Điểm tin thế giới sáng thứ Ba 14/7

Trả đũa chính quyền Trump, Trung Quốc tuyên bố ‘trừng phạt’ 4 quan chức Mỹ

Đại sứ lưu động về Tự do Tôn giáo Sam Brownback; Thượng nghị sỹ Ted Cruz; Thượng nghị sỹ Marco Rubio, và Hạ nghị sỹ Chris Smith (ảnh: Wikimedia Commons).

Trung Quốc hôm thứ Hai (13/7) tuyên bố họ sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với ba nhà lập pháp Hoa Kỳ và một đại sứ, nhằm đáp trả các hành động tương tự của chính quyền Tổng thống Donald Trump vào tuần trước.

Hôm 10/7, chính quyền Trump đã công bố các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức Trung Quốc vi phạm nhân quyền đối với người dân tộc Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi ở Tân Cương. Một trong số các quan chức bị trừng phạt là ông Trần Toàn Quốc, ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tại Tân Cương.

Trả đũa Washington, Bắc Kinh tuyên bố “trừng phạt” 3 nghị sỹ thường chỉ trích ĐCSTQ, gồm Thượng nghị sỹ Marco Rubio, Thượng nghị sỹ Ted Cruz và Hạ nghị sỹ Chris Smith. Bên cạnh đó, chính quyền Trung Quốc cũng tuyên bố “trừng phạt” Đại sứ lưu động về Tự do Tôn giáo Sam Brownback, người cũng nhiều lần lên án các cuộc đàn áp tín ngưỡng của ĐCSTQ.

Theo hãng tin AP, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói rằng lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ đã “làm tổn hại nghiêm trọng mối quan hệ Trung-Mỹ” và Bắc Kinh quyết tâm giữ vững chủ quyền quốc gia trước cái mà họ gọi là sự “can thiệp vào vấn đề nội bộ” của Trung Quốc.

Bà Oánh công bố danh sách 4 quan chức Mỹ “bị trừng phạt” bằng cách cấm nhập cảnh vào Trung Quốc. Tuy nhiên, không có dấu hiệu nào cho thấy 4 quan chức này có ý muốn vào Trung Quốc.

Bà Oánh không cho biết biện pháp trừng phạt nào khác, nhưng tuyên bố: “Trung Quốc sẽ phản ứng hơn nữa theo diễn biến của tình hình”.

Thượng nghị sỹ Rubio, người từng đề xuất luật trừng phạt Trung Quốc về Biển Đông, chia sẻ trên Twitter sau khi biết tin: “ĐCSTQ đã cấm tôi nhập cảnh vào nước họ. Tôi đoán chắc là họ không thích tôi?”

Theo lệnh trừng phạt của chính quyền Trump, các quan chức Trung Quốc bị cấm nhập cảnh vào Mỹ, và bị đóng băng toàn bộ tài sản của họ ở Hoa Kỳ.

Ngoài ông Trần Toàn Quốc, chính phủ Mỹ cũng xử phạt Zhu Hailun, cựu phó bí thư Đảng ủy Tân Cương; Wang Mingshan, giám đốc Phòng Công an Tân Cương; Hyuo Liujun, cựu bí thư Phòng Công an Tân Cương; và chính toàn bộ Phòng Công an Tân Cương.

Đại sứ Brownback đã ca ngợi biện pháp trừng phạt của Nhà Trắng, rằng điều đó cho thấy chính quyền Trump “sẽ bảo vệ tự do tín ngưỡng bằng mọi giá”.

Bành trướng Biển Đông, Trung Quốc đã chi gần gấp đôi phí quốc phòng

Đá Ga Ven, bãi đá ở Quần đảo Trường Sa. Trung Quốc đã xây dựng tiền đồn với ụ súng và thiết bị radar liên lạc (ảnh chụp vệ tinh từ Google Earth).

Trung Quốc đã mở rộng phạm vi bành trướng trên khắp Biển Đông với việc tăng chi tiêu quốc phòng từ 143 tỷ USD lên 261 tỷ USD vào năm 2019, tờ Aljazeera ngày 11/7 trích dữ liệu Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) cho biết.

Ông Tập hối thúc chống lũ lụt

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hối thúc các biện pháp ứng phó lũ lụt hiệu quả hơn và nỗ lực toàn diện khi nước này nâng mức ứng khó phẩn cấp quốc gia trong kiểm soát lũ lụt lên cấp II, mức cao thứ hai trong hệ thống ứng phó 4 cấp của Trung Quốc, truyền thông Trung Quốc đưa tin hôm 13/7.

Trong một chỉ thị đưa ra hôm 12/7, ông Tập chỉ rằng nước ở sông Dương Tử và sông Hoài Hà cũng như hồ Động Đình, hồ Bà Dương và hồ Thái Hồ đã vượt mức cảnh báo. Ông Tập nói thảm họa lũ lụt ở Trùng Khánh, Giang Tây, An Huy, Hồ Bắc, Hồ Nam, Giang Tô và Chiết Giang đã gây thương vong và thiệt hại tài sản.

Anh – Trung lạnh nhạt vì Huawei, Hồng Kông

5 năm về trước, thủ tướng Anh lúc bấy giờ là David Cameron đã kỷ niệm một “kỷ nguyên vàng” trong mối quan hệ Anh – Trung, mong muốn hợp tác với ông Tập Cận Bình qua vại bia tại một quán rượu và ký các giao dịch thương mại tiền tỷ. Nay cảnh thân thiện đó chỉ còn là một ký ức xa xăm.

Những ngôn từ thù địch đã tăng lên trong những ngày gần đây về luật an ninh quốc gia mới của Bắc Kinh đối với Hồng Kông. Quyết định của Anh cấp nơi trú ẩn cho hàng triệu người ở thuộc địa cũ đã vấp phải phản đối gay gắt từ phía Bắc Kinh. Trung Quốc dọa Anh sẽ lĩnh hậu quả nếu coi họ là một “quốc gia thù địch” và cắt Huawei khỏi cơ sở hạ tầng mạng 5G của Anh.

Chính phủ Thủ tướng Boris đang ngày càng có nhiều thành viên với lập trường cứng rắn hơn trong mối quan hệ với Trung Quốc. Nhiều người nói rằng Anh đã quá tự mãn và ngây thơ khi nghĩ rằng có thể “ngồi mát ăn bát vàng” hưởng lợi ích kinh tế từ mối quan hệ với Bắc Kinh mà không có hậu quả về mặt chính trị, theo AP.

CEO BT Group cảnh báo Anh về Huawei

Giám đốc điều hành (CEO) Philip Jansen của BT Group hôm 13/7 kêu gọi chính phủ Anh không nên đi quá nhanh trong việc cấm Huawei của Trung Quốc khỏi mạng lưới 5G, cảnh báo rằng có thể có sự cố ngắt mạng và các vấn đề an ninh nếu thực hiện điều đó.

Thủ tướng Boris Johnson hồi tháng 1/2020 đã thách thức Tổng thống Mỹ Donald Trump và cấp cho Huawei một chút nhỏ bé vai trò trong mạng 5G, nhưng rồi nhận ra là Trung Quốc không nói thật về toàn bộ sự thật cuộc khủng hoảng virus corona và cảnh ngộ của Hồng Kông đã thay đổi tâm trạng người ở London, theo Reuters. Sau khi nhiễm và khỏi Covid-19, thủ tướng Anh đã có động thái mạnh đối với Trung Quốc. Phía Mỹ nói Huawei là một tay gián điệp của đảng Cộng sản Trung Quốc và vì thế không thể tin nó được.

Jack Ma rút vốn khỏi Alibaba trong 5 năm qua

Jack Ma, người đồng sáng lập công ty thương mại điện tử Alibaba (Trung Quốc), đã cắt cổ phần của mình trong công ty trong 5 năm qua xuống còn 4,8% từ 6,4%, quy ra khoảng 9,6 tỷ USD ở mức giá cổ phiếu hiện tại, hồ sơ thường niên của công ty phát hành hôm thứ Sáu (10/7) cho thấy, theo Reuters.

Việc thoái vốn diễn ra khi Ma đã nghỉ hưu ở Alibaba hồi tháng 9. Giá cổ phiếu của Alibaba tăng khoảng 40% kể từ khi Ma báo cáo mình nắm giữ 6,4% cổ phiếu trong công ty vào một năm trước.

Con gái cố Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela qua đời ở tuổi 59, chưa rõ nguyên nhân

Bà Zindzi Mandela, con gái út của tổng thống da màu đầu tiên Nelson Mandela đã qua đời hôm nay (13/7), hưởng dương 59 tuổi. Bà Zindzi Mandela là đại sứ Nam Phi tại Đan Mạch từ năm 2015. Nguyên nhân cái chết của bà chưa được công bố.

Benjamin Keough – cháu ngoại của huyền thoại Elvis Presley – qua đời hôm Chủ Nhật ở tuổi 27

Benjamin Keough, cháu ngoại của ca sĩ Elvis Presley, Ảnh CNN

Ngày 12/7, gia đình xác nhận thông tin với USA Today, cho biết Keough qua đời tại  Calabasas, California, USA. Benjamin là con trai của ca sĩ Lisa Presley và nhạc công Danny Keough. Theo TMZ, Benjamin Keough có thể đã tự tử bằng súng.

Roger Widynowski – đại diện của gia đình – cho biết họ không muốn tiết lộ nguyên nhân cũng như ngày anh qua đời. “Lisa Presley đau khổ tột cùng nhưng cố gắng mạnh mẽ vì các con. Cô ấy rất yêu Benjamin”.

Benjamin Keough được nhiều người nhận xét giống ông ngoại Elvis Presley nhất trong gia đình. Tuy nhiên, anh không theo đuổi sự nghiệp nghệ thuật, chỉ tham gia một phim ngắn. Anh có chị gái Riley Keough (31 tuổi) và cặp em song sinh 11 tuổi. Riley nối nghiệp cha mẹ ca hát và xuất hiện trong nhiều phim như Mad Max: Fury Road, American Honey

Lisa Presley là con gái duy nhất của “ông hoàng nhạc Rock n’ Roll” – Elvis Presley. Bà thừa kế dinh thự Memphis, tiểu bang Tennessee, nơi cha cô từng sống. Lisa nối nghiệp cha và từng phát hành nhiều sản phẩm âm nhạc thuộc các thể loại rock, country. Lisa kết hôn bốn lần, lần lượt với nhạc sĩ Danny Keough, ca sĩ Michael Jackson, diễn viên Nicolas Cage và nhà sản xuất âm nhạc Michael Lockwood. Presley ly dị Michael Lockwood vào năm 2016 sau 10 năm chung sống.

Related posts