- Minh Tú
Tại cuộc họp bế mạc Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), một số nghị quyết bao gồm Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông đã được thông qua. Truyền thông Hồng Kông đưa tin rằng nhiều quan chức cấp cao của ĐCSTQ, tập thể các quan chức cấp cao trong chính phủ và quân đội Trung Quốc đã đến trễ, nghi đã xảy ra chuyện trọng đại. Một số nhà bình luận Hồng Kông chỉ ra rằng việc ông Tập Cận Bình thúc đẩy Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông có liên quan đến “Trận chiến ngôi vị trong Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc lần thứ 20” của chiến dịch “mượn bên ngoài diệt bên trong”.
Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc đã bế mạc vào ngày 28/5/2020. Đại diện quân đội đeo khẩu trang bước vào hội trường (Ảnh: NICOLAS ASFOURI / AFP qua Getty Images)
Tờ Ming Pao (Minh Báo) cho biết, vào lúc 2:30 chiều cùng ngày, các đại biểu bắt đầu lần lượt đi vào hội trường. Khoảng 20 phút sau, bục chủ tịch mới bắt đầu có người ngồi. Không giống như trước kia, các quan chức cấp cao của Đảng, Chính phủ và Quân đội vốn ngồi tại hàng đầu tiên trong nhóm đầu tiên và hàng thứ nhất, hàng thứ 2 trong nhóm thứ 2 trên bục chủ tịch, đã không xuất hiện. Bao gồm Thứ trưởng Mặt trận Thống nhất Trung Ương ông Ba Đặc Nhĩ, Bí thư đảng ủy Bộ giao thông ông Dương Truyện Đường, Giám đốc Văn phòng các vấn đề Hồng Kông và Ma Cao của Quốc vụ viện ông Hạ Bảo Long, cựu Trưởng đặc khu Hồng Kông ông Lương Chấn Anh, Trưởng đặc khu đầu tiên của Hồng Kông ông Đổng Kiến Hoa, cựu Trưởng đặc khu Ma Cao ông Hà Hậu Hoa, Chủ tịch Tòa án tối cao ông Chu Cường, Ủy viên quân sự trung ương Trương Thăng Dân, Vụ trưởng Vụ Chính trị Quân ủy Trung ương ông Nhậm Miêu Hoa, Tổng tham mưu trưởng ông Lý Tác Thành, Bộ trưởng Quốc phòng ông Ngụy Phong Hòa.
Chưa đầy 5 phút trước khi cuộc họp bắt đầu, họ lần lượt bước lên bục chủ tịch và ngồi vào chỗ. Chuyện này khiến những vị đại biểu đã an tọa bắt đầu “thì thầm to nhỏ”.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng các vị quan chức cấp cao này dường như vừa kết thúc một cuộc họp quan trọng trước khi bước vào hội trường bế mạc của Đại hội Đại Biểu Nhân dân Toàn quốc.
Trước làn sóng phản đối của ngoại giới, “Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông” đã được thông qua tại cuộc họp bế mạc của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc của ĐCSTQ vào ngày 28/5. Các kênh truyền thông quốc tế đều chỉ ra thực tế rằng điều này khiến “một quốc gia, hai chế độ” chỉ còn tồn tại trên danh nghĩa.
Trước những lời cảnh báo và sự chế tài của Hoa Kỳ, ĐCSTQ vẫn thảo luận và thông qua Luật An ninh Quốc gia, điều này được coi như ĐCSTQ trực tiếp vứt bỏ Hồng Kông. Ông Trương Kiện, giám đốc Văn phòng Nghiên cứu Hồng Kông và Ma Cao của Viện Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải, tin rằng Bắc Kinh hoàn toàn nhận thức được cái giá họ sẽ phải trả. Ông nói với VOA rằng vụ việc liên quan đến an ninh chủ quyền và an ninh chính trị của Trung Quốc, mà an ninh chính trị quan trọng hơn lợi ích kinh tế. Chính quyền ĐCSTQ sẵn sàng trả giá kinh tế vì an ninh chính trị.
Tuy nhiên, ông Lưu Nhuệ Thiệu, một nhà bình luận nổi tiếng ở Hồng Kông nói với Apple Daily rằng ĐCSTQ kiên quyết thúc đẩy luật này, chứng tỏ họ không tính toán một cách khách quan về thiệt hại cho Trung Quốc hay Hồng Kông khi quyết định điều này. Ông nói rằng “Bóp chết Hồng Kông” không tốt cho ĐCSTQ, bởi vì Đại Lục phải dựa vào Hồng Kông để thu hút đầu tư nước ngoài. Tôi tin rằng ĐCSTQ nhất quyết thúc đẩy “Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông”, ngoài việc đánh bại những thế lực biểu tình tại Hồng Kông ra, đồng thời còn muốn dẹp yên cuộc đấu đá nội bộ, nhằm tránh chính trị bất ổn tại Hồng Kông trở thành nơi “xuất khẩu lại chuyển thành tiêu thụ nội địa”, điều này được mô tả là một “Trận chiến ngôi vị trong Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc lần thứ 20”.
Bài bình luận của Lưu Nhuệ Thiệu trên chuyên mục truyền thông Hồng Kông cũng đề cập rằng Hồng Kông từng là một phần mở rộng của cuộc đấu tranh chính trị của Đại Lục. “Khi Quốc dân đảng và Đảng Cộng sản đấu tranh nội bộ, một số người Cộng sản đã chạy đến Hồng Kông; Khi Quốc dân đảng xảy ra chiến tranh nội bộ, những người bại trận cũng chạy đến Hồng Kông. Điều quan trọng hơn là “Trong mắt các quan chức cấp cao, Hồng Kông là nơi ‘xuất khẩu lại chuyển thành tiêu thụ nội địa’. Nhiều yếu tố ảnh hưởng đến cuộc đấu đá trong giới quan chức cấp cao sẽ trở thành một vòng tuần hoàn lớn thông qua Hồng Kông. Điều này làm tăng khả năng các quan chức cấp cao sẽ kiểm soát chặt chẽ Hồng Kông.”
Ông nói rằng Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ 2 năm sau mới được triệu tập lại. Đây sẽ là một thời điểm quan trọng khi Tập Cận Bình có khả năng tái nhiệm lần hai (nghĩa là nhiệm kỳ của ông vượt quá 10 năm), những ý kiến bất đồng trong đảng chắc chắn sẽ tăng lên. Do đó, ngoại giới lại càng chú ý nhiều hơn đến cuộc chiến “mượn bên ngoài diệt bên trong” của Bắc Kinh.
Trước thềm Lưỡng hội của ĐCSTQ, cuộc đấu tranh quyền lực cấp cao của ĐCSTQ diễn ra mạnh mẽ hơn, nhiều quan chức cấp cao đã “ngã ngựa”. Trong đó có Tôn Lực Quân, Thứ trưởng Bộ Công an, người nắm quyền lực thực sự, có tin đồn rằng có thể ông này bị cuốn vào cuộc chính biến lật đổ Tập. Ông Hồ Vấn Minh, cựu chủ tịch của Tập đoàn Công nghiệp đóng tàu Trung Quốc, một doanh nghiệp công nghiệp trung ương quân sự quy mô lớn, là người đồng hương Dương Châu của ông Giang Trạch Dân, sự nghiệp của ông bắt đầu trong thời kỳ Giang Trạch Dân nắm quyền, cũng đã “ngã ngựa”.
Về quân đội dưới sự kiểm soát của ông Tập Cận Bình, ông Diêu Thành, cựu sĩ quan ĐCSTQ ám thị với VOA rằng sau khi lãnh đạo mới của ĐCSTQ lên nắm quyền, ông sẽ thanh trừ cựu quan chức kiểm soát quân đội, như Đặng Tiểu Bình khi nắm quyền đã thanh trừ người của Mao Trạch Đông. Giang Trạch Dân sau khi nhậm chức cũng thanh trừ “những vị tướng họ Dương“, phe cánh của Đặng Tiểu Bình, như Dương Thượng Côn, Dương Bạch Băng.
Sau khi Hồ Cẩm Đào lên nắm quyền, Quách Bá Hùng, Từ Tài Hậu, Phó chủ tịch Ủy ban Quân sự được Giang Trạch Dân cài cắm trong quân đội, cũng không còn nắm quyền kiểm soát. Sau khi Tập Cận Bình nhậm chức vào năm 2012, cũng bắt đầu thanh trừ người của phe Giang Trạch Dân, bắt hàng trăm tướng, bao gồm 7 thượng tướng trong đó có hai cựu phó chủ tịch quân đội là Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu.
Tuy nhiên, Diêu Thành chỉ ra rằng “Quân đội và Tập Cận Bình không thực sự thân thiết với nhau, ai không nghe lời ông ta người đó sẽ bị bắt”.
Ông Diêu Thành nói: “Hiện giờ, quan chức cấp cao phụ trách quân đội không đứng về phe của bất kỳ ai. Nếu hôm nay đứng về phe Tập Cận Bình, sau này nếu một nhà lãnh đạo khác lên nắm quyền sẽ tiếp tục thanh trừ người của Tập Cận Bình, cho nên họ đều đang nghe ngóng.”
Ông Diêu Thành cũng nói, vì chính sách một con của ĐCSTQ, nên đại đa số binh sĩ đều là con một, vì vậy trong quân đội ĐCSTQ có rất nhiều người đào ngũ. Những người lính của Đội giải phóng quân ĐCSTQ căn bản là không muốn ra chiến trường.
Ông nói thẳng rằng: “Vấn đề nội bộ của Giải phóng quân rất nghiêm trọng, căn bản là họ không có khả năng tấn công Đài Loan.”
Ngoài việc hủ bại trong quân đội ra, quân đội của ĐCSTQ quả thực tồn tại một vấn đề nổi cộm trong những năm gần đây: Những tân binh sống trong nhung lụa.
Thời báo “Sydney Morning Herald” đã trích dẫn một báo cáo dài từ tập đoàn Rand Corporation về việc hiện đại hóa quân đội rằng, các sĩ quan cao cấp của ĐCSTQ thừa nhận rằng, nhiều tình nguyện viên và binh lính đi nghĩa vụ quân sự đã bị các bậc cha mẹ nuôi chiều vì chính sách một con của Trung Quốc.
Vào năm 2013, một báo cáo ở Trung Quốc cho biết, những người lính con một thiếu tinh thần chiến đấu và khả năng chịu khổ. Một quân nhân cho biết, 26% binh sĩ là con một xin được xuất ngũ vì không thể chịu được những cuộc huấn luyện gian khổ.
Nhiều kênh truyền thông tại hải ngoại cho biết, quan chức hải quân Trung Quốc đã công bố một đoạn video cách đây vài ngày rằng, một tân binh đã phạm sai lầm trong khi huấn luyện ném lựu đạn, người này đã ném quả lựu đạn vào tường phòng hộ và quả lựu đạn bật trở lại. Người hướng dẫn ngay lập tức kéo anh ta lại phía sau và nhảy xuống hố tránh đạn, mới thoát được kiếp nạn này.
Sau khi video được lan truyền ra nước ngoài, một số cư dân mạng Đài Loan đã cười và chỉ ra rằng: “Giải phóng quân với trình độ như thế này, không biết ai sẽ giải phóng ai đây”.
“Thế này thì yên tâm, họng súng chĩa vào trong.”
“Thống nhất Đài Loan bằng vũ lực, nực cười.”
Minh Tú