Hải quân Hoa Kỳ đang thực hiện song song 2 cuộc tập trận ở Biển Philippines và Ấn Độ Dương, với sự tham gia của 3 quốc gia thành viên khác trong nhóm “Bộ Tứ” (Quad).
Bộ Tứ: Mỹ – Úc – Nhật – Ấn
Hôm thứ Ba (21/7), Hải quân Mỹ cho biết họ đã bắt đầu cuộc tập trận ba bên ở Biển Philippines cùng Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản và Lực lượng Phòng vệ Úc.
Cuộc tập trận bắt đầu vào hôm Chủ nhật (19/7), với sự tham gia của tàu sân bay USS Ronald Reagan, tàu tuần dương tên lửa dẫn đường USS Antietam và tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Mustin của Mỹ. Trong khi đó, phía Úc đã huy động các tàu khu trục Stuart và Arunta, tàu khu trục Hobart, tàu cập cảng trực thăng Canberra, và tàu khu trục Sirius. Phía Nhật Bản có sự tham gia của tàu khu trục Teruzuki.
Một ngày sau, vào hôm thứ Hai (20/7), Hoa Kỳ đã bắt đầu một cuộc tập trận khác với Ấn Độ ở khu vực Ấn Độ Dương, trong đó tàu sân bay Mỹ USS Nimitz có vai trò dẫn đầu.
Cả 4 quốc gia nêu trên, gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc, đều tham gia một diễn đàn không chính thức gọi là “Đối thoại An ninh Tứ giác”, hay Quad, kể từ năm 2007. Một số quan chức tham gia cuộc đàm phán nói rằng diễn đàn này sẽ không trở thành một liên minh quân sự nào đó tựa như “NATO ở Châu Á”. NATO là tên viết tắt của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, một liên minh quân sự gồm 30 nước, trong đó có Mỹ, Canada và hơn 20 quốc gia khác ở châu Âu.
Trung Quốc lo ngại
Nikkei cho biết, Bắc Kinh đã bày tỏ lo ngại về “Đối thoại An ninh Tứ giác”, dù Úc cam đoan với Trung Quốc vào năm 2007, rằng họ sẽ giữ Bộ Tứ trong phạm vi các vấn đề thương mại và văn hóa. Cùng năm đó, Ấn Độ cũng nhấn mạnh với Trung Quốc rằng Bộ Tứ không mang mục đích tăng cường an ninh nào. Một đô đốc hải quân Ấn Độ đã nghỉ hưu mô tả thái độ của Ấn Độ và Úc trong việc này là một “sự nhút nhát e dè”.
Tuy nhiên, 2 cuộc tập trận cùng lúc của các thành viên Bộ Tứ ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đã khiến các nhà phân tích tự hỏi phải chăng thái độ “e dè” này đã thoái trào?
Giới phân tích đang chờ đợi xem liệu Mỹ, Nhật, Ấn có mời Úc tham gia cuộc tập trận Malabar năm nay hay không. Úc từng được mời tham gia vào năm 2007 với tư cách là một thành viên không thường trực. Nhưng vào năm 2018, Ấn Độ đã loại Úc ra khỏi nhóm để tránh làm gia tăng suy đoán về một liên minh quân sự chống lại Trung Quốc.
Tuy nhiên, các cuộc đụng độ chết người của Ấn Độ và Trung Quốc ở biên giới gần đây đã xoay chuyển tình hình. Hindustan Times hôm 10/7 đưa tin giới chức Ấn Độ cho biết nước này có kế hoạch mời Úc tham gia cuộc tập trận hải quân Malabar năm nay.
Gác bỏ e dè
Ông Derek Grossman, nhà phân tích quốc phòng cấp cao tại Viện chính sách Rand Corp có trụ sở tại California, cho rằng việc Ấn Độ có kế hoạch mời Úc tham gia cuộc tập trận Malabar chắc chắn thu hút sự chú ý của Trung Quốc.
Ông nói với Nikkei: “Cả bốn thành viên Bộ Tứ tiến hành một cuộc tập trận quân sự trên thực tế sẽ thể hiện quyết tâm phối hợp để đối phó và cạnh tranh với Trung Quốc tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và trên thế giới”.
“Nếu Úc được mời tham gia cuộc tập trận Malabar, thì điều này thực sự sẽ mang đến một sự lạc quan tươi mới cho việc triển khai quân sự của Bộ Tứ”, theo ông Sameer Lalwani, một chuyên gia Nam Á tại Viện chính sách Stimson Center có trụ sở tại Washington.
Ông Patrick Gerard Buchan, giám đốc Dự án Liên minh Hoa Kỳ tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế có trụ sở tại Washington, lập luận rằng Ấn Độ đã hạ bớt mức độ e dè đối với Bộ Tứ sau các cuộc đụng độ biên giới với Trung Quốc. Tuy nhiên, ông nhận định sự e dè đó vẫn “chưa giảm xuống hoàn toàn”.
Ông Buchan cho biết Bộ Tứ vẫn luôn phải đối mặt với tình trạng bị e dè vì đối trọng với Trung Quốc. “Không ai muốn thúc đẩy tình huống nhạy cảm này”, ông nói.
Chuyên gia Lalwani từ Viện Stimson cho rằng cuộc tập trận chung giữa Ấn Độ và Hoa Kỳ ở Ấn Độ Dương là một dấu hiệu báo trước về những gì sắp xảy đến.
“Việc các tàu tên lửa dẫn đường quan trọng của Hoa Kỳ và Ấn Độ phối hợp tập trận với nhau là không thể bị xem nhẹ, và cho thấy tiềm năng xuất hiện các hoạt động đáng gờm về phòng không và chống chiến tranh tàu ngầm”, ông Lalwani nói.
Ông Patrick Cronin, chủ tịch an ninh khu vực Châu Á-Thái Bình Dương tại Viện chính sách Hudson tán đồng, và nói rằng: “Các cuộc tập trận hải quân quốc tế đang diễn ra ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là biểu hiện mới nhất cho thấy Ấn, Úc, Nhật đang từ bỏ thái độ dè dặt trước kia về việc tham gia các lực lượng quân sự đa phương”.
Sự thay đổi này xuất hiện khi mà cả bốn nước trong Bộ Tứ đều gia tăng cảnh giác đối với sự nguy hại mà chính quyền Trung Quốc đang đặt ra.
Theo Nikkei, trong Sách trắng Quốc phòng Úc năm 2020, Canberra đã thể hiện thái độ hoài nghi hơn đối với Bắc Kinh so với cuốn sách trắng bốn năm trước. Trong khi đó, Sách trắng Quốc phòng của Nhật Bản 2020 lên án Trung Quốc thúc đẩy yêu sách ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Bộ Tứ sẽ mở rộng thành viên?
Đô đốc Hải quân Ấn Độ đã nghỉ hưu Sudarshan Shrikhande, cựu giám đốc tình báo hải quân, cho rằng Bộ Tứ có thể sẽ được mở rộng để có sự tham gia của nhiều nước láng giềng hơn.
Ông nói với Nikkei rằng Bộ Tứ có thể sẽ tìm được tiếng nói chung với nhiều quốc gia tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, những quốc gia cho rằng “chính sách hòa hoãn với Trung Quốc dường như đã đi hết con đường”.
Ông Shrikhande phát biểu: “Bộ Tứ mà có thêm một số nước thành viên ASEAN thì có lẽ sẽ trở thành một đối trọng hữu ích chống lại tham vọng bá quyền và phô diễn sức mạnh của Trung Quốc”.
Để điều này trở thành hiện thực, ông Shrikhande cho rằng Bộ Tứ cần phải được đa phương hóa trên nhiều lĩnh vực, không chỉ về quân sự, mà còn về ngoại giao, kinh tế và thông tin.
Tuy nhiên, ông Shrikhande nhận định Mỹ-Úc-Nhật-Ấn đã sẵn sàng chuyển đối tính chất “Đối thoại” của Bộ Tứ sang trạng thái rõ nét hơn. Ông nói: “Tôi có thể cảm nhận được vị thế sẵn sàng của 4 nước trong việc chuyển từ đối thoại sang hành động”.