Trần Vũ
Xin chúc mừng nhà văn Trần Vũ và vợ – nhà văn Vũ Thị Thanh Mai, hai người đã thắng trong “cuộc chiến” chống lại dịch COVID-19/Corona Vũ Hán đang xâm chiếm nước Mỹ.
Giấc ba giờ chiều ở San Marco. Cơn sốt trong huyết quản và trên mặt đường phố. Người ta chạy ngược chiều với những túi giấy và bao tải. Con gái hốt hoảng vì không giành được giấy vệ sinh. Tôi thủ con dao nhỏ vẫn dùng thái hành. Tôi bước ra cửa với ý nghĩ lạ lùng là mình sẵn sàng giết người vì một cuộn giấy. Trí óc tỉnh táo quá độ vẫn không ngăn tôi chọn một mặt người giữa đám đông đang khuân vác chạy trên đường. Tôi ước lượng sức vóc của từng cơ thể, phản ứng và cả tiếng rú của người đàn bà… Giấc mơ làm ướt đẫm mồ hôi. Giấc mơ gây khó chịu vì chật cứng những gương mặt của những tuần trước. Tất cả đã bắt đầu bằng giấy vệ sinh.
Sáng nay trên lan can đối diện, ai đó đã thắp một cây nến nhỏ. Lập tức nhiều tim nến đốt lên bên trên các bệ cửa sổ. Là cách cư dân trong xóm cùng đưa ma. Đã từ lâu không còn đám tang mà chỉ một thông báo vắn tắt từ bệnh viện rồi tro gửi đến. Những thân bạch lạp cháy lặng lẽ yên tĩnh như muốn đánh tráo nỗi sợ hãi trong lòng chúng tôi bằng sự vô giác. Chúng tôi thắp thêm một giờ nữa rồi tắt, vì cũng phải để dành nến cho những thương xót khác.
Tuần lễ thứ ba. Mỗi gia đình chỉ được phép cho một người ra khỏi nhà đi lấy thực phẩm. Những chiếc đuôi dài ngoằng thậm thượt vì phải giữ khoảng cách hai thước giữa mỗi cá nhân và chỉ vài người được vào hiệu tạp hóa cho đến khi họ trở ra, mới đến phiên vài người khác. Phải suy nghĩ và chọn thật nhanh những gì cần thiết vì mỗi người chỉ được lấy vài món. Giữa pâté với xúc xích, tôi chọn xúc xích vì xúc xích có thể cắt thật mỏng rồi ngậm lâu trong miệng trong khi vài thìa pâté là hết. Cũng vậy, giữa cá hồi xông khói với cá mòi hộp không nên do dự. Tôi lấy thêm túi mì ống với cà chua. Bên ngoài cảnh sát che mặt kiểm soát trật tự và giữ an ninh cho không rối loạn. Chúng tôi có an toàn không? Có. Một an toàn ngoài da trong lúc hai lá phổi bị đục ruỗng. Một tiếng ho húng hắn bất chợt làm tất cả mọi người run bắn, tôi lẹ chân bước ra không kịp lấy ớt khô.
Để ra ngoài, tôi đã phải tải xuống và điền bản “tự khai” của mình rồi gửi ngược cho ty cảnh sát qua trực tuyến, cho biết tường tận đường đi, điểm đến, cùng với lý do (vô cùng quan trọng) vì sao phải đến đó, để sau duyệt xét được cấp phép đi đường. Thông hành Corona có giá trị một lần, có thể bị thu hồi ở những chốt chặn kiểm soát. Có nghĩa, sẽ phải quay về nhà ngay tức khắc. Tôi ngắm nghía thông hành của mình dưới mặt kính điện thoại. File pdf cũng truyền qua không khí, từ Sở Hiến binh Polizia di Stato vào đến mỗi nhà, đến từng cá nhân, y như virus. Làm sao người ta có thể sáng chế ra những thứ tinh vi như vi trùng mà không làm ra đủ khẩu trang? Venezia đã chịu phong tỏa mười tám hay hai mươi tám ngày rồi? Một tuần giam hãm là không nhiều nhưng một tháng làm con người mất phương hướng. Phải học cách sống sót mà không cần hôn ai, không cần uống cocktail Spritz với hạnh nhân và ô-liu xanh (các quán bar và cà-phê đã đóng cửa từ thứ ba Mardi Gras), không còn nhà hàng, không còn thăm viếng, không hẹn trước, cũng không còn giờ làm việc… Tránh bi quan và tránh nhìn các bản tin Hàng không vì sẽ không có thêm chuyến bay nào nữa. Là phong tỏa. Tôi chỉ mới khám phá chữ này vài tuần trước. Mới đây chúng tôi hãy còn ngồi quán, tán tỉnh lẫn nhau và chế diễu cơn sốt da vàng. Vậy mà cảm giác đã hằng thế kỷ hay ít nhất đằng đẵng nhiều thập niên. Có phải thời gian kéo dài khi con người chờ đợi. Nhưng chờ gì? Hết dịch? Khi nào? Không ai biết. Nhưng tôi đã viết gì… Không lẽ trí óc tự động phóng đại? Hay chính thời gian quá lâu làm con người mất hết khả năng định vị? Không, chỉ mới ba tuần. Chưa lâu. Nhưng vì sao ngón tay nhẩn nha quanh chữ thế kỷ rồi tiếp tục gõ hai chữ thập niên? Vì đầu óc con người thất lạc một khi không thể xác lập tương lai? Không còn bất kỳ schedule nào nữa. Không một chương trình cho nay mai, ngày mốt, ngày sau, tuần sau tháng sau… Không lịch trình khả dĩ. Ngay cả hạnh phúc trù bị hay sung sướng ngẫu nhiên cũng phụ thuộc vào lệnh giới nghiêm. Phong tỏa, tuy chưa hẳn giam cầm nhưng đã là tước đoạt và càng thêm mất mát khi bàn chân của kẻ chịu cách ly chưa thật sự bị chặt đứt, nên hắn vẫn thèm khát.
Tính nhẩm trong đầu những ngày còn lại. Trên lý thuyết là vài tuần nữa. Chính trị gia không ngớt lặp lại sẽ giảm ngăn cấm từng bước. Liệu có gia hạn phong tỏa hay không? Không ai rõ. Đã xảy ra rất nhanh. Chuyển từ trấn an sang khẩn cấp chỉ mười hôm. Chính quyền như con rối, nói dối và chỉnh sửa, để cuối cùng không ai còn tin vào gì nữa.
Ban đầu là các hiệu bánh. Thợ nướng bánh phục vụ với găng tay phẫu thuật. Rồi ở chợ lồng Rialto, những người bán rau quả mang dáng dấp trầm trọng của một y tá trưởng. Khách hàng rửa tay bằng thuốc khử trùng ngay sau khi trả tiền.Tin tức lặp đi lặp lại những lời khuyên như một concerto Opera dai dẳng mà vũ công với thanh điệu và cách múa không thay đổi. Mấy hôm sau dân Venezia hãy còn cười mũi, điện thoại còn réo vang ồn ĩ những sảng khoái vì đã hết du khách. Sung sướng làm sao khi Venezia mỹ lệ trả về cho cư dân. Đã hết những du thuyền khổng lồ đổ hàng vạn lữ khách chạy tất bật tìm mua ví Vuitton để quàng lên vai phút chốc lúc chụp hình. Đã hết những con kênh lúc nhúc chật nêm ghe xuồng không khác thảm họa. Hãy hít thở bầu khí quyển trong lành và nghỉ ngơi như một tặng phẩm của trời đất. Dân chúng tận hưởng sự yên lặng hiếm có cho đến khi các cuộc hội thoại bỗng trở nên trầm uất. Ký giả ảm đạm thông báo: hôm qua 48 dân Porto Empedocle bị câu lưu vì đi dự đám tang. Cư dân hốt hoảng, đám cưới và chôn cất vừa bị cấm. Trên đài phát thanh xướng ngôn viên phải ngừng để thở trước khi báo số tử vong tăng gấp đôi mỗi chiều. Không còn là hốt hoảng mà là sợ hãi. Các quan chức luân phiên báo động những gì nên làm và không nên làm… là những điều mọi người đã biết nhưng vẫn lắng nghe cho trường hợp có gì mới.
Gì mới? Không có gì còn mở cửa ngoài vài quầy thực phẩm, hiệu thuốc Tây và Phòng Thông tin. Thánh đường Basilica di San Marco đã trống rỗng, hết tín đồ. Đức Thánh cha tuyên bố làm lễ Tro qua truyền hình.
Buổi chiều. Phố Calle Frezzeria đìu hiu. Chúng tôi chăm chú nhìn vào màn hình. Lần cuối tôi băng qua San Marco để lấy phà sang nhà thờ Redentore dự phép giao của một người bạn là ngay trước Corona (hình như Corona đã trở thành một dấu mốc, tôi luôn lấy ngày bắt đầu phong tỏa để xác định thời gian). Lúc này trên ti vi, sân đá rộng mênh mông. Chưa bao giờ tôi trông thấy quảng trường San Marco thênh thang như vậy. Gần như không cân xứng giữa uy nghi của kiến trúc với sự trống trải tuyệt đối. Người xem chỉ có thể đặt câu hỏi vì sao xây cất cho không một ai? Sát hàng cột tinh xảo làcác tấm lưới ngăn và phía sau nhiều vũng nắng là lũ chim bói cá đang lục lọi thùng rác hết thức ăn. Lũ mòng biển mỏ dài giành giật xối xả vụn bánh quế với những que kem đã hết vị ngọt. Trong màn ảnh, tia mắt chúng đỏ như loài kên kên. Hết du khách vứt bánh mì, ngay cả bồ câu trước dinh Palazzo Ducale cũng trở nên hung dữ vì đói.
Lễ Tro chấm dứt cùng với ráng chiều lọc qua màn cửa. Khó khăn nhất với chúng tôi là buổi tối. Đêm là thời khắc của các cơn sốt và im lặng đè lên lồng ngực. Áp suất chùng hẳn khi gió bất ngờ đưa một tiếng gào hay một giọng kể lể tức tưởi từ đâu đó trong một ngôi hẽm, thoát ra khỏi một cánh cửa vọng đến. Mọi ánh mắt cùng thấp thỏm nhìn ra cửa sổ chờ đợi một cuộc đốt nến. Chung cư nào sẽ đốt nến đầu tiên? Ai vừa mới ra đi? Có phải hàng xóm ở bìa khu phố hay trong ngõ Calle Carro? Giọng đang nức nở có lẽ là của bà góa Lisi.
Chúng tôi đọc kinh và khấn cho linh hồn kẻ vừa rời xa. Đáp lời cầu nguyện của cả gian phố dưới ánh bạch lạp lung linh là một phép lạ. Điều tuyệt vời mà ít ai ngờ nhất đã xảy ra. Những đứa bé can đảm phi thường. Một đứa ra đứng bao lơn rồi nhiều đứa khác cùng ra đứng trên lan can. Trong đêm, lũ trẻ cất giọng trong trẻo hợp ca như đoàn thiên thần nhỏ vừa xuất hiện. Chúng cất giọng cao vút thánh thoát. Tiếng hát của chúng trong vắt dưới nền trời sao lên cao mãi. Những tiếng hát trong lành theo hương muối của khí quyển truyền từ bệ cửa này sang bệ cửa khác. Đồng ca của đoàn thiên thần ngân nga như nhiều giây chuông tí hon đang rung lên. Có phải vì những đứa bé tự biết miễn nhiễm nên tin thần chết không màng đến chúng hay chỉ giản dị là chúng chưa biết sợ? Dù sao những đứa bé cũng an ủi chúng tôi bằng các cung bậc trẻ thơ và rồi người lớn cùng hòa điệu với chúng. Tất cả chúng tôi cùng ra đứng trên bao lơn phía sau những thiên thần của mình, cùng nhìn về hướng tháp nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp.
Thật khuya, âm vang của đêm thánh hãy còn ngân nga sau tắt nến và còn tiếp tục gieo vào lòng chúng tôi nhiều ấm áp. Ngày mai phải là một ngày khác. Bích chương Another Day in Paradise tôi mua khi đi nghe Phil Collins vẫn còn máng trong bếp.
(Sinh nhật Vũ Thị Thanh Mai 2 tháng 4-2020)
Vũ Thị Thanh Mai, Piazza San Marco tháng 7-2018