‘Gần như toàn bộ’ ngành thời trang toàn cầu đang dùng lao động khổ sai Duy Ngô Nhĩ

Quý Khải

‘Gần như toàn bộ’ ngành thời trang toàn cầu đang dùng lao động khổ sai Duy Ngô Nhĩ
Trích đoạn video của kênh truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV, trong đó các thực tập sinh theo đạo Hồi làm việc trong một xưởng may tại Trung tâm Giáo dục và Đào tạo nghề Hotan ở Hotan, Tân Cương (ảnh chụp màn hình video AP).Ảnh chụp màn hình video CCTV)

Nhiều thương hiệu thời trang và hãng bán lẻ lớn nhất thế giới đang tiếp tay cho vấn nạn lao động cưỡng bức và vi phạm nhân quyền đối với hàng triệu người dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ ở vùng Tân Cương phía tây bắc Trung Quốc, theo báo cáo của một liên minh gồm hơn 180 tổ chức nhân quyền.

Toàn thế giới đã rất sốc khi các hành vi tàn bạo đối với dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ trong khu vực, bao gồm tra tấn, cưỡng ép ly hôn và triệt sản bắt buộc đối với phụ nữ Duy Ngô Nhĩ được tiết lộ.

Bất chấp thực trạng này, một liên minh các tổ chức nhân quyền đã nói rằng rất nhiều thương hiệu quần áo hàng đầu thế giới vẫn tiếp tục nhập nguồn cung bông và sợi được sản xuất thông qua một hệ thống giam giữ và cưỡng bức lao động do nhà nước bảo trợ liên quan đến gần 1,8 triệu người Duy Ngô Nhĩ, người Turk và người theo đạo Hồi khác ở trong các trại tù, nhà máy, trang trại và trại tập trung ở Tân Cương. Liên minh này cho biết hệ thống trại lao động cưỡng bức trên toàn khu vực là trại tập trung lớn nhất một nhóm dân tộc thiểu số và tôn giáo kể từ sau Thế chiến 2, theo The Guardian.

Các thương hiệu thời trang toàn cầu có nguồn cung đáng kể từ Tân Cương, nhiều đến mức liên minh này ước tính rằng cứ 5 sản phẩm làm từ sợi côt-tông (sợi bông) được bày bán trên thế giới thì “gần như chắc chắn” có 1 sản phẩm dính mồ hôi và nước mắt của những lao động cưỡng bức và vi phạm nhân quyền ở đây.

Trung Quốc là nhà sản xuất sợi bông lớn nhất thế giới, với 84% nguồn cung bông đến từ khu vực Tân Cương. Bông và sợi được sản xuất tại Tân Cương được sử dụng rộng rãi ở các nước sản xuất hàng may mặc quan trọng khác như Bangladesh, Campuchia và Việt Nam. Bông và sợi Tân Cương cũng được dùng trong dệt may và đồ nội thất gia đình. Trong tuần qua tờ New York Times của Mỹ cũng đưa tin rằng các nhà máy trong khu vực cũng đang cung ứng mặt nạ và đồ bảo hộ y tế khác đến nhiều nước trên thế giới.

Liên minh này đã công bố một danh sách dài các thương hiệu thời trang mà họ cáo buộc tiếp tục lấy nguồn cung sợi bông từ khu vực này, hoặc từ các nhà máy sử dụng lao động cưỡng bức là người Duy Ngô Nhĩ, bao gồm Gap, C&A, Adidas, Muji, Tommy Hilfiger và Calvin Klein.

Công nhân tại một nhà máy sản xuất bông ở quận Awat, Tân Cương (ảnh chụp màn hình The Guardian, dẫn qua Tân Hoa Xã/Alamy).

“Hầu như toàn bộ ngành công nghiệp hàng may mặc [toàn cầu] đều bị thấm đẫm máu và nước mắt của những người lao động cưỡng bức Duy Ngô Nhĩ và người Turk theo đạo Hồi”, Liên minh này tuyên bố.

Liên minh các nhóm tôn giáo này cũng cho biết rất nhiều thương hiệu quần áo hàng đầu khác cũng tiếp tục duy trì mối quan hệ đối tác chiến lược sinh lời với các doanh nghiệp Trung Quốc, khi chấp nhận trợ cấp từ chính phủ của họ để mở rộng sản xuất dệt may trong khu vực hoặc hưởng lợi từ nguồn lao động cưỡng bức là người Duy Ngô Nhĩ được vận chuyển từ Tân Cương đến các nhà máy trên khắp Trung Quốc”.

“Rất có khả năng mọi thương hiệu cao cấp và xa xỉ đều có nguy cơ có liên hệ đến những gì đang xảy ra với người Duy Ngô Nhĩ”, Chloe Cranston, giám đốc kinh doanh và nhân quyền tại tổ chức nhân quyền Anti-Slavery International, nhận định.

Trong một lời kêu gọi hành động, liên minh này, vốn bao gồm hơn 70 nhóm bảo vệ nhân quyền cho người Duy Ngô Nhĩ, các tổ chức chống nô lệ và các nhà vận động cho quyền lợi người lao động, đã nói rằng ngành may mặc toàn cầu phải xóa bỏ tất cả các sản phẩm và vật liệu liên quan đến lao động cưỡng bức ở Tân Cương trong vòng một năm.

“Các thương hiệu toàn cầu cần tự hỏi bản thân rằng họ có cảm thấy thoải mái không khi góp phần vào chính sách diệt chủng đối với người Duy Ngô Nhĩ’, Omer Kanat, giám đốc điều hành của Dự án Nhân quyền Uyghur chất vấn. “Các công ty này bằng cách nào đó đã tránh được sự giám sát đối với việc đồng lõa trong chính sách này – điều này phải chấm dứt ngay hôm nay”.

Liên minh nói rằng người lao động phải đối mặt với “sự trả thù tàn khốc” nếu họ tiết lộ sự thật về điều kiện làm việc của họ (ảnh chụp màn hình The Guardian, dẫn qua VCG/Getty Images).

Kỷ lục chà đạp nhân quyền của Trung Quốc tại Tân Cương đã làm dấy lên sự chỉ trích quốc tế ngày càng gia tăng. Đầu tháng này, Mỹ đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với các quan chức Trung Quốc nhằm phản đối việc đối xử thô bạo với người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm dân tộc thiểu số khác, bao gồm cả người Kazakhstan.

Tuần trước, đại sứ Trung Quốc tại Anh đã phủ nhận việc chính phủ của ông có hành vi vi phạm nhân quyền sau khi các video xuất hiện trên mạng dường như cho thấy các tù nhân Duy Ngô Nhĩ bị trói và bịt mắt đang được đưa lên các toa tàu ở Tân Cương.

Hôm 19/7, chính phủ Anh đã khẳng định chính quyền Trung Quốc đang đàn áp người thiểu số Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, rằng đang có những hành vi đàn áp trắng trợn và nghiêm trọng đang diễn ra tại nơi đây.

Hồi tháng trước, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký ban hành luật trừng phạt các quan chức Trung Quốc đàn áp người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ.

Related posts