Tin thế giới trưa Chủ Nhật: Ông Tập: Chính sách đàn áp Tân Cương là ‘hoàn toàn đúng đắn’

Ông Tập: Chính sách đàn áp Tân Cương là ‘hoàn toàn đúng đắn’ 

Tại cuộc họp cấp cao nhất liên quan đến vùng viễn tây – Hội nghị chuyên đề Trung ương lần thứ ba về Công tác Tân Cương – hôm thứ Bảy, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố các chính sách của ĐCSTQ ở Tân Cương là “hoàn toàn đúng đắn và phải thực hiện trong thời gian dài”, bất chấp làn sóng phản đối ngày càng tăng của quốc tế về các cáo buộc vi phạm nhân quyền trong khu vực, theo SCMP.

Trung Quốc bị cáo buộc đã giam giữ ít nhất 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số Hồi giáo khác trong các trại thực gia, cưỡng chế tẩy não và lao động cải tạo đối với họ.

Bắc Kinh đã bác bỏ cáo buộc và khẳng định những trại này chỉ là “trung tâm dạy nghề”, nơi mọi người được giáo dục và đào tạo để cải thiện triển vọng việc làm và chống lại chủ nghĩa cực đoan tôn giáo.

Thế giới cần biết nguồn gốc của COVID-19, Thủ tướng Úc nói với LHQ

Phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hôm thứ Bảy (26/9), Thủ tướng Úc Scott Morrison cho biết một cuộc điều tra nguồn gốc virus sẽ giảm thiểu mối đe dọa xảy ra một đại dịch toàn cầu khác, theo Reuters.

Bình luận của ông Morrison được đưa ra nối tiếp những bình luận tương tự của vị thủ tướng hồi đầu năm khiến mối quan hệ Trung-Úc rơi vào rạn nứt.

Vào thời điểm đó, ông đã dẫn đầu trào lưu điều tra nguồn gốc COVID-19 toàn cầu. Trung Quốc phản đối mạnh mẽ động thái này, khi đại sứ Bắc Kinh tại Canberra cảnh báo các yêu cầu điều tra có thể làm ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ thương mại hai nước.

Kể từ đó, Trung Quốc đã áp đặt các lệnh trừng phạt thương mại đối với Úc. Nó đã đình chỉ nhập thịt bò và áp thuế 80,5% đối với lúa mạch nhập khẩu từ Úc. Trung Quốc cũng đã  phát động một cuộc điều tra chống bán phá giá đối với rượu vang nhập khẩu của Australia.

Đông Nam Á sẽ vượt Trung Quốc trở thành nhà sản xuất laptop hàng đầu thế giới

Đông Nam Á sẽ sản xuất một nửa số máy tính xách tay cá nhân trên thế giới vào năm 2030, trong đó Việt Nam và Thái Lan được coi là trung tâm sản xuất chính, theo Viện Tư vấn & Trí tuệ Thị trường (MIC) – một tổ chức tư vấn của chính phủ Đài Loan, theo Asian Nikkei Review.

Theo MIC, khu vực này sẽ thay thế Trung Quốc để trở thành trung tâm sản xuất máy tính xách tay. Chi phí lao động ngày càng tăng của Trung Quốc và mong muốn giảm thiểu sự phụ thuộc quá mức vào một khu vực được cho là sẽ thúc đẩy sự chuyển dịch sang Đông Nam Á.

Thị trường máy tính xách tay toàn cầu đang ở mức 160 triệu chiếc vào năm ngoái. Trung Quốc đang phụ trách 90% sản lượng, trong khi Đông Nam Á chỉ đảm nhận một phần nhỏ. Với xu thế mới, MIC dự đoán thị phần sản xuất máy tính xách tay của Trung Quốc sẽ giảm từ 90% xuống còn 40% vào năm 2030.

Mỹ trừng phạt nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc SMIC

Ảnh chụp màn hình Youtube/CGTN

Gã khổng lồ công nghệ do Bắc Kinh hậu thuẫn phủ nhận cáo buộc của Washington rằng có mối liên kết với quân đội đại lục.

Mỹ đã áp đặt các hạn chế xuất khẩu đối với nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc SMIC, tuyên bố rằng tồn tại “rủi ro không thể chấp nhận được” thiết bị cung cấp cho SMIC có thể được dùng cho mục đích quân sự của Bắc Kinh, theo Reuters.

Các nhà cung cấp linh kiện nhất định cho SMIC giờ đây sẽ phải xin giấy phép xuất khẩu cá nhân, theo một lá thư từ Bộ Thương mại Mỹ đề ngày thứ Sáu mà Reuters thu thập được.

Các công ty Hoa Kỳ bao gồm Lam Research, KLA Corp và Applied Materials, chuyên cung cấp thiết bị sản xuất chip, hiện có thể cần phải xin giấy phép để bán một số hàng hóa nhất định cho SMIC.

SMIC, nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất của Trung Quốc, là trọng tâm tham vọng của Bắc Kinh trong việc xây dựng một ngành công nghiệp bán dẫn trong nước có tính cạnh tranh và giảm sự phụ thuộc của nước này vào các nhà cung cấp nước ngoài, theo Nikkei Asian Review.

Trước đó SMIC đã đang đẩy nhanh nỗ lực xây dựng dây chuyền sản xuất bên ngoài nước Mỹ sử dụng công nghệ sản xuất chip 40 nanomet, và đang tìm cách xây dựng dây chuyền sản xuất 28 nanomet cao cấp hơn trong ba năm tới. SMIC hiện chủ yếu phụ thuộc rất lớn vào linh kiện chip của Mỹ trong các hoạt động sản xuất hàng ngày. Việc mất quyền tiếp cận các nhà cung ứng Mỹ có thể khiến năng lực công nghệ của công ty này bị lùi lại 10 năm.

Washington đã thắt chặt các quy tắc kiểm soát xuất khẩu của mình đối với Huawei, tập đoàn công nghệ lớn nhất Trung Quốc, bằng cách yêu cầu tất cả các nhà cung cấp toàn cầu phải xin giấy phép trước khi cung hàng cho Huawei nếu việc phát triển hoặc sản xuất của họ bao hàm bất kỳ công nghệ nào của Mỹ. 

Ngoài Huawei và các tổ chức liên kết của nó, chính phủ Mỹ cho đến nay đã đưa khoảng 70 công ty, tổ chức và trường đại học Trung Quốc vào danh sách đen – Danh sách thực thể – để hạn chế việc tiếp cận công nghệ Mỹ, theo thống kê của Asian Nikkei Review. Tính riêng trong năm ngoái, bên cạnh Huawei, có đến hơn 40 công ty Trung Quốc đã bị đưa vào danh sách thực thể.

Hồi tháng 8, Bộ Thương mại Mỹ đã lấy ý kiến ​​công chúng về việc có nên thắt chặt hơn nữa các quy tắc kiểm soát xuất khẩu liên quan đến các thiết bị sản xuất chip và các công nghệ nhạy cảm khác, chẳng hạn như laser hay không.

Phản hồi trước sự việc, SMIC cho biết họ chưa nhận được bất kỳ thông báo chính thức nào về các hạn chế và phủ nhận việc có dính líu với quân đội Trung Quốc, theo Reuters. 

Kỷ lục số người Hồng Kông đăng ký hộ chiếu hải ngoại Anh

Người Hồng Kông nộp đơn xin cấp hộ chiếu hải ngoại Anh (BNO) gia tăng kỷ lục vào năm 2019, gấp 8 lần so với 2018, trong bối cảnh các cuộc biểu tình dân chủ làm rung chuyển thành phố tự trị.

Sự gia tăng kỷ lục đơn đăng ký có thể do dự thảo luật dẫn độ được Bắc Kinh đưa ra hồi năm ngoái, nếu được thông qua sẽ làm xói mòn nền dân chủ tại thành phố tự trị. Số lượng đơn đăng ký duy trì ở mức cao trong nửa đầu năm 2020 trước quyết định ban hành luật an ninh mới hà khắc. 
Số liệu do SCMP thu thập được thông qua Đạo luật tự do thông tin của Anh cho thấy tổng số hộ chiếu được cấp trong năm 2019 đã tăng vọt lên 154.218, gần gấp 8 lần so với năm ngoái.

Hộ chiếu hải ngoại Anh BNO (ảnh chụp màn hình Youtube/SCMP).

Ông Trump chính thức đề cử thẩm phán Tòa án Tối cao

Tổng thống Donald Trump hôm thứ Bảy đã đề cử nữ thẩm phán theo phái bảo thủ Amy Coney Barrett vào Tòa án Tối cao, thay thế nữ thẩm phán Ruth Bader Ginsburg theo phái tự do vừa qua đời gần đây, theo Reuters.

Nếu được Thượng viện xác nhận, bà Barrett sẽ trở thành người phụ nữ thứ năm từng giữ vị trí trong Tòa án Tối cao và sẽ đẩy số thẩm phán theo khuynh hướng bảo thủ so với phái tự do lên chiếm đa số với tỷ lệ 6/3.

Với việc số nghị sĩ đảng Cộng hòa chiếm đa số trong Thượng viện, quyết định này của ông Trump gần như chắc chắn sẽ được thông qua, tuy rằng phía Dân chủ có thể cản trở quá trình này hết mức có thể. 

Từ conservative thường được dịch là “bảo thủ” trong tiếng Việt và có thể gây hiểu nhầm nghĩa, trong khi từ này có hàm nghĩa là là bảo vệ, duy trì các giá trị truyền thống như tín ngưỡng, phản đối quan hệ đồng tính, phản đối phá thai… Tại Mỹ, những người conservative thường là các đảng viên Cộng hòa và những người ủng hộ đảng Cộng hòa. Đối lập với trường phái này là liberal, thường được dịch là “tự do”, với những quan điểm phản truyền thống như ủng hộ hôn nhân đồng tính, ủng hộ phá thai. (chi tiết)

Related posts