Tin thế giới chiều thứ Hai

Nghị sĩ Mỹ: TikTok là ‘mã độc’ trong điện thoại người dân Mỹ

Hải Lam

Nghị sĩ Cotton: TikTok là 'mã độc' trong điện thoại người dân Mỹ
Trái: Nghị sĩ Cotton, Phải: Ứng dụng TikTok (ảnh từ Reuters).

Thượng nghị sĩ Tom Cotton hôm 9/8 nói với Fox News rằng TikTok của Trung Quốc giống như mã độc xâm nhập vào điện thoại người dân Mỹ.

Xuất hiện trong chương trình “Sunday Morning Futures” của Fox News hôm Chủ nhật (9/8), Nghị sĩ Cotton nói rằng:

“TikTok giống như mã độc ở trong điện thoại di động của người Mỹ. Và đó là lý do tại sao tôi rất tán đồng Tổng thống Trump vì ông đã cấm TikTok bởi nó không phải do một công ty mẹ ở Mỹ sở hữu và điều hành toàn bộ”.

“Một năm trước, tôi đã thúc đẩy chính quyền đánh giá bảo mật đối với TikTok để đi đến quyết định sau cùng này. Bởi vì, đối với hầu hết người dân Mỹ, TikTok dường như là một ứng dụng video ngắn vô hại, vui nhộn, nhưng khi được cài trên điện thoại đằng sau ứng dụng đó là cả một vùng dữ liệu bao gồm tất cả mọi thứ, từ danh bạ, e-mail, tin nhắn văn bản, ảnh, các bài đăng trên mạng xã hội, thậm chí cả lịch sử trình duyệt, tổ hợp phím và dữ liệu vị trí”.

“Tất cả các dữ liệu đó đều sẽ quay trở ngược lại các máy chủ ở Trung Quốc, nơi Đảng Cộng sản Trung Quốc có thể tùy ý truy cập trong các thập niên tiếp theo”.

Ông Cotton tiếp tục:

“Đó là lý do tại sao nếu TikTok tiếp tục hoạt động ở Hoa Kỳ, nó phải có công ty mẹ trên đất Mỹ, sở hữu và điều hành toàn bộ. Không chỉ máy chủ và dữ liệu, mà tất cả mã nguồn, thuật toán, kỹ sư”.

“Không thể có các mối liên hệ dùng dằng mãi với Trung Quốc được. Tôi nghĩ rằng chúng ta phải biết đặt câu hỏi và chất vấn các công ty Mỹ trong vấn đề này”.

“Họ phải chứng minh và thuyết phục được chính phủ Mỹ, rằng họ có thể cắt đứt tất cả các mối liên hệ đó. Nếu không, công ty phần mềm này sẽ phải bị cấm ở Mỹ, vì sự an toàn và quyền riêng tư của người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ”.

TikTok là ứng dụng chia sẻ video thuộc sở hữu của công ty ByteDance có trụ sở tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Các quan chức Mỹ từng nhiều lần cảnh báo TikTok vi phạm quyền riêng tư, thu thập dữ liệu người dùng và đe dọa an ninh quốc gia.

Hôm 7/8, Tổng thống Trump đã ra lệnh cấm các doanh nghiệp Mỹ giao dịch với các chủ sở hữu ứng dụng truyền thông xã hội TikTok và WeChat của Trung Quốc, với lý do chúng “đe dọa an ninh quốc gia, chính sách đối ngoại và nền kinh tế Mỹ”.

Nhật cảnh báo Bắc Kinh sẽ ‘trả giá đắt’ nếu mở rộng quân sự ở Biển Đông

Hương Thảo

Nhật cảnh báo Bắc Kinh sẽ 'trả giá đắt' nếu mở rộng quân sự ở Biển Đông
(ảnh thumbnail Youtube/euronews)

Nhật Bản đã đáp trả các hành vi xâm phạm của Trung Quốc ở Biển Đông, cảnh báo Bắc Kinh nên ngừng các chính sách bành trướng nếu không sẽ phải trả một “cái giá đắt”, theo tờ Express của Anh hôm 8/8.

Thông thường, Nhật Bản không lên tiếng đối với các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông, nhưng động thái mới nhất từ ​​Tokyo đã thổi bùng cơn thịnh nộ của Bắc Kinh.

“Bất cứ ai đang cố gắng thay đổi hiện trạng bằng vũ lực sẽ bị buộc phải trả giá đắt”, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro Kono tuyên bố.

Tướng Kono cho rằng việc Trung Quốc xây dựng các công trình kiên cố trên Biển Đông là hành động “gây bất ổn” trong khu vực.

Ông nói thêm: “Một trật tự hàng hải tự do và cởi mở ở Biển Đông cũng quan trọng như bất kỳ nơi nào khác, và bất kỳ những gì xảy ra ở đó sẽ khiến cộng đồng quốc tế quan tâm”.

Nhật Bản hiện đã có động thái nối gót Mỹ khi lên án các hành vi đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh tại nhiều vùng biển quốc tế. Hồi tháng 7, Mỹ đã chính thức bác bỏ phần lớn yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.

Trung Quốc tuyên bố yêu sách chủ quyền đối với phần lớn Biển Đông trên khu vực “đường chín đoạn”. Trên bản đồ khu vực này chưa được xác minh bởi bất kỳ cơ quan quốc tế nào, mà chỉ được Bắc Kinh đơn phương vẽ ra dựa trên một tấm bản đồ vào triều nhà Thanh. Chuỗi đảo được bồi đắp trên  Biển Đông được ví von như “Vạn Lý Trường Thành Cát (Great Wall of Sand)”.

Tháng 1/2013, Philippines chính thức kiện Trung Quốc lên Tòa án Trọng tài thường trực, phản đối yêu sách “đường chín đoạn” mà nước này cho là trái với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1984 (UNCLOS).

Tháng 7/2010, khi đề cập đến yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc trên Biển Đông, Thời báo Hoàn cầu – cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ – đã tuyên bố rằng “Trung Quốc sẽ không bao giờ từ bỏ việc bảo vệ lợi ích cốt lõi của mình bằng các biện pháp quân sự”.

Mỹ đã ra tay trước các động thái của Trung Quốc trong khu vực.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper muốn gia tăng sức ép đối với Bắc Kinh. Ông khẳng định Bắc Kinh đang thể hiện sự “coi thường các cam kết quốc tế một cách trơ trẽn” ở Biển Đông.

Ông nói thêm rằng: 

“ĐCSTQ đã có hành vi kiểu này trong nhiều năm. Nhưng hôm nay, ý định thực sự của nó đã được được phơi bày đầy đủ trước tất cả mọi người”.

Thủ tướng Australia Scott Morrison cũng đã thể hiện lập trường phản đối chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc trong khu vực, khi nối gót Mỹ bác bỏ hầu hết các yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông.

Phát biểu tại Diễn đàn An ninh Aspen, ông cho biết Australia sẽ “có hành động cụ thể để hỗ trợ những người bạn ở Thái Bình Dương và Đông Nam Á của chúng tôi”.

Related posts