Séc: Bệnh nhân đầu tiên dùng thuốc remdesivir điều trị COVID-19 đã hồi phục
Theo thông báo của giới chức y tế Cộng hoà Séc hôm 3/4, một bệnh nhân dương tính với virus Vũ Hán và ở trong tình trạng nguy kịch đã được điều trị thử nghiệm bằng thuốc remdesivir, hiện người này đã hồi tỉnh và đang bình phục.
Bệnh nhân 55 tuổi này là người duy nhất tại Séc được sử dụng thuốc remdesivir của công ty Mỹ Gilead, thuốc này được phát minh ban đầu để chống Ebola.
Séc cũng đã cho phép sử dụng huyết tương của người khỏi bệnh COVID-19 có chứa chất kháng thể để chữa cho người nhiễm bệnh.
Nhiều nước đang có chiến tranh đồng ý ngừng bắn trong bối cảnh đại dịch
Mười một quốc gia đang bị vây hãm trong các cuộc xung đột dài hạn đã phản hồi trước lời kêu gọi ngừng bắn trên toàn cầu của Liên Hợp Quốc (LHQ), tổng thư ký LHQ António Guterres cho biết.
Liên Hợp Quốc bày tỏ lo ngại sâu sắc rằng tại các quốc gia có hệ thống y tế vốn đã mong manh, bối cảnh chiến tranh sẽ khiến nó gần như không thể ngăn chặn được sự bùng phát của dịch bệnh.
Phát biểu tại New York, ông Guterres cho biết lời kêu gọi của ông, đưa ra vào ngày 23/3, đã được ủng hộ bởi “số lượng ngày càng gia tăng các quốc gia thành viên, đạt khoảng 70 cho đến nay, các đối tác khu vực, các tổ chức phi nhà nước, các mạng lưới và tổ chức xã hội dân sự, cùng tất cả ‘Sứ giả hòa bình’ của Liên Hợp Quốc”.
Một bản kiến nghị trực tuyến do trang Avaz tổ chức đã thu thập được hơn 1 triệu chữ ký. Ông Guterres nói, “để chặn đứng tiếng súng nổ, chúng ta cần phải lên tiếng cho hòa bình”.
Số ca tử vong do Covid-19 ở Pháp đạt 6.500 trong bối cảnh thế giới đối mặt với tình trạng thiếu thốn các thiết bị quan trọng
Số người chết vì virus Vũ Hán ở Pháp đã gia tăng hơn 1.000 ca, lên khoảng 6.500 – khi có thêm 160.000 cảnh sát được triển khai để củng cố luật phong tỏa nghiêm ngặt tại nước này, theo Sky News.
Người đứng đầu cơ quan y tế quốc gia Pháp cho biết tỷ lệ tử vong tăng cao là do có nhiều ca tử vong được ghi nhận tại khoảng 3.000 nhà dưỡng lão.
Trên toàn cầu, các ca lây nhiễm được xác nhận vượt quá một triệu và số ca tử vong lên đến 54.000, theo thống kê của Đại học Johns Hopkins.
Các chuyên gia cho biết cả hai con số này đều thấp hơn thực tế do tình trạng thiếu điều kiện xét nghiệm, các trường hợp có triệu chứng nhẹ bị bỏ sót tại các nước, bên cạnh một số chính phủ xem nhẹ mức độ nguy hiểm của cuộc khủng hoảng. Ngoài ra, một số nước như Trung Quốc và Iran cũng có dấu hiệu che giấu quy mô dịch bệnh.
WHO, IMF nói cứu mạng người là ‘điều kiện tiên quyết’ để cứu sinh kế
Người đứng đầu WHO và IMF khẳng định hôm thứ Sáu (3/4) rằng cứu mạng người là “điều kiện tiên quyết” để cứu sinh kế trong đại dịch virus corona – một cuộc khủng hoảng được 2 tổ chức gọi là “một trong những thời khắc đen tối nhất của nhân loại”.
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus và Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế, bà Kristalina Georgieva cho biết việc kiểm soát virus COVID-19 là điều ưu tiên cần thiết để hồi phục nền kinh tế – mặc dù họ cũng thừa nhận rất khó để đạt được một sự cân bằng giữa 2 tiêu chí này.
“Khi thế giới phản ứng trước Covid-19, quốc gia này nối tiếp quốc gia khác đã phải đối mặt với sự cần thiết phải ngăn chặn sự lây lan của virus, và cũng trước thách thức đưa xã hội và nền kinh tế của họ đi vào thế bế tắc”, ông Tedros và Georgieva viết trong một bài viết chung trên tờ The Daily Telegraph của Anh.
“Nhìn bề mặt thì có một sự đánh đổi ở đây: hoặc cứu mạng người hoặc cứu sinh kế. Đây là một vấn đề nan giải – việc đưa virus dưới tầm kiểm soát là điều kiện tiên quyết để cứu sinh kế”.
Mỹ yêu cầu đeo khẩu trang để ngăn chặn dịch viêm phổi Vũ Hán lan rộng
Hoa Kỳ đã chính thức kêu gọi mọi người đeo khẩu trang, khiến WHO phải xem xét lại lập trường cho rằng chỉ những người bị bệnh mới cần phải đeo.
Người dân Mỹ hiện đang được khuyến khích đeo khẩu trang bằng vải tự chế để ngăn các trường hợp virus Vũ Hán tiếp tục tăng vọt.
Biện pháp quyết liệt mới được đưa ra mặc dù Tổ chức Y tế Thế giới hiện nói rằng chỉ những nhân viên y tế, người bệnh và những người tiếp xúc gần gũi với các ca lây nhiễm mới nên đeo.
Việt Nam phản đối Bắc Kinh đánh chìm tàu tại Biển Đông
Việt Nam đã có động thái phản đối chính thức Trung Quốc sau vụ chìm tàu cá Việt Nam mà phía Việt Nam tuyên bố là do bị một tàu giám sát hàng hải Trung Quốc đâm phải gần các đảo trong khu vực tranh chấp trên Biển Đông.
Tàu cá Việt Nam, với tám ngư dân trên boong, lúc đó đang đánh cá gần quần đảo Hoàng Sa hôm thứ Năm (2/4) thì bị tàu Trung Quốc đâm chìm, Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết trong một tuyên bố đăng trên trang web của chính phủ hôm nay.
Tất cả ngư dân được tàu Trung Quốc đưa lên tàu đều còn sống và sau đó được chuyển đến hai tàu cá Việt Nam khác đang hoạt động gần đó, Hội Nghề cá Việt Nam cho biết trong một tuyên bố được đăng trên trang web của mình.
“Tàu Trung Quốc đã có hành vi vi phạm chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, đe dọa tính mạng và làm hư hại tài sản và lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam”, Bộ Ngoại giao nói trong tuyên bố của mình.
Một nhà báo CNN dương tính sau khi chỉ trích TT Trump vì gọi virus corona là ‘virus Trung Quốc’
Một người dẫn chương trình của đài CNN đã bị chẩn đoán dương tính với virus corona sau một thời gian ngắn lên án Tổng Thống Donald Trump kỳ thị chủng tộc vì gọi virus corona là ‘virus Trung Quốc’, gắn liền dịch bệnh với yếu tố ngoại quốc, theo The BL.
Chris Cuomo, người dẫn chương trình của CNN, em trai Thống đốc bang New York Andrew Cuomo gần đây đã xác nhận ông bị nhiễm virus Vũ Hán và đang xuất hiện nhiều triệu chứng của bệnh.
“Trong thời gian khó khăn mà dường như ngày càng gay go và rối ren này, tôi đã phát hiện mình bị dương tính với virus corona. Gần đây, tôi đã tiếp xúc với những người mà sau đó bị phát hiện dương tính với virus. Và tôi đã bị sốt, cảm lạnh, khó thở“, Cuomo viết trên Twitter ngày 31/3.
Cuomo hiện đã chuyển về sống và làm việc tại tầng hầm nhà riêng để cách ly. Ông cho biết ông sẽ thực hiện các chương trình của mình từ đây.
Cuomo không chắc liệu ông có lây bệnh cho vợ và các con hay chưa. “Tôi chỉ hy vọng, tôi sẽ không lây bệnh cho Cristina và những đứa con của tôi. Điều đó sẽ khiến tôi cảm thấy tệ hơn cả việc mình mắc bệnh. Chúng ta sẽ chiến thắng căn bệnh này bằng sự thông minh, mạnh mẽ và đoàn kết”, Cuomo nói.
Theo The BL, Cuomo được chẩn đoán dương tính với virus Vũ Hán chỉ vài tuần sau khi ông cùng phóng viên Nhà Trắng của CNN Jim Acosta chỉ trích Tổng thống Trump có thành kiến với người nước ngoài vì miêu tả dịch bệnh gắn với yếu tố ngoại quốc.
Phóng viên Acosta, người bị mời ra khỏi Nhà Trắng vì thái độ vô lễ với Tổng thống Trump, đã buộc tội cố vấn chính trị Stephen Miller vì đưa thêm quan điểm cứng rắn của mình về vấn đề nhập cư vào bài phát biểu quốc gia hồi ngày 11/3.
Trong một video do trang Breitbart đăng tải, Acosta nói: “Stephen Miller, một cố vấn có quan điểm cứng rắn về vấn đề nhập cư của Tổng thống, cũng là một trong những cố vấn hàng đầu về đối nội và viết diễn văn của Tổng thống. Ông chính là nguồn lực thúc đẩy trong việc viết bài diễn văn này. Tôi nghĩ nhiều người Mỹ sẽ coi đó là sự bài ngoại khi sử dụng thuật ngữ như vậy trong bài phát biểu”.
Cuomo sau đó đã bình luận thêm vào câu nói của Acosta và tỏ ra ủng hộ quan điểm của ông, rằng không nên liên hệ virus corona mới với quốc gia mà nó khởi phát.
“[Tổng thống] đang làm như vậy để đổ lỗi cho nơi khác. Trong 4 ngày gần đây nhất, chúng ta đã nghe lãnh đạo Đảng Cộng Hòa Kevin McCarthy và những người khác nói về virus Trung Quốc, virus Vũ Hán. Đó không thể là mối bận tâm chính lúc này”, Cuomo nói.
Về phần mình, Tổng thống Trump gần đây đã thúc giục các phương tiện truyền thông cố gắng đoàn kết trong công cuộc chiến đấu chống lại virus Vũ Hán thay vì chia rẽ do khác nhau về quan điểm đảng phái chính trị.
“Truyền thông nên nhìn nhận đây là thời điểm của sự đoàn kết và sức mạnh. Hiện nay chúng ta có một kẻ thù chung, một kẻ thù của cả thế giới, đó là virus corona. Chúng ta phải đánh bại nó nhanh chóng và an toàn nhất có thể. Đối với tôi vào lúc này, không có gì quan trọng hơn cuộc sống và sự an toàn của nước Mỹ”, Tổng thống viết trên Twitter.