Cánh Cò
Vụ án 29 người dân Đồng Tâm tuy đã kết thúc nhưng hậu chấn của nó vẫn còn làm người dân tiếp tục bất tín với hệ thống tòa án của Việt Nam.
Mạng xã hội vẫn tiếp tục đưa những bình luận về bản án sau khi EU và các tổ chức nhân quyền thế giới chính thức chống lại hành vi xét xử thiếu công bằng của vụ án đã tiếp sức cho nỗ lực muốn tố cáo vụ án trước cộng đồng quốc tế của nhiều tổ chức trong cũng như ngoài nước.
Để chống đỡ, chính quyền ngay lập tức cho cỗ máy thông tin của đảng hoạt động. Các tờ báo hết sức che chắn cho bản án với nhiều ý kiến giả tạo của người dân khi họ đồng tình trước hai án tử hình và một chung thân cho con cháu ông Lê Đình Kình. Ngay cả sử dụng tiếng nói của hai nhân vật Việt kiều có bằng cấp luật sư cũng được tờ Quân Đội Nhân Dân khai thác.
Trong bài viết có tựa: “‘Quốc tế hóa’ vụ việc Đồng Tâm – một âm mưu gian trá, vô lương tâm” tờ báo đã trích lời ông Luật Sư Hoàng Duy Hùng, cư ngụ tại Houston, Texas, vốn ai ở Mỹ cũng đều biết là một tay gian hùng chính trị, trước đây chống Cộng triệt để nay trở mặt chống lại bất cứ ý kiến nào phản đối nhà nước Việt Nam. Ông Hùng nhai lại câu nói của Thiếu Tướng Tô Ân Xô và cho rằng: “Cách làm của ông Kình là vô luật pháp, ông này tự biến mình thành cường hào, địa chủ, lãnh chúa trong Đồng Tâm.”
Một ông nữa ở Đức, tuyên bố là nhiều năm làm việc trong hệ thống tòa án Đức và trong vai trò là một luật gia, ông Hồ Ngọc Thắng, được tờ báo Quân Đội Nhân Dân trích lời: “Tôi cũng cực lực lên án những kẻ lợi dụng làm phức tạp sự việc Đồng Tâm để vu khống, xuyên tạc đảng, nhà nước. Họ gọi đó là ‘vụ thảm sát Đồng Tâm,’ ‘chỉ có kẻ thù mới cho quân nổ súng vào dân’… Đặt vấn đề kiểu mập mờ như vậy là không ổn. Hoạt động của ông Kình và đồng bọn không phải là ‘bất bạo động’ mà là khủng bố.”
Chừng như muốn phụ họa với hai con két này một đàn két khác mang tấm bằng luật sư trên ngực lại phấn khởi đưa ra những ý kiến hoàn toàn trái ngược lại với những quy tắc tòa án mà họ học được ở trường.
Họ là Luật Sư Nguyễn Văn Chiến, phó chủ tịch Liên Đoàn Luật Sư Việt Nam. Luật Sư Nguyễn Hồng Toán, nguyên chủ tịch Hội Luật Gia Tây Hồ. Luật Sư Nguyễn Trung Tiệp, Luật Sư Hà Huy Từ, Luật Sư Trương Quốc Hòe, Luật Sư Bùi Thị Mai, Luật Sư Nguyễn Huy Long, Luật Sư Hoàng Văn Hướng…
Lập luận của họ về vụ án gần như giống nhau khi khẳng định: “Về bản án mà nói, mang tính nghiêm khắc nhưng mà bảo đảm tính pháp chế, đồng thời mang tính nhân văn, khách quan, mang yếu tố pháp luật khoan hồng. Việc chuyển đổi tội danh giảm án cho 19 bị cáo thể hiện sự nhân văn tạo cơ hội làm lại cho các bị cáo. Phiên tòa cũng đảm bảo việc tranh tụng giữa các bên. Các mức án tòa đưa ra là hoàn toàn hợp lý. Đề nghị truy tố của Viện Kiểm Sát đúng người đúng tội và mang tính nhân văn sâu sắc. Việc xét xử vụ án diễn ra theo đúng trình tự và quy định của pháp luật, một phiên tòa công minh, nghiêm khắc, đồng thời đảm bảo tính nhân văn và khoan hồng. Các bị cáo đều bày tỏ ăn năn, hối lỗi đồng thời xin lỗi gia đình bị hại. Riêng với cái vụ việc ở Đồng Tâm đây thì những người thực thi công vụ có thể nổ súng.”
Nhà văn Phạm Thị Hoài khi đưa lại thông tin này chỉ thở dài và buông một câu: “Không ý kiến.”
Đúng là không thể có ý kiến hay tranh luận gì với một đàn két, mặc dù khoác áo luật sư nhưng tư tưởng chỉ mang một loại đồng phục và hoàn toàn không biết hai chữ công lý là gì.
Trong khi 13 luật sư biện hộ không công cho 29 nạn nhân Đồng Tâm ngày đêm vắt óc, bỏ công tiếp xúc với các “bị can” cho tới khi phiên tòa mở ra chính họ là những người đem thông tin bên trong cũng như phía sau phiên xử cho người dân cả nước theo dõi trên mạng xã hội. Việc làm của họ giúp người dân được biết những câu chuyện mà chỉ tòa án Việt Nam mới có.
13 luật sư tham gia bảo vệ quyền lợi của bị can tuy biết rất rõ là nỗ lực của họ trước sau cũng thất bại vì bản án đã được chỉ đạo nhưng họ không màng tới, cái chính yếu khi họ nhận lời làm việc cho các nạn nhân là thông tin những sai trái của cơ quan điều tra và của tòa án trước bản án này.
Mạng xã hội có lẽ là nguồn lực mạnh mẽ nhất giúp cho người dân thấy được tính chất đen tối của vụ án. Mới đây nhất là bức thư của Tiến Sĩ Tô Văn Trường, một trí thức luôn lên tiếng một cách cẩn trọng trước các hành vi sai trái của chính quyền từ trung ương tới địa phương. Tiến Sĩ Trường tuy gửi cho Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc nhưng nội dung chừng như soi sáng cho các thế lực đen tối muốn che chắn tội ác của vụ án như những bình phong mang tên truyền thông và luật sư.
Tiến Sĩ Tô Văn Trường yêu cầu làm rõ “Về tính hợp pháp của cuộc trấn áp: Căn cứ vào đâu? Tại sao trả lời của Bộ Công An thay đổi lý do đến ba lần? (lần đầu là bảo vệ mục tiêu xây dựng hàng rào đất sân bay Miếu Môn cách làng Hoành 3 km; lần hai nói là đi tuần tra bị tấn công; lần ba là bảo vệ chốt …
-Rất nhiều ý kiến cho rằng việc ba chiến sĩ cùng rơi xuống giếng trời là vô lý; việc đổ xăng vào hố để đốt ba chiến sĩ càng không thuyết phục được dư luận.
-Việc hành quyết cụ Kình tại nhà riêng, sau đó mổ xác chính là điểm bức xúc cao độ của dư luận trong và ngoài nước, rất nhạy cảm trong thời điểm hiện nay.
-Phiên tòa cần thực hiện tranh tụng thật sự, bảo đảm dân chủ. Cần thực hiện đúng các nguyên tắc xét xử ‘suy đoán vô tội,’ ‘trọng chứng hơn trọng cung.’ Tuyệt đối không được dùng nhục hình để ép cung.”
Đây là những nguyên tắc mà một luật sư có kiến thức và lương tâm phải nắm rõ khi quan sát vụ án. Những chuẩn mực về tiến trình, bằng chứng, kết quả điều tra, ép cung, bức cung đã lộ rõ như ban ngày tại tòa nhưng những luật sư bênh vực cho tòa án hoàn toàn không nhìn thấy bởi họ đang làm một công tác khác sau khi vụ xử kết thúc: Che chắn cho tội ác bằng tấm bằng luật sư của chính mình.
VTV cũng phát hành bản tin về vụ án trong đó ca ngợi hai án tử hình và một án chung thân là “nhân văn và hợp tình hợp lý.” Nhà báo Châu Đoàn viết trên trang Facebook của mình: “Một vụ án, hai án tử hình với 29 bị cáo mà vội vàng gói trong ba ngày, bỏ qua yêu cầu về thực nghiệm hiện trường, hạn chế việc tiếp xúc với bị can tới tối đa, chứng cớ đưa ra thì mập mờ, vô lý. Một bản án đầy tính áp đặt của độc tài vậy mà truyền hình đưa tin là ‘nhân văn.’ Đấy là kiểu nhân văn của sói đàn. Một sự nhân văn mồm mép bọc ngoài sự man rợ.”