Graham Allison và Christopher Li
Đỗ Kim Thêm dịch
Lời người dịch: Dịch bệnh virus corona, một kẻ thù chung vô hình, đang tung hoành trên toàn cầu để huỷ diệt con người. Trước một cuộc chiến sinh tử cấp bách này, hai tác giả Graham Allison và Christopher Li đề cao việc hợp tác y tế trong mối bang giao Trung Quốc-Hoa Kỳ. Thật ra, nhìn chung bối cảnh, đối sách trong hợp tác y tế quốc tế cần có các mục tiêu toàn diện. Đầu tiên, y học phải tập hợp các nguồn lực nghiên cứu để sản xuất các phương pháp điều trị mới và vaccine phát minh phải được coi là dược phẩm công ích cho nhân loại. Thứ hai, để hạn chế thiệt hại kinh tế do dịch bệnh gây ra, chính quyền cần có các biện pháp hợp tác thông tin, khích lệ tài chính và huy động tiền tệ. Thứ ba, ngay khi được cơ quan y tế cho phép, chính quyền mở lại biên giới và bảo vệ cho việc lưu thông thương mại hàng hóa. Cho đến nay, Trung Quốc bị lên án nặng nề về trách nhiệm gây ra đại dịch Vũ Hán, các biện pháp độc tài gây cách ly, giám sát, tùy tiện bắt giam các bác sĩ muốn cảnh báo và trục xuất các nhà báo ngoại quốc đưa tin trung thực. Mức độ bùng phát của dịch bệnh, các số liệu thống kê về số ca nhiễm và tử vong tại Vũ Hán hoàn toàn không chính xác. Trung Quốc luôn che giấu thực tế trầm trọng bằng các thủ thuật tuyên truyền. Giờ đây, tình thế đổi thay, các nước gặp nạn dịch đang có nhu cầu khổng lồ về nhập khẩu trang thiết bị y tế, nhất là khẩu trang và dụng cụ xét nghiệm; vai trò của Trung Quốc, vốn chiếm đến 80% năng lực sản xuất thế giới, càng quan trọng hơn. Thật ra, trong một nền kinh tế quốc doanh, việc sản xuất khẩu trang là một biện pháp thành công nhanh chóng khi Trung Quốc độc quyền huy động nhiều doanh nghiệp khác nhau quá dễ dàng. Bằng chứng là, trong một thời gian ngắn, Trung Quốc có thể tăng sản lượng lên gấp 12 lần, sản xuất được 200 triệu khẩu trang một ngày, trong khi đó, Pháp sản xuất 300 triệu một năm. Hình ảnh đối nghịch là ngay từ đầu tháng giêng năm 2020, vì nhu cầu đột biến tại Vũ Hán, Trung Quốc còn lùng mua mặt nạ và khẩu trang khắp châu Âu và nhập khẩu được 56 triệu để tích trữ. Chỉ trong ngày 30 tháng Giêng, Trung Quốc nhập 20 triệu mặt hàng làm đảo lộn thị trường quốc tế. Theo chiến lược ngoại giao “Con đường tơ lụa y tế”, mới hình thành này, Trung Quốc sẽ chia sẻ kinh nghiệm chiến thắng virus trong nước và cung cấp trang thiết bị cho các đối tác mà Iran, Philippines, Pháp và Ý là thí dụ điển hình. Đây cũng là một cơ hội cho Trung Quốc xoá bỏ trách nhiệm và biến thành một ân nhân cho cộng đồng quốc tế. Tập Cận Bình đã bày tỏ thiện chí hỗ trợ cho châu Âu và cũng điện đàm cho Boris Johnson và Donald Trump để cam kết hợp tác. Thật ra, Trung Quốc không có thiện chí của một ân nhân đầy lòng bác ái mà là có điều kiện: châu Âu phải thay đổi chủ trương đối với doanh nghiệp Hoa Vi (Huawei) để nhận hàng. Trước các kinh nghiệm về đàm phán thương chiến và hợp tác y tế hai mặt của Trung Quốc, Hoa Kỳ phải nghĩ và làm gì? Trước hết, hai tác giả không cảnh báo cho Hoa Kỳ hành động hợp tác là phiêu lưu nguy hiểm khi vội vàng khép quá khứ: Bắc Kinh đã không cho các chuyên viên y tế Mỹ vào Vũ Hán để nghiên cứu dịch bệnh và quy kết vô căn cứ Hoa Kỳ là thủ phạm. Thái độ gian trá của Trung Quốc gây tác hại không kém gì virus corona, cho dù tình trạng dịch bệnh lây lan và tử vong tại Hoa Kỳ lên đến mức độ báo động. Tính đến thời điểm hiện tại, Hoa Kỳ có 5,768 ca tử vong và 238,823 ca nhiễm. Sau đó, hai tác giả đề cao khả năng phục hồi nhanh chóng của nền kinh tế Trung Quốc. Luận điểm này thiếu thuyết phục và cần chứng minh nhiều hơn. Triển vọng không thể lạc quan như hai tác giả nhận định. Về bản chất, thị trường chứng khoán phản ứng năng động trong tình thế nhất thời, nhưng đó chỉ là dấu hiệu báo động tiên khởi cho những triển vọng đầu tư trong các ngảnh sản xuất công nghiệp. Kinh tế Trung Quốc bị tổn thương nặng nề do các biện pháp trửng phạt quan thuế do Trump gây ra trước đây. Hiện nay, các lĩnh vực hàng không, du lịch, sản xuất các mặt hàng cho chuỗi cung ứng cho toàn cầu đang tê liệt. Uy tín xuống thấp, Trung Quốc không còn nhận đơn đặt hàng và có các đầu tư mới. Trung Quốc và Hoa Kỳ cũng như cộng đồng quốc tế cùng gặp phải một khó khăn chung trong nhận định là: Virus corona còn hoành hành cho đến bao lâu và chừng nào mới có thuốc điều trị. Hai thách thức này sẽ gây ra các hậu quả cho các nước là sẽ phải chịu cảnh suy thoái (recession) trong ngắn hạn hay suy trầm (depression) trong dài hạn. Tuỳ theo viễn tượng mà thảo luận một sách luợc phục hồi cụ thể hơn. Nhìn chung, không ai có thể lường đoán sau khi virus bị tiêu diệt, một trật mới cho thế giới hay bang giao Trung Quốc và Hoa kỳ theo một mô hình nào. Tuy nhiên, công đồng quốc tế nhận ra điều chắc chắn là: Gian trá của Trung Quốc đối với dân trong nước và quốc tế đã phơi bày, lệ thuộc vào kinh tế của Trung Quốc sẽ mang đến thảm hoạ, tốc độ toàn cầu hoá sẽ chậm lại, tại các nước phong trào bài ngoại sẽ tăng lên, hợp tác về truyền thông xã hội dân sự sẽ chặt chẽ hơn, tinh thần đoàn kết tương trợ và ý thức về giá trị sức khoẻ và môi trường được đề cao hơn.
Để Hoa Kỳ đánh bại virus corona và trở lại một cuộc sống như trước cơn ác mộng này, chúng ta có nên xác định xem Trung Quốc là một kẻ thù chống lại ai để huy động? Hoặc trong một cách khác, chúng ta phải công nhận Trung Quốc là một đối tác mà sự hợp tác của họ là cần thiết cho chiến thắng của chính chúng ta? Trong khi Washington đã đồng thuận chuyển hướng táo bạo sang việc xác định Trung Quốc là một phần của vấn đề, thật ra, chúng ta không thể thành công trong cuộc chiến chống lại virus corona này mà không biến Trung Quốc thành một phần của giải pháp.
Sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ là một đặc điểm xác định mối quan hệ của cả hai theo như bất kỳ con mắt nào có thể nhìn thấy. Đây là một hậu quả không thể tránh khỏi các thực tế thuộc về cấu trúc. Tuy nhiên, bất cứ ai cố gắng ngụy trang hoặc phủ nhận vấn đề, Trung Quốc trỗi dậy nhanh chóng đang thực sự đe dọa thay thế cho Hoa Kỳ ra khỏi vị trí hàng đầu. Bất chấp thực tế này, khi đối mặt với các mối đe dọa cụ thể mà Hoa Kỳ không thể đánh bại, vấn đề đặt ra là, liệu các chính khách có thể đủ khôn ngoan để đồng thời tìm cách cho các đối thủ thành các đối tác hay không.
Các con virus không mang hộ chiếu, không có ý thức hệ và không tôn trọng các biên giới. Khi một người khỏe mạnh hít những giọt nước từ một bệnh nhân bị nhiễm bệnh hắt hơi, về cơ bản, tác động sinh học là giống nhau cho dù người đó là Mỹ, Ý hay Trung Hoa. Khi sự bộc phát trở thành một cơn đại dịch lây nhiễm cho toàn dân trên thế giới, không một quốc gia nào có thể che biên giới của mình, mọi quốc gia đều có nguy cơ.
Một thực tế không thể chối cãi là tất cả 7,7 tỷ người sống hiện nay đều sống trên một hành tinh nhỏ trên Trái Đất. Như Tổng thống Kennedy đã giải thích sự cần thiết phải chung sống với Liên Xô khi đối mặt với nguy cơ về vũ khí hạt nhân để chung sống hổ tương: “Tất cả chúng ta đều hít thở cùng trong một bầu không khí. Chúng ta đều trân trọng tương lai của con em mình. Và tất cả chúng ta đều phải chết“.
Khi một cuộc khủng hoảng xảy ra, câu hỏi đầu tiên mà nhiều người đặt ra là, xem lỗi của ai đây?
Nếu việc tuyển chọn chính là tìm ra kẻ gian, thì Trung Quốc đúng là nhân vật đóng vai trò này. Virus corona đầu tiên xuất hiện ở đâu? Ở Trung Quốc. Ai thất bại trong việc ngăn chận cuộc khủng hoảng ngay từ khi còn trong trứng nước? Chế độ độc đoán của Trung Quốc đã thể hiện tất cả các đặc điểm tồi tệ trong việc che đậy các báo cáo sơ khởi, trì hoãn việc loan truyền các tin xấu cho thượng cấp và phổ biến. Mặc dù Chính phủ Trung Quốc đã nỗ lực hết sức để viết lại các bài tường thuật, nhưng thật ra, Trung Quốc không thể ngụy trang nhiều điều mà trong trường hợp này Trung Quốc đáng bị chê trách.
Nhưng nỗ lực của nhiều người ở Washington biến điều này thành cốt truyện, chính là người thoát ly thực tế, họ cố gắng tránh né trách nhiệm cho những thất bại của chính họ. Tổng thống Trump khăng khăng gọi mầm bệnh tên là virus Trung Quốc. Một thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa hàng đầu đã dung dưỡng cho các nhà lý luận về thuyết âm mưu trong mạng truyền thông xã hội bằng cách cho rằng virus đã thoát ra khỏi một phòng thí nghiệm vũ khí sinh học của Trung Quốc.
Những người trưởng thành tiếp bước theo sau. Một thách thức cấp bách mà Mỹ đang phải đối mặt trong nỗ lực đánh bại virus corona không phải là Trung Quốc. Đó chính là những thất bại của chúng ta trong việc huy động một đối sách cho phù hợp với mối đe dọa. Sau khi các quốc gia như Singapore và Hàn Quốc bắt đầu thực hiện các biện pháp khẩn cấp, chính phủ Hoa Kỳ vẫn từ chối việc áp dụng trong mấy tuần. Ai đã thất bại trong việc chuẩn bị cho mầm bệnh lan tiếp theo sau khi chúng ta xem các phiên bản trước đó của sự bùng phát MERS năm 2012, Cúm lợn năm 2009 và SARS năm 2003? Trong một thế giới nơi mà Hàn Quốc bắt đầu xét nghiệm cho 10.000 người dân mỗi ngày trong vòng vài tuần từ bệnh nhân đầu tiên và hiện nay họ có thể thực hiện xét nghiệm 20.000 người mỗi ngày, ai vẫn đang loay hoay lúng túng đổ lỗi hết lý do này đến lý do khác?
Chuyện rõ là để khẳng định rằng, chúng ta phải đối mặt với những sự thật tồi tệ về những thất bại của chính mình và công nhận những thành công của người khác, điều này không ngụ ý cho bất kỳ sự tương đương đạo đức nào. Giống như hầu hết người Mỹ, khi là một vấn đề về đức tin, chúng ta bắt đầu với niềm tin cho rằng, về cơ bản, nền dân chủ Hoa Kỳ là tốt đẹp, mà chúng ta tin đó là do Đấng Tạo hoá ban cho, và chủ nghĩa độc tài Trung Quốc do Đảng lãnh đạo phủ nhận một số dân quyền là xấu.
Nhưng sự thật phũ phàng là điều khó chối cãi. Sau một tháng trì hoãn quá đắt giá, vào ngày 20 tháng 1, Chính phủ Trung Quốc đã công khai nhận ra mối đe dọa này, họ thông báo rằng virus có thể lan truyền từ người sang người. Hai tuần trước đó, họ đã thông báo cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về căn bệnh này, giải thích về trình tự bệnh và tung lên mạng để cho các nhà khoa học trên thế giới có thể bắt đầu tìm vaccine. (Moderna, một doanh nghiệp có trụ sở tại Boston, đã nghe lời kêu gọi và trong vòng chưa đầy hai tháng, đã tạo ra một loại vaccine hiện đã được đưa vào trong phòng thí nghiệm của chính phủ Hoa Kỳ.)
Một khi Trung Quốc nhận ra mối đe dọa và nhà lãnh đạo tối cao của họ đã tuyên bố dịch bệnh là “một cuộc khủng hoảng và thử thách lớn“ vào ngày 21 tháng 1, Trung Quốc đã tiến hành một cuộc chiến công mạnh bạo nhất đối với một loại virus mà thế giới đã thấy. Biện pháp này bao gồm khóa chặt Vũ Hán, một thành phố có 10 triệu dân, là nơi virus đầu tiên xuất hiện. Những ngày sau đó, Trung Quốc đã lập ra một vòng đai y tế xung quanh cho dân chúng tỉnh Hồ Bắc với hơn 50 triệu người. Vòng đai này đã thiết lập các trạm kiểm tra bắt buộc xung quanh thành phố trong các khu dân cư lân cận và các điểm trung chuyển giao thông công cộng; các khách sạn, sân vận động và trường học biến dạng thành các trung tâm y tế tạm thời; thành phố tràn ngập với hàng ngàn công nhân xây dựng cùng với máy trộn xi măng và xe tải để xây dựng các bệnh viện mới từ mặt bằng với tốc độ đáng kinh ngạc (một bệnh viện 1.000 giường được xây dựng trong 10 ngày) và huy động hàng chục ngàn binh sĩ của Quân đội Nhân dân để phân phối vật tư thiết bị y tế và điều hành các hoạt động.
Thông báo do Chính phủ Trung Quốc đưa ra không bao giờ có thể mang giá trị thực sự. Chính phủ của họ đã thao túng các dữ liệu và thậm chí các tiêu chí cho những gì được coi là một trường hợp nhiễm bệnh mới. Không còn nghi ngờ gì nữa, những dư luận viên cho Bắc Kinh đã nỗ lực trong việc cố gắng định hình các bài tường thuật để che giấu những thất bại của họ trong giai đoạn đầu tiên của chiến dịch này. Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã táo bạo, đưa ra thuyết âm mưu khi tuyên truyền rằng Quân đội Hoa Kỳ đã nhập loại virus này. Nhưng bất chấp chuyện rùm beng, tại thời điểm này, bằng chứng từ tất cả các nguồn tin cho thấy rằng những nỗ lực này đã thật sự thành công trong việc bẻ cong đường tuyến nhiễm trùng xuống bằng không. Các nhà bán lẻ của Mỹ, bao gồm Apple, Starbucks và McDonalds, hiện đang mở cửa kinh doanh tại Trung Quốc.
Hiện nay, điều bắt buộc đối với Hoa Kỳ là làm mọi cách có thể, để ngăn chặn virus corona lây nhiễm cho hàng triệu đồng bào, giết chết hàng trăm ngàn người và nghiền nát xã hội của chúng ta. Nếu các nhà khoa học y tế ở Trung Quốc có thể phát triển các loại thuốc chống virus, giúp giảm thiểu tác động đối với người nhiễm bệnh, người Mỹ có nên nhập khẩu loại thuốc này không? Hãy tưởng tượng ra rằng, trong những tháng sắp tới hoặc hai nhà khoa học Trung Quốc phát minh ra một loại vaccine trong khi các nhà chức trách Mỹ khẳng định, họ sẽ không chấp thuận cho nhập thuốc trong hơn một năm. Một khi thủ tục cho nhập thuốc đã được chứng minh là có hiệu quả ở Singapore hoặc Hàn Quốc, liệu người đọc có chờ đợi Cơ quan Liên bang Dược phẩm (FDA) của chúng ta không?
Đứng trước hàng loạt tiếng than khóc từ các bệnh viện trên khắp Hoa Kỳ và những người phản ứng đầu tiên về khẩu trang N-95, nếu Trung Quốc chuẩn bị gửi hàng triệu khẩu trang đến Mỹ, như đã làm ở Ý gần đây, liệu người Mỹ có nên chào đón mặt hàng này không? Nếu bài học Trung Quốc đã học được trong việc tạo phép chẩn đoán, bắt đầu bằng việc lấy nhiệt độ lan tỏa, khiến những người bị sốt phải chụp CT, và nếu một cá nhân vẫn nghi ngờ phải dùng que kiểm tra phân tích trước khi tuyên bố có bị nhiễm không, thì đã chứng minh được hiệu quả, chúng ta có nên từ chối học hỏi kinh nghiệm đó vì nguồn gốc của nó không?
Nhưng chúng ta không nên mang ảo tưởng. Đồng thời, thất bại của đại dịch này nhấn mạnh đến lợi ích sinh tử của đất nước mà cả Mỹ và Trung Quốc đều không thể bảo đảm nếu không có sự hợp tác của nhau, thành quả và thất bại của hai quốc gia sẽ gây ra hậu quả sâu rộng cho sự cạnh tranh to tát hơn trong giới lãnh đạo. Từ tăng trưởng kinh tế trong 12 tháng tới, cho đến niềm tin của dân chúng nơi chính quyền và vị thế của mỗi quốc gia trên toàn thế giới, những thành công và thất bại trong việc đáp ứng thử thách sẽ là vấn đề rất quan trọng để thu phục tinh thần chung trong toàn cầu.
Đáng tiếc là hầu hết các bình luận về khía cạnh này của cuộc khủng hoảng đã bị tác động gây mê hoặc do nỗ lực của Trung Quốc khi thao túng các chuyện tường thuật. Tất nhiên, Trung Quốc đang dồn mọi sức để bán các tường thuật và che giấu sự thật để thể hiện mình là tốt nhất. Nhưng mối quan tâm với “cuộc chiến trong việc tường thuật“ tập trung vào lời nói hơn là hành động, nó làm người ta quên việc xem chuyện không quan trọng thành quan trọng.
Trong các cuộc chiến thật sự, đếm xác chết là chính. Trong khoa kinh tế học, tăng trưởng thật sự tạo ra nhiều cách hơn. Trong mối quan hệ với các quốc gia khác, việc chuyển vận các trang thiết bị y tế rất cần thiết mà những gì nơi khác đang tuyệt vọng, nó quan trọng hơn là bất kỳ lời nói nào.
Ngày nay, các thị trường tài chính đang đặt cược rằng, về cơ bản, Trung Quốc đã thành công trong trận chiến đầu tiên trong cuộc chiến lâu dài này. Nếu sau khi giảm mạnh trong quý đầu tiên, các thị trường sẽ quay trở lại với sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, một mặt, Mỹ đã đứng trước bờ vực giữa suy thoái kéo dài và suy trầm thực sự, mặt khác, khoảng cách giữa GDP của Mỹ và Trung Quốc sẽ phát triển. Nếu một chính phủ độc tài thể hiện năng lực trong việc bảo đảm quyền con người cơ bản nhất của người dân, thí dụ như quyền sống, khi chính phủ dân chủ, phi tập trung biết phải tiếp tục làm gì, thì sự phản đối đối với các biện pháp mà Trung Quốc thường dùng, sẽ giống như là ganh tị không quan trọng.
Hơn nữa, chúng ta không bao giờ nên quên một cảnh quan rộng lớn hơn. Có những bài tường thuật trong tổng thể của Trung Quốc là chuyện về sự trỗi dậy không thể tránh khỏi của Trung Quốc và sự suy vi của Mỹ. Một quốc gia vào đầu thế kỷ mà GDP chưa đến một phần tư so với GDP của Mỹ, hiện nay đã vượt qua để tạo ra một nền kinh tế lớn hơn chúng ta. Quân đội buộc phải rút lui trong cuộc khủng hoảng ở Đài Loan năm 1996 khi Mỹ gửi hai tàu sân bay tới hiện trường, trong hai thập niên qua đã xây dựng một công xưởng vũ khí nguyên tử có khả năng tàn phá các tàu sân bay, mà biện pháp này buộc Mỹ hiện nay phải đưa ra các lựa chọn khác. Sau hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, giới lãnh đạo Trung Quốc đã được khích lệ bởi sự thành công của trong việc hồi phục nhanh để tăng trưởng nhanh trong khi Hoa Kỳ bị mắc kẹt trong sự trì trệ. Trừ khi Mỹ có thể tìm cách đáp ứng nhanh với thử thách virus corona trong hiện tại, Trung Quốc có thể bị cám dỗ chấp nhận rủi ro lớn hơn, bao gồm cả việc buộc Đài Loan phải chịu sự cai trị của Bắc Kinh.Các cơ hội hợp tác
Tìm kiếm kiến thức của khoa học về bệnh tật, khám phá các loại thuốc để điều trị và phát triển cách phòng ngừa và chữa bệnh vốn đã là các công trình quốc tế và rộng mở. Y khoa sinh học thăng tiến thông qua những khám phá trong các phòng thí nghiệm trên toàn thế giới. Nghiên cứu vốn đã hợp tác, ngày nay, hơn một phần ba các bài báo khoa học do người Mỹ xuất bản, có ít nhất một đồng tác giả là người nước ngoài. Một phần ba của các bằng tiến sĩ Mỹ được trao cho các sinh viên Trung Quốc.
Vì vậy, hiện nay, trong chiến dịch đánh bại virus corona và trong tương lai, xây dựng một nền tảng để ngăn chặn đại dịch do virus mới gây ra, thì Mỹ và Trung Quốc nên tham gia với tư cách là đối tác ở đâu? Có ba lĩnh vực quan trọng kêu gọi hợp tác.
Vấn đề đầu tiên là dữ liệu, từ bộ gene đến dịch tễ học. Trong nỗ lực đánh giá những gì chúng ta hiện đang đối mặt và nghiên cứu các đối sách, một yếu tố chính là tính bất trắc, một loại virus mới, chúng ta tìm hiểu thêm về nó hàng ngày hơn là nhiều dữ liệu được thu thập và phân tích. Nhưng một yếu tố thứ hai là sự khan hiếm phẩm chất của dữ liệu về những gì xảy ra trong các phòng thí nghiệm khác nhau, cung cấp bởi nhiều quốc gia khác nhau khi bộc phát. Nhu cầu về dữ liệu đáng tin cậy từ mỗi quốc gia là một lời nhắc nhở về tầm quan trọng của việc đồng thuận các diễn tiến và tính minh bạch trong các tổ chức quốc tế như WHO.
Khi các nhà khoa học Trung Quốc nhanh chóng giải trình tự bộ gene virus corona mới và phổ biến ra cho thế giới, họ đã tạo điều kiện cho một nỗ lực quy mô nghiên cứu trong toàn cầu. Hai tuần sau, các nhà khoa học tại NIH đã sử dụng trình tự để xác nhận cơ chế mà virus xâm nhập vào tế bào của những người bị nhiễm bệnh, một phát hiện được tái chế biến bởi một phòng thí nghiệm Trung Quốc vào ngày hôm sau. Ngay cả việc săn lùng một loại vaccine hiện đang được tiến hành, cũng dựa vào việc phổ biến sớm bộ gene virus. Khi thử nghiệm vaccine đầu tiên bắt đầu ở Mỹ, như Giám đốc NIAID Anthony Fauci đã quan sát, “đó là tốc độ nhanh nhất mà chúng ta có được từ khi biết trình tự thời gian thâm nhập vào con người”. Hơn nữa, với thông tin về bộ gene, các nhà khoa học có thể so sánh các bệnh nhiễm trùng và lập bản đồ sự lây lan của virus một cách tỉ mỉ theo cách gần giống với việc xây dựng một hệ gia phả.
Trong lúc dịch bệnh, việc chia sẻ dữ liệu nhanh chóng trong đợt bùng phát ban đầu cho phép các quốc gia hiểu rõ hơn về hành vi của virus. Bởi vì những trường hợp sớm nhất xảy ra ở Vũ Hán, dữ liệu được thu thập bởi các bác sĩ Trung Quốc đã đưa ra những ước tính đầu tiên cho thế giới về khả năng lây lan của virus, tạo điều kiện đề ra các mô hình thuộc về dịch tễ học làm cơ sở cho phản ứng của chính phủ nhiều nước. Và bởi vì Trung Quốc đã gánh chịu những cái chết ban đầu, nên họ đã cung cấp bộ dữ liệu đầu tiên cho các chuyên gia y tế toàn cầu để ước tính tỷ lệ tử vong của các trường hợp và tạo ra các mô hình để dự đoán phạm vi, mức độ lây lan và mức độ nghiêm trọng của bệnh, đảm bảo cho các đối sách mạnh mẽ hơn.
Lĩnh vực hợp tác thứ hai liên quan đến các biện pháp chẩn đoán và y tế công cộng. Nếu Trung Quốc phát triển một tiến trình hiệu quả để sàng lọc cho con người, nó có thể mở rộng ra quy mô trong công nghiệp và áp dụng tại các sân bay, doanh nghiệp và trường học, liệu Hoa Kỳ có thể áp dụng nó không? Ngược lại, nếu các nhà nghiên cứu phát triển và xác nhận chẩn đoán có mức độ cao, chứng tỏ là rẻ, nhanh và chính xác hơn, liệu cách này có được chia sẻ không? Trong số 22 tỷ đô la dành cho trang thiết bị y tế mà Hoa Kỳ nhập khẩu hàng năm, phần lớn trong số đó là cần thiết cho hệ thống chăm sóc sức khỏe của Mỹ để đáp ứng với số lượng tăng vọt của các trường hợp COVID-19 trong nước, khoảng một phần tư số lượng này đến từ Trung Quốc trước cuộc chiến thuế quan.
Lĩnh vực thứ ba là nghiên cứu sinh học y khoa, các công trình cơ bản và biên dịch. Để đạt mục tiêu này, mới đây, Đại học Y Khoa Harvard đã công bố một sự hợp tác mới với đối tác Trung Quốc để đánh bại COVID-19. Nhà lãnh đạo của đối tác Trung Quốc là Zhong Nanshan, bác sĩ, cũng lãnh đạo trong toán công tác của Chính phủ Trung Quốc. Năm 2003, ông là người đầu tiên xác định dịch SARS. Liên doanh Harvard-Quảng Châu này đang tìm cách hiểu về sinh học cơ bản của virus SARS-CoV-2 và cách thức tương tác với những loại mà nó lây nhiễm để đẩy nhanh sự phát triển trong việc chẩn đoán và điều trị tốt hơn.
Ví dụ, để phát triển các loại thuốc chống virus, các nhà khoa học cần hiểu cách virus lây nhiễm cho con người và xác định cánh cửa mà virus corona sử dụng để xâm nhập vào trong tế bào chính, nó có thể cung cấp manh mối cho việc định hình các ổ khoá. Để tạo ra việc chẩn đoán tốt hơn và theo dõi tiến triển bệnh, họ sẽ cần xác định các dấu ấn sinh học chính xác. Ngay cả trong nỗ lực phát triển vaccine, vì khả năng miễn dịch không đồng đều, nó có thể dẫn đến một hiện tượng gọi là tăng cường kháng thể phụ thuộc, mà các protein phòng thủ trong cơ thể chúng ta, vì thế nó làm tăng tốc độ lây nhiễm, có một nhu cầu thúc bách là phải định nghĩa các mối tương quan chính xác của khả năng miễn dịch.
Khi các nhà khoa học liên tục khẳng định rằng, sự hợp tác trong nghiên cứu thường dẫn đến kết quả tốt hơn. Và trong thời đại mà không có quốc gia nào duy trì sự độc quyền về sáng tạo khoa học, sự hợp tác trong một chủ đề cấp bách như virus corona tạo ra nhiều lợi ích hơn là thua lỗ. Khi các chính phủ trên toàn cầu tìm cách đối đầu với đại dịch, họ nên nhớ rằng việc thu thập và tích hợp dữ liệu, chia sẻ thuốc thử nghiệm và công cụ sẽ đòi hỏi sự liên lạc chặt chẽ giữa các châu lục.
Tóm lại, thay vì gây nghi ngờ hay tố giác lẫn nhau, người Mỹ và Trung Quốc biết tư duy nên nhận ra rằng mỗi quốc gia cần quốc gia khác để đánh bại kẻ thù nguy hiểm này. Quan hệ đối tác, ngay cả khi chỉ là một quan hệ đối tác hạn chế, do đó là một sự cần thiết về mặt chiến lược.
Hoa Kỳ và Trung Quốc có thể là các đối thủ tàn nhẫn và các nhà đối tác mạnh mẽ trong cùng một lúc không? Giữ hai ý tưởng dường như mâu thuẫn nhau trong đầu của chúng ta trong cùng một lúc sẽ khó khăn. Nhưng thành công trong việc đánh bại suy nghĩ ma quỷ này sẽ không đòi hỏi gì hơn.G.A & C.L
_______
Graham Allison là Giáo sư Khoa học Công quyền tại Đại học Harvard. Christopher Li là Trợ lý nghiên cứu tại Trung tâm Khoa học và Quốc tế Belfer.
Nguồn: https://nationalinterest.org/feature/war-against-coronavirus-china-foe%E2%80%94or-friend-138387
Nguồn bản dịch: https://baotiengdan.com/2020/04/03/trung-quoc-la-thu-hay-ban-trong-cuoc-chien-chong-virus-corona/