Anna Nguyen
Cuốn sách của Doug Wead: Bên trong toà Bạch Cung của Trump
Trong suốt gần một tháng ở nhà theo dõi tình hình hiện nay, tôi nhận ra một vấn đề mà trước giờ ít để ý tới: đó là những bài viết về TT Trump hầu như đều là chê trách, đổ lỗi, rất khó tìm đọc được một bài viết nào có quan điểm tích cực về ông. Ngồi xem live (truyền hình trực tiếp) các buổi họp báo từ Nhà Trắng, tôi ngạc nhiên khi nhiều nhà báo đặt những câu hỏi gài bẫy, chờ Tổng thống lỡ miệng chỗ nào đó để làm mồi cho truyền thông nhảy vào xâu xé. Ngập tràn trên YouTube, Facebook là những câu hỏi, những câu trả lời được cắt ghép cho những bài viết và video bình luận tiêu cực đã được lên ý đồ sẵn để định hướng người xem.
Thắc mắc với câu hỏi tại sao truyền thông ghét TT Trump như vậy? Sao nhiều người chửi ông? Ông ấy đã làm những gì? Tôi tìm được một phần lớn câu trả lời cho mình qua quyển sách dài của Doug Wead: Inside Trump’s White House (tạm dịch: Bên trong toà Bạch Cung của Trump). Sách vừa được xuất bản tháng 11 năm 2019.
Doug Wead đã viết hơn ba mươi quyển sách và là một trong những tác giả có sách bán chạy nhất của New York Times. Ông Wead đã phỏng vấn trực tiếp với sáu đời Tổng thống Mỹ (TT Trump là người thứ 6). Ông cùng là tác giả xuất bản chung một quyển sách với cựu TT George Bush. Ông từng là thành viên cố vấn cấp cao của Nhà Trắng. Ông là một trong rất ít những nhà sử học hiện tại còn sống cùng viết về 44 đời Tổng Thống Mỹ. Đây là quyển sách ông viết về những gì TT Trump đã làm được trong ba năm qua. Với một tiểu sử sự nghiệp nổi bật như vậy, TT Trump đã thật sự đặc biệt như thế nào để nhà sử học Wead viết hẳn một đầu sách về mình?
Tác giả Wead được TT Trump đồng ý để ông ấy ghi âm lại tất cả những cuộc phỏng vấn giữa ông và Tổng thống cũng như với tất cả thành viên gia đình Trump và các nhà tư vấn cấp cao khác. Đây là một yếu tố quan trọng giúp ông Wead tiếp cận nguồn thông tin và viết chính xác nhất những gì đang diễn ra.
Lịch sử mà chúng ta đã đọc về Washington, Lincoln, Roosevelt, hay Kennedy… đã được ghi lại xác thực ra sao thì giờ đây với Wead, ông cần làm gì để thế hệ sau có thể tiếp cận được nguồn tư liệu đúng nhất về TT Trump? Tất cả sẽ nhờ vào những gì được ghi ngay lúc này và ông muốn mình phải ghi lại sự thật một cách công tâm nhất.
Lý do gì mà một tỷ phú rất thành đạt trong cả hai lĩnh vực bất động sản và show truyền hình như Trump lại quyết định ra tranh cử Tổng thống? Trump đã gây dựng lên một thương hiệu nổi bật cho chính mình, rõ ràng ông ấy không cần phải làm Tổng thống để được nổi tiếng hay để giàu hơn.
Khi Wead phỏng vấn các con của Trump: Ivanka, Eric và Don Jr., ông không ngạc nhiên khi họ kể về những lần nhìn thấy cha họ bực tức xé toạc bài báo khi biết chính phủ Mỹ vừa ký kết một hiệp định nào đó gây bất lợi cho Mỹ. Ông Trump bực tức khi nhìn thấy hàng trăm ngàn công việc ở Mỹ được mang đi nơi khác. Ông nhìn thấy cái hố mà nước Mỹ đang từ từ lún xuống vì những hợp đồng ký kết từ các đời Tổng thống trước mà ông thẳng thắn chỉ trích là cực kỳ nguy hại. Đó là những ký kết chỉ đem lại lợi ích cho các nước khác từ Trung Quốc cho đến Tây Âu, và càng đè gánh nặng lên vai tầng lớp trung lưu Mỹ khi phải cõng những lợi ích đó qua cái gọi là THUẾ.
Vì sao ông Wead không ngạc nhiên? Vì ông đã từng là thành viên tư vấn cấp cao ở Nhà Trắng, ông hiểu rõ cơ chế đằng sau những ký kết đó, hiểu rõ những nhóm lợi ích đứng sau giật dây, hiểu rõ truyền thông đã bị mua chuộc như phương tiện tuyệt vời để đánh lạc hướng dư luận hay nói nặng hơn: tẩy não dư luận.
Dù từng là cố vấn cấp cao của hai đời Tổng thống Mỹ thuộc đảng Cộng Hòa, ông Wead nhận định thẳng thắng rằng Tổng thống Mỹ ở cả hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ ít nhiều đều bị chi phối bởi các thế lực ngầm đứng sau: những thế lực có thể ôm trọn truyền thông và bắt nó hoạt động theo ý mình. Nhưng ông Trump lại khác, ông ấy đã là tỷ phú, ông không cần tiền của những thế lực đó làm bàn đệm, ông ấy cũng không cần phải lấy lòng những thế lực đó để dọn đường cho cuộc sống hưởng thụ an nhàn sau khi rời nhiệm kỳ.
Wead cho rằng là một doanh nhân thành đạt chưa từng bước vào con đường chính trị, ông Trump không bị dẫm vào lối nghĩ gò bó rập khuôn, không bị chui vào những cái hộp được đóng sẵn như các chính trị gia trước đây. Sự giải phóng này giúp ông nhìn rõ “bệnh tình” của nước Mỹ theo một hướng khác và rõ ràng đã có những kế hoạch phù hợp hơn. Tuy nhiên việc TT Trump từng bước phá vỡ những luật bất thành văn trong giới chính trị, gây đe dọa đến những lợi ích nhóm đứng sau, đã khiến ông giống như một con sói đầu đàn đơn độc bị cả đàn vây hãm tấn công trong suốt thời gian qua.
Tôi tưởng TT Trump bị truyền thông và giới chính trị gia đánh tơi tả từ khi ông trúng cử, nhưng thật sự thì ông đã bị “ném bom” từ khi mở lời ra tranh cử. Tìm đọc lại những nguồn thông tin từ Wead ghi trong sách, tôi phải thật sự nể phục sự phớt lờ của ông Trump với cánh truyền thông, khi bất kể phát ngôn nào của mình cũng bị truyền thông moi móc.
Khi Trump nói ông có kế hoạch sẽ mang việc làm về Mỹ, sẽ làm cho kinh tế Mỹ tăng trưởng, làm cho nước Mỹ hùng mạnh trở lại… lập tức cánh nhà báo giật tít mỉa mai, chính trị gia ở cả 2 đảng cười nhạo như “Heo thì làm sao biết bay”; “Hắn có cây phép thuật à?”; “Bí mật ở các kế hoạch của hắn là hắn chả có kế hoạch nào cả”; “Trump đang mơ đấy”… Cả Hollywood, giới tỷ phú, giới nghiên cứu học thuật đều chống lại Trump.
Bỏ ngoài tai tất cả những châm biếm, tấn công từ truyền thông, sự chống đối từ đảng đối lập và ngay cả những chính trị gia cùng đảng Cộng Hòa, thậm chí cả 5 đời cựu tổng thống Mỹ thời điểm đó đều không chọn Trump, nhưng cuối cùng ông đã thắng trước sự ngỡ ngàng của tất cả mọi người. Đó có phải là sự may mắn?
Wead đã viết lại rất chi tiết về hành trình tranh cử đầy đơn độc và khó khăn của ông Trump. Nhờ đó, người đọc sẽ biết được sự thật TT Trump cùng các con của mình đã tiếp xúc với các cử tri như thế nào, sẽ biết được sự thật đảng đối lập đã dùng truyền thông đưa sai thông số dự báo về tỷ lệ bầu chọn để làm nhụt chí những người ủng hộ tin rằng ông Trump sẽ thua ra sao.
Lý do gì bang Wisconsin trong suốt 32 năm chỉ bầu cho ứng viên đảng Dân Chủ, đã quay qua bỏ phiếu cho ông Trump? Ông đã thắng ở Ohio – 1 tiểu bang trong suốt 44 đời Tổng thống qua hễ ứng viên nào chiếm được phiếu bầu thì người đó sẽ thắng cử – như thế nào? Tại sao có những cử tri tự nhận rằng họ đã bỏ phiếu cho các ứng viên đảng Dân Chủ cả đời mà giờ lại thay đổi như lần bầu cử này?
Làm thế nào ông Trump giành được phiếu bầu những nơi mà nhà Clinton còn không thèm đến vận động vì tin chắc phần thắng thuộc về mình? Tại sao bang Florida gần như nắm chắc phần phiếu về cho Hillary Clinton nhưng cuối cùng đã làm cho đảng Dân Chủ ngỡ ngàng ở phút cuối? Rõ ràng, đó không phải là may mắn.
Nếu ông Wead không viết quyển sách này, có lẽ chúng ta sẽ không biết rằng thật sự Mỹ đã gần như có chiến tranh với Triều Tiên ra sao. Khi cựu Tổng thống Obama rời nhiệm kỳ, ông thừa nhận rằng Kim Jong-un sẽ là vấn đề lớn nhất mà ông Trump sẽ phải đối mặt. Thật thú vị khi đọc đoạn đối thoại của TT Trump và Kim qua cách kể lại từ ông Wead.
TT Trump đã nhận ra ở Kim rằng, những tên độc tài thường uy hiếp kẻ yếu, không phải kẻ mạnh hơn. Tuy nhiên ông đã rất cẩn trọng và đã thành công trong việc đàm phán lần thứ nhất với Kim tại Singapore. Chấm dứt việc thử vũ khí hạt nhân, đưa con tin bị bắt giữ, đưa hài cốt lính Mỹ ở Triều Tiên từ cuộc chiến Nam Hàn về Mỹ, một kết quả tuyệt vời mà ông Wead cho biết phải mất 11 đời Tổng thống để thực hiện được.
Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ hai tại Việt Nam lẽ ra có thể đạt kết quả tốt đẹp nếu như truyền thông Mỹ không cố tình ‘vạch áo cho người xem lưng’. Tại sao ngay thời điểm quan trọng của cuộc đàm phán, kênh truyền hình trên màn ảnh tivi được chia ra làm đôi với 1 bên là hình ảnh trực tiếp hội nghị Mỹ-Triều, 1 bên là hình ảnh Hạ viện Mỹ đưa ra những cáo buộc khác về ông Trump? Đó chẳng phải là một thông điệp cho cả thế giới biết nội bộ Mỹ đang bị chia cắt sao?
Bằng cách nào đó, Kim rõ ràng đã nhận ra thông điệp ấy. Ông Trump muốn duy trì hòa bình thế giới ư, hãy quay về giải quyết xung đột nội bộ trong nước trước đi! Đó là kết quả vì sao ở lần đàm phán thứ 2, Tổng thống đã không đạt được một thỏa thuận nào với Kim. Ông Wead nhìn nhận rằng thật chua xót khi sự thù ghét Trump đã làm cho những người chống đối ông sẵn sàng đạp lên danh dự và lợi ích của nước Mỹ để đạt được mục đích của mình.
Ông Wead viết, khi TT Trump tuyên bố Mỹ rút lui khỏi Hiệp định biến đổi khí hậu Paris, giới hoạt động môi trường, truyền thông, đảng đối lập phản đối la ó. Dân chúng phần lớn cũng chửi ông mà không hiểu rõ cái Hiệp định đó là về gì. Vâng, cái Hiệp định ấy là để Mỹ phải tham gia bỏ tiền, đầu tư công nghệ, máy móc để dọn dẹp việc ô nhiễm môi trường của các nước như Trung Quốc, Ấn Độ , Nam Phi… Tiền từ đâu, từ tiền thuế dân Mỹ mà ra cả. Những người chửi ông Trump liệu khi biết tiền thuế của mình trước giờ phải cõng luôn cái việc dọn dẹp vệ sinh cho những nước chuyên gây ô nhiễm đó thì có còn muốn la làng lên nữa không?
Khi cựu TT Obama ký tham gia Hiệp định Paris 2016, truyền thông đã không hề nêu rõ nội dung về nó cho dân Mỹ biết, tất cả chỉ được viết ngắn gọn rằng nó tốt cho việc bảo vệ môi trường. Nhờ truyền thông che đậy, ông Obama lại được thêm lòng dân qua phong cách quý ông lịch lãm biết yêu môi trường. Nhưng sự thật thì ông Obama đã vi phạm điều lệ Byrd-Hagel Resolution năm 1997 quy định rằng Mỹ không được ký kết bất cứ hiệp định nào về việc làm sạch môi trường ở các nước đã nêu trên mà không kèm theo những quy định bắt buộc những nước đó phải có biện pháp hạn chế việc gây ô nhiễm tại chính nước của mình. Vậy nhưng khi ông Trump rút lui khỏi Hiệp định, nước Mỹ gào lên chửi. Ông Wead châm biếm, dường như truyền thông đã nhào nặn thành công một hình tượng Obama bóng láng không tì vết trong lòng hơn một nửa dân chúng Mỹ.
Vì mang danh là anh cả của thế giới, Mỹ phải đang ‘è cổ’ bao bọc quân sự miễn phí cho các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Ả rập, khối NATO… cho tới khi TT Trump đem bàn cân ra đặt lại. Ông cho rằng thật vô lý khi Mỹ phải bỏ ra hàng tỷ Mỹ kim để tạo nên những đầu đạn, tên lửa, vũ khí và tặng không cho các nước đang được coi là siêu cường của thế giới.
Giới ngoại giao, báo chí, tướng tá lại nhao lên lo sợ Mỹ sẽ làm mất lòng các đồng minh Á – Âu. Ông Trump đã thẳng thắn gọi đó là mối quan hệ lợi dụng và giữ vững lập trường của mình. Thông điệp của ông rất rõ: vâng, đồng minh quan trọng nhưng Mỹ vẫn quan trọng hơn. Mỹ không thể bị bòn rút như vậy nữa. Đức, Nhật không còn là những nước lụi bại sau chiến tranh, rõ ràng hiện nay họ đã là siêu cường. Hãy nhìn nền kinh tế và sự phát triển của Nam Hàn, Ả Rập xem, đó là những nước nghèo yếu cần bảo vệ miễn phí sao?
Với tài thương lượng của mình, ông lại thành công trong việc bớt đi một gánh nặng trên lưng tầng lớp trung lưu Mỹ. Không những thế, nhờ ông Trump mà hệ thống phòng ngự NATO đã trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Về kinh tế, ông Wead thừa nhận rằng trong vài chục năm qua chưa có đời Tổng thống nào đưa Mỹ đạt được mức tăng trưởng kinh tế tới 4,3% như ông Trump vào thời điểm Wead kết thúc quyển sách. TT Trump đã làm gì để thay đổi những luật lệ gây khó khăn cho doanh nghiệp trong nước từ thời Clinton, Bush và Obama, khiến cho các hãng xưởng dần bốc hơi qua bên kia bán cầu? Ông đã làm gì để mang các hãng xưởng về lại Mỹ? Là một nhà kinh doanh, ông Trump hiểu rõ cái gọi là thương mại tự do hoàn toàn ko mang lại lợi ích bằng nhau cho đôi bên, mà đó là cái bẫy bên được bên mất. Hãy tưởng tượng với 1 hãng xưởng được mở ra tại Trung Quốc từ doanh nghiệp Mỹ sẽ đồng nghĩa với việc 1 hãng xưởng tại Mỹ bị đóng đi. Khi dân Trung Quốc có việc làm, dân Mỹ sẽ bị mất việc.
Chúng ta tin rằng việc mang việc làm sang những nước có giá nhân công thấp để đổi lại được mua sản phẩm rẻ hơn là điều có lợi cho đôi bên, nhưng thật sự đó là cái bẫy. Ngay lúc này, cái bẫy mà không riêng gì Mỹ mà cả thế giới đang mắc phải đã lộ rõ qua việc thiếu hụt đồ y tế do phụ thuộc vào khâu sản xuất từ Trung Quốc. Thật tiếc khi TT Trump chưa kịp dẹp hết cái bẫy này thì lại đang bị chỉ trích từ nhiều phía về tình hình hiện tại.
Vì sao giới học thuật, các trường đại học Mỹ thường ủng hộ cho Dân Chủ? Vì sao các ứng viên của đảng này luôn mang những vấn đề về súng, về việc xóa hết nợ cho sinh viên, về y tế, về dân nhập cư, về đường lối ngoại giao song phương mềm mỏng… để làm chủ đề chính cho những cuộc vận động tranh cử? Liệu những vấn đề đó có thật sự tốt như nó được hứa từ các ứng viên? Liệu nó giúp Mỹ đứng vững hay suy yếu thêm trên đấu trường thế giới? Đối tượng tầng lớp nào họ đang hướng đến để kiếm được sự ủng hộ?
Tại sao lại trì hoãn ngăn chặn dân nhập cư bất hợp pháp? Tại sao đảng Dân Chủ đưa ra ý kiến đồng thuận việc cấp bảo hiểm y tế cho dân nhập cư lậu trong cuộc bầu cử sắp tới? Liệu có phải di dân lậu từ các nước Nam Mỹ thông qua cửa ngõ Mexico là một nguồn lợi nhuận dồi dào mà chỉ có dân chính trị gia, lợi ích nhóm ngầm thỏa hiệp với nhau mới hiểu rõ?… Hãy đọc và tìm câu trả lời qua lối viết lôi cuốn rõ ràng từ tác gia Wead.
Có nhiều những thành tựu khác mà TT Trump đã đạt được chỉ trong hai năm đầu nhiệm kỳ mà ông Wead phải thừa nhận rằng chưa có đời Tổng thống gần đây nào đạt được như vậy. Từ kinh tế, quân sự, đàm phán ngoại giao cho đến giải thoát con tin Mỹ, tiêu diệt khủng bố… ông Trump đều hoàn thành nhanh gọn. Nhưng phần lớn truyền thông và đảng đối lập sẽ không dễ dàng thừa nhận những thành tựu đó.
TT Trump đang là cái gai đã gây tổn thất quá nhiều cho lợi ích nhóm mà họ sẽ phải dùng mọi thủ đoạn để nhổ bỏ đi. Đó là lý do tại sao phải tạo ra giả thuyết tố cáo Trump đã bắt tay với Nga gian lận trong bầu cử (tốn 40 triệu USD để điều tra từ tiền thuế dân!) Khi không tìm được chứng cớ, thì họ lại tạo ra phiên tòa luận tội vô lý. Chắc chắn ông Trump sẽ còn chịu nhiều chống đối khác cho đến khi đảng đối lập và các nhóm lợi ích đạt được mục đích của họ.
Kết thúc quyển sách của mình, ông Wead để người đọc tự tìm ra câu trả lời cho tương lai của nước Mỹ qua những con số xác thực, những vấn đề quan trọng ông đã đưa ra phân tích. Liệu những thành quả mà TT Trump đạt được sẽ được người sau tiếp nối hay dẹp bỏ? Ông Wead cho rằng sẽ sớm thôi khi những cuộc tranh cử theo lối mòn cũ trở lại khi ông Trump ra đi, khi các ứng viên Tổng thống được đo ni đóng gót khác trong guồng máy chính trị được đưa lên, khi Mỹ lại dẫm vào những cái bẫy kinh tế ngoại giao khác, khi Mỹ đánh mất vị trí số 1 của mình, dân Mỹ sẽ tỉnh giấc nhìn ra sự thật về những việc TT Trump đã làm luôn hướng đến “America First” (Nước Mỹ trên hết) như thế nào. Nhưng thật tệ là lúc đó đã quá muộn!’
Ann Nguyen