa thấy bà Năm, ông vui vẻ: - Ðêm qua có đom đóm vô nhà, tui biết thế nào cũng có điềm lành. Té ra bữa nay chị Năm tới chơi.
Bà Năm Tơ Hồng cười hắc hắc: - Chớ sao, tui tới đâu là đem chuyện vui tới đó. “Thứ nhứt đom đóm vô nhà, thứ nhì chuột rúc, thứ ba hoa đèn” tức là ba điềm hên đó đa anh.
Hai vợ chồng ân cần mời bà Năm ngồi vào mâm. Bà giáo Hạt hỏi cô Sáu Ngọc Huệ: - Con Bảy làm giống gì mà cứ lúc thúc trong buồng hoài vậy? Biểu nó ra đây chào hỏi má Năm đi chớ.
Cô Sáu Ngọc Huệ trở vào buồng. Một lát, hai chị em cô bước ra. Cô Bảy Ngọc Lựu tròn trịa, xinh xắn. Môi cô tươi, răng cô trắng, cườm tay cô no nưỡng, trắng phau phau, đeo đôi vòng cẩm thạch màu xanh hoa lý.
Bà Năm Tơ Hồng hỏi:
- Con Bảy đây hả chị giáo? Năm nay nó được bao nhiêu tuổi vậy chị?
- Ờ, con Bảy Ngọc Lựu đó đa! Nó mười sáu tuổi rồi đó. Tui sanh năm một mà chị.
Bà Năm Tơ Hồng ngắm nghía cô gái, tấm tắc: - Da trắng, tóc mịn, tay chân suông đuột, môi đỏ au…Chèng đéc ơi, con nhỏ nầy có thua sút chị nó chỗ nào đâu! Mắt lại lá răm nữa. “Con mắt lá răm, chơn mày lá liễu đáng trăm quan tiền”. Ðể tui làm mai giùm chị, chị chịu không chị giáo?
Bà giáo Hạt nói: - Thì mình lo cho con Sáu xong rồi sẽ tính việc chung thân cho con Bảy.
Bà Năm Tơ Hồng ngon lành: - Tui có thể làm mai một lượt một trăm đám. Nè, có thầy y tá tên Quỳnh, làm việc ở nhà thương chợ tỉnh, mới có hai mươi lăm tuổi, mặt mày sáng sủa, tánh tình dễ chịu, lại bặt thiệp nữa…Chị biết thẩy không? Thẩy ở dãy phố bà Thông Vịnh đó…
Bà giáo Hạt cười nửa miệng, môi chỉ hé một nửa hàm răng hô: - Tui cứ lúc thúc trong nhà lo việc bếp núc, đâu có đi ta bà mà biết hết dân tứ xứ mới tới.
Cô Bảy Ngọc Lựu ngứa miệng: - Con biết thẩy mà. Thẩy mập mạp, trắng như bạch chảng, coi ghê quá!
Bà Năm Tơ Hồng quở: - Ê, đừng nói tầm bậy nà. Thời buổi nầy khó kiếm ông chồng trắng trẻo, bảnh trai lắm nghe con. Mà từ da trắng muốn làm cho da đen dễ ợt hè. Con cứ bắt thẩy trồng bông kiểng, trồng rau, phơi mình ngoài nắng chừng vài cữ là da thẩy sậm sòi chớ gì.
Mặt cô Bảy vẫn phụng phịu: - Trắng gì mà trắng như heo cạo. Dẫu thẩy có phơi một trăm cữ nắng thì da thẩy bất quá đỏ thén như mồng gà lôi chớ làm sao mà sậm được!
Bà Năm Tơ Hồng: - Má Năm cam đoan với con đó. Kỳ hè vừa rồi thẩy đi Vũng Tàu nghỉ mát, da thẩy bắt nắng, coi cũng mặn mòi như ai….
Cô Bảy Ngọc Lựu chỉ cười tủm tỉm không cải nữa. Bà Năm Tơ Hồng hỏi cô Sáu Ngọc Huệ: - Nè Sáu, má Năm định làm mai con cho thầy giáo Cảnh. Con nghĩ sao đây?
Cô Sáu ngập ngừng: - Thưa má Năm, thầy giáo Cảnh nào?
- Thầy Cảnh con ông Hát, trưởng kho bạc đó con.
- Có phải cái thầy đen như cột nhà cháy đó không?
- Thẩy đó đa. Thẩy tuy đen đúa nhưng tướng tá mạnh dạn, mặt mày khôi ngô.
Cô Sáu Ngọc Huệ vặn vẹo cái khăn mù-soa trong tay: - Ý cha, lấy thẩy làm chồng, đố con khỏi bị tụi bạn nó chế nhạo là lấy nhằm ông thần lọ nghẹ hoặc Uất Trì Cung, Hà Ô Lôi…
Bà Năm Tơ Hồng dễ gì chịu thụt lùi trước sụ vùng vằng của cô gái. Bà dỗ ngọt: - Con nhỏ nầy sao mà dại! Trai đen đúa mới có duyên chớ bộ. Mầy khéo kén cá chọn canh hoài đi, rủi hụt con cá lớn, sẩy con tôm bự thì chừng đó đừng có chắc lưỡi mà tiếc nghe con! Chưa chi mà con chê người ta thiếu điều….muốn ngộp hơi tắt thở vậy đó.
Dù có chê bai kẻ bà Năm Tơ Hồng định làm mai, nhưng đêm đó cả hai cô gái cứ rạo rực, khó ngủ. Cô Sáu Ngọc Huệ từ chiều đã tắm rửa bằng xà-bông cô Ba thơm ngát. Cô bận quần áo trắng lên trung đường đốt đèn, thắp nhang, thay nước trong mấy bình bông sen, bông huệ. Cô lầm thầm khấn vái rất lâu trước bức tranh đức Quán Thế Âm bồ tát. Vừa khi cô vào buồng thay quần áo ngủ thì cô Bảy Ngọc Lựu bận áo tràng màu khói nhang đến bàn thờ Phật Bà. Cô triệt hạ dĩa quít, xuống bếp lấy mận và ổi đơm vô dĩa khác để cúng Phật. Dù cây nhang bạch đàn mà chị cô vừa thắp chưa lụn, cô vẫn đốt thêm cây nhang trầm hương. Cô khấn vái lâu hơn cô Sáu Ngọc Huệ và lạy như tế sao.
Vừa về tới buồng, cô Bảy bắt gặp cô Sáu đang rọi kiếng. Cô Sáu Ngọc Huệ hết nặn mụn tới xỉa răng, rồi chải đầu. Chải đầu xong, không biết làm gì hơn, cô Sáu kéo hộc tủ lấy củ nghệ chấm lên mấy vết mụn vừa mới nặn.
Cô Bảy Ngọc Lựu đương thèm săn sóc tóc da. Da của cô thuộc loại mịn màng. Tóc cô nhỏ sợi, thuộc loại tóc mật, bỏ xoã ngang lưng coi thiệt là thơ mộng.
Dù sao hai chị em cũng phải tính chuyện đi ngủ, vì khóm dạ lý bên hè bắt đầu toả hương thơm ngát tức là gần nửa đêm rồi.
Cô Bảy Ngọc Lựu cứ than dài thở vắn. Cô Sáu Ngọc Huệ cứ ngó mông ngọn đèn. Rốt cuộc cô chị lên tiếng trước:
- Con hà bá, bộ mầy ăn không tiêu hay sao mà cứ thở nghe bắt mệt vậy?
Cô em cười: - Còn chị, bộ đau bụng máu hay sao mà cứ xăng văng hoài, không chịu đi ngủ cho khoẻ?
Cô Sáu thu dọn gương lược vô cái hộp tròn: - Nè Bảy, mầy thấy…thầy Cảnh ra sao?
Cô Bảy Ngọc Lựu lúc nào cũng muốn chị mình lấy ai thì lấy phứt cho rồi, để ba má cô tính tới phần cô. Cô nói: - Ðờn ông đâu cần đẹp trai. Thầy Cảnh có sống mũi cao, lưng dài, vai rộng, vóc vạc cân đối.. Thẩy có tương lai trước mặt, có quá khứ tốt lành sau lưng, ở đó mà chê bai thẩy rồi đèo bòng nọ kia. Chị sao ưa thói thả mồi bắt bóng!
Sáu Ngọc Huệ vốn thích lấy chồng trắng trẻo, nho nhã. Nhưng mà cái thầy Quỳnh trắng gì mà trắng lạnh trắng lùng, coi nhột mắt làm sao! Nghe giọng chua lè của em, cô hăm he: - Coi bộ ba má chíp cái thầy Quỳnh đó rồi đa! Thây kệ, Bảy à! Mặt mày thẩy dù không có mặn mòi nhưng cũng hiền hậu. Duyên phận đã định rồi, mầy có chạy đàng trời cũng không tránh khỏi. Chạy trời không khỏi nắng, Bảy ôi!
Cô Bảy Ngọc Lựu bứt rứt: - Thầy Quỳnh đâu có tóc đen như người Việt mình. Tóc thẩy hoe hoe đỏ, chắc là giống bạch chảng chứ gì!
Cô Sáu mở hộp thuốc tể, lấy một viên cỡ viên bi đen óng và bát ngát mùi mật ong, nhai nhỏ rồi chiêu một ngụm nước trà. Thấy cô gầy gầy nên cô Ba Ngọc Lan bổ cho cô một tể thuốc có tác dụng làm kinh nguyệt điều hoà. Kinh nguyệt của cô Sáu khi trồi khi sụt như nước thủy triều nên thỉnh thoảng bà giáo Hạt làm món gà ác tiềm sanh địa hay trái tim heo chưng với châu sa, thần sa cho cô ăn. Vậy mà cô chẳng lên được kí-lô nào. Còn cô Bảy dẫu chỉ ăn một hột cơm vẫn không ốm bớt một gờ-ram.
Cô Bảy Ngọc Lựu nhìn bóng trăng lồng ngoài khung cửa sổ, thở dài một cái sượt. Cô Sáu Ngọc Huệ háy:
- Con nầy kỳ cục chưa? Lấy chồng mà nó làm như bị….xử bắn vậy!
Cô Bảy tức mình: - Chồng con nỗi gì nà. Em chưa kịp lớn để lấy chồng, nay có má Năm a thần phù tới bày chuyện mai mối! Bộ chị tưởng lấy chồng rồi mình nhắm mắt về nhà chồng hay sao? Còn phải chuẩn bị tinh thần nữa chớ. Bô chị hổng lo hay sao, chị Sáu?
Cô Sáu trề môi: - Ối, lo làm gì cho hao hơi tổn sức, Bảy! Tới đâu hay đó. Có khi mầy tính một đàng, kết quả một nẻo.
Cô Bảy nhìn ngọn đèn lom lom: - Cha chả, còn cái đêm tân hôn nữa! Chừng đó mình sẽ….tính cách nào đây?
Cô Sáu mắng: - Ðồ khùng nà! Mầy khỏi cần tính, lúc đó thầy Quỳnh sẽ….tính cho mầy.
Cô Bảy “hứ” một tiếng ghét bỏ: - Rủi thẩy…không chịu tính thì sao?
Cô Sáu cười ngất: - Thì…tới phiên mầy tính.
Cô Bảy cùn quằn: - Thôi, em không thèm lấy chồng đâu. Hổng có tính toán gì ráo trọi á.
Cô Bảy thay một đồ mát bằng sa-teng xanh dịu rồi chui vô mùng. Cô xoay mặt về khung cửa sổ, hỏi chị: - Còn chị, trong đêm tân hôn, chị tính sao?
Cô Sáu cười: - Tao hả? Tao sẽ….nhắm mắt.
- Nhắm mắt hả họng phải không?
- Ừa, tao sẽ nhắm mắt đưa chân, thử xem con Tạo xoay vần đến đâu.
- Rủi con Tạo không chịu xoay vần thì mới làm sao?
- Chừng đó sẽ hay. Mầy quên một điều là ở đời nầy đâu phải ai cũng nhút nhát như mầy.
Cô Bảy hỏi gặng: - Nếu…con Tạo không xoay vần thì chị phải tính chớ?
Cô Sáu Ngọc Huệ mắng: - Cái con ôn dịch nầy sao mà ăn nói trặc trẹo quá! Ừa, chừng đó tao sẽ tính một cái rụp.
Vốn có óc tò mò thiệt bự, nghe tới đây cô Bảy Ngọc Lựu lồm cồm ngồi dậy, hỏi dồn: - Ðâu? Chị tính cách nào, nói em nghe chơi.
Cô Sáu Ngọc Huệ ngon lành: - Chừng đó tao sẽ xách va-ly về nhà nầy.
Cô Bảy rít lên hai tiếng “Tưởng gì!” rồi nằm xuống. Chưa giập bả trầu mà cô Bảy đã ngáy pho pho. Cô Sáu ngớ đăm đăm về phía em, lắc đầu nghĩ thầm: “May mà nó lo mà nó còn ham ăn ham ngủ như vậy đó! Hèn chi ông bà mình nói tụi nhỏ ăn chưa no lo chưa tới…”
Ðời làm mai hễ càng gặp khó khăn là càng thích chí, vì có dịp đem miệng lưỡi ra thuyết phục đôi bên trai gái. Bà Năm Tơ Hồng thường tuyên bố như vậy. Bởi đó, bà cứ trau giồi miệng lưỡi của mình cho càng ngày càng tinh vi, điêu luyện hơn.
Về phía thầy giáo Cảnh, thầy cho rằng cô Sáu Ngọc Huệ hơi gầy, hơi khô. Nhận xét của thầy vừa thoát ra cửa miệng bị bà Năm Tơ Hồng chận liền:
- Con gái lúc chưa chồng thì nó ốm gầy. Chừng đẻ xong vài lượt, máu huyết thay đổi, mình mẩy nó sẽ phốp pháp chớ gì. Cháu có thấy vợ thằng Tám Kéo không? Hồi chưa chồng, nó ốm như cây tre miểu, mình mẩy chỉ có da bọc xương. Vậy mà khi đẻ xong đứa con so, nó mập mạp tròn trịa, da trắng tóc dài, ai thấy cũng lấy làm lạ, cũng khen om sòm.
Ba má thầy y tá Quỳnh sẵn sàng làm suôi với ông bà giáo Hạt vì hai bên đều môn đăng hộ đối. Thầy Quỳnh thì chê cô Bảy Ngọc Lựu hơi mập. Bà Năm Tơ Hồng thuyết phục: - Ối, con gái mập mạp là tướng vượng phu ích tử đó đa cháu. Như con Bảy Ngọc Lựu, vì là con út được tía má nó cưng chiều, chỉ ăn rồi lo việc thêu đan, sung sướng lắm. Chừng nào nó về với cháu, nó phải lo bếp núc cùng trăm thứ việc nhà, có cực khổ lo lắng là nó ốm bớt đi liền, cháu khéo lo!
Dầu đôi bên chê khen lẫn nhau, dẫu đàng trai và đàng gái không mấy hài lòng về phương diện sắc vóc, bà Năm Tơ Hồng vẫn trổ tài thuyết phục để hai cái đám cưới được cử hành vào tháng giêng năm sau. Thầy giáo Cảnh muôn đời giữ màu da đen, cô Sáu Ngọc Huệ thì không mập thêm chút nào. Vậy mà họ yêu nhau rất mực. Cô Sáu Ngọc Huệ thường nhìn chồng nói giỡn: - Chắc hồi có chửa anh trong bụng, má anh uống thuốc bắc, ăn chè đậu đen hơi nhiều nên da anh đen quá là đen.
Thầy giáo Cảnh vuốt ve vợ: - Chắc lúc má em mang em trong bụng, bà ăn cá lòng tong nên em ốm nhom ốm nhách. Phải chi bả ăn cá rô mề, ăn thịt gà thiến thì em sẽ mập mạp dễ thương hơn.
Màu da thầy Cảnh đối với cô Sáu Ngọc Huệ không thành vấn đề từ sau tuần trăng mật. Nó như đứng ngoài bờ rào nhân dạng đầy nam tính của chồng cô. Khi thầy bị sốt rét, thiếu máu, nó trở thành màu mắm. Khi thầy phục sức, hồng hào nó trở nên màu tương tàu. Cô không cần nhìn nó nữa. Cô chỉ thấy ở chồng mình một thân thể dẻo dai, ngập tràn sức sống, óc khôi hài tế nhị, nụ cười cởi mở, bao dung.
Về phía thầy Cảnh, thầy chỉ thấy vợ mình tuy mảnh mai nhưng thân thể mềm mại. Cái yếu ớt của cô đã gợi nơi thầy một sư che chở đầy âu yếm của đấng trượng phu.
Bà Năm Tơ Hồng hài lòng lắm khi thấy cặp vợ chồng nầy yêu thương, hoà thuận. Hễ mua được món quà nào đặc biệt, họ cũng kính biếu bà. Mùa xoài, mùa mận, mùa quít, mùa vú sữa, mùa ốc gạo, mùa chim…Mùa nào thức đó, họ tặng bà đủ các món quà quê hương.
Còn thầy Quỳnh và cô Bảy Ngọc Lựu thì sao? Mỗi xế chiều, thầy Quỳnh thích ra sân vận động để dợt đá banh. Thầy chỉ mặc cái quần cụt nên nước da thầy tiếp xúc với nắng nhiều, trở nên nâu hồng. Ðường banh của thầy khá điêu luyện, nhờ đó hội banh của thầy đã từng thắng hội banh tỉnh Sa Ðéc một cách vẻ vang trong kỳ so tài năm ngoái. Còn cô Bảy Ngọc Lựu vì sợ chồng chê nên không dám ăn uống xô bồ xô bộn. Thân thể cô bớt mập, trở nên tròn lẵn.
Vợ chồng Quỳnh dọn về xóm Cầu Ðào, gần miểu Quan Thánh Ðế Quân. Cô Bảy Ngọc Lựu tỏ ra một người nội trợ xuất sắc. Thầy Quỳnh có nhiều dịp thưởng thức món đầu heo, lỗ tai heo luộc ăn với bánh hỏi rau sống mắm nêm do vợ làm. Nhiều lúc trong cơn chăn gối mặn nồng, cô Bảy Ngọc Lựu nhìn màu da nâu hồng nắng táp của chồng, thỏ thẻ:
- Hồi xưa, khi má Năm tính làm mai anh cho em, em lỡ dại chê anh trắng như con heo cạo.
Thầy Quỳnh ve vuốt đôi vai tròn của vợ, nhìn tấm lưng thon của vợ, thú thiệt: - Anh cũng vậy. Hồi đó anh chê em mập tròn như con cá bống mú.
Bà Năm Tơ Hồng vui lắm. Gặp chòm xóm láng giềng bà khoe inh ỏi: - Bà con thấy chưa? Tui nói đâu là trúng đó. Cứ coi thầy Quỳnh và con Bảy Ngọc Lựu… Thiệt xứng đôi vừa lứa. Hồi chưa lấy con Bảy, thẩy trắng ngó mà phát ớn, còn con Bảy thì mập như trái xoài tượng. Bây giờ chồng thì mặn mòi, coi bảnh trai hết sức. Còn vợ thì liễu yếu đào tơ, thiệt đúng là một cặp tiên đồng ngọc nữ. Họ nồng nàn với nhau quá xá cỡ. Tui làm mai mát tay thiệt mà. Chắc kiếp trước tui là đồ đệ của ông Tơ bà Nguyệt đó đa.
Và để chấm dứt sự khoe khoang rất chi là dễ thương của mình, bà chìa tấm ảnh cô Hai Kim Tuyến con của ông bà Bang biện Thuận ra khoe:
- Cô nầy đang kén chồng đây. Cổ học trường Sư phạm ở Thầy gòn. Tui nhứt định làm mai cổ cho thầy đốc công sở Trường tiền tên là Trương Anh Tuấn. Bà con coi họ có xứng cặp với nhau hay không?
Trong ảnh, cô Hai Kim Tuyến đứng bên chậu thược dược, mặt nghiêng nghiêng, miệng cười, mắt liếc có vẻ hớn hở lắm.. Bà Năm Tơ Hồng chắc lưỡi hít hà: - Thiệt là dễ thương! Hèn chi hồi xưa có một ông thi sĩ nào đó vịnh một mỹ nhơn khi cổ đi dạo vườn huê, xem bông kiểng: “Người ngọc bên hoa, hoa ửng sáng. Hoa cười bên ngọc, ngọc thêm trong”. Hai câu thơ nầy vịnh cô Hai Kim Tuyến thiệt là không uổng cái hay, cái đẹp của thơ và nhứt là không phụ cái nhan sắc mặn mòi của cổ.
Thưa bà con độc giả xa gần. Trải qua bao lớp sóng phế hưng của lịch sử, trải qua bao cuộc thăng trầm của tổ quốc, không ngờ mùa xuân năm ngoái tôi có dịp gặp lại bà Năm Tơ Hồng tại chùa Khánh Anh trên đất Pháp. Năm nay bà trên bảy chục tuổi, răng cỏ sệu sạo, tóc bạc như phết vôi, ấy vậy mà sắc mặt bà sáng hồng, mắt đưa đẩy theo câu chuyện dù da mặt bà đã nhăn, vai bà co rút. Tôi hỏi:
- Sao bà qua bên đây được? Ði chánh thức theo quốc tịch Pháp hay đi vượt biên?
Bà Năm Tơ Hồng cười hắc hắc: - Tui đâu có phải là dân Tây. Tốn mười hai lượng vàng mới được ông chủ tàu đánh cá ở Rạch Giá cho đi hùn đó. Tui đi với vợ chồng thằng Hứa. Cậu còn nhớ nó chớ?
Hứa là con trai độc nhứt của bà. Anh ta làm thợ bạc nổi tiếng về việc tra kim cương vô vỏ bạch kim, mãi tới bốn mươi ngoài mới lấy vợ. Chòm xóm đồn rằng Hứa đi hỏi đám nào là đàng gái chạy tét vì Hứa ăn nói vô duyên. Mẹ làm mai nên con trai mất duyên! Sau cùng Hứa đi cưới cô Sâm vốn gái lỡ thời, ốm tong teo như cây sậy, trái với thân hình mập núc của Hứa. Khi ăn ở với nhau, cô Sâm béo đẹp ra, còn Hứa thì rắn chắc lại.. Cả hai cùng yêu đương, thuận thảo lắm. Bà Năm Tơ Hồng làm mai đám nào cũng suôn sẻ, trơn tru, nhưng tới khi đi hỏi vợ cho con lại phải trầy vi tróc vảy mới cưới được cô gái ế chồng, lạt nhách như cơm nguội cho con.
Bà Năm Tơ Hồng khoe:
- Bây giờ tui mộ đạo lắm cậu à. Chúa nhựt nào tui cũng lên mấy chùa làm công quả. Tui cũng làm áp phe chút chút. Cậu coi ai muốn mua cẩm thạch thì nhớ liên lạc với tui nghe không?
Bà cho tôi số điện thoại rồi dặn: - Thằng Hứa làm thợ bạc chắc cậu chưa quên. Ai có san hô, mã não, hổ phách, ngọc lựu, ngọc miêu nhỡn, ngọc huyền…muốn tra vỏ bạc, vỏ vàng thì cũng cứ phone theo số điện thoại đó.
Tôi hỏi bà còn tiếp tục làm mai nữa không, bà vỗ vai tôi, cười tít mắt, nói ngon lành: - Vẫn tiếp tục chớ cậu. Tui thương cho mấy cậu thanh niên, mấy cô gái bơ vơ xứ người mà chưa có đôi bạn. Phải tìm cách “xe duyên chỉ thắm” cho họ để họ đẻ con cho đông, một khi kéo về nước là tấn công tụi cộng sãn một cái rụp để kéo tụi nó xuống địa ngục chầu thằng cha Bác Hồ của tụi nó.
Tràng cười dòn khấm khướu của bà chấm dứt câu nói. Trước khi chia tay bà còn dặn tôi: - Có rảnh lại tui chơi nghen cậu. Con cháu vợ của thằng Hứa đẹp như đào Thanh Nga hiện cũng đang kén chồng. Cậu lại đàng tui chơi đi. Nó mà nấu canh chua cá “đô-rát” cho cậu ăn là cậu mê liền…
Hồ Trường An