Chiều thứ Bảy tuần trước chín toà nhà ‘chính phủ’ ở Flemington và North Melbourne (Vic.) bị khoá chặt. Thủ hiến Daniel Andrews gọi đây là ‘hard lockdown’ và có hiệu lực ngay lập tức. Thế là trong tích tắc hơn 3 ngàn người bị cùm chân trong nhà: không được đi đâu dù với lý do gì. Chính phủ Victoria mạnh tay như ở Vũ Hán vì qua 20 ngày số người mắc dịch mỗi lúc một tăng mà trong đó phần lớn là người ở ‘nhà chính phủ’.
Hơn 3 ngàn người không được ra khỏi cửa. Họ khỏi lo ăn uống, thuốc men, tiêu tiểu… vì có nhà nước ‘no’. Trong ngày đầu tiên cư dân bị cùm chân, tiểu bang Victoria đã phân phối hơn 3,000 phần ăn và hơn 500 thùng vật dụng thiết yếu. Chính phủ nói: dân cần thức ăn, nước uống hay ngay cả thuốc men (kể cả những thứ thuốc nói theo tiếng lóng) thì cứ xin và chính phủ cung cấp. Tuy nhiên không phải là không có tiếng phàn nàn. Có bà mẹ gọi ‘hot-line’ xin tã cho con. Bà chờ cho tới 3 giờ sáng mới thấy thùng tã để trước cửa. Có ông kia theo Hồi giáo lại nhận được phần ăn thịt heo. Mà lại không phải ‘Heo Halal!’.
Nhiều cư dân ở đây được đài truyền hình phỏng vấn. Phần lớn tị nạn đến từ Somalia, South Sudan, Kenya và Eritrea, châu Phi. Cộng đồng người Hoa cho biết ở trỏng có chừng 200 người nói tiếng Tàu. Trước đây, tại chín toà nhà này không ít người Việt Nam đã qua những ngày đầu đời ở Úc. Không biết còn người mình kẹt ở trỏng không? Nếu có, chắc là người Việt ở Melbourne đã chiên chả giò, nấu phở, mang bánh mì thịt cho bà con cầm hơi như người Sikh, người Hồi giáo, người Maroc, người Congo… đang làm.
Khi bị cùm chân, nhiều cư dân trong 9 toà nhà ở Flemington và North Melbourne náo nức … đi thử (con Corona) nhưng không được. Trong khi đó, chính phủ mở ra hơn chục nơi thử thì có người lại không chịu thử. Ở Melbourne đang có tiếng đồn: chính phủ vin cớ thử con Corona bằng cách đút cái que sâu vào mũi người dân. Không có ‘thử … thiết’ gì đâu! Chính phủ vờ thế để gắn một miếng chip tí teo vào mũi dân. Chip này theo dõi đường đi nước bước và chuyển data về máy computer của ông Bill Gates đó thôi. Đồn bậy, vậy mà có người tin. Thế mới hay!
Vì có người không chịu thử con Corona, không giữ khoảng cách an toàn nên con Corona mỗi ngày một lan rộng hơn ở Melbourne. Vào thứ Hai đầu tuần này đã có 191 người ở Victoria dính con Corona. Đây là con số cao nhất kể từ khi đại dịch ập vào nước Úc cách đây sáu tháng. Vì thế, hôm sau, lại một lần nữa thủ hiến Victoria ra lệnh tất cả vùng dân cư từ Bắc chí Nam, từ Đông sang Tây Melbourne trở lại lệnh phong toả cấp ba. Theo đó những quán ăn, pub bia, tiệm neo… vừa mở he hé cửa đã bị đóng sập trở lại. Và đóng sập đến sáu tuần lễ.
Hay tin Melbourne thành ổ dich, các tiểu bang khác nhất loạt xa lánh. Ai ở Victoria không được vào NSW, Nam Úc. Có đặt chân xuống ACT, Bắc Úc cũng phải khai báo hay tự cô lập. Các nơi làm vậy vì chuyện xảy ra ở Melbourne rất dễ xảy ra ở bất cứ nơi đâu. Giáo sư dịch tễ học Hassan Vally, thuộc đại học LaTrobe, cho hay: người ở Melbourne quá mệt mỏi với lệnh cô lập nên khi được ‘sổ chuồng’ thì dễ dãi quá đáng. Cái tính dễ dãi này phổ biến khắp nước Úc. Theo ông, sau Victoria có thể là NSW. NSW dễ bị Corona trở lại vì có một Sydney rộng lớn và đông dân. Bà giáo sư Raina MacIntyre, thuộc đại học NSW, đồng ý mà rằng: Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu trong vài tuần tới NSW hay nơi nào khác cũng dính con Corona trở lại.
Rõ ràng bị cô lập là điều khó chịu nhưng dường như không còn giải pháp khác. Thật ra, có. Nhưng nguy hiểm hơn. Đó là ‘Herd Immunity’. Xin dịch bậy thành ‘cả đám được miễn nhiểm’. Theo đó, cứ để cho bệnh lây thiệt nhiều người. Khi người ta dính bệnh (mà sống sót) thì trong người đã có chất kháng bệnh. Khi đông người có chất kháng bệnh thì con vi khuẩn không còn chỗ để lây nữa. Chích ngừa cho nhiều người chính là một cách giúp cho ‘cả đám được miễn nhiểm’.
Ở Thuỵ Điển không có chuyện ‘nội bất xuất, ngoại bất nhập’, không đóng cửa tiệm, không lập ra những trạm thử con Corona. Ở bển có dịch Corona nhưng dành cho từng người tự mình lo cái thân của mình. Kết quả: Thuỵ Điển dính hơn 65 ngàn người. Đây là con số lớn lao nếu chúng ta biết dân số ở bển chưa đầy 10 triệu. Người ta tố cáo ông bác sỹ Anders Tegnell, y sỹ trưởng của Thuỵ Điển, dùng giải pháp ‘cả đám được miễn nhiểm’ để trị con Corona.
Để cho cả nước Thuỵ Điển được miễn nhiểm thì cần chờ đến khi 60% (hay hơn nữa) bị dính con Corona mà vẫn … sống nhăn. Rủi thay! khi chỉ tới 7% dân số Thuỵ Điển dính mà đã có hơn 5,000 người quy tiên, dân chúng xứ Bắc Âu này đã hoảng hốt. Bác sỹ Stefan Hanson và nhiều nhà vi trùng học khác chỉ trích đường lối của y sỹ trưởng và đòi thay thế bằng biện pháp ‘thật mạnh, thật sớm, go hard, go early’.
Thật mạnh, thật sớm: đây là giải pháp được toàn nước Úc theo từ mấy tháng qua và được Victoria dùng khi dịch Corona một lần nữa bùng lên.
Việt Luận