Nhật muốn G7 ra tuyên bố chung về Hồng Kông
Theo Reuters, Thủ tướng Shinzo Abe hôm nay nói rằng ông muốn Nhật dẫn dắt G7 ra tuyên bố chung về tình hình Hồng Kông, trong bối cảnh Trung Quốc lên kế hoạch áp luật an ninh quốc gia với đặc khu.
“Rõ ràng là, chúng ta thừa nhận rằng G7 có sứ mệnh dẫn dắt dư luận toàn cầu và Nhật Bản muốn đi đầu trong việc đưa ra một tuyên bố dựa trên chính sách ‘một quốc gia, hai chế độ’ tại Hồng Kông”, Thủ tướng Shinzo Abe phát biểu tại Quốc hội Nhật Bản hôm nay.
G7 là nhóm 7 quốc gia phát triển gồm Pháp, Đức, Italy, Nhật, Anh và Mỹ. Các thành viên nhóm này thay phiên nhau tổ chức hội nghị thường niên, nhằm thảo luận về chính sách và điều phối kinh tế thế giới.
Phản ứng trước động thái của Nhật Bản, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tuyên bố rằng, Bắc Kinh bày tỏ “sự quan ngại nghiêm trọng” và Hồng Kông là vấn đề nội bộ của Trung Quốc.
Bộ Tư pháp Mỹ điều tra các cá nhân cấu kết với Antifa
Tổng Chưởng lý Hoa Kỳ William Barr cho biết chính quyền liên bang đang tiến hành điều tra những kẻ có mối quan hệ với nhóm cực đoan Antifa.
Antifa là những phần tử chuyên tham gia kích động các cuộc biểu tình bạo lực (sử dụng bạo lực và đốt phá của công) sau cái chết của người đàn ông da màu George Floyd, đứng biệt lập và riêng biệt với các cuộc biểu tình ôn hòa.
Bề mặt là một tổ chức chống phát xít, nhưng giới quan sát nhận định Antifa là một nhóm có tổ chức, viện đến thủ đoạn bạo lực trong biểu tình để đạt mục đích riêng. Hôm 31/5 nhóm này đã bị Tổng thống Trump dán nhãn là một tổ chức khủng bố.
Trở lại câu chuyện chính, Tổng chưởng lý Barr cho biết chính mối quan hệ này là lý do tại sao nhóm Antifa không được nói đến trong nhiều khiếu nại hình sự liên quan đến các cuộc biểu tình gây náo loạn sau cái chết của người đàn ông da màu George Floyd.
“Chúng tôi đang tiến hành một số cuộc điều tra rất tập trung vào một số cá nhân chắc chắn có liên hệ với Antifa”, ông Barr cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Fox News ngày 8/6.
Trong tuần qua, giới chức liên bang Mỹ đã quy cho các tổ chức cực đoan như Antifa có “hoạt động bạo lực” trong bối cảnh các cuộc biểu tình liên quan đến Floyd – một người đàn ông gốc Phi đã thiệt mạng trong khi bị cảnh sát thành phố Minneapolis khống chế.
Trong một cuộc họp báo ngày 3/6, ông Barr cho biết, Antifa và các nhóm tương tự cũng như “các kịch sĩ của một loạt các phe nhóm chính trị khác nhau” đã đứng đằng sau các hoạt động bạo lực gần đây để thực hiện các kế hoạch riêng.
Ông cũng nói rằng các “kịch sĩ” này đã “đột kích” vào các cuộc biểu tình nhằm “kích động các hành vi vô pháp luật, bạo loạn, bạo lực, cướp bóc các doanh nghiệp, tấn công tài sản công cộng và tấn công vào các nhân viên thực thi pháp luật và những người vô tội, thậm chí là giết chết một đặc vụ liên bang”.
Những bình luận của ông Barr được Giám đốc FBI Christopher Wray nhắc lại và nhấn mạnh rằng những kẻ đó ngày đã “lộ rõ ý định gieo rắc bất hòa và gây biến động hơn là mưu cầu chính nghĩa và công bằng”.
Chính phủ Mỹ tới nay đã thực hiện 51 vụ bắt giữ các tội phạm liên quan đến các vụ bạo loạn từ cuộc biểu tình Floyd, ông Barr nói và ông cho biết thêm cuộc điều tra sẽ nhắm vào các nguồn tài trợ núp phía sau các nhóm cực đoan cũng như tập trung vào cách thức phối hợp mà nhóm này sử dụng trong các cuộc biểu tình.
“Một vài trong số đó có liên quan đến một nhóm Antifa. Một số liên quan đến các nhóm giống như Antifa. Như tôi đã nói, có một “phù thủy” đang điều phối tất cả các nhóm cực đoan và chúng đang cố gắng lợi dụng tình trạng này trên tất cả các khía cạnh”, ông Barr nói.
Nguồn gốc của đạo quân cánh tả Antifa (viết tắt của Anti-Fascist Action) được cho là bắt nguồn từ phong trào “chống phát xít” Đức, là một phần của các hoạt động mặt trận của Liên Xô cũ nhằm kích động cuộc cách mạng cộng sản ở quốc gia châu Âu.
Tại Hoa Kỳ, Antifa tuyên bố rằng nó đang chiến đấu với chủ nghĩa phát xít, nhưng hiếm khi nó ra mặt đối đầu với những kẻ phát xít thực sự. Thay vào đó, các thành viên của nó, là những người được tạo ra bởi ý thức hệ của chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa xã hội và những thành phần cánh tả cực đoan khác, gắn mác cho tất cả những ai không ủng hộ ý thức hệ của nó là phát xít để biện minh cho việc nó sử dụng bạo lực chống lại họ.
Nhóm này thường gây chú ý khi thực hiện các vụ tấn công bạo lực các nhóm đối lập, đặc biệt là nhắm vào những người ủng hộ Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Mỹ sắp mở lại lãnh sự quán ở Vũ Hán
Ông Frank Whitaker, trưởng phòng phụ trách công vụ tại đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh viết trong email gửi Reuters rằng, Terry Branstad, Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc, “dự định nối lại hoạt động lãnh sự ở Vũ Hán trong tương lai gần”, song không nêu thời gian cụ thể.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ đã đưa các nhân viên lãnh sự quán cùng gia đình họ về nước sau khi chính phủ Trung Quốc áp lệnh phong tỏa Vũ Hán để ngăn dịch Covid-19 lây lan.
Úc bác cảnh báo phân biệt chủng tộc của Trung Quốc
Tờ AFP đưa tin, các quan chức và các trường đại học hàng đầu ở Úc hôm nay bác bỏ cảnh báo của Trung Quốc rằng Úc là điểm đến không an toàn với sinh viên quốc tế.
“Thành công trong việc làm phẳng đường cong lây nhiễm Covid-19 cho thấy chúng tôi là một trong những quốc gia an toàn nhất trên thế giới cho sinh viên quốc tế đến ngay bây giờ”, Bộ trưởng Giáo dục Úc Dan Tehan cho biết.
Bà Vicki Thomson, giám đốc điều hành của Nhóm 8 trường đại học danh tiếng của Úc, cho biết họ sẽ “rất quan ngại” nếu cảnh báo của Bắc Kinh ngăn cản các sinh viên đến Úc.
“Chúng tôi không có bằng chứng cho thấy các vấn đề phân biệt chủng tộc đã xảy ra trong những cơ sở của chúng tôi. Tôi nghĩ rằng, điều đáng lưu ý là chúng tôi hiện không có quá nhiều sinh viên tại các trường của mình vào thời điểm này”, bà Thomson nói. Bà cho rằng lĩnh vực giáo dục đã bị lôi kéo vào những căng thẳng địa chính trị giữa Úc và Trung Quốc.
Bộ Giáo dục Trung Quốc hôm qua cảnh báo các sinh viên thận trọng về việc lựa chọn đến Úc, hoặc quay trở lại nước này để học tập, viện dẫn nhiều vụ phân biệt chủng tộc nhắm vào người gốc Á tại quốc gia này liên quan đến Covid-19.
Cảnh sát Hồng Kông bắt 53 người biểu tình
Reuters đưa tin, vào tối 9/6, hàng trăm người Hồng Kông đã xuống đường đánh dấu một năm biểu tình phản đối luật dẫn độ. Cảnh sát Hồng Kông đã xịt hơi cay vào đám đông và bắt giữ 53 người, gồm 36 nam và 17 nữ với cáo buộc “tụ tập bất hợp pháp”.
Người dân Hồng Kông đã lên kế hoạch cho nhiều cuộc biểu tình trong những ngày tới. Những người ủng hộ dân chủ lo ngại luật an ninh quốc gia mà Bắc Kinh muốn áp cho Hồng Kông sẽ bóp nghẹt đáng kể các quyền tự do trong thành phố.
Thái Lan xem xét mở lại nhiều cơ sở kinh doanh
Theo Reuters, một quan chức chính phủ Thái Lan hôm nay cho biết nước này sẽ xem xét kế hoạch mở lại thêm nhiều doanh nghiệp và các cơ sở kinh doanh kể từ ngày 15/6, trong bối cảnh Thái Lan không ghi nhận ca lây nhiễm Covid-19 nào trong cộng đồng trong 16 ngày qua.
Ông Taweesin Wisanuyothin, phát ngôn viên Trung tâm Quản lý tình hình Covid-19 của Thái Lan cho biết, các quan chức sẽ xem xét giai đoạn mở cửa tiếp theo vào thứ Sáu tới (12/6). Một số doanh nghiệp và các hoạt động kinh doanh có thể hoạt động trở lại sớm nhất là vào ngày 15/ 6, hoặc có thể trước cuối tháng, ông Taweesin nói.
Mỹ truy tố cựu giáo sư Harvard vì che giấu việc hợp tác với Trung Quốc
Cựu trưởng khoa Hóa, Đại học Harvard đã bị truy tố hôm 9/6 với cáo buộc che giấu thông tin về tiền tài trợ ông nhận được từ Trung Quốc, theo thông tin từ Bộ Tư pháp Hoa Kỳ.
Ông Charles Lieber, 61 tuổi, đã bị bắt vào hồi tháng 1 với cáo buộc nói dối về việc tham gia chương trình “Ngàn nhân tài” do nhà nước cộng sản Trung Quốc hậu thuẫn. Hôm 9/6, bồi thẩm đoàn liên bang đã truy tố vị cựu trưởng khoa Hoá, Đại học Harvard về hai tội danh liên quan đến khai báo sai cho chính quyền liên bang.
Kế hoạch “Ngàn nhân tài” nhằm thu hút các chuyên gia hàng đầu thế giới làm việc cho các dự án ở Trung Quốc đã khiến các quan chức Mỹ để ý, cho rằng nó tạo điều kiện cho việc chuyển giao tài sản trí tuệ của Mỹ sang Trung Quốc.
Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc “Ngàn nhân tài” và các chương trình tương tự khác của Trung Quốc thưởng cho những cá nhân có công đánh cắp bí mật công nghệ.
Ông Lieber, một giáo sư chuyên về khoa học nano, được cho là đã có nhiều năm tham gia chương trình “Ngàn nhân tài” trong khi thực hiện các nghiên cứu nhạy cảm của Mỹ, các công tố viên cho biết. Ông đã nhận được hơn 15 triệu USD tài trợ từ Viện Y tế Quốc gia (NIH) và Bộ Quốc phòng Mỹ kể từ năm 2008.
Khi nhận được tiền tài trợ từ chính phủ liên bang như vậy, theo luật, các cá nhân phải thông báo về các khoản tài trợ và hợp tác nước ngoài khác.
Theo cáo trạng, ông Lieber bắt đầu làm việc với Đại học Công nghệ Vũ Hán (WUT) với tư cách là “một nhà khoa học chiến lược” vào năm 2011, và đã hợp đồng tham gia vào chương trình “Ngàn nhân tài” từ năm 2012 đến 2017.
Theo hợp đồng, WUT đã trả cho ông Lieber mức lương 50.000 USD/ tháng và sinh hoạt phí lên tới 1 triệu NDT (tương đương 158.000 USD) trong ba năm. Đổi lại, vị cựu giáo sư Harvard sẽ làm việc cho WUT ít nhất chín tháng mỗi năm với các công việc: xin cấp bằng sáng chế và nghiên cứu xuất bản cho WUT, tư vấn cho sinh viên và giáo viên và thực hiện các dự án hợp tác quốc tế.
Cáo trạng cũng cho hay, vào tháng 1 năm 2013, ông Lieber đã thay mặt trường Harvard ký thỏa thuận cho một chương trình nghiên cứu hợp tác 5 năm mà không hỏi ý kiến các quan chức Harvard. Theo đó, thỏa thuận này cho phép các nhà nghiên cứu của WUT đến thăm khoa Hóa học trong vòng 2 tháng mỗi năm. Mục tiêu của thỏa thuận là thúc đẩy các nghiên cứu nâng cao về pin lithium-ion dựa trên công nghệ nano cho xe điện.
Đại diện của trường Harvard đã nói với các nhà điều tra rằng ông Lieber không có thẩm quyền ký kết các hợp đồng như vậy.
Ông Lieber cũng nhận được 1,5 triệu USD khi thành lập một phòng thí nghiệm nghiên cứu liên kết tại WUT bằng cách sử dụng tên và logo của Harvard mà không có sự chấp thuận từ lãnh đạo trường Harvard. Khi bị lãnh đạo trường Harvard truy hỏi, ông Lieber đã nói dối rằng WUT tự ý làm như vậy.
Theo lời khai, ông Lieber phủ nhận tham gia vào chương trình “Ngàn nhân tài” khi được các nhà điều tra của Bộ Quốc phòng thẩm vấn về các nghiên cứu có yếu tố nước ngoài vào tháng 4 năm 2018. Ông nói rằng ông chưa bao giờ nhận được yêu cầu tham gia chương trình, nhưng ông “không chắc chắn” về cách Trung Quốc ‘phân loại’ ông.
Sau đó, ông Lieber đã gửi email cho cộng sự của mình, nói rằng ông “không ngủ được vì lo lắng” khi tên ông được ghi là giám đốc của phòng thí nghiệm trên trang web của WUT. Ông Lieber cũng nói thêm rằng ông “sẽ cẩn thận về những gì thảo luận với Đại học Harvard” và “không điều gì trong số này được phép chia sẻ với các nhà điều tra của chính phủ.”
Theo một cuộc điều tra tương tự từ NIH vào tháng 11 năm 2018, Charles Lieber đã khiến trường Harvard cung cấp thông tin sai lệch cho NIH rằng ông này không có mối liên hệ chính thức nào với WUT, và ông không tham gia chương trình “Ngàn nhân tài” của Trung Quốc.
Ông Lieber sẽ phải đối mặt với án tù 5 năm và mức phạt 250.000 USD cho mỗi tội danh cung cấp thông tin sai.
Chính quyền Mỹ đã tăng cường nỗ lực chống lại hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ của nhà nước Trung Quốc từ các tổ chức nghiên cứu và học thuật Hoa Kỳ. Tháng trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hủy thị thực của sinh viên từ các trường đại học liên kết với quân đội Trung Quốc nhằm giải quyết mối đe dọa gián điệp học thuật.
Cũng trong tháng 5, ba nhà nghiên cứu đã bị bắt với các cáo buộc nói dối về nguồn tài trợ nhận được từ chế độ Trung Quốc.
Một giáo sư tại Đại học Arkansas đã bị bắt vì gian lận hôm 8/5 vì không tiết lộ việc nhận tài trợ từ chương trình “Ngàn nhân tài” và từ và các công ty Trung Quốc. Vài ngày sau, một cựu giáo sư của Đại học Emory cũng bị kết án vì gian lận thuế liên quan đến thu nhập của ông khi tham gia chương trình do Trung Quốc tài trợ.
Một cựu nghiên cứu viên tại Bệnh viện Cleveland, một trong những bệnh viện hàng đầu trên thế giới, cũng đã bị bắt vào hôm 13/5 vì cáo buộc nói dối về việc nhận tài trợ từ các nguồn của Trung Quốc trong khi ông này vẫn nhận hơn 3,6 triệu USD tiền tài trợ từ NIH.
Lê Xuân (theo The Epoch Times)
Pháp cũng nhức đầu vì vấn đề bạo lực cảnh sát
Phong trào chống kỳ thị chủng tộc và bạo lực cảnh sát tại Mỹ sau vụ George Floyd tiếp tục thu hút sự chú ý của báo chí Pháp ra ngày 10/06/2020. Tuy nhiên, các nhật báo vừa nêu tình hình Mỹ vừa đề cập đến những gì diễn ra tại Pháp, nơi các cuộc biểu tình ủng hộ phong trào chống kỳ thị đã chen lẫn hay hòa nhập với những cuộc xuống đường phản đối bạo lực cảnh sát ngay trong nước.
Trên trang nhất của mình, tờ Le Monde của Pháp đã dành hai tựa quan trọng nhất cho chủ đề xã hội nói trên, với tựa chính nói về tình hình Pháp: “Bạo lực cảnh sát: Hành pháp trong tình thế chênh vênh”. Ngay bên dưới là phần nói về Mỹ: Trên nền một tấm ảnh chụp tmột bức bích họa ở Houston, vẽ George Floyd trong đôi cánh thiên thần, tờ báo chạy tựa “Bất bình đẳng chủng tộc: Nước Mỹ thức giấc”.
Bạo lực cảnh sát tại Pháp: Chính quyền bị buộc phải đổi giọng
Le Monde ghi nhận trước tiên là chính phủ của tổng thống Macron đã bị buộc phải thay đổi giọng điệu dưới sức ép của dư luận và quần chúng. Cuộc họp báo của bộ trưởng Nội Vụ Christophe Castaner ngày 08/06 vừa qua về bạo lực cảnh sát và kỳ thị chủng tộc, theo yêu cầu đặc biệt của Điện Élysée, đã đánh dấu một khúc quanh đối với chính phủ, trong lúc mà phong trào quốc tế Black Lives Matter (“Sinh mạng người da đen cũng có giá trị”) đã có tiếng vang lớn ở Pháp, nhất là trong các khu phố nhạy cảm.
Đối với tờ báo Pháp, bạo lực cảnh sát luôn luôn là một mối quan ngại trong các khu phố bình dân, nhưng phải chờ đến những cuộc biểu tình của phong trào Áo Vàng và các chiến dịch duy trì trật tự đi kèm theo, thì vấn đề mới trở thành một mối quan ngại cấp quốc gia. Đường lối của chính phủ lúc ấy rất rõ ràng: Không hề có bạo lực cảnh sát.
Sau đó, với dịch Covid-19 và các biện pháp phong tỏa kèm theo, vấn đề đã bị đẩy xuống hàng thứ yếu, cũng như vấn đề các ngoại ô mà các chiến dịch cảnh sát luôn luôn là nguồn gốc gây nên căng thẳng.
Thế nhưng cái chết của George Floyd ở Mỹ, cộng với hồ sơ về cái chết của Adama Traoré từ năm 2016 khi bị cảnh sát Pháp bắt giữ nổi lên trở lại, hai yếu tố này đã làm dấy lên phong trào biểu tình phản đối tệ nạn kỳ thị chủng tộc trong hàng ngũ lực lượng an ninh Pháp, cộng thêm với vấn đề bạo lực cảnh sát.
Sợ rằng tình hình có thể nổ to, nhất là khi các phương tiện truyền thông như Médiapart, Arte StreetPress liên tiếp tiết lộ những lời lẽ kỳ thị của thành viên các lực lượng an ninh trên các mạng xã hội, chính phủ Pháp đã phải phản ứng nhanh chóng.
Trong buổi họp báo, bộ trưởng Nội Vụ dĩ nhiên đã bảo vệ định chế cảnh sát, nhưng đã tỏ thái độ kiên quyết đối với những sai trái cá nhân, cho rằng “Thốt ra những lời kỳ thị chủng tộc, phân biệt đối xử là điều không thể chấp nhận được”.
Bên cạnh đó, ông Castaner cũng loan báo những quyết định cụ thể nhằm cải thiện tình hình, trong đó có việc nghiêm cấm dùng phương thức chẹn cổ khi bắt giữ (biện pháp đã cướp đi mạng sống của George Floyd), bên cạnh một loạt biện pháp chống phân biệt đối xử…
Khẩu hiệu Black Lives Matter đã trở thành phổ quát
Về tình hình tại Mỹ, Le Monde đặc biệt nêu bật một hệ quả của vụ George Floyd: “Khẩu hiệu ‘Sinh mạng của người da đen cũng có giá trị’ đã trở thành phổ quát”.
Từ một khẩu hiệu thường chỉ được người da đen hô vang, câu nói “Black Lives Matter” đã được mọi giới – không phân biệt màu da – hô vang khắp nơi, không chỉ trên đất Mỹ, mà cả ở nước ngoài.
Về chính trị Mỹ, đối với Le Monde, phản ứng của hai chính khách tiêu biểu hiện nay trước tình hình rất đáng suy ngẫm.
Vào lúc thành phố Houston quê hương của George Floyd làm lễ tưởng niệm nạn nhân của hành vi bạo lực cảnh sát, thì tổng thống Donald Trump vẫn tiếp tục né tránh chủ đề này.
Trong khi đó thì đối thủ của ông trong cuộc bầu cử tổng thống tháng 11 tới đây, ứng viên Joe Biden của đảng Dân Chủ thì không ngần ngại đến gặp gỡ gia đình của người quá cố.
Le Figaro cũng nói về sư kiện nước Mỹ vào hôm qua đã tưởng niệm George Floyd, nhưng nêu bật ý nghĩa là người da đen này đã được tôn lên thành một vị “thánh tử vì đạo”, đã hy sinh cho chính nghĩa chống phân biệt chủng tộc.
Trọng Nghĩa