Tin thế giới trưa thứ Tư: Thỏa thuận hòa bình Israel-UAE ảnh hưởng lớn tới BRI của Trung Quốc

Mỹ buộc tội cựu nhân viên CIA làm gián điệp cho Bắc Kinh

Cựu nhân viên CIA gốc Hoa bị bắt, bị buộc tội làm gián điệp cho Trung Quốc

Bộ tư pháp Mỹ cho biết, một cựu nhân viên CIA đã bị buộc tội bán thông tin tuyệt mật cho Trung Quốc trong suốt một thập kỷ.

Theo tờ the Epoch Times ngày 17/8, Alexander Yuk Chung Ma, một cư dân Hawaii 67 tuổi, ngày 14/8 đã bị bắt và buộc tội âm mưu chuyển thông tin mật, bao gồm thông tin cấp độ “Tối mật” cho Trung Quốc. Đây là hành vi phạm tội có thể dẫn đến án chung thân, các công tố viên cho biết.

Ma bắt đầu làm việc cho CIA năm 1982 rồi chuyển sang làm nhà ngôn ngữ học cho FBI.

Các công tố viên cho biết Ma đã hợp tác với một người họ hàng, cũng là cựu sĩ quan CIA, một người đàn ông 85 tuổi ở Los Angeles, nhưng ông này không bị buộc tội vì mắc “bệnh suy giảm nhận thức”.

Đây là các cáo buộc mới nhất trong một loạt các truy tố nhắm vào hoạt động gián điệp của Trung Quốc tại Hoa Kỳ.

Ma, một công dân Hoa Kỳ nhập tịch sinh ở Hồng Kông, công tác tình báo ở nước ngoài và có các quyền truy cập “Tối mật”, các công tố viên cho biết. Ông ta rời CIA vào năm 1989, sau đó sống và làm việc tại Thượng Hải trước khi chuyển đến Hawaii vào năm 2000.

Các công tố viên cho biết Ma đã phản bội vào năm 2001, khi ông ta gặp gỡ nhiều lần ít nhất 5 sĩ quan của Bộ An ninh Nhà nước Trung Quốc (MSS), cơ quan tình báo hàng đầu của ĐCSTQ, trong một phòng khách sạn ở Hồng Kông. Trong cuộc gặp này, Ma đã “tiết lộ một lượng lớn thông tin quốc phòng tuyệt mật”, bao gồm danh tính các sĩ quan và tài sản của CIA, các phương pháp liên lạc bí mật, thông tin về cấu trúc nội bộ của CIA và chi tiết về hoạt động tình báo của cơ quan.

Tài liệu của tòa án cho biết FBI đã thu thập đoạn video quay lại một trong các cuộc họp vào tháng 3/2001, cho thấy các đặc vụ tình báo Trung Quốc MSS trả cho Ma 50.000 USD, số tiền mà ông ta được trả khi chuyển thông tin mật. Không rõ bằng cách nào FBI có được đoạn phim này.

Các công tố viên cho biết Ma sau đó đã nộp đơn xin gia nhập FBI với nỗ lực tiếp tục khai thác và cung cấp thông tin bí mật cho những kẻ đầu sỏ ở Trung Quốc. Năm 2004, ông này được nhận vào làm nhà ngôn ngữ tiếng Trung theo hợp đồng tại văn phòng thực địa Honululu của FBI, được giao nhiệm vụ dịch các tài liệu tiếng Trung. Một ngày trước khi bắt đầu vai trò này, Ma đã gọi điện cho một đồng phạm và nói rằng ông ta sẽ làm việc cho “phía bên kia”, một bản ghi lời khai của FBI cho biết.

Trong sáu năm tiếp theo tại FBI, Ma thường xuyên sao chép, chụp ảnh và đánh cắp các tài liệu mật của Hoa Kỳ, bao gồm nghiên cứu về tên lửa dẫn đường và hệ thống vũ khí. Sau đó, ông ta mang những tài liệu và ảnh bị đánh cắp này trong các chuyến đi thường xuyên đến Trung Quốc để giao cho đặc vụ tình báo MSS xử lý, các công tố viên cho biết. Ông ta thường trở về sau những chuyến đi với hàng nghìn đô la tiền mặt và những món quà đắt tiền, chẳng hạn như một bộ gậy đánh gôn mới.

Một dịp vào tháng 3/2006, đặc vụ Trung Quốc MSS yêu cầu Ma liên hệ với đồng phạm của mình để cung cấp danh tính 5 người được mô tả trong các bức ảnh bị nghi ngờ là người tiết lộ thông tin. Đồng phạm của Ma đã tiết lộ danh tính của hai trong số những người này, theo biên bản lấy lời khai.

Tháng 1/2019, một nhân viên FBI bí mật đóng giả là một sĩ quan đặc vụ MSS đã tiếp cận Ma, sử dụng đoạn phim về cuộc họp năm 2001 trong phòng khách sạn ở Hồng Kông để thuyết phục Ma rằng viên chức này thực sự là người của tình báo Trung Quốc. Trong một cuộc họp, Ma thừa nhận đã làm việc cho MSS, rồi nhận 2.000 USD tiền mặt từ nhân viên FBI đóng giả MSS này – một “phần thưởng nhỏ” nhằm đánh giá cao sự hợp tác của Ma đối với Trung Quốc. Ma cũng đề nghị được tiếp tục làm việc cho tình báo Trung Quốc.

Tại một cuộc họp khác với vị sĩ quan nằm vùng vào ngày 12/8, Ma một lần nữa nhận tiền cho những nỗ lực gián điệp trong quá khứ. Ông cho biết ông ta muốn “tổ quốc” thành công. Ông cũng nói thêm rằng ông ta có thể làm việc cho MSS trong vai trò cố vấn.

Bộ tư pháp Hoa Kỳ trong những năm gần đây đã đệ trình các vụ kiện một số quan chức hiện tại và cựu quan chức Mỹ bị cáo buộc cung cấp thông tin bí mật cho chính quyền Trung Quốc. Năm ngoái, cựu nhân viên CIA Jerry Chun Shing Lee đã bị kết án 19 năm tù sau khi nhận tội cung cấp thông tin mật cho tình báo Trung Quốc sau khi rời cơ quan này vào năm 2010.

“Dấu vết hoạt động gián điệp của Trung Quốc còn dài, và đáng buồn thay, rải rác cũng có các cựu sĩ quan tình báo Mỹ, những kẻ đã phản bội đồng nghiệp, đất nước của họ và các giá trị dân chủ tự do để ủng hộ chế độ cộng sản độc tài,” Trợ lý Bộ trưởng Bộ An ninh Quốc gia John C. Demers nói trong một tuyên bố.

Thỏa thuận hòa bình Israel-UAE ảnh hưởng lớn tới BRI của Trung Quốc

Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) đầy tham vọng của chính quyền Trung Quốc có thể bị ảnh hưởng lớn bởi thỏa thuận hòa bình giữa Israel và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), khi thỏa thuận này giúp làm giảm căng thẳng và mở ra cơ hội hợp tác giữa hai nước, theo The BL.

Israel và UAE hôm thứ Năm (13/8) tuyên bố rằng họ sẽ bình thường hóa quan hệ ngoại giao và xây dựng một mối quan hệ mới cởi mở. Reuters bình luận, đây là một động thái lịch sử có khả năng định hình lại trật tự chính trị Trung Đông.

Theo thỏa thuận được sự hậu thuẫn của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Israel đã đồng ý đình chỉ kế hoạch sáp nhập các khu vực Bờ Tây mà họ đang quản lý. Israel cũng ủng hộ cuộc chiến chống lại chính quyền Iran, lực lượng mà UAE, Israel và Hoa Kỳ coi là mối đe dọa chính ở Trung Đông.

Israel đã ký các hiệp định hòa bình với Ai Cập hồi năm 1979 và Jordan hồi năm 1994. Nhưng UAE, cùng hầu hết các quốc gia Ả Rập khác, không công nhận Israel và cho đến nay không có quan hệ ngoại giao hoặc kinh tế chính thức với quốc gia này. UAE đã trở thành quốc gia Ả Rập tại vùng Vịnh đầu tiên đạt được thỏa thuận như vậy với nhà nước Do Thái.

Mặc dù Israel và UAE đều đã tham gia vào dự án BRI, nhưng liên minh mới của họ có thể làm suy yếu ảnh hưởng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trong khu vực vì sự thay đổi địa chính trị gây ra là sâu rộng và liên quan đến một số quốc gia, Breitbart đưa ra nhận định trong một bài viết đăng ngày 15/8.

ĐCSTQ “có những lợi ích kinh doanh lớn ở Trung Đông mà tôi nghĩ đã bị ảnh hưởng bởi thỏa thuận này”, người dẫn chương trình SiriusXM, Alex Marlow, nói khi thảo luận về tình hình mới ở khu vực Trung Đông trong chương trình do ông phụ trách.

Tuy nhiên, về mặt lý thuyết, ĐCSTQ vẫn có thể trông đợi việc thực hiện thỏa thuận giữa Israel và UAE thất bại, khi đó hai quốc gia này sẽ quay lại tham gia vào BRI của Bắc Kinh.

Ở khu vực Trung Đông Bắc Kinh vẫn đang nắm nhiều lợi thế khi họ có những đồng minh thân cận, ví dụ như Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Syria, ngoài ra, theo The BL, các tổ chức khủng bố khác chẳng hạn như Hezbollah, một số nhóm phiến quân ở Iraq, nhóm vũ trang Palestine Hamas, nhóm vũ trang Jihad, phiến quân Houthi ở Yemen cũng có mối liên hệ mật thiết với chính quyền Trung Quốc.

Nhưng uy tín của Bắc Kinh cũng đã bị giảm sút nghiêm trọng khi lực lượng này bị cáo buộc lừa dối các nước nghèo trong khu vực bằng các bẫy nợ ở các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng BRI. Sau khi “con nợ” mất khả năng thanh toán, Trung Quốc sẽ chiếm quyền kiểm soát các công trình của nước sở tại. Chính phủ Sri Lanka bắt buộc phải giao lại cảng biển Hambantota cho Bắc Kinh kiểm soát trong 99 năm là một ví dụ sinh động.

Ngay cả những quốc gia ở châu Phi, khu vực có nhiều nước nghèo khát vốn, cũng đã tránh xa Bắc Kinh. Tổng thống Tanzania, John Magufuli, đã quyết định hủy khoản vay 10 tỷ USD từ Trung Quốc, dự kiến dùng xây dựng cảng cho đất nước ông, với bình luận rằng “chỉ những kẻ say xin mới chấp nhận được các điều khoản vay” mà Trung Quốc đưa ra, theo HW News.

Điều kiện vay mà Tổng thống John Magufuli đề cập bao gồm điều khoản Trung Quốc phải được đảm bảo khai thác tài chính từ càng mà họ xây cho Tanzania trong vòng 30 năm, đồng thời họ phải được thuê cảng này liên tục trong 99 năm.

Dự báo: Bắc Kinh sẽ sắp phải hứng ‘đòn’ trừng phạt tiếp theo của Mỹ

Làn sóng trừng phạt thứ hai của Mỹ đối với chính quyền Trung Quốc sắp bắt đầu, ở lần này, con cháu của các quan chức trong chế độ đỏ cũng có thể sẽ bị nhắm mục tiêu, theo Epoch Times bản tiếng Hoa.

Ngày 10/8, cảnh sát Hồng Kông đã bắt giữ người sáng lập Next Media Lê Trí Anh (Jimmy Lai) và hai con trai của ông theo luật an ninh quốc gia mới của Trung Quốc. Cùng bị bắt trong ngày hôm đó còn có nhà hoạt động trẻ tuổi Châu Đình và một số nhà hoạt động dân chủ khác.

Một số phương tiện truyền thông Hồng Kông đã dự báo rằng làn sóng trừng phạt thứ hai của Mỹ đối với Hồng Kông sẽ sớm đến, bao gồm cả các lệnh trừng phạt đối với con cháu của của các quan chức ĐCSTQ.

Sau khi ông Lê Trí Anh bị bắt, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo nói rằng ông quan ngại về việc này và việc ông Lai bị bắt càng cho thấy rõ rằng ĐCSTQ đã phá hủy tự do của Hồng Kông.

Theo bản tin ngày 15/8 của Apple Dailly, ông Solomon Yue, phó chủ tịch Tổ chức các vấn đề hải ngoại của Đảng Cộng hòa Mỹ, tiết lộ trên Twitter rằng, do vụ bắt giữ ông trùm truyền thông Lê Trí Anh, vòng trừng phạt thứ hai của Mỹ sẽ sớm đến, và sẽ nhắm vào thế hệ thứ hai và thứ ba của các quan chức trong chế độ đỏ.

Ngày 7/8, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã công bố các lệnh trừng phạt đối với 11 quan chức ĐCSTQ vì đã “phá hoại quyền tự trị và tự do của Hồng Kông”.

Nhà bình luận Vương Hữu Quân nói rằng, các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức cấp cao của ĐCSTQ đã đánh vào “điểm yếu” của tổ chức này.

Trong 41 năm qua, gia đình và con cái của các quan chức cấp cao trong ĐCSTQ đã di cư đến Hoa Kỳ và các nước phương Tây phát triển khác với số lượng lớn, đồng thời họ cũng đã mang theo một lượng tài sản tham nhũng khổng lồ của cha ông họ sang những nước này.

Theo chuyên gia Viên Cung Di, số tiền mà các gia đình quyền lực trong ĐCSTQ chuyển ra nước ngoài có thể lên tới 10 nghìn tỷ đô la Mỹ. Trong đó, phần lớn nhất thuộc về các thành viên trong gia đình cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân, khoảng 1 nghìn tỷ đô la Mỹ.

Nói về việc chính quyền Hồng Kông bắt giữ ông Lê Trí Anh, ông Viên Cung Di cho biết hành động này sẽ khiến ĐCSTQ phải trả giá đắt vì người Mỹ và người Anh vô cùng căm ghét các hành vi đàn áp dân chủ, nhân quyền.

Ngày 13/8, tại một cuộc họp báo ở Nhà Trắng, sau khi phóng viên Epoch Times đề nghị Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cho biết quan điểm về việc chính quyền Hồng Kông bắt giữ ông Lê Trí Anh, ông Trump nói rằng “Tôi nghĩ đây là một chuyện khủng khiếp”, và cho biết thêm “Tôi chán ngán khi chứng kiến ​​những gì đã xảy ra ở Hồng Kông, bởi vì tự do là một điều tốt”.

Đối mặt với việc Hoa Kỳ từ chối cấp thị thực, hủy bỏ thị thực, từ chối nhập cảnh, hủy bỏ tình trạng thường trú nhân (thẻ xanh), hủy bỏ quốc tịch, trục xuất, đóng băng tài sản, ngừng giao dịch, xóa khỏi hệ thống tài chính toàn cầu do Hoa Kỳ lãnh đạo và các biện pháp trừng phạt khác, các quan chức cấp cao của ĐCSTQ, cho dù họ hiện vẫn đang đương nhiệm hay đã nghỉ hưu, cũng như gia đình và con cái của họ, liệu có thể không sợ hãi không?, Epoch Times đặt câu hỏi.

Cựu giáo sư trường đảng Trung Quốc chỉ trích gay gắt ông Tập

Bà Cai Xia (ảnh: Chụp màn hình video của Top Channel Albania)

Một cựu đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đưa ra lời chỉ trích gay gắt đối với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, cáo buộc ông này “hủy hoại một đất nước” bằng các chính sách độc tài và cách phản ứng tai hại trong đại dịch viêm phổi Vũ Hán, theo Infowars.

Người đưa ra chỉ trích này là cựu quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Cai Xia. Bà Cai nói với The Guardian rằng dưới thời ông Tập, ĐCSTQ là một trở ngại cho sự tiến bộ của Trung Quốc.

Bà Cai là một cựu giáo sư nổi tiếng tại Trường Đảng Trung ương của ĐCSTQ. Bà đã bị khai trừ khỏi đảng vào hôm thứ Hai (17/8) vì một đoạn băng ghi âm rò rỉ trên mạng vào tháng Sáu, trong đoạn băng ghi ấm đó bà lên án ông Tập và kêu gọi các đảng viên khác “từ bỏ” hệ thống độc tài hiện tại của Trung Quốc.

“Chúng tôi đã chọn cá nhân này làm lãnh đạo, hoặc có thể nói theo cách khác là, những người đứng đầu [ĐCSTQ] ủng hộ một người như vậy lên vị trí lãnh đạo”, bà Cai nói về việc ĐCSTQ, chứ không phải nhân dân, đã chọn ông Tập làm lãnh đạo. “Việc này cho chúng ta thấy điều gì? Nó cho chúng ta biết rằng hệ thống này sẽ không đi đến đâu. Thật là vô ích để thử và thay đổi hệ thống này. Về cơ bản mà nói, hệ thống này phải bị loại bỏ ”.

“Tôi tin rằng mình không phải là người duy nhất muốn rời khỏi cái đảng này. Nhiều người muốn rút lui hoặc từ bỏ nó. Tôi đã có ý định bỏ đảng từ nhiều năm trước khi tôi không có chỗ để cất lên tiếng nói, ý kiến của tôi đã bị chặn hoàn toàn”, bà Cai cho biết thêm.

Related posts