Thượng nghị sĩ Mỹ Tom Cotton hôm Chủ nhật (28/6) đã chỉ trích Trung Quốc lợi dụng đại dịch để bành trướng ở Biển Đông và “xâm lược Ấn Độ”.
Đề cập đến những hành động gần đây của Bắc Kinh tại Biển Đông và trên dãy Himalaya dọc biên giới với Ấn Độ, thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Tom Cotton cho rằng khi sự chú ý của thế giới tập trung vào việc đối phó cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu từ virus corona, Trung Quốc lại đang bận rộn thực hiện các cuộc tranh giành lãnh thổ với những hành vi rất hung hăng của mình.
“Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) chắc chắn đang lợi dụng đại dịch để nỗ lực khẳng định các yêu sách chủ quyền của mình, và đã có những hành động rất hung hăng đối với hầu hết các nước láng giềng”, ông Cotton trao đổi với đài Fox News. “Trung Quốc về cơ bản đã xâm lược Ấn Độ – một đồng minh của chúng ta – và họ đã sát hại 20 lính Ấn”.
Ông nói thêm: “Trung Quốc đang hoạt động [rất tích cực] ở Biển Đông. Họ đã có các hành động hung hăng chống lại các đối tác của chúng ta, gồm Philippines, Malaysia, Việt Nam. Họ đã nhiều lần xâm nhập không phận Đài Loan trong những tuần gần đây. Và chỉ trong tuần vừa qua, họ đã có hành động hung hăng chống lại Nhật Bản ở Biển Hoa Đông”.
Trong những tuần gần đây, Ấn Độ và Trung Quốc đã xuất hiện những xung đột trong tranh chấp biên giới tại thung lũng Galwan mà đỉnh điểm là vụ ẩu đả giữa binh sĩ hai nước hôm 15/6 khiến 20 quân nhân Ấn Độ thiệt mạng.
Thung lũng Galwan là một phần trong tuyến Đường kiểm soát thực tế (LAC) trải dài 3,380 km, được thành lập sau cuộc chiến biên giới Trung – Ấn năm 1962 như một đường biên giới tạm thời. Căng thẳng leo thang vào đầu tháng 5 khi các binh đoàn Trung Quốc số lượng lớn tiến sâu vào bên trong lãnh thổ do Ấn Độ kiểm soát tại ba địa điểm ở Ladakh, dựng lều trại ở đây, theo giới chức Ấn.
Tờ US News dẫn tin tình báo Hoa Kỳ cho biết, một tướng Trung Quốc đã ra lệnh cho cấp dưới tấn công lính Ấn Độ hôm 15/6, dẫn đến một cuộc đụng độ dữ dội khiến hàng chục người thiệt mạng.
Nguồn tin cho biết, tướng Triệu Tông Kỳ (Zhao Zongqi), tư lệnh Chiến khu miền Tây thuộc quân đội Trung Quốc đã phê chuẩn kế hoạch tấn công này.
Theo nguồn tin này, ông Triệu có quan điểm rằng Trung Quốc không được tỏ ra yếu đuối để tránh bị chèn ép từ Mỹ và các đồng minh của Mỹ, trong đó có Ấn Độ. Ông Triệu coi cuộc đụng độ vào tuần trước là cách Trung Quốc “dạy cho Ấn Độ một bài học”. Nguồn tin cho biết ông Triệu cũng là người phụ trách trong các cuộc đụng độ trước đó với Ấn Độ.
Sau vụ đụng độ, một số cựu binh Ấn Độ đã chỉ trích quân đội Trung Quốc “man rợ”, vi phạm các quy tắc nhà binh khi sử dụng vũ khí thô chống lại các binh lính Ấn Độ không vũ trang khi đó. Theo nguồn tin từ một vị tướng đã nghỉ hưu tên Sharma cho biết, lính Trung Quốc đã viện đến những cây gậy kim loại gắn đinh tua tủa, hoặc gậy gỗ bọc quanh bởi dây thép gai trong ẩu đả.
Cùng lúc ở Biển Đông, Trung Quốc đã có những động thái ngày càng hung hăng trong những năm gần đây nhằm củng cố các yêu sách chủ quyền của mình đối với các vùng biển chiến lược, nơi nước này đơn phương vẽ ra một khu vực đường chín đoạn chồng lấn với vùng biển ven bờ và vùng tuyên bố chủ quyền của các thành viên ASEAN gồm Việt Nam, Malaysia, Philippines và Brunei.
Năm 2016, một tòa án trọng tài quốc tế đã ra phán quyết bác bỏ các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với vùng biển dựa trên Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS).
Trung Quốc trong những năm gần đây đã biến bảy rạn đá ngầm thuộc khu vực tranh chấp thành các đảo nhân tạo được trang bị tên lửa – một tiền đồn quân sự, trong đó có ba đường băng quân sự, và tiếp tục mở rộng xây dựng chúng. Các hành động đã làm dấy lên các cuộc biểu tình và cảnh báo các nước có tuyên bố chủ quyền chồng lấn, cũng như Mỹ và các đối tác đồng minh ở châu Á và phương Tây.
Trong những tháng gần đây, các nước có tuyên bố chủ quyền chồng lấn cũng chỉ trích kịch liệt Trung Quốc khi họ đang vật lộn với dịch bệnh Vũ Hán, thì Bắc Kinh lại tích cực bành trướng và có các hành vi khiêu khích trên Biển Đông
Hồi tháng tư, một tàu bảo vệ bờ biển Trung Quốc đã đâm chìm một tàu cá Việt Nam ngoài khơi quần đảo Hoàng Sa, sau đó tuyên bố tàu Việt Nam đã cố tình đâm vào tàu Trung Quốc rồi bị chìm. Philippines đã lên tiếng ủng hộ Việt Nam và phản đối các yêu sách lãnh thổ mới của Trung Quốc trong các khu vực lớn ở Biển Đông.