Tin thế giới trưa thứ Bảy: Tòa án Anh kết luận: ĐCSTQ phạm tội diệt chủng

Giang Tây: ‘Con hổ thứ 3’ bị bắt vì hỗ trợ khai thác tiền ảo

An Liên

Hình minh họa từ video của Quick Support.

Tiêu Nghị, cựu Phó Chủ tịch Ủy ban Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc tỉnh Giang Tây đã bị bắt vì tình nghi nhận hối lộ và lạm dụng quyền lực. Tiêu Nghị là quan chức đầu tiên bị cáo buộc hỗ trợ các hoạt động khai thác tiền ảo, theo Epoch Times.

Viện kiểm sát nhân dân tối Trung Quốc ngày 7/12 cho biết, Tiêu Nghị đã bị chuyển sang cơ quan công tố để xem xét và truy tố vì tình nghi nhận hối lộ và lạm dụng quyền lực.

Tiêu Nghị là người gốc Cám Châu, tỉnh Giang Tây. Sự nghiệp của ông chủ yếu phát triển ở tỉnh Giang Tây. Từ tháng 6 năm 1996, ông giữ chức Bí thư Thành ủy Thuỵ Tân, Giám đốc Văn phòng tỉnh Giang Tây ở Bắc Kinh và Phó Tổng thư ký Chính quyền tỉnh Giang Tây. Vào tháng 1 năm 2018, ông giữ chức vụ Phó Chủ tịch Ủy ban Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc tỉnh Giang Tây và tiếp tục giữ chức Bí thư Thành ủy Phúc Châu cho đến tháng 3 năm 2021.

Tiêu Nghị bị điều tra vào ngày 10 tháng 5 năm nay.

Thông báo chính thức đề cập rằng Tiêu Nghị đã lạm dụng quyền lực của mình để giới thiệu và hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia vào các hoạt động khai thác tiền ảo không đáp ứng các yêu cầu của chính sách công nghiệp quốc gia, và tăng nợ bất hợp pháp cho các dự án, v.v.

Tiêu Nghị là quan chức đầu tiên bị ĐCSTQ cáo buộc hỗ trợ khai thác tiền ảo.

Thông báo cũng cho biết Tiêu Nghị đã dung túng và ngầm cho phép một số người có liên quan sử dụng vị trí của họ để trục lợi cá nhân, tham gia vào các hoạt động kiếm lời vi phạm quy định, tham gia vào các giao dịch quyền lực và tiền bạc. Tự ý đưa ra quyết định và thực hiện các dự án lớn, can thiệp, nhúng tay vào hoạt động tư pháp. Cấu kết với các chủ doanh nghiệp tư nhân bất hợp pháp, lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình để trục lợi cho người khác và nhận tài sản khổng lồ một cách bất hợp pháp.

Tiêu Nghị là quan chức cấp cao cấp tỉnh và cấp bộ đầu tiên bị sa thải ở Giang Tây trong năm nay, và ông cũng là “con hổ thứ ba” bị điều tra ở Giang Tây sau Đại hội ĐCSTQ lần thứ 19. Trước ông ta, Lý Di Hoàng, cựu Phó tỉnh trưởng Giang Tây, và Sử Văn Thanh, cựu Phó chủ nhiệm Ủy ban Thường vụ Đại hội Nhân dân tỉnh Giang Tây, đã bị điều tra.

Tiêu Nghị cũng là “con hổ thứ tám” bị Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương điều tra và xử lý trong năm nay.

Trước đó, hai cấp dưới của Tiêu Nghị là Ngô Kiến Xuân, cựu Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy kiêm Phó Thị trưởng thành phố Phúc Châu, và Phương Bách Xuân, cựu Phó Thị trưởng thành phố Phúc Châu, đã ngã ngựa.

Tòa án Anh kết luận: ĐCSTQ phạm tội diệt chủng

Kha Đạt

Quân đội ĐCSTQ đàn áp người Duy Ngô Nhĩ (ảnh: Youtube/The Economist).

NTD ngày 10 tháng 12 đưa tin, Tòa án Uyghur ở Vương quốc Anh đã ra phán quyết rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phạm tội diệt chủng đối với người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác ở Tân Cương.

Tòa án Uyghur là một tòa án tư nhân được thành lập bởi các luật sư và chuyên gia nhân quyền. Tòa án này đã xem xét lời khai của hơn 500 nhân chứng và 40 chuyên gia về người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Sau khi thảo luận, vào ngày 9/12, Tòa tuyên bố rằng ĐCSTQ đã sử dụng các hình thức đàn áp như cưỡng bức sinh đẻ, kiểm soát sinh đẻ và phá thai để giảm tỷ lệ sinh của người Duy Ngô Nhĩ nhằm đạt được cái gọi là mục tiêu “tối ưu hóa” dân số Tân Cương. ĐCSTQ có “ý định tiêu diệt một phần” người Duy Ngô Nhĩ, do đó ĐCSTQ “đã phạm tội diệt chủng.”

Lặp lại kết luận của cơ quan nhân quyền của Liên Hợp Quốc, Tòa án nói rằng có thể có hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ đã bị giam giữ một cách vô lý và bị đối xử tàn bạo, vô nhân đạo. Những hành vi ngược đãi này diễn ra dưới sự xúi giục, đồng ý và đồng tình của các quan chức ĐCSTQ.

Tòa án Uyghur được thành lập bởi chín luật sư và chuyên gia nhân quyền vào ngày 3 tháng 9 năm ngoái. Mặc dù phán quyết của tòa án này không có giá trị pháp lý và ràng buộc, các nhà tổ chức hy vọng rằng bằng cách trình bày công khai bằng chứng về tội ác diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ của ĐCSTQ, Tòa án Uyghur sẽ buộc cộng đồng quốc tế lên tiếng và hành động.

Phản ứng trước phán quyết của tòa án, Đại hội của người Duy Ngô Nhĩ Thế giới ngày 9 tháng 12 tuyên bố rằng Đối với người Duy Ngô Nhĩ, đây là một ngày lịch sử.

Dorican Aisha, chủ tịch Đại hội Uyghur Thế giới, cho biết rằng một tòa án độc lập đã ra phán quyết công nhận tội ác diệt chủng đối với người Duy Ngô Nhĩ, điều này cho phép người Duy Ngô Nhĩ và những người sống sót khác sau các cuộc đàn áp của ĐCSTQ lên tiếng.

Dorican Aisha nói rằng phán quyết trên là một bước quan trọng để cộng đồng quốc tế công nhận rộng rãi hơn tội ác diệt chủng đối với người Duy Ngô Nhĩ, chấm dứt nạn diệt chủng đang diễn ra, và buộc những kẻ phạm tội phải chịu trách nhiệm.

Tình báo Mỹ: ĐCSTQ không bỏ qua cơ hội xây dựng căn cứ tại quốc gia nhỏ bé

An Liên

Một hệ thống tòa nhà ở Guinea Xích Đạo (ảnh: Từ video của Displore)

Các quan chức Mỹ cho biết có thông tin tình báo bí mật cho rằng Trung Quốc có kế hoạch thiết lập một căn cứ quân sự thường trực ở nước Cộng hòa Guinea Xích Đạo (Equatorial Guinea), một quốc gia châu Phi nhỏ bé trên bờ biển Đại Tây Dương, theo Epoch Times.

Tờ Wall Street Journal đưa tin, các quan chức Mỹ từ chối tiết lộ chi tiết về thông tin tình báo này. Nhưng họ nói rằng những báo cáo này làm dấy lên lo ngại rằng Trung Quốc sẽ có thể vũ trang và trang bị các tàu chiến trên khắp bờ biển phía đông của Hoa Kỳ.

Jon Finer, phó cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ, đã đến thăm nước Cộng hòa Guinea Xích Đạo vào tháng 10 năm nay với nhiệm vụ thuyết phục nước này từ chối đề nghị của Bắc Kinh.

Một quan chức cấp cao trong chính quyền Biden cho biết: “Là một phần trong nỗ lực ngoại giao của chúng tôi nhằm giải quyết các vấn đề an ninh hàng hải, chúng tôi đã nói rõ với Cộng hòa Guinea Xích Đạo rằng các bước đi tiềm năng nhất định liên quan đến các hoạt động của [Trung Quốc] ở đó sẽ làm dấy lên lo ngại về an ninh quốc gia”.

Tướng Stephen Townsend, Tư lệnh Bộ chỉ huy châu Phi của Hoa Kỳ, đã phát biểu tại Thượng viện vào tháng 4 rằng “mối đe dọa đáng kể nhất” từ Trung Quốc sẽ là họ có “một cơ sở hải quân quân sự trên bờ biển Đại Tây Dương của châu Phi”. “Ý nghĩa của việc sử dụng quân sự không chỉ là một nơi mà họ có thể ghé cảng, lấy xăng dầu và hàng tạp hóa. Tôi đang nói về một cảng nơi họ có thể tái trang bị đạn dược và sửa chữa tàu hải quân”.

Nước Cộng hoà Guinea Xích đạo có dân số 1,4 triệu người, từng là thuộc địa của Tây Ban Nha và giành được độc lập vào năm 1968. Thủ đô Malabo nằm trên đảo Bioko, trong khi Bata, thành phố lớn nhất trong khu vực đất liền của đất nước, nằm giữa Gabon và Cameroon.

Trên quy mô toàn cầu, Hoa Kỳ cho thấy họ đang cố gắng ngăn cản Trung Quốc (ĐCSTQ) xây dựng các căn cứ quân sự mới ở nước ngoài, điều mà họ đã làm được ở Campuchia hay Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.

Vào mùa xuân năm nay, các quan chức tình báo Hoa Kỳ đã phát hiện ra rằng ĐCSTQ đang xây dựng một căn cứ quân sự bí mật tại một cảng thương mại do Trung Quốc điều hành ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Chính phủ Biden đã thuyết phục các nhà chức trách UAE ngừng xây dựng, ít nhất là tạm thời.

Apple và ĐCSTQ có thỏa thuận bí mật 257 tỷ USD

An Liên

Apple CEO Tim Cook (ảnh: Từ video của CNN)

Vào thứ Tư (7/12), The Information, hãng truyền thông có trụ sở tại San Francisco, California, đã tiết lộ rằng Giám đốc điều hành Apple Tim Cook đã ký một thỏa thuận đầu tư bí mật trị giá 275 tỷ đô-la Mỹ với chính phủ Trung Quốc vào năm 2016 để hoạt động của Apple không bị gây khó tại Trung Quốc.

Báo cáo của The Information trích dẫn một tài liệu nội bộ của Apple nói rằng để tránh cho Apple khỏi các hành động giám sát của chính phủ Trung Quốc, Tim Cook đã đích thân đến Trung Quốc nhiều lần trong năm 2016 và đạt được một thỏa thuận bí mật với quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc. Báo cáo bình luận: “Sự can thiệp của ông [[Tim Cook] đã mở đường cho sự thành công vô song của Apple [tại Trung Quốc]”.

Trong sáu năm qua, iPhone của Apple là điện thoại thông minh bán chạy nhất tại Trung Quốc, thị trường lớn thứ hai của Apple (sau Hoa Kỳ).

Báo cáo của The Information đã chỉ ra rằng, các tài liệu cho thấy các giám đốc điều hành của Apple đã phải vật lộn để cứu vãn mối quan hệ của công ty với các quan chức Trung Quốc trước khi chính Tim Cook có hành động cá nhân. Vào thời điểm đó, doanh số bán iPhone đang giảm mạnh trong bối cảnh chính phủ Trung Quốc gia tăng việc kiểm soát.

Theo báo cáo, vào thời điểm đó, Trung Quốc tin rằng Apple đã không đóng góp đủ cho nền kinh tế địa phương của Trung Quốc. Vì vậy, Tim Cook đã vận động hành lang Trung Quốc và hứa với các quan chức rằng Apple sẽ cố gắng hết sức để giúp phát triển sức mạnh kinh tế và công nghệ của Trung Quốc thông qua đầu tư, giao dịch kinh doanh và đào tạo công nhân. Tim Cook đã mở ra một số mối quan hệ pháp lý ở Trung Quốc thông qua thỏa hiệp.

Báo cáo cho biết Apple đã công bố khoản đầu tư 1 tỷ đô-la Mỹ vào công ty khởi nghiệp DiDi vào tháng 5 năm 2016 “để xoa dịu các nhà chức trách Trung Quốc” và giúp công ty này có được lợi thế cạnh tranh với Uber Trung Quốc.

Reuters trích dẫn báo cáo ban đầu cho biết như một phần của thỏa thuận, Apple hứa sẽ sử dụng nhiều linh kiện hơn từ các nhà cung cấp Trung Quốc trong thiết bị của mình, ký thỏa thuận với một công ty phần mềm Trung Quốc, tiến hành hợp tác kỹ thuật với các trường đại học Trung Quốc và đầu tư trực tiếp vào các công ty công nghệ Trung Quốc.

Sau khi tin tức này được tiết lộ, một số cư dân mạng đã bình luận rằng Apple đã “chuyển giao toàn bộ dữ liệu của người dùng cho một trung tâm dữ liệu đám mây ở Quý Châu, hoặc nói chính xác là bán nó”. Một người khác bình luận, “Hôm nay người nào không thông qua Trung Cộng?”

Trung Quốc: Số lượng quan chức ngành tài chính bị thành trừng tăng vọt

Kha Đạt

Tổng Bí thư ĐCSTQ Tập Cận Bình được cho là vẫn đang đẩy mạnh các hoạt động thanh trừng nội bộ dưới danh nghĩa chống tham nhũng (Ảnh: Youtube/DKN.TV).

Tính tới ngày 8/12/2021, ít nhất 32 quan chức ở các tổ chức tài chính của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã bị điều tra, vượt xa con số “gần 20” người bị điều tra vào năm 2020, theo Epoch Times.

Vào ngày 3/12, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương của ĐCSTQ thông báo rằng hai quan chức cấp cao trong các tổ chức tài chính trung ương đã bị điều tra. Cùng ngày, các quan chức cấp cao trong hệ thống quản lý chứng khoán trung ương đã bị song khai (khai trừ đảng, cách mọi chức vụ chính quyền).

Thông tin về hai quan chức bị điều tra bắt đầu được biết đến vào ngày 3 tháng 12. Người thứ nhất là Han Yi, Giám đốc Cục Giám sát tài chính Thượng Hải, và Shen Dong, Ủy viên Đảng ủy kiêm Phó Chủ tịch Công ty Bảo hiểm Nhân dân Trung Quốc.

Tờ “Beijing Youth Daily” ngày 4/12 tiết lộ rằng vợ và anh trai của Han Yi cũng đã bị bắt. Anh trai của Han Yi là Mo Gao, giám đốc ngân hàng Evergrowing chi nhánh Ninh Ba. Vào tháng 8 năm 2013, Cục Quản lý Ngân hàng Chiết Giang đã phê duyệt việc Mo Gao được bổ nhiệm làm trợ lý cho giám đốc ngân hàng Evergrowing chi nhánh Hàng Châu, và Han Yi là Giám đốc Cục Điều tiết Ngân hàng.

Trước đó, He Xingxiang, Ủy viên Đảng ủy kiêm Phó Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Trung Quốc đã bị điều tra vào ngày 9/9.

Tổng Bí thư ĐCSTQ Tập Cận Bình đã yêu cầu rằng việc chống tham nhũng tài chính cần thực hiện trong ba năm liên tiếp. Tính đến ngày 8 tháng 12 năm nay, 12 chủ tịch hoặc phó chủ tịch chi nhánh (bao gồm cả đã nghỉ hưu), 3 bí thư chi bộ (bao gồm cả đã nghỉ hưu) và 7 quan chức của Ủy ban điều tiết ngân hàng Trung Quốc đã bị điều tra và xử lý, tổng cộng 22 người.

Ít nhất 9 quan chức khác của ngành tài chính, ngân hàng đã bị điều tra. Tổng cộng đã có ít nhất 32 quan chức lớn nhỏ ở cấp trung ương trong lĩnh vực này bị ngã ngựa. Trong khi đó, cùng kỳ năm ngoái số quan chức ngành tài chính, ngân hàng bị điều tra chỉ “gần 20” người.

Vào ngày 2 tháng 11, Xu Jiaai, đội trưởng Đội Thanh tra và Giám sát Kỷ luật của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, tiết lộ trong một cuộc phỏng vấn trực tuyến rằng trong vòng chưa đầy bốn năm qua, đội của ông đã điều tra và xử lý 36 vụ án tham nhũng. Trong số đó, 22 người bị chuyển sang cơ quan tư pháp để truy tố, trong đó có 8 quan chức cấp cục.

Xu nói rằng tham nhũng tài chính và rủi ro tài chính “đi kèm với nhau”, thậm chí “tạo ra nhau” và tình hình hiện nay “vẫn còn nghiêm trọng và phức tạp.”

Đội bóng rổ nữ Mỹ ủng hộ Bành Soái và hành động của WTA

Kha Đạt

Ảnh trái: Cựu Phó Thủ tướng Trung Quốc – Trương Cao Lệ/ Ảnh phải: Công chúa quần vợt Trung Quốc – Bành Soái (ảnh: Từ video của Crux).

Đội Atlanta Dream của Hiệp hội Bóng rổ nữ Quốc gia Hoa Kỳ (WNBA), hôm thứ Tư (8/12), tuyên bố rằng họ ủng hộ vận động viên quần vợt nữ Trung Quốc Bành Soái và Hiệp hội Quần vợt Nữ Quốc tế (WTA).

Bành Soái vào ngày 2/11 đã cáo buộc rằng cô bị Trương Cao Lệ, cựu Phó Thủ tướng Trung Quốc, tấn công tình dục.

Bài đăng tố cáo Trương Cao Lệ trên blog của Bành Soái đã bị xóa khoảng 20 phút sau khi nó được đăng lên, và tên của Bành đã trở thành một từ nhạy cảm, và thậm chí từ “tennis” đã bị chặn tại một số thời điểm trong mạng xã hội Trung Quốc

Các quan chức Trung Quốc chưa bao giờ phản ứng tích cực trước cáo buộc của Bành Soái với Trương Cao Lệ và dường như không có ý định điều tra vấn đề.

Sau khi cáo buộc Trương, cô Bành bị cho là mất tích. Lo ngại cho sự an toàn của Bành Soái, WTA đã thông báo vào tuần trước rằng họ sẽ đình chỉ tất cả các sự kiện quần vợt được tổ chức ở Trung Quốc, bao gồm cả những sự kiện ở Hồng Kông.

Đội Atlanta Dream đã viết trên Twitter: Atlanta Dream tin rằng việc bảo vệ công dân và nhân quyền là một phần cơ bản trong các giá trị cốt lõi của chúng tôi. công khai phản đối sự tàn bạo này.

Dream Team cũng tuyên bố: Đối với điều này, chúng tôi sát cánh với Hiệp hội Quần vợt nữ Quốc tế, Bành Soái và tất cả các vận động viên nữ.

Ngay sau khi vụ Bành Soái được biết đến, ngôi sao bóng rổ người Mỹ Enes Kanter đã tweet: Vì sự cố Bành Soái, chúng ta nên dời Thế vận hội mùa đông ra khỏi Trung Quốc!

Kanter đã đính kèm với Tweet của mình các thẻ “#WhereIsPengShuai” (Peng Shuai đang ở đâu) và “# NoBeijing2022” (Từ chối Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh 2022 ) trong tweet của mình. Anh cũng nói: Tất cả các huy chương vàng trên thế giới này không đáng để bạn phản bội lại đạo đức, giá trị và nguyên tắc của mình.

Hôm thứ Hai (6/12), WTA đã công bố lịch thi đấu nửa đầu năm 2022 sau khi thông báo rằng họ sẽ tạm dừng các sự kiện của họ tại Trung Quốc.

ATP, cơ quan chủ quản của quần vợt chuyên nghiệp nam vẫn chưa đưa ra quyết định giống như WTA, chỉ cho biết rằng họ sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến vũ việc. Chủ tịch Liên đoàn quần vợt quốc tế (ITF) cho biết họ không có kế hoạch tạm dừng hoạt động tại Trung Quốc.

NTD ra mắt phim tài liệu, ĐCSTQ chắc chắn cấm chiếu

An Liên

ông Hu Zhi Ming (ảnh: Từ video của NTD)

Đài truyền hình Tân Đường Nhân (NTDTV) mới đây phát hành một phim tài liệu có tựa đề “Starting All Over Again” (Tạm dịch: Bắt đầu lại từ đầu). Bộ phim kể về câu chuyện có thật của một cựu sĩ quan Không quân Trung Quốc, người đã tuyệt thực hơn 1.200 ngày trong tù và liều mình cứu người dù đang trong hoàn cảnh tuyệt vọng.

Ông Hu Zhi Ming nguyên là cán bộ Viện huấn luyện chiến đấu thuộc Lực lượng không quân Bắc Kinh, với tuổi trẻ đầy triển vọng, vốn dĩ ông đã có một tương lai đầy hứa hẹn như nhiều bạn bè cùng trang lứa. Nhưng kể từ khi ĐCSTQ bắt đầu đàn áp Pháp Luân Công vào năm 1999, ông đã bị buộc phải xuất ngũ và mất tất cả chỉ vì kiên định Đức tin của mình vào môn tu tập cổ xưa thuộc trường phái Phật gia.

Năm 2000, ông bị kết án 4 năm tù vì hướng dẫn mọi người xem tin tức về Pháp Luân Công trên trang web Minghui.org. Sau đó, ông lại bị kết án 4 năm vì chia sẻ với mọi người cuốn sách “Cửu Bình”. Sau khi bị bắt lần thứ hai, ông đã tuyệt thực hơn ba năm để phản đối cuộc bức hại vô lý nhắm vào Pháp Luân Công. Sau hơn một nghìn ngày đêm chịu đựng nỗi thống khổ mà một người bình thường khó có thể tưởng tượng được, ông đã trốn sang Mỹ vào năm 2012.

Trong một cuộc phỏng vấn với NTDTV, ông Hu Zhi Ming nói rằng bộ phim này thực sự tái hiện một trải nghiệm đặc biệt trong cuộc đời ông. Từ đó có thể thấy rằng các học viên Pháp Luân Công đã kiên trì niềm tin của họ trong cuộc bức hại vào thời điểm đó, phản đối ôn hoà, truyền rộng chân tướng, bao gồm việc truyền rộng cuốn sách “Cửu Bình”.

“Thực ra, chúng tôi giảng chân tướng không phải để nhấn mạnh rằng bản thân chúng tôi bị oan, mà là vì ĐCSTQ phỉ báng Phật Pháp, khiến tâm trí người dân Trung Quốc chứa đầy những lời dối trá và [điều đó] đặt họ vào tình trạng nguy hiểm”, ông Hu cho biết, “Sư Phụ đã dạy chúng tôi rằng, nếu ngay cả khi chứng kiến việc giết người và phóng hoả mà bạn còn không quan tâm, thì làm sao bạn có thể được coi là người tốt? Vì vậy, chúng tôi phải làm điều đó [nói sự thật với người dân về cuộc đàn áp Pháp Luân Công]”.

Mã Văn Cảnh, nhà sản xuất và là đồng đạo diễn của bộ phim, nói với Epoch Times rằng động lực làm phim ban đầu của họ bắt nguồn từ sự cảm động trước câu chuyện của ông Hu.

“Điều khiến tôi ấn tượng nhất trong quá trình sản xuất là ý chí bất khuất, sức mạnh, sự điềm tĩnh và lòng tốt của ông ấy”, Mã nói.

“Trong hoàn cảnh mà mọi người thường sẽ tuyệt vọng, ông ấy đã làm mọi thứ vì lợi ích của người khác, tất cả đều xuất phát từ lòng tốt. Đối mặt với những kẻ ác, ông vẫn giúp đỡ người khác mà không cần biết đến sự an nguy trong tương lai của mình, và cuối cùng ông đã có được một tình bạn không thể ngờ đến – điều này khiến tôi nhận ra rằng lòng tốt có sức mạnh, sức mạnh của ‘Thiện’ và ‘Nhẫn’ là to lớn nhất”, Mã nói thêm.

Vì câu chuyện liên quan đến rất nhiều chuyện xảy ra trong nhà tù Trung Quốc nên nhà sản xuất đã đặc biệt yêu cầu nhóm NTD Châu Á – Thái Bình Dương quay nhiều cảnh tái hiện tình huống ở Đài Loan.

Khi bị Đảng Cộng sản Trung Quốc ép xuất ngũ vì không từ bỏ đức tin vào Chân-Thiện-Nhẫn, ông Hu phải bắt đầu lại từ đầu. Sau khi trốn sang Mỹ với thân thể bị tra tấn trong nhiều năm, đối mặt với ngôn ngữ và môi trường xa lạ, ông Hu lại một lần nữa làm lại từ đầu. Đó là lý do nhà sản xuất đặt tiêu đề cho bộ phim là “Bắt đầu lại từ đầu”.

Cô Mã Văn Cảnh cho rằng đây là một câu chuyện truyền kỳ của người Trung Quốc đương đại, và sẽ được lưu truyền như một thiên sử anh hùng trong tương lai. Cô hy vọng rằng khán giả Trung Quốc trong và ngoài nước sẽ xem bộ phim này, và những trái tim nhân hậu sẽ rung động trước câu chuyện của ông Hu.

Theo Epoch Times
An Liên biên dịch

Related posts